Hôm nay,  

Mĩn Ăn Tàu, Tây

22/06/199900:00:00(Xem: 7399)
Bạn,
Trong một phóng sự của Tạp chí Kinh doanh quốc tế viết về đời sống ở Việt Nam, đã ghi nhận như sau: các thành phố lớn ở VN tồn tại hai hiện trạng nghịch lý: quá nhiều hành khất và cũng quá nhiều quán ăn, từ các quán lề đường cho đến các tiệm ăn sang trọng. Bài viết cũng đề cập đến các món ăn phương Đông và phương Tây tại một số khu vực ở Sài Gòn, Huế, Hà Nội. Riêng với Sài Gòn, chuyện ẩm thực cũng đang là đề tài ký sự cho nhiều báo trong nước: các món ăn ở quán cóc, quán bên đường cho đến các loại đặc sản tại các tụ điểm ăn chơi, đã trở thành “dữ liệu” cho các bài viết về ăn uống, và hấp dẫn nhất vẫn là các món ăn Tàu, Tây như nội dung đoạn ghi chép sau đây trích từ báo Sài Gòn:
Tại TP. Sài Gòn, những món ăn của người Hoa thường tập trung vào khu vực Chợ Lớn, Q.5, Q.6 rồi lan ra các quận, phố, phường khác, như: há cảo, vằn thắn, hoành thánh; ngoài ra còn có rất nhiều món cao cấp khác thường kèm theo các bài vị thuốc Bắc tẩm bổ như “gà áo tìm”, “bồ câu chưng”... Những món này chỉ nghe sơ qua tên gọi cũng đủ thấy rặt mùi tẩm bổ, thế nhưng nếu không rành và thiếu chuẩn bị, chắc chắn bạn sẽ không khỏi lúng túng, vì không biết chọn món nào cho phù hợp với túi tiền lẫn khẩu vị của mình...
Cùng với những món ăn phổ biến trên, thì lẩu Thái là món thường gặp trong bảng thực đơn ở các nhà hàng. Một bồi bàn ở quán Phi Mã trên đường Lê Đại Hành cho biết: “Thỉnh thoảng quán cũng có người nước ngoài đến ăn uống, nhưng từ trước đến nay chẳng thấy ông Xiêm bà Thái nào gọi món lẩu chính gốc của mình. Khách ta nếu gọi lẩu Thái cũng chỉ gọi một vài lần rồi đổi “gu” vì nó... cay quá”. Thật ra món lẩu Thái cũng như lẩu Việt thông thường, nguyên liệu gồm cá lóc, hay cá bông lau, có khi là tôm, mực... ăn kèm rau muống. Có khác nhau chăng là cách chế biến nồi nước lèo, nước lẩu phải có thật nhiều ớt và sả, thứ nước càng cay càng “đạt”, nhưng nếu cay quá thì thực khách xứ mình chỉ có ngồi mà... vớt cái! Chính vì vậy mà nhiều nhà hàng khi phục vụ món lẩu này cho khách xứ ta thường phải gia giảm vị cay để khách có khi còn gọi tới. Một chuyên gia ăn uống, đã từng đi nhiều nước, sau này về mở nhà hàng Thái ở hồ Kỳ Hòa cho biết: “Các món ăn của mỗi dân tộc đều mang nét đặc trưng riêng của nó, nhưng người dùng vẫn phân biệt được ngon dở của mỗi món ăn, trung thực mà nói, lẩu Thái mà so với lẩu cá kèo rau đắng, lẩu bò, lẩu dê thông thường, hay lẩu mắm ăn kèm rau đồng của xứ ta, thì chỉ đứng xa mà ngó”.

Cà ry Ấn là món ăn truyền thống của người Ấn Độ. Nói về cách chế biến món cà ry này, thì các loại thịt bò, gà, dê, cá... người Ấn đều nấu cà ry được tất, nhưng trong nồi cà ry của người Ấn hoàn toàn không có phụ liệu cà rốt, khoai tây, hay khoai môn như cà ry người Việt. Cũng giống người Thái khoái ớt và sả, người Hàn khoái ớt với tỏi, người ấn cũng thích vị cay xé môi với loại bột cà ry cay đặc biệt của họ. Qua một vài lần xơi món ăn nguyên bản ngoại, đa số thực khách xứ ta đều lắc đầu vì cay. Cũng có lẽ do vậy mà các nhà hàng ăn uống tại TP. Sài Gòn cũng rất nhạy trong việc pha chế để đáp ứng nhu cầu chuộng “mốt” trong sinh hoạt ẩm thực của khách xứ ta, để không bị khách đến một lần rồi biến!
Bạn,
Theo ghi nhận của các chuyên gia ẩm thực, một vài món ăn ngoại vừa kể trên, ít nhiều đã bị Việt hóa, do đó để tìm những món ăn ngoại nguyên bản chỉ có ở các khách sạn 4, 5 sao trong thành phố mà thôi. Cũng theo nội dung bài viết trích dẫn ở trên, tại đường Võ Văn Tần, Q.3, chừng vài tháng trở lại đây bỗng xuất hiện quán cừu nướng với dòng quảng cáo ấn tượng: “Cừu nướng đúng theo kiểu Úc”. Ngoài chữ “Cừu nướng” còn có thêm tiếng Nga và chữ Anh như để chứng tỏ đây là quán cừu nướng chính ngoại 100%.!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.