Hôm nay,  

Y Dược Ngày Nay Tháng Ba

08/03/200800:00:00(Xem: 4335)

Hôm nay là ngày mồng 8 tháng Ba năm 2008, Y Dựợc Ngày Nay trở lại và xin thân mến kính chào quý vị.

Để mở đầu tường trình hôm nay, xin giới thiệu cùng quý vị vài lời Phi lộ của Bs Nguyễn Nguyên, nói về việc đề phòng ung thư vú phụ nữ, không đơn giản như 1, 2, và 3.

Bs Nguyễn Nguyên viết: Có người cho rằng  phái nữ có ba cái sợ về ung thư. Đó là sợ BBC, vì các ung thư thường gặp là Breast cancer (Ung thư Vú), Bowel cancer (Ung thư đại tràng) và Cervix cancer (Ung thư cổ tử cung). Và sợ cũng vì điều trị Ung thư Vú đã phức tạp; phòng ngừa Ung thư Vú cũng chẳng giản đơn. Bài này xin tóm lược về 3 giai đoạn chính trong việc phòng ngừa bệnh Ung thư Vú. Đó là phòng ngừa cấp 1, 2, 3.

Nói chung, biện pháp phòng ngừa cấp 1 được định nghĩa là những biện pháp để tránh không cho một tình trạng bệnh lý (hoặc tai nạn) xảy ra. Ví dụ cụ thể là biện pháp chủng ngừa bệnh và dùng dây an toàn khi đi xe hơi. Riêng đối với Ung thư vú, trong điều kiện thực tế của Y Dược ngày nay, chưa có một biệp pháp phòng ngừa cấp 1 nào được xem là hữu hiệu. Biện pháp phòng ngừa cấp 2 phải hướng về việc tìm và trị những người mang nguy cơ vướng bệnh, hoặc tìm và trị những người tuy đã lỡ vướng bệnh nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng. Một số biện pháp phòng ngừa cấp 2 đã được dùng hữu hiệu đối với các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, cao Cholesterol trong máu. Đối với Ung thư vú, các việc khám vú, chụp hình vú định kỳ cho phụ nữ, xét nghiệm tìm gen BRCA1 hoặc BRCA2 là những biện pháp phòng ngừa cấp 2 đã được chứng minh là hữu hiệu. Thật vậy, việc tìm và trị bệnh sớm đã làm thay đổi tiến trình của bệnh ung thu vú giảm đau khổ và tăng giá trị cho đời người bệnh, đã thêm đời đáng sống và thêm ngày đáng sống cho bệnh nhân và gia đình họ. Đối với các trường hợp đã xác định là Ung thư vú, phòng ngừa cấp 3 thường gồm tất cả những nỗ lực của cá nhân, gia đình, xã hội và y tế hướng vào việc phục hoạt tối đa các chức năng, và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của bệnh tình và biến chứng. Trọng tâm của Phòng ngừa cấp 3 là làm cho người bệnh cảm thấy đời đáng sống. Và ngay sau khi Ung thư được chẩn đoán, những biện pháp cụ thể cần sự đóng góp của ngành Y Khoa có tên là Y khoa xoa dịu (Palliative medicine). Trong khoa này, lời khuyên của nhà Giải phẫu nổi tiếng người Pháp - Ambroise Paré: "Đôi khi chữa lành, lắm khi xoa dịu, thường xuyên an ủi" ("Guérir quelquefois, soulager souvent, consoler toujours") còn vang vọng và phải được thực thi liền ngay sau khi phát hiện bệnh. Biện pháp cụ thể về Y khoa xoa dịu và Phòng ngừa cấp 3 có rất nhiều; nhưng chủ yếu là khi thi hành, người bệnh, thân nhân và nhân viên Y tế cần hướng về 3 mục tiêu ABC chính sau đây.

A là Adjust, tức là trong hoàn cảnh mới, ngừơi bệnh sẽ cần giúp đỡ để thích nghi về thể chất, tâm lý, gia đình và xã hội. Thích nghi về thể chất như biết tự chăm sóc về ăn uống, thể dục, vệ sinh cá nhân, tóc tai, áo quần. Thích nghi về tinh thần như về tri thức và cảm nhận, mức tự tin, mức tự kiểm và tự giác không bị suy sụp vì bệnh tình. Thích nghi về tâm linh bằng cách xác định giá trị bản thân và tín ngưỡng của mình trong gia đình và xã hội.

B là Belong to. Cảm nhận "còn thuộc về" (belong to) này giúp bệnh nhân duy trì liên hệ với người thân, gia đình, bè bạn, láng giềng, học đường và cộng đồng. Bệnh nhân sẽ tham gia vào các hoạt động trong nhà hoặc ngoài cộng đồng để giải trí và giảm căng thẳng (stress), tham gia các công tác sinh lợi hoặc thiện nguyện.

C là Choose and Control. Có chọn lựa và kiểm soát, người bệnh càng chứng tỏ khả năng chọn lựa và kiểm soát chính tương lai đời mình với sự hổ trợ của gia đình và cộng đồng. Mọi nỗ lực là phải làm sao cho họ thoải  mái khi chọn lưạ và kiểm soát cho chính mình một đời đáng sống trong tình huống mới.

Tóm lại, mặc dầu Y Dược ngày nay có những tiến bộ đáng kể, nói rằng YDNN chỉ "đôi khi chữa lành" cũng không hẳn là quá khiêm tốn. Ngay trong thế kỷ này, phòng ngừa ở cấp 1, 2 hay 3 vẫn là việc cần thiết đối với bệnh tật lẫn tai nạn. Đối với Ung thư vú cũng như các loại Ung thư khác, đời đáng sống của người đòi hỏi những điều rất căn bản như ABC. (Bác sĩ Nguyễn Nguyên).

Trong phần Tin Mới Y Học Tháng 2 vừa qua, Bs Nguyễn Văn Thịnh, sưu tầm công phu, cho chúng ta biết một số tin tức y học quan trọng, như: Sinh tố D giảm nguy cơ té ngã và chứng gẫy xương của người già; chất caffeine tăng cao nguy cơ sẩy thai; giấc ngủ ngon giảm nguy cơ bệnh tiểu đường; nguy cơ ung thư sẽ tăng gấp đôi từ nay tới năm 2020; liên hệ giữa bệnh trứng cá và ung thư tuyến tiền liệt; nghiên cứu vaccin thuốc chủng ngừa ung thư tuyến tiền liệt; tập thể dụng làm trẻ lại 10 năm; ăn uống nhiều rau xanh và trái cây tăng cao sinh tố C và giảm nguy cơ  tai biến mạch máu não; và tin thuốc lá sẽ giết chết một tỉ người. Trong phần Y Học thường thức, Ts Nguyễn Tịnh Vân bàn luận về bệnh khuyết tật di truyền Mucopolysacharidosis, một bài viết hiếm thấy trong cộng đồng người Việt. Gs Vũ Quí Đài cho biết bé gái khi mới sinh ra đời có khoảng 5 tới 10 triệu trứng. Nhưng khi đến tuổi dậy thì chỉ còn 400 ngàn trứng. Gs Vũ Quí Đài cũng nói về ung thư vú phụ nữ, những yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú, triệu chứng ung thư vú, và những phương pháp truy tầm ung thư vú phụ nữ. Bs Trần Mạnh Ngô tóm tắt cách ngừa tránh khỏi bị phỏng, đặc biệt dành cho trẻ em. Bs Trịnh Cường nói về bệnh do loài gậm nhấn gây truyền, như bệnh dịch hạch do vi trùng Yersinia Pestis . Bs Nguyễn Ý Đức hướng dẫn vai trò tiêu hóa thực phẩm của bao tử. Bs Nguyễn Văn Đích đưa ra nhiều câu hỏi và giải đáp cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Trong Y Khoa Thực Hành có bài thuốc ngăn chặn beta trị bệnh cao huyết áp của Bs Trần Mạnh Ngô, và hai bài về bệnh thặng dư sắt mô của Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang. Một số độc giả quan tâm về bệnh thặng dư sắt mô của người Việt.

Trong Y Khoa Lâm Sàng, Bs Nguyễn Tài Mai viết một loạt bài về Đọc Đếm Máu, Thiếu Máu Đỏ, Thừa Máu, Cách Lấy Tủy Xương. Tiếp theo Bs Mai trình bày một loạt bài khác về Ung Thư Phổi. Bài giúp chúng ta học hỏi thêm về bệnh máu và ung thư.

Trong phần Dược Phẩm, Bs Trần Mạnh Ngô tường trình Tin Mới Dược Phẩm tháng Giêng và tháng Hai 2008. Ts Angeline Trần có lời khuyên cách dùng thuốc an toàn cho người già. Ts Bùi Quốc Quang bàn luận về chất Thimerosal dùng trong thuốc chủng ngừa bệnh; và Bs Nguyễn Tài Mai đưa ra những ý kiến khi dùng thuốc erythropoietin chữa bệnh thiếu máu do kích thích tủy xương. Bs Mai cũng bàn luận về thuốc Rituximab hữu hiệu trong việc điều trị bệnh ung thư máu trắng kinh niên - Chronic Lymphocytic Leukemia.

Trong phần Khảo Cứu Y Khoa, Bs Daniel Trương tóm tắt tường trình nghiên cứu Biến chứng thần kinh vận động trong bệnh Parkinson.

Trong Phần Thảo Luận Báo Y Khoa, Ts Nguyễn Tuấn Dũng và Ds lê Văn Nhân nói về vai trò của Quế và Bệnh tiểu đường. Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang tường trình Bệnh Thặng Dư Sắt do di truyền (HFE). Ds Lê văn Nhân nói về vấn đề Thực Phẩm chống viêm cho bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Bs Trần Mạnh Ngô tóm tắt tài liệu Ung Thư trẻ em thanh thiếu niên trên thế giới.

Trong Sinh Y Học, có bài của Ts Vũ Trọng Huỳnh bàn về DNA, gene của củ hành, và nhiều áp dụng hữu ích khác.

Bs Nguyễn Nguyên thêm phần dịch thuật Từ Y Khoa Anh Việt Pháp. Trong dịp này, xin trân trọng giới thiệu  cùng quý bạn: Từ Điển Anh-Việt-Pháp của Bs Nguyễn Nguyên.

Trong phần Hỏi Đáp Y Học có độc giả hỏi về một thử nghiêm bệnh não và một độc giả khác hỏi về trường hợp bị ung thư quá trễ.

Trong phần Tham Khảo, Bs Thú Y Nguyễn Thượng Chánh viết đề tài rất hay như: Từ Thú tới người, và Từ Chó đến Con Người, đặc biệt đề cập bệnh giun chỉ. Ngoài ra, Bs Nguyễn Thượng Chánh còn trình bày một vấn đề hữu ích về dị ứng với thực phẩm. Ts Dược Khoa Trần Viết Hưng viết một loạt bài tham khảo quan trọng như: 1) Cá Chép, loài cá quý vừa ăn ngon, vừa chữa bệnh; 2) trái bòn bon vơí những công dụng sinh học; 3) giá trị dinh dưỡng của cá rô.  Và sau hết, trong dịp Tết nguyên đán Mậu Tý, Bs Nguyễn Văn Đích viết bài tưởng niệm Gs Phạm Biểu Tâm, cựu Giáo sư Khoa trưởng Y Khoa Đại Học Sài Gòn. Bài viết gợi nhiều kỷ niệm.

Xin kính chào tạm biệt quý bạn và xin hẹn gặp lại quý vị tháng sau.

Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com, một Trang Web Y Khoa của người Việt viết cho người Việt.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.