Hôm nay,  

Văn Hóa Lễ Hội

18/02/201400:00:00(Xem: 5191)
Lễ hội là văn hóa, là nếp sống, là hiển lộ những ẩn tàng cảm xúc của một dân tộc, hay của một tỉnh, một làng xã... Do vậy, cách thái tham dự lễ hội cũng là một văn hóa sống... Tuy rằng chỉ một số người bày tỏ thái độ thô lỗ khi tham dự lễ hội, nhưng các hình ảnh này không đưa lên Internet đã làm mất đẹp không khí trang nghiêm, làm nhạt mờ ý nghĩa đẹp của lễ hội.

Dĩ nhiên, vẫn có các bậc trí thức nhân sĩ đã tới với lễ hội trong ý nghĩa đầy đủ... nhưng con sâu làm rầu nồi canh, những hình ảnh xô đẩy nơi sân chùa, nơi đền Trần đã làm mất đẹp nhiều phần lễ hội.

Có cách nào thay đổi thái độ tham dự lễ hội thô bạo của nhiều người đó hay không?

Dĩ nhiên, cần là giáo dục từ thơ ấu, từ trường học... để khi trưởng thành, ngườid ân sẽ t6é nhị hơn, sẽ nghiêm trang hơn... và làm cho lễ hội đẹp hơn.

Báo Đời Sống & Pháp Luật có bản tin tựa đề “Dám trèo lên bàn thờ cướp lộc thì đi lễ để làm gì?” trong đó ghi nhận:

“...Sau lễ khai ấn đền Trần (phường Lộc Vượng, TP. Nam Định), nhiều nhà nghiên cứu văn hóa “sửng sốt” trước hình ảnh người dân đi lễ dám trèo lên cả bàn thờ để lấy lộc, để sờ vào được thanh bảo kiếm lấy may. Những tưởng rằng, chen lấn, cướp lộc diễn ra trong khuôn viên lễ hội bấy lâu nay đã là tận cùng của sự hỗn loạn, ấy vậy mà giờ đây còn có những người dám “cả gan” trèo lên cả bàn thờ. Nhận định về hình ảnh này, một nhà nghiên cứu văn hóa lâu năm đã phải thốt lên: “Trời ơi, đã dám trèo lên bàn thờ để cướp lộc thì còn đi lễ làm gì nữa”...

...Đó là hình ảnh tiền lẻ rải khắp dòng suối Yến trong xanh của khu di tích chùa Hương, hay giắt đầy tay và cả trên đầu tượng Phật, hình ảnh biển người chen chúc nhau trên đỉnh chùa Đồng (Yên Tử) chỉ để cọ được đồng tiền lẻ vào chuông lấy may, hàng trăm nghìn người chen lấn trong lễ hội cướp phết (Vĩnh Phúc) khiến cả tưởng rào của UBND bị đạp đổ, hàng loạt ruộng rau của người dân cất công trồng bị giẫm nát. Hay hình ảnh “mưa tiền” xảy ra trong lễ khai ấn đền Trần (Nam Định) vừa qua, khi đoàn rước kiệu đi qua, hàng nghìn người dân cố vo viên đồng tiền lẻ để ném trúng vào kiệu cầu may, rồi dẫm đạp lên nhau để cướp hoa lộc, trèo cả lên bàn thờ chỉ để sờ được tay vào thanh bảo kiếm…

...Nói về vấn đề tâm linh chân chính, trụ trì Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên cũng đã từng nói rằng: “Triết lý nhà Phật khuyên rằng, đến cửa chùa chỉ cần lòng thành thắp một nén hương thì đã được Phật độ, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần tiền bạc vì cửa chùa là chốn chay tịnh, không vướng bụi trần”...”(ngưng trích)

Nhưng, tận thâm sâu... vẫn là gốc mê tín. Câu hỏi rằng, có thể nào làm bớt hiện tượng mê tín hay không?

Báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn PGS.TS Lương Hồng Quang (phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) về câu chuyện cầu cúng, rải tiền trong lễ hội, trích:

“...* Trong bối cảnh này, theo ông, liệu có biện pháp nào để giảm bớt tình trạng mê tín của xã hội hay không?

- Theo tôi, muốn thay đổi phải cần thời gian để tất cả mọi người thay đổi nhận thức. Khách hành hương hiện nay không có khuôn mẫu văn hóa, họ không biết cái gì nên và không nên khi đến đền chùa miếu phủ.

Mấy chục năm nay người Việt Nam không được trao truyền những nghi thức ấy, cũng không được hướng dẫn. Cho nên, theo tôi, việc đầu tiên là phải giáo dục về việc thực hành các nghi lễ truyền thống.

Trong đó, giới truyền thông cũng cần được trang bị lại hệ thống kiến thức để tránh tình trạng nhiễu loạn như hiện nay.

Mặt khác, bản thân chủ cơ sở thờ tự phải kiên quyết đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh. Nếu họ không vào cuộc thì sự nỗ lực của cả xã hội cũng không giải quyết được việc gì.

Cứ nghĩ người dân rải tiền lung tung thì tiền vẫn cứ thuộc về nhà chùa, nhà đền như hiện nay thì khó thay đổi được gì. Chưa nói đến việc hiện nay chúng ta chưa có những quy chế, chính sách nào hiệu quả về vấn đề này. Chế tài lại càng không.”(ngưng trích)

Nghĩa là, chuyện thay đổi cần có thời gian, vì giáo dục là chuyện lâu dài. Thêm nữa, GS Quang nói rằng chính nhà chùa, nhà đền cần góp sức ngăn chận sự mê tín...

Bởi vậy, mới ngậm ngùi khi đọc trên báo Lao Động bài viết tựa đề “Người Việt đi chùa để cầu, người Hàn đến chùa để thiền,” trong đó ghi nhận về truyền thống dân Đại Hàn mừng Tết âm lịch y hệt như dân Việt Nam, nhưng với tâm thức trang trọng tâm linh độc đáo:

“...Trong 3 ngày nghỉ ngắn ngủi, hầu như tất cả mọi người đều về thăm quê. Và tết cũng trở thành “cuộc chiến” để về quê với những người dân Hàn Quốc. Một tháng trước tết, trên mạng Internet bắt đầu rao bán vé tàu tết, nhưng chỉ trong 4 ngày, lượng vé bán ra đã lên tới 1 triệu chiếc. Những người không mua được vé tàu chuyển sang đi xe buýt cao tốc hoặc dùng xe riêng, có khoảng hơn 2 triệu người dân rời thủ đô Seoul vào dịp tết. Do đó, tết ở Hàn Quốc còn được gọi là “cuộc đại di chuyển toàn dân”....

...Khác với người Việt Nam, người Hàn Quốc không đi lễ chùa vào dịp tết. Các đền, chùa ở Việt Nam thường được xây ở khu vực dân cư sinh sống, nên người dân có thể đi lễ chùa thường xuyên. Còn ở Hàn Quốc, các ngôi chùa được đặt ở vị trí trang nghiêm và tĩnh lặng sâu trên núi. Người Hàn Quốc không đi lễ ở nhiều chùa, mà chỉ đến một ngôi chùa để thiền rồi trở về. Người Hàn Quốc coi trọng “chất” hơn “lượng”. Người Việt Nam tin càng đi lễ được nhiều đền chùa càng nhận được nhiều phúc, còn người Hàn Quốc tin nếu ngồi thiền tâm càng tịnh thì ước nguyện của bản thân sẽ được đáp lời...”(ngưng trích)

Tuyệt vời. Người Hàn Quốc tin nếu ngồi thiền tâm càng tịnh thì ước nguyện của bản thân sẽ được đáp lời...

Phải chi dân Việt Nam mình cũng thâm tín như thế, để giữ tâm càng lúc càng thanh tịnh... thì biển với đảo sẽ bình yên mãi thôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.