Hôm nay,  

Kinh Tế Toàn Cầu Vẫn Ảm Đạm, Tt Bush Bị Chê

26/08/200100:00:00(Xem: 3822)
WASHINGTON (KL) - Nền kinh tế 33 ngàn tỷ Mỹ kim của thế giới đang được trông đợi tăng trưởng 2 phần trăm, nhanh hơn chút ít so với vụ đình đốn hồi 1982 và 1991.

Chính phủ Bush hiện vẫn đưa ra hình ảnh sáng sủa tương đối của Hoa kỳ. Theo họ, việc giảm thuế, cắt lãi xuất và có sự lạm phát nhỏ tạo ra một kích thích mạnh mẽ cho giới tiêu thụ chi dụng và giới kinh doanh đầu tư. Sự kết hợp này sẽ giúp cho nền kinh tế Hoa kỳ quay đầu để tăng trưởng trở lại vào cuối năm nay hay đầu năm tới.

Theo dự đoán mới nhất được chính thức đưa ra trong tuần này, tòa Bạch ốc cho giảm hẳn các ước đoán về sự tăng trưởng kinh tế nội địa xuống 1,7 phần trăm đối với 2,4 phần trăm theo như ước đoán trước đây; những mức độ tăng trưởng kinh tế này hãy còn dưới tỷ xuất tăng trưởng của Hoa kỳ trong những năm gần đây.

Nhưng tòa Bạch ốc mong mỏi sẽ có một chuyển động lớn vào năm tới, đưa mứctăng trưởng kinh tế của Hoa kỳ lên 3,2 phần trăm, và Hoa kỳ có thể là động cơ tăng trưởng cho phần còn lại trên thế giới, giống như trong những năm 1990.

Nhiều chuyên gia đã tỏ ý nghi ngờ sự lạc quan của Bạch Ốc. Nhịp độ kinh tế tăng trưởng của Âu châu bị giới hạn. Xuất khẩu có gia tăng chút ít hồi năm ngoái. Nhưng giới tiêu thụ tại Âu châu đã bóp hầu bao lại. Thương vụ của hãng BMW lên 9,7 phần trăm trong nửa năm đầu của năm nay, riêng tại Đức quốc hãng này chỉ tăng được có 1, 1 phần trăm.

Giá điện và thực phẩm lên cao là một trở ngại lớn cho Âu châu. Các chấn động giá cả về tiêu thụ có phần nào làm cho Âu châu uể oải. Các nhà cầm đầu chính trị không cho giải tỏa thị trường lao động : các chủ nhân không có quyền tự do để mướn hay sa thải nhân công.

Trong khi đó, tình hình kinh tế của các quốc gia ngay sát Hoa kỳ cũng không khá. Mễ Tây Cơ đã bị suy thoái kinh tế từ tháng tư, kinh tế của Mễ bị thu lại suốt trong quí thứ ba năm nay. Ba Tây có nền kinh tế lớn nhất tại Mỹ châu La tinh, lãi xuất tại Ba tây vọt lên cao và khủng hoảng năng luợng dai dẳng không dứt. Kinh tế Ba Tây hiện đang lao đao.

Tình hình tại Á châu cũng không khá hơn. Singapore có một nền kinh tế mở rộng và tiền tiến nhất trong vùng, hiện đang rơi vào trong sự suy thoái trầm trọng, tới mức các kinh tế gia cho biết Singapore sẽ phải chịu khốn khổ ít nhất 15 năm. Nhật Bản cũng bị trượt vào suy thoái kinh tế một lần nữa, trong khi chính quyền Nhật đang gay go chống lại nạn lạm phát. Mọi nền kinh tế khác trong vùng, ngoại trừ Trung quốc, mức tăng trưởng kinh tế đang đi xuống mặc dầu có việc cắt giảm lãi xuất từ nhiều tháng.

"Đây là một sự suy thoái kinh tế đầu tiên trong thời đại toàn cầu hóa," theo ông Roach của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley. Một sự gia tăng mậu dịch nhanh là yếu tố chính của năm 1990 làm cho kinh tế được lan rộng ra. Nhưng hàng nhập khẩu và xuất khẩu đã đi xuống tại Hoa kỳ, làm suy yếu tất cả các quốc gia đối tác có mậu dịch với Hoa kỳ.

Hầu hết các nền kinh tế công nghiệp đứng hàng đầu đều bị tổn thương năng khi có sự sụp đổ của khu vực kỹ thuật cấp cao tại Hoa kỳ và Âu châu. Sự sụp đổ này đã ảnh hưởng tới lợi nhuận của các công ty và việc đầu tư quay trở vào bằng lợi nhuận.

"Cái bong bóng mà chúng ta có trong quốc gia này, nó chính là cái bong bóng của toàn cầu. Nay nó đã bị nổ mất rồi," theo lời của ông Roach.

Ông Rubin của ngân hàng Citigroup đồng ý là việc lệ thuộc kinh tế với nhau có thể làm trơn cho hoạt động kinh tế đi xuống của Hoa kỳ lan rộng ra. Nhưng ông đã cho biết thế giới sẽ được khá hơn nếu các quốc gia, đặc biệt tại Âu châu, cho làm thêm nữa trongviệc hội nhập kinh tế của các quốc gia tại Âu châu.

"Đây là giai đoạn cực kỳ phức tạp, giai đoạn mà Hoa kỳ phải đứng ra lãnh đạo. Nếu không, chúng ta không còn sức để tiếp tục chờ thay đổi và chịu ảnh hưởng ngược lại lâu hơn," theo như lời của ông Rubin. David Malpass một giới chức kinh tế thời Reagan và Bush cha, hiện nay là giám đốc của công ty đầu tư và chứng khoán Bear Stearns tại New York, cho biết đồng bạc yếu và hàng hoá hạ giá ở khắp thế giới là mối đe dọa cho sự tăng trưởng kinh tế mà ngân hàng trung ương đã thất bại để chống lại.

Ông Malpass phỏng đoán sự tăng trưởng kinh tế thế giới đã thấp xuống tới 1, 1 phần trăm trong năm nay, sang năm con số này sẽ là con số âm.
Jack Kemp nguyên là ứng cử viên phó tổng thống của Hoa kỳ, cho biết các nhà lập chính sách tại Hoa kỳ và tại Âu châu không nhận ra được sự trầm trọng của nền kinh tế quay đầu đi xuống.

"Tổng thống Bush và các phụ tá tối cao của ông biết chuyện này còn tệ hơn theo như họ đã mường tượng," theo lời của ông Kemp. "Tôi cảm thấy thất vọng, họ không thèm quan tâm tới cái mà họ phải làm cho nền kinh tế toàn cầu."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.