Hôm nay,  

Thuế Vụ Tố Hải Quan

14/07/200000:00:00(Xem: 7281)
Bạn,
Cách đây hơn 1 tuần, tại Sài Gòn, một cuộc hội thảo về hoạt động xuất nhập cảng tại VN đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN tổ chức với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp nội địa và các công ty liên doanh, công ty có vốn 100% nước ngoài. Điểm nóng của cuộc hội thảo là các doanh nghiệp đã xoay mũi dùi tố cáo các đội Hải quan CSVN tại các thương cảng đã công khai đòi “tiền bồi dưỡng”. Hai chữ “bồi dưỡng” mà giới thương gia dùng chỉ là một cách gọi nhẹ nhàng để thay thế cho hai chữ hối lộ. Ý kiến chung của các giám đốc nêu ra tại hội thảo có thể tóm tắt như sau: trước đây, hải quan than là chỉ được giữ lại 10% tổng số lệ phí mà doanh nghiệp đóng, do đó mới sinh ra nạn “tiêu cực phí”, thế nhưng sau khi đã có thông tư liên bộ số 45/2000 điều chỉnh tỷ lệ dành cho Hải quan lên 35% nhằm chấm dứt tệ nạn đòi bồi dưỡng, tình trạng nhân viên Hải quan gây khó khăn, sách nhiễu, đòi tiền các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

Không chỉ có các doanh nghiệp than van, ngay cả tổng cục trưởng Tổng cục Thuế CSVN Trần Xuân Thắng cũng phải lên tiếng là ngành Hải quan CSVN đã đòi hỏi quá nhiều về quyền lợi. Mời bạn nghe những nhận xét của viên tổng cục trưởng này về Hải quan CSVN theo ghi nhận của báo Kinh tế Sài Gòn.

Theo lời ông Trần Xuân Thắng, cho đến trước khi Thông tư 45% ra đời, 10% lệ phí hải quan được bù đắp chi phí cho ngành hải quan, 90% còn lại được nộp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, dư luận xã hội phản ánh tiêu cực phí quá nặng mà doanh nghiệp phải nộp cho nhân viên hải quan một cách không chính thức. Mặt khác, trong nhiều kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã đề nghị chấm dứt những khoản tiêu cực phí, nâng lệ phí hải quan để bù đắp cho những nhân viên làm việc ngoài giờ, doanh nghiệp sẽ không phải nộp thêm bất cứ phí khoản nào ngoài quy định. Trên tinh thần đó, bộ Tài chánh và Tổng cục Hải quan đã thỏa thuận và ban hành mức lệ phí mới. Ông Thắng nói: Thực ra mức phí nêu trong thông tư 45 đã được giảm nhiều so với mức đề nghị của cục Hải quan.

Theo ông Thắng, 35% tổng lệ phí mà hải quan được phép giữ lại là quá cao. Ông phân tích: nhân viên hải quan đã nhận lương hàng tháng, họ chỉ được trích một phần từ lệ phí, không thể trích hết. Hải quan đòi cao hơn là vô cùng, biết bao nhiêu cho đủ " Thu nhập của nhân viên hải quan không thể vượt quá mức thu nhập chung của toàn xã hội. Hiện nay, số tiền trích từ lệ phí mà ngành hải quan được phép giữ đã cao hơn trước tính theo số tuyệt đối. Trong trường hợp hải quan địa phương cho rằng mức đó vẫn còn thấp, chưa tương xứng với công sức nhân viên làm thêm ngoài giờ, họ phải làm thêm văn bản kiến nghị tổng cục Hải quan và tổng cục là người tính toán lại. Còn ngân sách nhà nước từ chỗ được thu 90% nay rút xuống còn 65% đã là sự nhân nhượng.

Bạn,
Cũng theo báo Kinh tế Sài Gòn, người đứng đầu tổng cục Thuế đã phải thừa nhận: tinh thần của thông tư là chấm dứt tiêu cực phí, nhưng việc thực hiện như thế nào tinh thần trên, phụ thuộc rất nhiều vào sự kiểm tra của ngành hải quan và sự tự giác của các nhân viên các cửa khẩu. Có thể tiêu cực phí trắng trợn bớt đi, nhưng tiêu cực phí ngấm ngầm thì vẫn còn. Nếu điều này xảy ra, rõ ràng chúng tôi và tổng cục Hải quan chưa cân nhắc được diễn biến thực tế. Chính sách ban hành ra, như vậy không phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhưng mức độ không phù hợp tới mức nào, chỉnh sửa ra sao, còn phải qua thực tế kiểm nghiệm mới biết được”. Trần Xuân Thắng mới nêu ra giả thiết, nhưng trong thực tế, thì tệ nạn Hải quan đòi hối lộ vẫn diễn ra hàng ngày trên các thương cảng VN.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.