Hôm nay,  

Thận có ý nghĩa gì với chúng ta?

08/09/202300:00:00(Xem: 7408)

Than
Hai trái thận là cơ quan quan trọng giúp duy trì cân bằng nội môi (homeostasis), lọc bỏ rất nhiều chất độc trong cơ thể và thải ra ngoài qua nước tiểu. (Nguồn: Chụp lại từ YouTube)
 
Nhà sinh lý học vĩ đại người Pháp Claude Bernard đã phát triển khái niệm về nội môi (le milieu intérieur, tiếng Anh là the internal environment, tạm hiểu là môi trường bên trong cơ thể): môi trường chất lỏng được điều tiết tinh tế bao quanh các tế bào, chảy qua các động mạch và tĩnh mạch, thấm vào tất cả các cơ và dây thần kinh, cơ quan và xương trong cơ thể chúng ta. Hai trái thận phải làm khá nhiều việc để duy trì trạng thái cân bằng cho môi trường chất lỏng này, hay còn gọi là “cân bằng nội môi” (homeostasis). Chúng loại bỏ nhiều chất với nhiều kích thước khác nhau ra khỏi máu. Các chất này là phụ phẩm khi cơ thể tạo ra và đốt cháy năng lượng, và sẽ trở nên độc hại nếu tích tụ quá nhiều. (Gan thì trực tiếp loại bỏ các hóa chất khác ngay sau khi tiêu hóa, như rượu và ma túy, trong khi ruột, phổi và da thì thực hiện các chức năng bài tiết bổ sung.)
 
Thận vừa sàng lọc các chất độc ra khỏi máu và thải chúng ra ngoài dưới dạng nước tiểu, vừa bảo tồn nhiều thành phần thiết yếu của máu, ngăn chặn chúng bị thất thoát khi chúng ta đi tiểu. Và thận cũng sản xuất một số hormone và vitamin giúp kiểm soát nhiều quá trình như quá trình sản xuất hồng cầu, điều hòa huyết áp và phát triển xương.
 
Thậm chí, thận còn có khả năng ‘đánh hơi.’ Để sàng lọc nhanh chóng hàng trăm loại hóa chất trong máu và nước tiểu, rồi quyết định loại bỏ các chất nào và giữ lại các chất nào với số lượng chính xác, thận sử dụng các cơ quan thụ cảm mùi tương tự như các cơ quan thụ cảm có trong mũi. Jennifer Pluznick, giảng sư sinh lý học tại Johns Hopkins School of Medicine, người đã phát hiện ra khứu giác của thận, cho biết: “Thận sẽ đánh hơi dòng nước tiểu và máu đi qua nó. Sự chú ý đến từng chi tiết của thận thật đáng kinh ngạc. Và vẫn còn nhiều bí mật lâu đời khác đang chờ được khám phá.”
 
Lần đầu tiên, các bác sĩ có thể thay thế một cơ quan quan trọng bằng máy móc.
 
Ngay cả đối với những người dành cả đời để nghiên cứu về thận, chúng vẫn là một bí ẩn.
 
Từng nhịp đập của trái tim sẽ nỉ non về tầm quan trọng của thận. 20% máu của mỗi nhịp đập sẽ được bơm đến thận. Cơ quan này nhận được lượng máu nhiều gấp 4 lần so với gan, gấp 7 lần so với não và gấp 14 lần so với phổi. Một cặp thận khỏe mạnh mỗi phút sẽ lọc được một lít máu, có nghĩa là cứ 5 phút chúng sẽ lọc toàn bộ lượng máu của một người trưởng thành nặng 150 pound. Khi máu đi qua thận, các thành phần chứa trong máu sẽ nhảy nhót tới lui trên các lớp màng với độ thẩm thấu khác nhau. Cuối cùng, quá trình lọc và tái hấp thu phức tạp sẽ tạo ra hai dòng chất lỏng riêng biệt: máu siêu sạch và nước tiểu có mùi khai. ‘Máu sạch’ sẽ lại tiếp tục tuần hoàn không ngừng nghỉ khắp cơ thể, còn nước tiểu thì chảy xuống niệu quản vào bàng quang và thoát ra ngoài qua niệu đạo.
 
Máu bơm từ tim đến thận đi qua các động mạch thận và khuếch tán khắp một loạt các cấu trúc hình ống cực nhỏ gọi là nephron, đơn vị chức năng của thận; một trái thận trẻ trung và khỏe mạnh thường chứa khoảng một triệu nephron. Mỗi nephron là một hệ thống lọc bao gồm gồm 2 phần: cầu thận (renal corpuscle) và ống thận (renal tubule). Cầu thận (renal corpuscle) bao gồm một chùm mao mạch gọi là tiểu cầu thận (glomerulus) và một cấu trúc hình ống gọi là bao tiểu thể (hay bao Bowman), nối tiếp với ống thận (renal tubule).
 
Tiểu cầu thận (glomerulus) chịu trách nhiệm cho quá trình “siêu lọc” (ultrafiltration – lọc áp suất thấp): máu động mạch cao áp từ tim ‘tuôn’ thẳng xuống, ập vào thành tế bào của tiểu cầu thận – một màng nhiều lớp với các lỗ có đường kính khoảng 4 nanomet. Những thành phần có kích thước lớn hơn 4nm như hồng cầu, bạch cầu và các protein huyết tương lớn sẽ được giữ lại bởi thành tế bào tiểu cầu thận, còn các phân tử chất thải kích thước nhỏ hơn và phần lớn nước chứa chúng sẽ chảy qua các lỗ và đổ vào ống thận bên ngoài.
 
Chất lỏng tích tụ ở phía bên kia của thành tiểu cầu thận là kết quả của giai đoạn đầu tiên của quá trình sản xuất nước tiểu. Chúng sẽ đi qua thận, tách biệt với máu. Nhưng trong chất lỏng này vẫn còn chứa nhiều chất mà cơ thể luôn cần: muối, glucose, axit amin, chất điện giải và nước. Các tiểu cầu thận sản xuất khoảng 180 lít chất lỏng loại này mỗi ngày; nếu cơ thể thải sạch hết lượng chất lỏng này ra ngoài, chúng ta sẽ mất nước và chết ngay sau vài phút. Để không bị như vậy, phần ống thận, với nhiều khúc uốn lượn, sẽ lọc lại các thành phần cần thiết và đưa chúng trở lại máu. Quá trình này lọc từ 180 lít, phần chất lỏng của quá trình siêu lọc ban đầu, xuống còn 1.5 đến 2 lít nước tiểu cô đặc, vô trùng, có mùi phốt phát, urê và các chất thải khác.
 
Thận suy vì nhiều lý do. Một là chúng bị hao mòn theo thời gian. Trong độ tuổi từ 20 đến 70, hầu hết chúng ta đều sẽ mất đi một nửa chức năng thận, do các nephron bị teo dần. Hai là có một số người bẩm sinh đã mắc các bệnh di truyền và dị tật phát triển làm tăng tốc độ suy thận tự nhiên. Ba là các loại bệnh viêm nhiễm và tự miễn dịch cũng có thể làm tổn thương các nephron, chẳng hạn như những chấn thương bất ngờ, đau tim hoặc bất kỳ tai nạn nào khác làm giảm lưu lượng máu đến thận. Dấu hiệu của những căn bệnh này đã được tìm thấy trong thận của các xác ướp Ai Cập và các xác ướp khác ở thời kỳ sau này. Mozart có khả năng đã chết vì suy thận sau khi bị nhiễm trùng liên cầu khuẩn nặng; Buffalo Bill Cody bị hư thận sau khi sử dụng thuốc trị đau đầu trong thời gian dài (một loại thuốc giảm đau tương tự là Bex Powders, đã khiến hàng loạt người bị bệnh thận ở Australia sau Thế Chiến II); còn George Bernard Shaw thì qua đời vì chấn thương thận cấp tính sau khi bị té từ trên cây xuống. Gần đây hơn, Veronica Lake bị suy thận sau một đợt xơ gan kéo dài; Dexter Gordon bị mất chức năng thận vì bệnh ung thư; hay Đại kiện tướng cờ vua Bobby Fischer chết do tắc nghẽn đường tiết niệu nhưng từ chối dùng thuốc hoặc phẫu thuật, dẫn đến suy thận.
 
Trong vài thập niên qua, bệnh tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp đã trở thành đại dịch về sức khỏe ở phương Tây, đồng thời cũng đang là ba nguyên nhân và tác nhân chính đẩy nhanh tình trạng suy thận. Tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp – bệnh nào cũng gây tổn thương hoặc làm tăng căng thẳng cho thận. Ở Hoa Kỳ, hơn 60% bệnh nhân mới được chẩn đoán suy thận cũng đồng thời bị tiểu đường. Một số loại thuốc cũng gây hại cho nephron, thủ phạm hàng đầu là thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen – kế thừa của Bex Powders – cũng như một số loại thuốc kháng sinh, thuốc huyết áp và thuốc hóa trị. Ngày nay, ước tính có khoảng 37 triệu người ở Hoa Kỳ mắc bệnh thận, và gần 800,000 người bị suy thận.
 
Để đối đầu với lời nguyền về bệnh suy thận, y học đã nghĩ ra phương pháp lọc máu. Từ cuối Thế Chiến II đến những năm 1960, các bác sĩ ở Châu Âu và Bắc Mỹ đã chế tạo nhiều công cụ có thể loại bỏ một số chất thải và chất lỏng dư thừa trong máu bệnh nhân, vốn được thận loại bỏ một cách tự nhiên. Họ phát minh ra những cách mới để kết nối máy móc với hệ thống tuần hoàn của cơ thể con người.
 
Và họ đã làm nên lịch sử y học. Lần đầu tiên, các bác sĩ đã tìm cách thay thế một cỗ máy cho một cơ quan quan trọng, ngăn chặn sự tiến triển của một căn bệnh hiểm nghèo và đôi khi duy trì tính mạng của bệnh nhân trong nhiều thập niên. Một nhánh y học mới đã ra đời: nephrology (thận học) – từ nephrós trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “thận.” Tiến bộ trong lọc máu đi đôi với sự phát triển của ghép thận và các liệu pháp liên quan nhằm ức chế hệ thống miễn dịch để cơ thể người nhận dễ dàng chấp nhận nội tạng được cấy ghép. Năm 1954, các bác sĩ tại Peter Bent Brigham Hospital ở Boston, hiện là một phần của Brigham and Women’s Hospital, đã thực hiện ca cấy ghép thành công đầu tiên một cơ quan nội tạng chính, lấy một trái thận khỏe mạnh từ Ronald Herrick và ghép nó vào người em song sinh, Richard, một nạn nhân của căn bệnh thận nan y. Các ca ghép phổi, gan, tuyến tụy và tim cũng nhanh chóng được thực hiện sau đó.

Đây là thời đại hào hùng của y học, chứng kiến các phương pháp phẫu thuật mang tính cách mạng và các thiết bị mới để chữa trị cho nhiều căn bệnh nan y. Đây còn là thời kỳ trí tuệ phát triển mãnh liệt, các bác sĩ với những công nghệ mới tham gia trận chiến đối mặt một số căn bệnh khó chữa nhất của nhân loại, và dường như họ đã thắng. Và cũng là thời đại hòa nhập quốc tế, các bác sĩ ở các trung tâm y tế ở Seattle và Boston, Toronto và Paris, cũng như ở các bệnh viện ở Thụy Điển và Hà Lan, đã tạo ra các trung tâm chuyên môn về thận. Tại đây, các bác sĩ khác từ khắp nơi trên thế giới tập trung lại, chia sẻ và tiếp thu kiến thức mới về thận học.
 
Nếu lĩnh vực lọc máu (dialysis) cứ mãi bị chững lại trên toàn thế giới, Hoa Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng.
 
Ở New York, Leonard Stern, nhà sáng lập chương trình lọc máu tại Columbia University, nhớ lại quá trình đào tạo và chương trình nội trú tại trường y của mình vào đầu những năm 1970. Vào thời đó, đây là một chuyên ngành non trẻ vừa mới được lập ra. Ông kể: “Tôi chọn nephrology ngay lập tức vì háo hức muốn tìm hiểu mọi thứ hoạt động như thế nào.”
 
Cũng trong năm đó, ở Melbourne, John Agar cùng với các đồng nghiệp coi thận học là “một lĩnh vực đầy hứa hẹn.” Agar kể: “Khi tôi bắt đầu chọn ngành thận học vào năm 1972, đó là một lĩnh vực thú vị với tốc độ phát triển nhanh chóng. Nó dường như là tương lai của y học. Chúng tôi đã đi trước khoa tiêu hóa và tim mạch. Chúng tôi là chuyên khoa duy nhất có thể thay thế một cơ quan quan trọng, không chỉ bằng máy móc nhân tạo mà còn có thể bằng một cơ quan mới được cấy ghép.” Năm 2009, ông được trao tặng Order of Australia vì những đóng góp cho y học về thận.
 
Nhưng kể từ năm 1972, trên khắp thế giới, lời hứa hẹn ban đầu về lọc máu đã dần phai nhạt. Công nghệ mới được sử dụng để điều trị cho những người bị suy thận, vốn được các bác sĩ trẻ như Leonard Stern và John Agar phấn khích vào những năm 1970, đã không có phát triển nào đáng kể trong nửa thế kỷ qua. John Agar chua xót nói: “Vốn từng là những hứa hẹn vô hạn, giờ lại là nỗi thất vọng vô biên.” Nhưng nếu lĩnh vực lọc máu  cứ bị trì trệ trên toàn thế giới, Hoa Kỳ sẽ lâm vào khủng hoảng. Ở Hoa Kỳ, tỷ lệ bệnh tật, các vấn đề về tim mạch và các trường hợp khác cần lọc máu là rất cao. Bệnh nhân thường phải chịu một loạt các phương pháp điều trị nghiệt ngã, không chỉ gây đau đớn, suy nhược mà còn có hại về mặt y tế. Leonard Stern cho biết: “Với khoảng 22% bệnh nhân tử vong hàng năm, tỷ lệ sống sót ở Hoa Kỳ là thấp nhất trong thế giới công nghiệp hóa. Tỷ lệ tử vong ở Nhật Bản chỉ từ 5 đến 6% mỗi năm, còn ở Tây Âu, con số này nằm trong khoảng 9 đến 12% mỗi năm. Vậy thì sự khác biệt là gì? Trước hết, hầu hết các trường hợp chạy thận ở Hoa Kỳ đều được thực hiện vì lợi nhuận, và tỷ lệ sống sót vì lợi nhuận luôn thấp hơn so với vô vụ lợi.”
 
Sau nhiều thập niên chứng kiến sự gia tăng của hoạt động lọc thận vì lợi nhuận cùng với sự thờ ơ vô tâm ở Hoa Kỳ, nhiều bác sĩ chuyên khoa thận giàu kinh nghiệm như John Agar và Leonard Stern đã thấy chán ngán. Agar nói: “Nhiều năm qua, tôi hay nói với các đồng nghiệp người Mỹ của mình rằng ‘Các ông bà hãy ngừng đẩy bệnh nhân của mình vào chỗ chết đi.’”
 
Nguồn: “How Our Kidneys Keep Us Healthy—And What It Means When They Fail” của Tom Mueller, được đăng trên trang Lithub.com.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều phụ nữ không nhận ra rằng những ly rượu, ly bia mà họ thường uống cùng bạn bè, hoặc để thư giãn trong “giờ nhậu của mẹ” (wine mom moment, một số bà mẹ thích nhâm nhi vài ly rượu hoặc lon bia để thư giãn sau khi bận rộn chăm sóc con cái và gia đình) có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Tuy điều này có vẻ không vui, nhưng lại là sự thật: Rượu, bia thực sự có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú.
Cảm giác từ việc bẻ các khớp ngón tay cho kêu rôm rốp có thể rất khác nhau tùy theo từng người. Có người thấy rất ‘đã,’ thậm chí là bị ghiền, cũng có người thấy khó chịu hoặc sợ hãi. Dù việc bẻ khớp thường được nhiều người coi là một thói quen không tốt, nhưng nếu có thể hiểu được cơ chế hoạt động đằng sau việc bẻ khớp, ta sẽ hiểu tại sao lại có nhiều người ‘ghiền’ đến vậy.
Cael là một thiếu niên 15 tuổi bình thường – cho đến khi cậu được phát hiện có cột sống bị cong vẹo bất thường. “Em cảm thấy mình giống như Thằng Gù ở Nhà thờ Đức Bà vậy đó,” Cael nói với CBC News, nhớ lại quãng thời gian hai năm chờ đợi để được phẫu thuật cột sống, đầy cảm xúc và khốc liệt, và trong thời gian đó, đường cong cột sống của cậu đã phát triển lên tới 108 độ.
Vào những năm 1990, sau khi tốt nghiệp trung học ở Bồ Đào Nha, công việc đầu tiên của Ricardo Da Costa là vận động viên ba môn phối hợp (triathlete) chuyên nghiệp – bao gồm bơi lội, đạp xe, và điền kinh. Trong quá trình tham gia các cuộc thi, một trong những vấn đề lớn nhất mà anh và các vận động viên khác phải đối mặt là các vấn đề về tiêu hóa, nhưng không có ai để tâm hoặc tìm cách giải quyết vấn đề này.
Aspirin nổi tiếng với khả năng giảm đau từ các cơn đau cơ và đau đầu; giúp giảm sốt; và liều lượng thấp có thể làm loãng máu, giảm nguy cơ đông máu gây đột quỵ và đau tim. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới phát hiện ra rằng Aspirin cũng có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của ung thư ruột kết
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.