Hôm nay,  

Thận có ý nghĩa gì với chúng ta?

08/09/202300:00:00(Xem: 6708)

Than
Hai trái thận là cơ quan quan trọng giúp duy trì cân bằng nội môi (homeostasis), lọc bỏ rất nhiều chất độc trong cơ thể và thải ra ngoài qua nước tiểu. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
 
Nhà sinh lý học vĩ đại người Pháp Claude Bernard đã phát triển khái niệm về nội môi (le milieu intérieur, tiếng Anh là the internal environment, tạm hiểu là môi trường bên trong cơ thể): môi trường chất lỏng được điều tiết tinh tế bao quanh các tế bào, chảy qua các động mạch và tĩnh mạch, thấm vào tất cả các cơ và dây thần kinh, cơ quan và xương trong cơ thể chúng ta. Hai trái thận phải làm khá nhiều việc để duy trì trạng thái cân bằng cho môi trường chất lỏng này, hay còn gọi là “cân bằng nội môi” (homeostasis). Chúng loại bỏ nhiều chất với nhiều kích thước khác nhau ra khỏi máu. Các chất này là phụ phẩm khi cơ thể tạo ra và đốt cháy năng lượng, và sẽ trở nên độc hại nếu tích tụ quá nhiều. (Gan thì trực tiếp loại bỏ các hóa chất khác ngay sau khi tiêu hóa, như rượu và ma túy, trong khi ruột, phổi và da thì thực hiện các chức năng bài tiết bổ sung.)
 
Thận vừa sàng lọc các chất độc ra khỏi máu và thải chúng ra ngoài dưới dạng nước tiểu, vừa bảo tồn nhiều thành phần thiết yếu của máu, ngăn chặn chúng bị thất thoát khi chúng ta đi tiểu. Và thận cũng sản xuất một số hormone và vitamin giúp kiểm soát nhiều quá trình như quá trình sản xuất hồng cầu, điều hòa huyết áp và phát triển xương.
 
Thậm chí, thận còn có khả năng ‘đánh hơi.’ Để sàng lọc nhanh chóng hàng trăm loại hóa chất trong máu và nước tiểu, rồi quyết định loại bỏ các chất nào và giữ lại các chất nào với số lượng chính xác, thận sử dụng các cơ quan thụ cảm mùi tương tự như các cơ quan thụ cảm có trong mũi. Jennifer Pluznick, giảng sư sinh lý học tại Johns Hopkins School of Medicine, người đã phát hiện ra khứu giác của thận, cho biết: “Thận sẽ đánh hơi dòng nước tiểu và máu đi qua nó. Sự chú ý đến từng chi tiết của thận thật đáng kinh ngạc. Và vẫn còn nhiều bí mật lâu đời khác đang chờ được khám phá.”
 
Lần đầu tiên, các bác sĩ có thể thay thế một cơ quan quan trọng bằng máy móc.
 
Ngay cả đối với những người dành cả đời để nghiên cứu về thận, chúng vẫn là một bí ẩn.
 
Từng nhịp đập của trái tim sẽ nỉ non về tầm quan trọng của thận. 20% máu của mỗi nhịp đập sẽ được bơm đến thận. Cơ quan này nhận được lượng máu nhiều gấp 4 lần so với gan, gấp 7 lần so với não và gấp 14 lần so với phổi. Một cặp thận khỏe mạnh mỗi phút sẽ lọc được một lít máu, có nghĩa là cứ 5 phút chúng sẽ lọc toàn bộ lượng máu của một người trưởng thành nặng 150 pound. Khi máu đi qua thận, các thành phần chứa trong máu sẽ nhảy nhót tới lui trên các lớp màng với độ thẩm thấu khác nhau. Cuối cùng, quá trình lọc và tái hấp thu phức tạp sẽ tạo ra hai dòng chất lỏng riêng biệt: máu siêu sạch và nước tiểu có mùi khai. ‘Máu sạch’ sẽ lại tiếp tục tuần hoàn không ngừng nghỉ khắp cơ thể, còn nước tiểu thì chảy xuống niệu quản vào bàng quang và thoát ra ngoài qua niệu đạo.
 
Máu bơm từ tim đến thận đi qua các động mạch thận và khuếch tán khắp một loạt các cấu trúc hình ống cực nhỏ gọi là nephron, đơn vị chức năng của thận; một trái thận trẻ trung và khỏe mạnh thường chứa khoảng một triệu nephron. Mỗi nephron là một hệ thống lọc bao gồm gồm 2 phần: cầu thận (renal corpuscle) và ống thận (renal tubule). Cầu thận (renal corpuscle) bao gồm một chùm mao mạch gọi là tiểu cầu thận (glomerulus) và một cấu trúc hình ống gọi là bao tiểu thể (hay bao Bowman), nối tiếp với ống thận (renal tubule).
 
Tiểu cầu thận (glomerulus) chịu trách nhiệm cho quá trình “siêu lọc” (ultrafiltration – lọc áp suất thấp): máu động mạch cao áp từ tim ‘tuôn’ thẳng xuống, ập vào thành tế bào của tiểu cầu thận – một màng nhiều lớp với các lỗ có đường kính khoảng 4 nanomet. Những thành phần có kích thước lớn hơn 4nm như hồng cầu, bạch cầu và các protein huyết tương lớn sẽ được giữ lại bởi thành tế bào tiểu cầu thận, còn các phân tử chất thải kích thước nhỏ hơn và phần lớn nước chứa chúng sẽ chảy qua các lỗ và đổ vào ống thận bên ngoài.
 
Chất lỏng tích tụ ở phía bên kia của thành tiểu cầu thận là kết quả của giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất nước tiểu. Chúng sẽ đi qua thận, tách biệt với máu. Nhưng trong chất lỏng này vẫn còn chứa nhiều chất mà cơ thể luôn cần: muối, glucose, axit amin, chất điện giải và nước. Các tiểu cầu thận sản xuất khoảng 180 lít chất lỏng loại này mỗi ngày; nếu cơ thể thải sạch hết lượng chất lỏng này ra ngoài, chúng ta sẽ mất nước và chết ngay sau vài phút. Để không bị như vậy, phần ống thận, với nhiều khúc uốn lượn, sẽ lọc lại các thành phần cần thiết và đưa chúng trở lại máu. Quá trình này lọc từ 180 lít, phần chất lỏng của quá trình siêu lọc ban đầu, xuống còn 1.5 đến 2 lít nước tiểu cô đặc, vô trùng, có mùi phốt phát, urê và các chất thải khác.
 
Thận suy vì nhiều lý do. Một là chúng bị hao mòn theo thời gian. Trong độ tuổi từ 20 đến 70, hầu hết chúng ta đều sẽ mất đi một nửa chức năng thận, do các nephron bị teo dần. Hai là có một số người bẩm sinh đã mắc các bệnh di truyền và dị tật phát triển làm tăng tốc độ suy thận tự nhiên. Ba là các loại bệnh viêm nhiễm và tự miễn dịch cũng có thể làm tổn thương các nephron, chẳng hạn như những chấn thương bất ngờ, đau tim hoặc bất kỳ tai nạn nào khác làm giảm lưu lượng máu đến thận. Dấu hiệu của những căn bệnh này đã được tìm thấy trong thận của các xác ướp Ai Cập và các xác ướp khác ở thời kỳ sau này. Mozart có khả năng đã chết vì suy thận sau khi bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nặng; Buffalo Bill Cody bị hư thận sau khi sử dụng thuốc trị đau đầu trong thời gian dài (một loại thuốc giảm đau tương tự là Bex Powders, đã khiến hàng loạt người bị bệnh thận ở Australia sau Thế Chiến II); còn George Bernard Shaw thì qua đời vì chấn thương thận cấp tính sau khi bị té từ trên cây xuống. Gần đây hơn, Veronica Lake bị suy thận sau một đợt xơ gan kéo dài; Dexter Gordon bị mất chức năng thận vì bệnh ung thư; hay Đại kiện tướng cờ vua Bobby Fischer chết do tắc nghẽn đường tiết niệu nhưng từ chối dùng thuốc hoặc phẫu thuật, dẫn đến suy thận.
 
Trong vài thập niên qua, bệnh tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp đã trở thành đại dịch về sức khỏe ở phương Tây, đồng thời cũng đang là ba nguyên nhân và tác nhân chính đẩy nhanh tình trạng suy thận. Tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp – bệnh nào cũng gây tổn thương hoặc làm tăng căng thẳng cho thận. Ở Hoa Kỳ, hơn 60% bệnh nhân mới được chẩn đoán suy thận cũng đồng thời bị tiểu đường. Một số loại thuốc cũng gây hại cho nephron, thủ phạm hàng đầu là thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen – kế thừa của Bex Powders – cũng như một số loại thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp và thuốc hóa trị. Ngày nay, ước tính có khoảng 37 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh thận, và gần 800,000 người bị suy thận.
 
Để đối đầu với lời nguyền về bệnh suy thận, y học đã nghĩ ra phương pháp lọc máu. Từ cuối Thế Chiến II đến những năm 1960, các bác sĩ ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã chế tạo nhiều công cụ có thể loại bỏ một số chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu bệnh nhân, vốn được thận loại bỏ một cách tự nhiên. Họ phát minh ra những cách mới để kết nối máy móc với hệ thống tuần hoàn của cơ thể con người.
 
Và họ đã làm nên lịch sử y học. Lần đầu tiên, các bác sĩ đã tìm cách thay thế một cỗ máy cho một cơ quan quan trọng, ngăn chặn sự tiến triển của một căn bệnh hiểm nghèo và đôi khi duy trì tính mạng của bệnh nhân trong nhiều thập niên. Một nhánh y học mới đã ra đời: nephrology (thận học) – từ nephrós trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thận.” Tiến bộ trong lọc máu đi đôi với sự phát triển của ghép thận và các liệu pháp liên quan nhằm ức chế hệ thống miễn dịch để cơ thể người nhận dễ dàng chấp nhận nội tạng được cấy ghép. Năm 1954, các bác sĩ tại Peter Bent Brigham Hospital ở Boston, hiện là một phần của Brigham and Women’s Hospital, đã thực hiện ca cấy ghép thành công đầu tiên một cơ quan nội tạng chính, lấy một trái thận khỏe mạnh từ Ronald Herrick và ghép nó vào người em song sinh, Richard, một nạn nhân của căn bệnh thận nan y. Các ca ghép phổi, gan, tuyến tụy và tim cũng nhanh chóng được thực hiện sau đó.

Đây là thời đại hào hùng của y học, chứng kiến các phương pháp phẫu thuật mang tính cách mạng và các thiết bị mới để chữa trị cho nhiều căn bệnh nan y. Đây còn là thời kỳ trí tuệ phát triển mãnh liệt, các bác sĩ với những công nghệ mới tham gia trận chiến đối mặt một số căn bệnh khó chữa nhất của nhân loại, và dường như họ đã thắng. Và cũng là thời đại hòa nhập quốc tế, các bác sĩ ở các trung tâm y tế ở Seattle và Boston, Toronto và Paris, cũng như ở các bệnh viện ở Thụy Điển và Hà Lan, đã tạo ra các trung tâm chuyên môn về thận. Tại đây, các bác sĩ khác từ khắp nơi trên thế giới tập trung lại, chia sẻ và tiếp thu kiến thức mới về thận học.
 
Nếu lĩnh vực lọc máu (dialysis) cứ mãi bị chững lại trên toàn thế giới, Hoa Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng.
 
Ở New York, Leonard Stern, nhà sáng lập chương trình lọc máu tại Columbia University, nhớ lại quá trình đào tạo và chương trình nội trú tại trường y của mình vào đầu những năm 1970. Vào thời đó, đây là một chuyên ngành non trẻ vừa mới được lập ra. Ông kể: “Tôi chọn nephrology ngay lập tức vì háo hức muốn tìm hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào.”
 
Cũng trong năm đó, ở Melbourne, John Agar cùng với các đồng nghiệp coi thận học là “một lĩnh vực đầy hứa hẹn.” Agar kể: “Khi tôi bắt đầu chọn ngành thận học vào năm 1972, đó là một lĩnh vực thú vị với tốc độ phát triển nhanh chóng. Nó dường như là tương lai của y học. Chúng tôi đã đi trước khoa tiêu hóa và tim mạch. Chúng tôi là chuyên khoa duy nhất có thể thay thế một cơ quan quan trọng, không chỉ bằng máy móc nhân tạo mà còn có thể bằng một cơ quan mới được cấy ghép.” Năm 2009, ông được trao tặng Order of Australia vì những đóng góp cho y học về thận.
 
Nhưng kể từ năm 1972, trên khắp thế giới, lời hứa hẹn ban đầu về lọc máu đã dần phai nhạt. Công nghệ mới được sử dụng để điều trị cho những người bị suy thận, vốn được các bác sĩ trẻ như Leonard Stern và John Agar phấn khích vào những năm 1970, đã không có phát triển nào đáng kể trong nửa thế kỷ qua. John Agar chua xót nói: “Vốn từng là những hứa hẹn vô hạn, giờ lại là nỗi thất vọng vô biên.” Nhưng nếu lĩnh vực lọc máu  cứ bị trì trệ trên toàn thế giới, Hoa Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ bệnh tật, các vấn đề về tim mạch và các trường hợp khác cần lọc máu là rất cao. Bệnh nhân thường phải chịu một loạt các phương pháp điều trị nghiệt ngã, không chỉ gây đau đớn, suy nhược mà còn có hại về mặt y tế. Leonard Stern cho biết: “Với khoảng 22% bệnh nhân tử vong hàng năm, tỷ lệ sống sót ở Hoa Kỳ là thấp nhất trong thế giới công nghiệp hóa. Tỷ lệ tử vong ở Nhật Bản chỉ từ 5 đến 6% mỗi năm, còn ở Tây Âu, con số này nằm trong khoảng 9 đến 12% mỗi năm. Vậy thì sự khác biệt là gì? Trước hết, hầu hết các trường hợp chạy thận ở Hoa Kỳ đều được thực hiện vì lợi nhuận, và tỷ lệ sống sót vì lợi nhuận luôn thấp hơn so với vô vụ lợi.”
 
Sau nhiều thập niên chứng kiến sự gia tăng của hoạt động lọc thận vì lợi nhuận cùng với sự thờ ơ vô tâm ở Hoa Kỳ, nhiều bác sĩ chuyên khoa thận giàu kinh nghiệm như John Agar và Leonard Stern đã thấy chán ngán. Agar nói: “Nhiều năm qua, tôi hay nói với các đồng nghiệp người Mỹ của mình rằng ‘Các ông bà hãy ngừng đẩy bệnh nhân của mình vào chỗ chết đi.’”
 
Nguồn: “How Our Kidneys Keep Us Healthy—And What It Means When They Fail” của Tom Mueller, được đăng trên trang Lithub.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lập một kế hoạch điều trị trầm cảm có thể là một thách thức khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và đang trải qua các liệu pháp thử nghiệm như kích thích các nhân sâu trong não (Deep Brain Stimulation – DBS). Đối với hầu hết các tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể trực tiếp đo lường bộ phận đang được điều trị, chẳng hạn như đo huyết áp đối với các bệnh về tim mạch. Những thay đổi có thể đo lường đóng vai trò là dấu ấn sinh học khách quan (objective biomarker) của quá trình phục hồi, cung cấp các thông tin đáng giá về cách chăm sóc bệnh nhân.
Theo Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), khoảng 9 trong số 10 toa thuốc ở Hoa Kỳ có kê thuốc đồng dạng (thuốc generic) của một loại thuốc nguyên gốc (brand name). Tuy nhiên, có thể sẽ có nhiều người không biết là loại thuốc họ mua ở hiệu thuốc là thuốc đồng dạng hay thuốc nguyên gốc. Vậy hai loại thuốc này có gì khác biệt không? Và nếu có, nó có quan trọng không?
Từ hương cỏ mới cắt đến mùi của người thân, các loại mùi hương khác nhau luôn quẩn quanh mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Ta không chỉ cảm nhận thấy những mùi hương xung quanh, mà chính bản thân ta cũng đang tạo ra nó. Và quý vị có biết là mùi hương cơ thể chúng ta đặc biệt đến mức có thể dùng để phân biệt mỗi cá nhân?
Mọi người nên thử tập thiền khoảng 45 phút mỗi ngày để giảm áp huyết cao do căng thẳng, theo các hướng dẫn mới cho biết. Những phương cách khác từ Hội Cao Huyết Áp Quốc Tế (ISH) gồm việc dành thời gian nghe nhạc, tập yoga và thực hành chánh niệm.Lời khuyên y khoa – bỏ hút thuốc lá và ăn ít muối – vẫn duy trì. Nhưng các chuyên gia nói rằng các mục tiêu cách sống “thể xác và tinh thần” mới có thể được đề nghị.
Đàn ông chết sớm hơn đàn bà. Đương nhiên không phải tất cả đàn ông. Cứ nhìn vào hai nhà đầu tư nổi tiếng này: Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, biệt danh “Nhà tiên tri xứ Omaha”, và cánh tay phải của ông, Phó chủ tịch Charlie Munger. Buffet đã chín mươi hai tuổi. Ông già ấn tượng há! Nhưng đâu đã ăn thua gì, Munger chín mươi chín tuổi kìa. Cả hai ông vẫn đang làm việc và kiếm rất nhiều tiền cho khách hàng của họ, năm này qua năm khác. Đáng lẽ họ phải ngủ gà ngủ gật trước TV nhưng nào họ có chịu đâu!
Những người sống với Covid lâu dài sau khi phải vào bệnh viện nhiều phần cho thấy một số tổn hại đối với các bộ phận chính của cơ thể, theo một nghiên cứu mới cho biết. Chụp hình MRI cho thấy nhiều bệnh nhân có một số bất thường trong nhiều bộ phận như phổi, não và thận gấp ba lần.
Mùa cúm đang đến và vắc xin ngừa COVID-19 mới cập nhật đã ra mắt sau đợt cúm năm rồi Chúng tôi muốn chia sẻ một số thông tin về việc chích ngừa COVID-19 trong chuyên mục của tháng này. Nếu bạn có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, Đạo luật Chăm Sóc sức khoẻ trên Thị trường Bảo hiểm Y tế theo Giá cả phải chăng(Affordable Care Act Health Insurance Marketplace) Tiền hưu trí, tiền trợ cấp an sinh xã hội (SSI) hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, có 3 cách bạn có thể liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay.
Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa tọa lạc tại số 7761 Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92841do Bác Sĩ Tình Trần làm Giám Đốc Y Tế, đã mở Hội Chợ Y Tế vào thứ Bảy ngày 23 tháng 9 năm 2023 cho cư dân những người có lợi tức thấp, hoặc có bảo hiểm hay không có bảo hiểm cũng đều được tham gia.
Tập thể dục thường được nói đến như một yếu tố quan trọng giữ đầu óc tỉnh táo, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy sự khác biệt và lắm lúc còn có thể có những hiệu quả ngược lại nữa. Một nghiên cứu mới đã tóm tắt tác động của việc rèn luyện thể chất đối với sức khỏe trí óc, trong đó bao gồm trí nhớ, sự chú ý, khả năng ra quyết định và tốc độ giải quyết thông tin của não. Theo kết quả rõ ràng của các nhà nghiên cứu, các hoạt động rèn luyện và tập thể dục nhằm mục đích cải thiện thể lực và hấp thụ oxy chỉ có tác dụng thấp đối với khả năng nhận thức. Ngược lại, tập yoga có tác động tích cực đến sức khỏe trí óc và có nhiều khả năng dẫn đến sự thay đổi rõ rệt về chức năng nhận thức.
Một loạt các biến thể mới của Omicron đang khiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và số trường hợp bị bệnh nặng cũng nhiều hơn. Trong tuần cuối cùng của tháng 8, đã có hơn 650 người chết vì COVID-19, tăng 10% so với tuần trước đó, và có 17,000 trường hợp mới phải vào bệnh viện.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.