Hôm nay,  

Triển Lãm 2000 Năm Nghệ Thuật PG Tại Paris

24/10/201900:00:00(Xem: 1636)

Một cuộc triển lãm về Đức Phật và các cổ vật của sự truyền bá Phật Giáo tại Á Châu đã được tổ chức tại thủ đô Paris của Pháp kéo dài cho đến đầu tháng 11 năm nay, theo bản tin của Đài Phát Thanh Quốc Tế Pháp Tiếng Việt (RFI) cho biết hôm 23 tháng 10.

Bản tin RFI cho biết chi tiết như sau.

Cách đây đúng 130 năm, Viện bảo tàng Guimet đã được khánh thành tại Paris (năm 1889), theo nguyện vọng của ông Émile Guimet. Sau chuyến Đông du gần hai năm trời tại Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ, nhà triệu phú người Pháp đã dành cho Phật giáo một vị trí quan trọng trong viện bảo tàng do chính ông thành lập.

Hơn một thế kỷ sau, Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet đã muốn đề cao tầm nhìn xa của nhà sáng lập Émile Guimet qua việc tổ chức từ đây cho tới đầu tháng 11 năm 2019 một cuộc triển lãm lớn về hành trình của Đức Phật nói riêng và sự lan tỏa của đạo Phật trên toàn châu Á nói chung. Cũng cần biết rằng, viện bảo tàng đầu tiên mang tên ông Guimet đã được thành lập nhiều năm trước đó tại thành phố Lyon, lúc bấy giờ là một viện bảo tàng lịch sử tự nhiên.

Chỉ sau khi thực hiện chuyến Đông du (năm 1876), ông Guimet mới ý thức được tầm quan trọng hàng đầu của các nền văn minh cổ đại châu Á và nghệ thuật tôn giáo Đông phương, nhất là đạo Phật. Các nỗ lực tìm tòi nghiên cứu của ông vì thế cũng tập trung nhiều hơn vào châu Á, để rồi cho ra đời một trong những bộ sưu tập quý giá nhất trên thế giới

Từ bộ sưu tập phong phú với hơn 52.000 cổ vật và tác phẩm nghệ thuật, ban điều hành bảo tàng Guimet đã chọn lựa để trưng bày khoảng 160 tác phẩm đủ loại đến từ nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng Hy Mã Lạp Sơn, Trung Á và khu vực Đông Nam Á….. Cuộc triển lãm mang tựa đề ‘‘Bouddha, la légende dorée’’ (Đức Phật, huyền thoại vàng son), qua các tác phẩm nghệ thuật phản ánh phát triển của đạo Phật, với nhiều trường phái có truyền thống khác nhau chẳng hạn như Phật giáo Tiểu thừa, Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Kim Cương thừa. Cuộc triển lãm qua hàng tựa cũng đề cao các giai đoạn hưng thịnh, rực rỡ nhất lịch sử tại các quốc gia từng gắn liền với Phật giáo. Về điểm này, ông Thierry Zéphir, trưởng ban tổ chức triển lãm tại bảo tàng Guimet cho biết thêm chi tiết:

Chúng tôi giới thiệu qua cuộc triển lãm này khoảng 2.000 năm nghệ thuật Phật giáo. Các tác phẩm xưa nhất trong đó có một bức phù điêu có từ thế kỷ thứ nhất và một bức tượng Phật có từ thế kỷ thứ hai, còn tác phẩm gần đây nhất là một bức tượng nghệ thuật đương đại được sáng tác vào năm 2016. Trong quá trình tổ chức cuộc triển lãm, chúng tôi đã cố tình chọn lựa các tác phẩm đến từ mọi quốc gia châu Á, để cho công chúng thấy rõ sự phong phú đa dạng của các hình thức nghệ thuật và đồng thời những điểm chung trong cách thể hiện hình tượng của Đức Phật xuyên qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau.

Trong cuộc triển lãm, có rất nhiều bức tượng Phật tiêu biểu cho nhiều giai đoạn lịch sử cũng như các phong trào nghệ thuật khác nhau. Theo ông Thierry Zéphir, tuy Phật giáo đã có từ thứ kỷ 6 trước công nguyên, nhưng việc miêu tả và thể hiện Đức Phật qua hình thức vẽ tranh, chạm trỗ hay tạc tượng chỉ bắt đầu khoảng 600 năm sau, tức là từ thế kỷ thứ nhất trở đi. Giai đoạn này còn được gọi là ‘‘thời kỳ thánh tượng’’:

Qua cách thể hiện hình tượng, các nghệ nhân đã muốn miêu tả nhân dạng của Đức Phật, tuy có hình người (thế nhân), nhưng vẫn có những nét ưu việt, vượt trội so với người trần. Xu hướng này lại càng rõ nét trong nghệ thuật Phật giáo Đại thừa. Cơ thể của Đức Phật thanh nhã và cân xứng, vầng trán rộng, sống mũi thon, mắt đang khép lại hay chỉ hé mở, đôi môi thường mỉm nụ cười. Có thể nói là hình tượng của Đức Phật trong tư thế ngồi thiền đã trở thành một biểu tượng rất quen thuộc, xuyên khắp châu Á, lưu truyền trong bao thế kỷ qua. Khác hay chăng là trong tư thế (đứng, ngồi, nằm) hay là các hình thức thủ ấn (mudra), mỗi động tác hay cử chỉ của bàn tay đều có ý nghĩa riêng (thiền định, thuyết pháp, khai sáng, giác ngộ …..). Nhưng hầu hết đều có một điểm chung, khuôn mặt từ bi bác ái, rạng ngời tỉnh thức của Đức Phật còn được các Phật tử gọi là Đấng Thế Tôn.

Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet thật ra không phải dành riêng cho giới chuyên môn, mà lại nhắm vào đại đa số người xem. Cho dù không hề hiểu biết một chút gì về Phật giáo, người xem vẫn cảm nhận được ngay sự thanh thoát nhẹ nhàng khi nhìn thấy Đức Phật khép mắt, nội tâm hướng thiền định, trên môi nhẹ nở nụ cười bình an.

Ngoài việc trưng bày các báu vật cổ xưa, cuộc triển lãm còn giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật gần đây, tiêu biểu nhất là bức tượng Phật ngồi thiền bằng gốm của nghệ sĩ đương đại Nhật Bản Takahiro Kondo (2016), cũng như các tấm ảnh chụp các bức bức phù điêu dưới ánh trăng rằm của quần thể đền đài Borodubur (nằm trên đảo Java) của hai nhiếp ảnh gia Caroline và Hughes Dubois, trưởng ban tổ chức triển lãm muốn cho thấy tư tưởng Phật giáo tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẻ đến xã hội thời nay.

Đạo Phật là một tôn giáo đề cao tư tưởng khoan dung, đề cao tinh thần bác ái, vì thế rất nhiều người tìm thấy trong đạo Phật một thông điệp tích cực lạc quan. Theo cảm nhận của rất nhiều người, đặc biệt là người Âu Mỹ, đạo Phật không hẳn là một tôn giáo với những điều ràng buộc hay áp đặt, mà lại dạy cho chúng ta nhiều điều triết lý có thể áp dụng được ngay trong cuộc sống thường ngày. Điều đó có thể giải thích vì sao Phật giáo đã được nhiều người trong xã hội thời nay hưởng ứng, cho dù họ không nghĩ là họ theo đạo Phật, hay tự xưng mình là ‘‘Phật tử’’. Nhiều người tìm thấy trong triết lý Phật giáo điều giúp cho họ tìm lại sự thanh thản bình tâm và như vậy họ có thể đối đầu với nhịp sống hối hả thời công nghệ ‘‘hiện đại’’.

Trong hình, Triển lãm "Bouddha, la légende dorée" nhân 130 năm ngày thành lập Bảo tàng Guimet. (Tuấn Thảo/RFI)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.