Hôm nay,  

Cổ Thư Biến Mất

26/08/201200:00:00(Xem: 7273)
Bạn thân,
Những trang giấy xưa cổ, ấp ủ những thông tin quý giá về những thời xa vắng của quê nhà, đang biến dần đi.

Đó là một tệ nạn đang diễn ra: các cổ thư đang biến mất dần đi trong các thư viện công cộng.

Báo Pháp Luật TP đã đưa ra lời báo nguy, qua bài viết tựa đề “Nguy cơ “chảy máu” thư tịch cổ.”

Bài báo cho biết tình hình là: “Do thư viện thiếu kinh phí để mua bản gốc, thiếu thiết bị scan, nhiều sách, văn bản cổ của Việt Nam đang lưu giữ trong các gia đình có nguy cơ bị “chảy máu”...”

Nơi tập trung cổ thư nhiều nhất, theo bản tin, là Thư viện Khoa học tổng hợp TP.SG, nơi được mệnh danh “là thư viện hàng đầu của Việt Nam về lượng đầu sách, tư liệu cũng như các phòng đọc chuyên dụng. Tuy nhiên, những người làm thư viện vẫn đang bức xúc khi thấy sách cổ mất ngay trước mắt mình mà không cứu được.”

Vấn đề là, thư viện có lúc phải dùng quỹ riêng để cứu cổ thư, vì tiền công quỹ đâu có bao nhiêu.

Bài báo ghi lời ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP.SG, kể rằng năm 2011, thư viện vận dụng các nguồn tự thu, dè sẻn tất cả các khoản chi giữ được khoảng 300 triệu đồng để mua sách cổ. May sao trong năm này, vì cần tiền chữa bệnh cho người thân gia đình, có người phải bán bộ sách viết tay toàn tập của danh y Hải Thượng Lãn Ông với điều kiện trong vòng một tuần thư viện phải có đủ 300 triệu đồng. Ông Đức nói, “Sau khi lập hội đồng thẩm định, nhận sách trước đó, đến ngày giao tiền tôi phải giao tại BV Ung bướu TP.SG cho người ta”.


Bản tin báo Pháp Luật TP cũng nói rằng, vào đầu năm 2012, thư viện đã xoay gần 300 triệu đồng ngoài ngân sách để mua 30 sắc, chế triều Nguyễn từ niên hiệu Tự Đức năm thứ ba (1850) đến niên hiệu Bảo Đại năm đầu (1926). Bộ sách Hải Thượng Lãn Ông và bộ sắc phong thời Nguyễn là hai bộ thư tịch, tư liệu cổ đầu tiên Thư viện Khoa học tổng hợp TP.SG mua làm tư liệu. Thư tịch của thư viện lâu nay do tư liệu cũ còn lại và các tổ chức, cá nhân tặng.

Bi thảm là, “Hiện thư viện cạn tiền không thể mua thêm bộ sách cũ nào nữa.”

Còn chuyện nữa: “Khi hỏi về một phương án giữ phiên bản của thư tịch nếu thư viện không có tiền mua bản gốc, chúng tôi lại được nghe một điều xót lòng hơn… Thư viện có thể xin chủ sách scan trước khi sách bị bán ra nước ngoài hoặc lọt vào tay các đầu nậu.”

Tuy nhiên, thư viện xin mua máy scan, nhưng “Duyệt hai năm vẫn chưa có tiền.”

Đó là loại máy scan đặc biệt để dùng cho cổ thư, không gây hư hại gì cho bản chính. Thành phố đồng ý cho “Thư viện mua chín chiếc máy scan chuyên dụng này với giá trị khoảng 17 tỉ đồng vào năm 2011 nhưng đến tháng 8-2012 vẫn chưa thấy tiền.”

Con số 17 tỉ đồng là 815 ngàn đôla.

Coi chừng, coi chừng tình báo Trung Quốc sẽ tung tiền mua hết cổ thư Việt để sau này viết lại lịch sử theo kiểu lạ.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.