Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Gìn Giữ Kháng Sinh

28/05/200400:00:00(Xem: 6219)
Trong chương trình giải đáp y học trên mạng lưới vi tính, một tham dự viên nêu ra câu hỏi: "Cô có người quen ở quê nhà, hàng tháng đều uống thuốc kháng sinh trong một tuần lễ để phòng ngừa các bệnh và để được khỏe mạnh hơn. Làm như vậy là đúng hay sai"”
Một số bệnh nhân đi khám bác sĩ đều yêu cầu thầy thuốc chích cho một mũi Bi Ci Lin để lọc máu.
Bác sĩ cho kháng sinh trong mười ngày để trị bệnh nhiễm phổi. Bệnh nhân uống được một tuần, thấy hết sốt, bớt ho, bèn ngưng thuốc. Vì sợ uống nhiều, nóng trong người.
Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Hoa Kỳ cho biết, hàng năm có tới 12 tỷ toa thuốc kháng sinh được biên cho các bệnh nhân không cần đến thuốc này.
Và Tổ Chức Y tế Thế Giới cũng như cơ quan y tế tại mọi quốc gia đã lên tiếng báo động rằng, hầu hết các loại kháng sinh hiện có đã trở thành bất lực với đa số các vi khuẩn gây bệnh. Họ cũng hô hào mọi người hãy cùng tiếp tay để cứu lấy những dược phẩm có tác dụng kỳ diệu này.
Vậy Kháng sinh là gì" Tại sao chúng lại đang ở trong tình trạng lâm nguy, cần được bảo vệ, cứu giúp"
Vài điều về Kháng sinh
Antibiotics có nguồn gốc Hy Lạp: anti là chống lại hoặc đối nghịch + bios là sự sống. Ta vẫn thường gọi là Trụ sinh hoặc Kháng sinh.
Về phương diện y học, thuốc kháng sinh là chất có thể tiêu diệt hoặc ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn, còn gọi là vi trùng (bacteria). Thuốc tấn công màng bao che để hủy hoại vi khuẩn hoặc tiêu hủy ribosome là chất tạo ra protein để vi khuẩn thiếu dinh dưỡng mà chết.
Kháng sinh chỉ công hiệu với vi khuẩn (bacteria), chứ không có tác dụng với các tác nhân gây bệnh virus.
Xin nhắc lại Vi Khuẩn là những sinh vật có cấu tạo rất đơn giản với một tế bào chưa có nhân, hầu hết sinh sản bằng lối phân đôi. Vi khuẩn có khắp mọi nơi, từ môi trường thiên nhiên đất, nước không khí tới trong cơ thể người, súc vật và thực vật. Không phải vi khuẩn nào cũng gây bệnh, vì một số có ích lợi cho môi trường cũng như các sinh vật khác. Vi khuẩn có thể nhìn thấy qua kính hiển vi quang học và có thể tiêu diệt bằng thuốc kháng sinh.
Virus hoặc siêu vi trùng là các vật rất nhỏ, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi điện tử. Cấu tạo của virus thực ra rất giản dị với một nhân DNA hoặc RNA bao bọc bằng một lớp chất đạm. Các khoa học gia không coi chúng như một sinh vật mà là một "phân tử gây nhiễm". Chúng gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như cúm, tê liệt trẻ em, sốt xuất huyết, Liệt kháng HIV-AIDS. Không có dược phẩm chuyên trị virus, nhưng may mắn là có thể phòng ngừa một số bệnh bằng thuốc chủng vaccin.
Việc khám phá ra kháng sinh đã manh nha từ thế kỷ 19, khi nhà bác học người Pháp Louis Pasteur nhận thấy rằng vi sinh vật tiết ra một chất có thể tiêu diệt vi sinh vật khác. Từ nhận xét đó, kháng sinh được khám phá, bắt đầu với loại Sulfamides. Nhớ lại những năm 40-50 của thế kỷ trước, có được một tube Dagenan để trị các bệnh nhiễm thì quý hơn vàng.
Sự xuất hiện của Kháng sinh dược coi như là khám phá vĩ đại nhất về phương diện y hoc trong đầu thế kỷ 20. Nhưng đáng tiếc là tới gần cuối thế kỷ thì con người lại phải tìm cách đối phó với sự đề kháng của vi khuẩn với cùng loại thuốc.
Cách đây trên một trăm năm, chỉ nghe tới Dịch hạch, Thương Hàn, Lao phổi là đã thấy lưỡi hái Tử Thần như lởn vởn đâu đó. Rồi lại còn những sưng phổi, tiêm la phong tình nhập cốt đã đưa tới bao nhiêu thương tích cho người bệnh.
May mắn là từ khi được khám phá, bào chế, thuốc kháng sinh đã đóng một vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát, chữa trị nhiều bệnh nhiễm nguy hại tới sức khỏe.
Penicillin là kháng sinh được bác sĩ người Anh Sir Alexander Fleming tình cờ khám phá ra vào năm 1928. Ông ta thấy rằng vi trùng không sống được trong một đĩa thí nghiệm có mọc một loại nấm mốc của bánh mì. Nhưng phải đợi mười hai năm sau nhờ sự tiếp tục nghiên cứu của Howard Florey và Erns Chain, thuốc mới được chứng minh có tác dụng diệt khuẩn ở người và được bào chế mang ra sử dụng rộng rãi.
Ba khoa học gia này được giải Nobel vào năm 1945 nhờ khám phá ra Penicillin.
Rồi trong những thập niên kế tiếp, nhiều loại thuốc kháng sinh thần diệu khác được khám phá, sản xuất. Công dụng của thuốc kháng sinh càng ngày càng được đề cao và được dùng rất phổ biến.
Nguyên nhân nhờn thuốc
Nhưng trong những năm gần đây, kháng sinh mất dần công hiệu với một số bệnh nhiễm trùng vì Vi khuẩn trở nên quen nhờn với thuốc.
Sự nhờn thuốc này có thể là một hiện tượng tự nhiên vì vi khuẩn đôi khi cũng thay đổi gene cấu tạo, tránh né được tác dụng của thuốc khiến thuốc không còn công hiệu. Nhưng trong đa số các trường hợp, nhờn thuốc là do lỗi lầm của con người.

a-Một mặt là do khiếm khuyết từ phía ông bà lang y.
Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Dịch Hoa Kỳ thì hàng năm có tới 12 tỷ toa thuốc kháng sinh được biên cho các bệnh cảm, cúm, đau cuống họng. Mà 90% các bệnh này lại do virus gây ra. Kháng sinh đã được dùng không đúng chỗ.
Một số thầy thuốc cũng quá dễ dãi trong việc cho toa kháng sinh, chiều theo ý muốn của bệnh nhân cho vui vẻ cả làng: người ta khỏi bệnh mà lợi nhuận của mình cũng tăng lên.
Nhiều khi bác sĩ cho thuốc kháng sinh theo nhận xét của mình chứ không căn cứ trên kết quả thử nghiệm. Mỗi vi khuẩn có cấu trúc khác nhau và phản ứng với thuốc theo cách riêng. Thử nghiệm có thể xác định bệnh do vi khuẩn nào gây ra và vi khuẩn đó nhậy cảm với thuốc kháng sinh nào, và sự điều trị sẽ chính xác hơn.
Thuốc được cho dùng không đúng bệnh, với phân lượng và thời gian không đủ để diệt vi khuẩn
Hoặc vì thầy thuốc kế bên chữa mạnh tay bằng kháng sinh mới ra lò, mà mình vẫn dùng thuốc cũ thì sẽ bị bệnh nhân cho là không cập nhật, e rằng sẽ giảm uy tín, mất khách.
Có bác sĩ lại thích cho thuốc quá mạnh, không cần thiết cho hiện trang của bệnh, với suy luận rằng " đánh mau đánh mạnh còn hơn bệnh lâu lành".


Đôi khi bác sĩ cũng chịu ảnh hưởng của trình dược viên làm việc cho các hãng bào chế thuốc nên cả nể hoặc vì một chút lợi nhuận nào đó mà biên toa loại thuốc được giới thiệu ân cần hơn. Nhiều viện bào chế còn tặng quà, tổ chức du lịch hội thảo miễn phí cho các ông bà lang để chiêu dụ, mua chuộc.

b-Mặt khác là bệnh nhân nhiều khi cũng không nắm vững khả năng, công dụng của kháng sinh, nên đã sử dụng theo ý mình.
Nhiều người nghĩ là cứ nóng sốt là phải có thuốc kháng sinh mới mau khỏi, nhất là với các bệnh ở trẻ em. Chỉ với sổ mũi, đau tai, rát cuống họng mà nhiều bậc phụ huynh đã vội vàng " xin bác sĩ cứ biên cho cháu cái chai thuốc mầu hồng giống như bữa trước đó là cháu nó hết bệnh ngay"
Lại còn nhiều vị, dị ứng, ban ngứa trong mình cũng năn nỉ xin chích một mũi thuốc Bicillin để lọc máu. Khi không được cho thuốc kháng sinh thì lại không vui.
Bệnh nhân không uống thuốc theo lời chỉ dẫn của bác sĩ về phân lượng và thời gian uống. Nhiều người ngưng thuốc trước thời hạn đã định khiến cho vi trùng chưa kịp bị tiêu diệt, phây phây tiếp tục hủy hoại cơ thể. Nhiều khi chúng thay đổi cấu tạo, trở thành nguy hiểm hơn, quen với thuốc và đưa tới tái phát của bệnh.
Bệnh nhân cũng tự chữa bằng cách chạy ta dược phòng quen mua mấy viên kháng sinh hoặc xin thuốc trụ sinh của bạn bè. Họ đã tự chữa cầu may, vì cho rằng, đến khám bệnh, bác sĩ cũng cho thuốc này mà lại mất công ngồi đợi.

c-Rồi tới việc tại nhiều quốc gia, luật lệ mua bán kháng sinh không được tôn trọng, dân chúng có thể mua tự do về dùng mà không cần ý kiến thầy thuốc. Đây là điều đáng tiếc vì thuốc là một hóa chất, có thể gây tác dụng xấu cho sức khỏe, cần được chỉ định và hướng dẫn trước khi dùng, theo như luật lệ mỗi quốc gia đã quy định.
Ngoài ra, dân chúng sống chen chúc vì kém kinh tế cũng dễ dàng đưa tới lan truyền bệnh nhiễm với các vi khuẩn bướng bỉnh, bất trị.

d-Vài chục năm vừa qua, còn xẩy ra nhiều trường hợp lạm dụng thuốc kháng sinh ở súc vật và thảo mộc. Bên Mỹ, người ta ước lượng có tới 70% kháng sinh được sử dụng trong nông trại.
Nông gia thường cho súc vật dùng nhiều loại kháng sinh để phòng bệnh và trị bệnh, để làm gia súc và thảo mộc mau lớn, nặng cân. Một số vi khuẩn không bị tiêu diệt sẽ sót lẫn trong thực phẩm. Khi người tiêu thụ thực phẩm đó thì các vi khuẩn sẽ xuất hiện và gây bệnh mà kháng sinh đều vô hiệu.
Việc sử dụng bừa bãi này đã khiến y giới cũng như chính quyền phải lên tiếng, can thiệp. Trước áp lực của quần chúng, các nhà hàng lớn ở Mỹ như Mc Doanald, Wendys, Popeys đã không mua gà nuôi với kháng sinh Fluoroquinolone. Để tránh nhiễm bệnh cho thân chủ vì các vi khuẩn nhờn quen với thuốc này.
Đối phó với nhờn thuốc
Sự đề kháng của vi trùng với thuốc kháng sinh đã khiến chính quyền các quốc gia cũng như Cơ Quan Y Tế Thế Giới quan tâm rất nhiều. Mọi người đều e ngại là nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn thì sợ rằng chúng ta lại trở về với thời kỳ chưa khám phá ra thuốc kháng sinh, bệnh nhiễm sẽ hoành hành, phát triển. Cơ Quan Y tế Thế giới đã đưa ra một kế hoạch Toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng của thuốc kháng sinh.

Mọi tổ chức đềụ đề nghị cứu vớt, gìn giữ kháng sinh, quà tặng của Mẹ Thiên Nhiên bằng mọi cách.

a-Hướng dẫn dân chúng và nhân viên y tế dùng thuốc kháng sinh đứng đắn, đúng bệnh sau khi đã thử nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Ngoại trừ trường hợp khẩn cấp mà nếu đợi thử nghiệm thì mất thời gian; hoặc khi cần phòng ngừa biến chứng của bệnh khác. Chẳng hạn trong trường hợp ngừa bệnh lao, ngừa viêm viêm khớp với rủi ro viêm tim.

b-Chỉ dùng kháng sinh cho vi khuẩn chứ không cho virus. Các bệnh cảm lạnh, cúm là do siêu vi trùng , mà cho tới nay chưa có thuốc nào tiêu diệt được siêu trùng. Các bệnh như sưng phổi, giang mai, viêm thận, lao phổi... là do vi khuẩn gây ra và có thể chữa được bằng thuốc kháng sinh.

c- Bệnh viện cần có các kế hoạch phòng ngừa sự lây lan nội bộ cũng như sự bội nhiễm của vi khuẩn: có phòng riêng cho bệnh nhiễm, giới hạn ra vào; nhân viên y tế rửa tay trước và sau khi khám bệnh;.

d-Bác sĩ cần dành thì giờ để giải thích sự cần hay không cần thuốc kháng sinh khi bệnh nhân đòi hỏi để họ an tâm ra về khỏi hậm hực hoặc đi bác sĩ khác.

e-Khi kháng sinh được dùng, bác sĩ nên giải thích cách dùng, thời gian dùng, dấu hiệu bệnh thuyên giảm để bệnh nhân khỏi ngưng thuốc quá sớm hoặc tiếp tục uống khi không cần. Nhiều cơ quan y tế đã làm sẵn những phiếu chỉ dẫn cách dùng thuốc kháng sinh cũng như sự đề kháng của vi trùng để phát cho bệnh nhân mang về đọc cho nhớ, và mở rộng tầm kiến thức.

g-Bệnh nhân chỉ nên dùng kháng sinh khi được giới y tế xác định có nhu cầu; uống thuốc theo chỉ dẫn; không để dành thuốc hoặc dùng kháng sinh của người khác. Mỗi người, mỗi bệnh, không ai giống ai.

h- Kháng sinh chỉ dùng khi có bệnh với tác nhân gây bệnh rõ ràng, chứ không phải để ngăn ngừa bệnh, như vị tham dự chương trình y tế trên mạng vi tính nêu ra.

i-Chính quyền quy định việc phân phối, kiểm soát thuốc kháng sinh, tránh lạm dụng vì mua bán thuốc mua tự do.

k- Giới hạn việc dùng kháng sinh trong mục đích làm súc vật và rau trái mau lớn, nặng cân.

l- Công chúng rửa sạch rau trái trước khi dùng, để tránh kháng sinh còn sót lại trong thực phẩm;

m-Ngoài ra, sự pha lẫn thuốc kháng sinh vào các loại xà bông để tắm rửa, giặt quần áo cũng được nhiều giới chức y tế cho là không cần thiết và có thể tạo ra sự đề kháng của vi khuẩn với thuốc. Theo nhiều giới chức y tế, khi rửa tay, chỉ cần xà bông thường với nước lạnh là đủ, chứ đâu có cần đến xà bông có pha thuốc kháng sinh.

Kết luận
Thuốc kháng sinh như con dao hai lưỡi, vừa có tác dụng tốt vừa có thể phản tác dụng, gây nguy hiểm cho người dùng. Và khi dùng không đúng thì có hại hơn là có lợi.
Kháng sinh đã cứu ta, thì bây giờ chúng lại cần ta cứu giúp, bảo vệ chúng. Để chúng có thể tiếp tuc phục vụ giữ gìn sức khỏe của ta.
Bác sĩ Nguyễn Ý-ĐỨC
Texas cuối 5-2004

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.