Hôm nay,  

Lãnh Tụ 40 Nước Hứa Tái Thiết Vùng Balkan

31/07/199900:00:00(Xem: 5256)
Lãnh Tụ 40 Nước Hứa Tái Thiết Vùng Balkan
SARAJEVO, Bosnia (AP) - Tại thành phố còn mang những dấu vết tàn phá của chiến tranh, Tổng Thống Clinton và các nhà lãnh đạo của khoảng 40 quốc gia trên thế giới hôm thứ sáu 30-7 đã họp mặt để đưa ra lời cam kết sẽ thúc đẩy những cải cách kinh tế và dân chủ cho vùng Balkans trong niềm hy vọng là thiết lập được một Âu châu không chia rẽ “để chiến tranh là một điều không thể được nghĩ đến nơi đây”.
Trong buổi khai mạc hội nghị quốc tế này, Tổng Thống Phần Lan Martti Ahtisaari nói: “Hiệp ước ổn định cho miền Đông Nam Âu châu đã được phát động để bảo đảm cho những nỗi kinh hoàng thành phố này phải chịu đựng trong mấy năm gần đây sẽ dứt khoát đi vào quá khứ”. Thành phố Sarajevo, thủ đô Bosnia-Herzegovina là biểu tượng của chiến tranh và sự phục hồi.
Ông nói: “Hiệp ước ổn định quan niệm Âu châu là một vùng đất thống nhất, phồn vinh và tự do bền vững - một Âu châu mà chiến tranh là điều không thể còn được nghĩ đến”.
Tổng Thống Clinton nói sự tiến bộ trong việc xây dựng lại Sarajevo là một thí dụ cho sự phục hưng miền Balkans.
Ông nói: “Chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhưng những người nào chỉ trích hãy đến đây mà nhìn”.
Trong cuộc hội nghị một ngày ở đây, các cường quốc chính yếu cam kết giúp đỡ các nước nghèo ở Balkans vuợt qua một sự thù hận cố cựu về chủng tộc đã từng làm tan nát vùng đất này kể từ thời đệ nhất Thế chiến.

Clinton đề nghị thành lập cơ chế Thương mại Đông nam Âu để cấp quy chế miễn thuế cho các nước trong khu vực xuất cảng nhiều mặt hàng qua Mỹ, chẳng hạn như giầy dép, đồ thủy tinh và vòng bi. Sáng kiến này sẽ làm Mỹ tốn kém khoảng từ 50 đến 80 triệu đô la trong vòng 5 năm vì không thu được thuế. Mỹ có ý đưa ra chủ trương miễn thuế để thúc đẩy Liên Âu hành động nhiều hơn trong lãnh vực lợi lộc thương mại để giúp cho vùng Balkans.
Người ta cho rằng các lãnh tụ thế giới sẽ chấp thuận một hiệp ước quốc tế để cổ võ một tương lai lành mạnh hơn cho vùng Balkans. Các mục tiêu gồm có những việc như thiết lập các nền dân chủ trưởng thành và kinh tế thị trường sống động, diệt trừ tham nhũng và các tội phạm có tổ chức, ngăn ngừa chiến tranh và các cuộc khủng hoảng do làn sóng di cư gây ra.
Tuy nhiên sẽ không có sự viện trợ nào đến với Serbia (Nam Tư) một khi TT Milosevic còn tại vị. Các giới chức Mỹ hy vọng hội nghị này sẽ cô lập Milosevic hơn nữa và cho dân chúng Serbia hiểu rằng họ sẽ có hy vọng nhiều hơn khi có một lãnh đạo mới.
Ông Sandy Berger, cố vấn an ninh của Tổng Thống Clinton nói: “Quyền lựa chọn là của dân chúng Serbia, để họ quyết định nên than gia vào việc xây dựng lai vùng này hay nên đứng đứng ngoài lề với cấp lãnh đạo hiện nay của họ”.
Tại Belgrade, những bộ hạ của Milosevic đã lên tiếng tố cáo cuộc họp quốc tế ở Sarajevo. Ivica Dacic, một phát ngôn nhân của đảng cầm quyền dưới quyền Milosevic nói: “Sẽ không có một Đông Nam Âu Châu thống nhất nếu không có Nam Tư”.
Khoảng 4,000 lính quốc tế gìn giữ hòa bình ở Bosnia đã phải bố trí canh phòng giữ an ninh cho cuộc họp của 40 lãnh tụ thế giới ở Sarajevo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.