WASHINGTON - Các thượng nghị sĩ đã đạt được thống nhất cuối cùng để thống qua dự luật cấm nhập cảng từ khu vực Tân Cương, Trung Quốc, trừ khi các công ty có thể chứng minh rằng chúng được sản xuất mà không có sự cưỡng bức lao động, theo trang APnews đưa tin ngày Thứ Năm, 16 tháng 12 năm 2021.
Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt các biện pháp nhằm gia tăng các hình phạt của Hoa Kỳ dành cho Trung Quốc, với cáo buộc lạm dụng có hệ thống và rộng rãi đối với các dân tộc thiểu số và tôn giáo ở khu vực phía tây, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi Giáo ở Tân Cương. Chính quyền Biden cũng công bố các lệnh trừng phạt mới nhắm vào một số công ty công nghệ sinh học và giám sát của Trung Quốc, một nhà sản xuất máy bay không người lái hàng đầu, và các tổ chức chính phủ vì các hoạt động ở Tân Cương.
Sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, dự luật sẽ được gửi cho Tổng thống Joe Biden. Trưởng phòng báo chí Jen Psaki cho biết ông Biden ủng hộ biện pháp này, sau nhiều tháng Tòa Bạch Ốc từ chối đưa ra quan điểm công khai đối với phiên bản trước đó của dự luật.
Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc đang phạm tội diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ, theo các báo cáo rộng rãi của các nhóm nhân quyền và các nhà báo, về việc cưỡng bức triệt sản và các trại giam lớn, nơi nhiều người Duy Ngô Nhĩ bị ép buộc làm việc. Trung Quốc phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng và tuyên bố sẽ thực hiện các bước mà họ nghĩ là cần thiết để chống lại chủ nghĩa khủng bố và phong trào ly khai.
Trong số các hàng hóa được cho là đã được sản xuất bởi lao động cưỡng bức, Hoa Kỳ chỉ ra bông thô, găng tay, các sản phẩm cà chua, silicon và viscose, ngư cụ và một loạt các thành phần quan trọng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.
Tân Cương là một khu vực khai thác giàu tài nguyên, quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp và là nơi có ngành công nghiệp đang bùng nổ. Một số tù nhân bị giam giữ cũng được chuyển tới Tân Cương và được đưa đến làm việc trong các nhà máy, thuộc các ngành may mặc và dệt may, điện tử, năng lượng mặt trời và xe hơi.
“Nhiều công ty đã thực hiện các bước để làm sạch chuỗi cung ứng. Và, thành thật mà nói, họ không cần lo ngại về luật này,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio, đảng viên Đảng Cộng hòa Florida, cho biết trong một tuyên bố.
“Còn những công ty chưa làm sạch chuỗi cung ứng của mình, họ sẽ không thể tiếp tục khiến người dân Hoa Kỳ - thành thật mà nói chính là mỗi người trong chúng ta - vô tình trở thành đồng phạm trong những hành động tàn bạo, trong một cuộc diệt chủng,” Rubio nói thêm.
Nury Turkel, thành viên cấp cao tại Viện Hudson và Phó chủ tịch Ủy Hội Hoa Kỳ Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế cho biết, với dự luật mới thông qua, lệnh trừng phạt cùng các biện pháp khác trong nhiều tháng qua, “Hoa Kỳ đang dẫn đầu” cộng đồng quốc tế đối đầu Trung Quốc để chống lại hành vi xâm phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ.