Hôm nay,  

Tưng Bừng Trung Thu

14/09/201600:00:00(Xem: 2895)
Vậy là tới Trung Thu nữa rồi. Chính xác là tuần này. Nói đúng rằng tháng tám âm lịch, Tết Trung Thu năm nay là ngày 15/9/2016 dương lịch. Lại thêm một năm đầy nỗi lo, nhưng cũng có một ngày cho bọn trẻ vui chơi, cho người lớn hồi tưởng.

Một trong những ca khúc đã trở thành bất tử trong mùa Trung Thu là bài Rước Đèn Tháng Tám của nhạc sĩ Văn Thanh, với những câu tuyệt vời như sau:

Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bươm bướm
Em rước đèn này đến cung Trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng
Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu…

Nhưng nói chuyện Tết Trung Thu là nói chuyện về chị Hằng Nga, và hình ảnh chú Cuội ngồ chống cằm ngó lên chị Hằng.

Không biết hồi xưa ông bà mình có sự tích gì lạ hay không, tự nhiên vẫn có những câu ca dao rất hay, nhưng chuyện kể trong các câu văn chương truyền khẩu này vẫn như mơ hồ, như ca dao về Chú Cuội:

Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,
Để trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.
Cha còn cắt cỏ trên trời,
Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ông thời cầm bút cầm nghiên,
Ông thời cầm tiền đi chuộc lá đa…

Nhưng khi tới nhạc sĩ Lê Thương, hình ảnh chú Cuội trở nên gần gũi với trẻ em, khi nhạc sĩ dạy các trẻ em hát lên ca khúc để mời Chú Cuội từ cung trăng về lại trần gian:

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ
Lặng im ta nói Cuội nghe
Ở cung trăng mãi làm chi
Bóng trăng trắng ngà có cây đa to
Có thằng Cuội già ôm một mối mơ…

Cũng tuyệt vời thơ mộng là một ca khúc về Tết Trung Thu của nhạc sĩ Ngọc Lễ. Đó là ca khúc "Cắc tùng cắc tùng" trong đó có những câu tuyệt vời thơ mộng và vui nhộn:

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn thiên nga với đèn bướm bướm
Em rước đèn này đến cung trăng
Đèn xanh lơ với đèn tím tím
Đèn xanh lam với đèn trắng trắng…

Có người thắc mắc tại sao giữ mãi Tết Trung Thu xuất phát từ đàn anh Phương Bắc? Thiệt ra, theo nhiều nhà sử học, Tết Trung Thu có nguồn gốc từ Việt Nam xa xưa…

Tự điển Bách khoa Mở ghi nhận:

"Tết Trung Thu theo Âm lịch là ngày Rằm tháng 8 hằng năm, đây đã trở thành ngày tết của trẻ em (Tết Thiếu nhi), còn được gọi là Tết trông Trăng hay Tết Đoàn viên. Trẻ em rất mong đợi được đón tết này vì thường được người lớn tặng đồ chơi, thường là đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân, súng phun nước, tò he,... rồi bánh nướng, bánh dẻo. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa sư tử, múa rồng để các em vui chơi thoả thích.

Tết Trung Thu là lễ hội tại các quốc gia Đông Á như Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên, ngày này cũng là ngày nghỉ lễ quốc gia tại Đài Loan, Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc…

Cho đến bây giờ, vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa. Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu đó là Hằng Nga và Hậu Nghệ, vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Theo các nhà khảo cổ thì hình ảnh về Trung thu đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Người Trung-Hoa cổ-đại cho rằng Tết Trung Thu bắt nguồn từ thời Xuân-Thu. Có lẽ Trung thu được bắt đầu từ nền văn minh lúa nước của đồng bằng Nam Trung Hoa và đồng bằng châu thổ sông Hồng của Việt Nam, là một ngày lễ hội mừng thu hoạch được mùa, vào lúc nông dân nghỉ-ngơi và vui chơi sau một vụ mùa….

…theo Phan Kế Bính, tục hát trống quân do từ đời vua Quang Trung Nguyễn Huệ, "nguyên khi ông đem quân ra Bắc. Quân sĩ lắm kẻ nhớ nhà. Ông ấy mới bày ra một cách cho đôi bên giả làm trai gái, hát đối đáp với nhau để cho quân sĩ vui lòng mà đỡ nhớ nhà. Có đánh trống làm nhịp, cho nên gọi là trống quân"…"

Thực ra, bây giờ Tết Trung Thu là quốc tế rồi, cũng là mùa Việt kiều gửi tiền về giúp thân nhân, và cũng là mùa kinh doanh, hốt bạc. Hãy hình dung, nếu bỗng nhiên không chơi Tết Trung Thu nữa, sẽ có hàng chục ngàn người thất nghiệp vì không làm bánh Trung Thu nữa, không làm đèn Trung Thu nữa, và trẻ em sẽ buồn hơn cả Chú Cuội vậy.

Xin chúc tất cả quý độc giả một mùa Trung Thu vui, an lành, thơ mộng…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.