Hôm nay,  

Chờ Luật Biểu Tình

30/07/201600:00:00(Xem: 3212)
Đêm qua ra đứng chờ ai,
Trông cá, cá lặn; trông sao, sao mờ.
Buồn trông con nhện giăng tờ,
Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai?
Buồn trông chênh chếch sao mai,
Sao ơi, sao hỡi nhớ ai sao mờ...

Đó là ca dao, là lời ông bà mình kể về nỗi chờ đợi.

Nhưng đồng bào mình trong kiếp này lại chờ Luật Biểu Tình hoài tới mệt mỏi.

Sẽ có Luật này? Thế giới đã có Luật Biểu Tình, dân chúng thế giới (hầu hết, chỉ trừ các nước bạn của Hà Nội) đều được niềm vui biểu tình... nhưng rồi lại bị cấm biểu tình.

Nói như thế, không có nghĩa là không có nghĩa là tất cả quan chức đều kiên trung bịt miệng dân, cấm ngặt biểu tình.

Bản tin RFA kể rằng có nhiều đại biểu Quốc hội mong muốn sớm soạn thảo Luật biểu tình.

Bản tin RFA kể rằng trong phiên thảo luận sáng ngày 26 tháng 7-2016, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa có nhắc đến Luật biểu tình, nói rằng Luật biểu tình là cần thiết nhằm triển khai Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân.

Nhiều đại biểu khác cũng có cùng ý kiến trên, là sớm đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình xây dựng luật.

Ông Trương Trọng Nghĩa có dẫn dụ cụm từ “quyền hội họp” của Hiến pháp 1946 để nói rằng biểu tình cần được hiểu đúng với quyền con người được nhắc đến trong hiến pháp 2013.

Điều được ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh trong phiên thảo luận đó là cần phân biệt rõ những kẻ lợi dụng quyền biểu tình hay quyền tự do biểu tình để chống phá nhà nước, gây mất an toàn cho xã hội.

Luật biểu tình đã nhiều lần được đưa ra thảo luận, soạn thảo, rồi lại rút ra khỏi chương trình làm luật.

RFA cũng nhắc lời bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sau khi tái đắc cử đã trao đổi với báo chí rằng sẽ “không lùi vô hạn luật biểu tình”.

Nhưng bà đã chơi kiểu tiến một bước để lùi hai bước:

“Tuy nhiên bà cũng nói thêm rằng cần phải xây dựng Luật biểu tình đảm bảo lợi ích của dân và cả nước; người dân tham gia biểu tình phải đúng pháp luật và tuân thủ pháp luật.”

Phải chăng, bà Ngân muốn ém Luật Biểu Tình?

Tuy nhiên, một bản tin từ Báo Đất Việt cho thấy có vẻ như sẽ có Luật Biểu Tình vào năm 2018.

Bản tin ĐV có tựa đề nêu rõ nỗi chờ đợi của người dân “ĐBQH: Hãy trả nợ dân món nợ Luật biểu tình” trong đó ghi lời rào trước đón sau của một đại biểu từ Sài Gòn, ông ĐBQH Trương Trọng Nghĩa:

“...khẳng định, biểu tình là quyền hiến định được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, không có lý do gì để chậm trễ xây dựng và ban hành Luật Biểu tình.

Theo ông Nghĩa, biểu tình cần được hiểu theo nghĩa rộng theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013 là tụ họp hoà bình, bao gồm tụ họp văn hoá thể thao, du lịch; tụ họp để bày tỏ nhu cầu, chính kiến, nguyện vọng…

“Tính công khai và tập trung là 2 đặc trưng chủ yếu của quyền này, không được xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, của xã hội và đất nước.

Đây là quyền hiến định với quy định của Hiến pháp nên trước hết chúng ta phải làm luật để tạo hành lang cho nhân dân thực hiện quyền này, nhà nước thực hiện trách nhiệm quản lý, chưa có luật là Nhà nước nợ nhân dân.

Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây từng nhấn mạnh, chúng ta vẫn hạn chế quyền con người, trong đó có quyền biểu tình, bằng văn bản dưới luật như hiện nay là trái với Hiến pháp”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Phát biểu thêm về dự án luật này, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng, đưa Luật Biểu tình vào Quốc hội khoá XIII là đúng đắn, nhờ đó đến nay chúng ta nhận diện được nhiều vấn đề phức tạp của luật này để tập trung giải quyết.

“Theo nguyên tắc quản lý Nhà nước một cách khoa học và văn minh, quan hệ nhà nước càng phức tạp thì càng cần giải quyết bằng luật. Chúng ta đã và đang quản lý bằng luật các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền đình công, bãi công, quyền tự do tín ngưỡng, bí mật đời tư…

Vậy thì không có lý do gì mà không thể và không sớm làm luật để bảo đảm quyền tụ họp hoà bình của nhân dân. Đề nghị đưa vào kỳ họp 4 năm 2017 và thông qua vào kỳ họp 5 hoặc 6 vào năm 2018”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị...”

Than ôi, có phải “đã và đang quản lý bằng luật các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền đình công, bãi công, quyền tự do tín ngưỡng...”?

Nếu như thế, Luật Biểu Tình sẽ viết theo một hình thức rất là chặt chẽ, để không ai có thể biểu tình bất ngờ? Thí dụ, muốn biểu tình phải xin phép trước 10 ngày, và không được quyền biểu tình nơi công cộng trong thành phố... để rồi sẽ chỉ được tự do biểu tình nơi góc rừng, ven biển?

Bản tin VietnamNet ghi cụ thể về thời hạn qua bản tin “Tiếp tục lùi luật Biểu tình đến hết 2017”...

Bản tin ghi lời ông Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Lê Minh Thông trình bày trước UB Thường vụ QH tờ trình dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2017, điều chỉnh chương trình cuối 2016:

“...Theo đó, dự án luật Biểu tình sẽ chưa được đưa vào chương trình làm việc của QH từ nay đến hết năm 2017.”

Nghĩa là, nếu có, phải từ 2018 trở đi. Lại chờ... Lịch sử có chờ ai bao giờ đâu nhỉ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lúc nào cũng có nan đề với bệnh viện… Sức khỏe người dân đầy những lo âu…
Cháy lớn ở Hóc Môn… may không ai tử vong…
Dân số ngày càng tăng… thành phố Sài Gòn ngày càng thiếu đất…
Thế là nổ cả trăm bình gas… Cả khu phố kinh hoàng…
Quốc lộ cũng sạt lở… Xuất hiện thêm vết nứt trên Quốc lộ 91…
Hành khách vắng dần trên các chuyến tàu xe lửa… thế là phải giảm giá vé để mời gọi người đi.
Văn bằng giả… Đào tạo kém chất lượng… Hễ có tiền là mua bằng dễ dàng… Đại học Việt Nam nhiều vấn đề nhức nhối…
Kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi một phần nhờ chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc…
Ngư dân và tàu cá mất tích trên biển… Ngậm ngùi, chẳng thấy tint ức gì.
Sụp hội trường Ủy ban Nhân dân Thị trấn… may quá, lúc sáng sớm, chưa ai tới làm việc,… ai xây mà dỏm vậy kìa, chắc có ai ăn chận xi măng …
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.