Hôm nay,  

Vn: Cuộc Trở Lại Chiến Thắng Của 1 Thống Đốc Cựu Bại Binh

31/05/199900:00:00(Xem: 6883)
Nhìn ngắm sinh hoạt muôn màu của phố xá Saigon và Hà Nội bây giờ, qua con mắt của một lính Mỹ từng chiến đấu ở Việt Nam trong thời chiến tranh, câu kết luận dễ nhất đến trong đầu người trở lại là: Nếu nói Việt Cộng đã thắng cuộc chiến, cũng được đi, nhưng nếu nói Việt Cộng đã thua cuộc xung đột toàn cầu - cho những danh hiệu như Coca-Cola, Nike hay Sony - thì cũng không sai. Câu này thu nhỏ lại đã đúng với binh sĩ quân dịch Ridge, sinh viên Đại học Harvard bị động viên qua phục vụ ở Việt Nam lúc 24 tuổi, vào năm 1969, và tháng Năm 1999 này vừa trở lại Việt Nam, vận động cho sự tự do kinh doanh, tự do giao thương (và âm nhạc miễn phí), với tư cách Thống đốc Tiểu bang Pennsylvania.
Âm nhạc cho Việt Nam, trong chuyến đi của Thống đốc Ridge, thực ra là miễn phí, và vốn là miễn phí, vì Dàn nhạc Đại Hòa tấu Philadelphia qua trình diễn ở Việt Nam là do sự tài trợ của Công ty bảo hiểm Cigna. Cuộc trình diễn của Dàn nhạc này tại Nhà Hát Lớn Hà Nội hôm 22 tháng 5.1999 là trình diễn miễn phí cho dân chúng thủ đô Việt Nam, việc đầu tiên xảy ra, với ý hướng dành cho những người yêu âm nhạc nước này một dịp thưởng thức Văn hóa Tây phương mà không tốn tiền. Thế nhưng chuyện đã không diễn ra như thế.
Bộ Văn Hóa nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đã ngửi thấy hơi đồng trong dịp này, và những cái vé đã được in sẵn, với giá tiền là 15 mỹ kim hạng bét, và 35 mỹ kim hạng nhất được bán từ trước. Và bạn nên nhớ, đa số dân Việt hiện nay có mức lương hàng tháng dưới 100 mỹ kim. Rất nhiều người chỉ kiếm được một nửa số đó. Và trớ trêu thay, ngay cả nhân viên hãng bảo hiểm Cigna, là hãng tài trợ cho Dàn Đại Hòa Tấu từ Philadelphia bay qua trình diễn, đã bị buộc phải mua vé. Những người này đã không buồn, cũng chẳng bực mình. Trái lại họ vui: Xem chừng chủ nghĩa Tư Bản - với sự bóc lột đôi khi xảy ra - đã bắt rễ ở Hà Nội khá nhanh rồi.
Tháng trước, người viết bài này (Andres Martinez, cựu chủ bút cộng tác của tờ Post-Gazette) đã qua Việt Nam. Lúc đang trên đường Catinat thì một cô bé Việt gọi anh "Này Joe (tên anh không phải Joe), cuốn sách này viết về cái khách sạn kia". Cô bé chìa ra cuốn The Quiet American (Người Mỹ Thầm Lặng) của Graham Green. Một tay chỉ về phía khách sạn Continental. Trên tay cô bé là bản chụp cuốn sách do Penguin xuất bản, nhỏ xíu.
Tôi chưng hửng. Một cuốn truyện về Việt Nam thời xưa nay trở thành một sản phẩm du lịch. "Ba ngàn đồng", cô bé nói. Cô bé, theo tôi nghĩ, không quá 5 tuổi. Với tuổi ấy mà cô bé đã "đánh hơi" thấy tôi là một mục tiêu thương mại. Tôi tính nhẩm số tiền. Cỡ 25 xu. Và tôi thua, móc túi lấy tiền đưa ra.

Đó là buổi trưa đầu tiên của tôi ở Sàigon. Tôi không thể hình dung được cảm xúc trở lại của một cựu quân nhân từng phục vụ ở Việt Nam như Thống đốc Ridge đã phải cảm thấy; song có cái gì đó trong câu nói đã làm một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống tôi. Tôi, lúc ấy còn quá nhỏ để hiểu hết những gì nhà bình luận Walter Cronkite tường thuật trên TV về chiến cuộc Việt Nam.
Sàigon, ngày nay đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh mặc dầu chẳng ai gọi cái tên mới đó, là nơi mà một thế hệ tuổi trẻ Hoa Kỳ và các sĩ quan chỉ huy họ kiếm gái trong thành phố, uống bia trong hộp đêm, chết để bảo vệ uy tín một quốc gia bay trong khói vào lúc cuối cùng. Đó là lúc cuộc Chiến Tranh Lạnh lên tới độ cao phi lý nhất. Việt Nam hồi đó là một địa danh trên bản đồ với đa số dân Mỹ. Việt Nam ngày nay khác. Một kiểm chứng thực tại.
Nhưng mà thôi, cái gì đã qua hãy để cho qua. Let bygones be bygones. Hãy đi vào một Việt Nam khác. Những người Mỹ thầm lặng như tôi hay những người Mỹ ồn ào nào đó đều có thể bước vào hộp đêm Apocalypse Now. (Nếu bạn nhớ đó là nhan đề một cuốn phim nổi tiếng về Việt Nam của đạo diễn Francis Coppola.) Việt Nam đang thay đổi. Thay đổi một cách chính thức. Viện Bảo Tàng Tội Ác chiến Tranh Mỹ cũng đổi tên rồi, từ tên cũ là American War Crimes Museum qua tên War Remnants Museum. Bên cạnh hình ảnh những em bé sinh ra đã khuyết tật vì ảnh hưởng thuốc khai quang Orange Agent đã có hình nụ cười của cựu Tổng trưởng Ngoại giao Warren Christopher bình thường hóa bang giao vào năm 1995"
Thống đốc Ridge của tiểu bang Pennsylvania đã trở lại Việt Nam với một Dàn nhạc Đại Hòa Tấu. Ý kiến của ông thật tuyệt vời. Ông miễn phí nhưng họ bán vé, vậy là họ đang tư bản hóa. Việt Nam có quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu không, khi mà dịch vụ thương mại năm ngoái là 900 triệu mỹ kim, ít hơn 1/10 thương vụ của hãng bán cà chua chai H.J. Heinz Co. của Mỹ.
Trong cuốn The Quiet American của Graham Green, hai nhân vật Pyle (người Mỹ thầm lặng) và Fowler nói chuyện với nhau tại khách sạn Continental, về chủ thuyết Domino: "Nếu Đông Dương sụp đổ..." "Tôi biết rồi... Thái Lan sụp đổ, Mã Lai sụp đổ, Nam Dương sụp đổ. Nhưng sụp đổ ở đây nghĩa là gì""
Bây giờ thì chúng ta biết. Hà hà. Chủ thuyết Domino bây giờ mới có vẻ đúng: sụp đổ ở đây là kinh tế toàn cầu, chỉ khác là đi ngược lại. Thái Lan đã đi theo Chủ nghĩa Tư bản. Mã Lai đã đi theo. Nam Dương đã đi theo. Đông Dương, không phải là con cờ đầu tiên, mà là con cờ cuối cùng, rồi cũng đi theo mà thôi. Nên đi cho sớm, và dứt khoát.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.