Hôm nay,  

Nghệ Thuật ‘ru’ Cá Lóc

28/06/201000:00:00(Xem: 3175)

Nghệ Thuật ‘Ru’ Cá Lóc 

Bạn,
Theo các nhà nghiên cứu nhân văn, tại miền Nam, thú câu cá lóc như có ma lực, "ai đã dính vào rồi thì khó bỏ". Dân mê câu loại cá  này chỉ thích gọi là  "ru" cá lóc, vì phải "à ơi, kèn cựa" lắm mới thu phục được những "cô nàng ngổ ngáo" nhà họ lóc.  Những người câu cá lóc được xếp thành hai dạng: câu cơm gạo và câu giải trí. Riêng trong nhóm câu giải trí cũng có biên giới rạch ròi: một bên là gặp loại cá lóc nào cũng câu kể cả cá nuôi. Một bên chuyên đi "chinh phục" đám lóc tự nhiên ở mọi địa hình từ sông, suối, đến kênh rạch...  Báo Thanh Niên  ghi nhận  toàn cảnh về nghệ thuật câu cá lóc qua đoạn ký sự như sau.
 Dân câu cá lóc đều có chung một bệnh... "ngứa nghề". Cứ cách một tuần không mang cần đi "ru" cá lóc là có người lại bồn chồn, rạo rực, đến... tương tư. Anh Phan Văn Long, ở  quận 7, TP.SG, có thâm niên câu cá lóc hơn 10 năm nay, thành viên nhóm mê câu cá lóc hoang dã của quận Tân Bình nói: "Trò này không ai dạy mình hết. Chỉ có con cá lóc nó dạy mình. Cho nên nghệ thuật câu cá lóc là không có điểm dừng, thú vị là chỗ đó". Bởi ở từng môi trường nước, địa thế, cá lóc có những kiểu ăn mồi khác nhau. Có con ăn mồi nổi, con táp mồi ở tầng đáy, con đớp mồi ở tầng giữa. Lại có con "thành... tinh", biết có cạm bẫy nên chỉ giỡn mồi (nhái nhỏ) mà không ăn câu. Tuy nhiên, trong đó cá lóc bông thường đớp mồi như... ăn cướp. Còn lũ lóc đen ăn mồi như một tên móc túi già dặn. Trước khi đớp mồi nó sẽ vờn mồi dường như để thử xem con nhái này có giống nhái trong tự nhiên hay không. Thử xong, nó sẽ nấp vào một gốc cây, hốc đá hay chòm cỏ  nào đó trước đường câu, thủ thế chờ mồi. Cũng có khi chú lóc đen "tạm tin" con mồi nhưng vẫn tỉnh bơ không đớp. Có thể do cá đang no hoặc từng bị sẩy câu nên còn ê mép hay nhát mồi...


Do vậy, để đối phó, người câu phải biết "dàn cảnh" bằng cách điều khiển cần quay sao cho con nhái nhảy y như trong tự nhiên. Có lúc nó phải nhảy nghe "chóc chóc" (nhanh) lúc "chóc chủm" (chậm lại), lúc dừng lại nghỉ xả hơi, rồi lại "chóc chóc". Cũng có khi, nhóm anh Long phải "ăn lương khô",  mai phục lại, chờ đêm xuống, mò mẫm quăng câu. Bởi nếu rọi đèn pin, cá sẽ nhát ngay. Với lại năm nay nắng nóng kéo dài, thêm nạn chích điện tràn lan khiến trữ lượng cá lóc tự nhiên giảm đáng kể. Phải nói, "đánh" được một con lóc đen là nhóm anh Long thấy "sướng hơn cầm tiền!". Chú lóc đen lớn nhất gần đây mà nhóm anh từng tóm được nặng gần 2.3kg. Bởi thế, con cá lóc đen bắt nhóm anh "phải suy nghĩ". Nó buộc người câu vào một cuộc chơi luôn bất ngờ. Nhóm anh Long gọi đó là một thú vị tiềm ẩn.
Bạn,
Cũng theo báo Thanh Niên, thịt cá lóc tự nhiên cũng có đẳng cấp trong họ hàng cá nước ngọt và lợ. Tuy nhiên, lóc bông cho thịt bở và lạt hơn lóc đen. Lóc bông có con nặng gần chục ký. Riêng lóc đen, có thể cho hàng chục món ngon no say từ khô đến nước như: hấp, chưng, kho tiêu, nấu canh chua lá me non, nấu cháo rau đắng... Với cá từ một ký trở lên, quý nhất là bộ lòng giòn rau ráu, ăn hoài không ngán.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.