Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Đau Tim, Tức Ngực

8/8/200800:00:00(View: 9444)
Trong suốt cuộc đời, thế nào chúng ta cũng có lúc ôm ngực kêu đau.

Có người thì hơi đau một chút đã hoảng hốt la làng là đang bị cơn-đau-tim và vội vàng kêu xe cấp cứu. Ngược lại thì cũng có người mặt xanh như tầu lá, ngực nhói đau thì lại bảo vì ăn không tiêu, uống vài viên chống acit là ổn.

Cả hai thái độ coi bộ đều cần được xét lại.

Thành ra, thêm một chút hiểu biết về những cơn đau từ ngực tưởng cũng không phải là dư.

Lồng ngực

Ngực là khoảng trống trước của cơ thể, nằm giữa cổ và hoành cách mô.

Các xương của ngực kết hợp với nhau thành một cái chuồng hình nón.

Mười hai xương sườn là chấn song của lồng ngực. Xuơng sườn nối với xương ức ở phía trước và các đốt sống ở phía sau.

Giữa các xương sườn là khoảng cách liên sườn, trong đó có dây thần kinh, mạch máu và cơ.

Lồng ngực bao bọc và che chở cho hai lá phổi, trái tim, thực quản và các bộ phận phụ thuộc.

Thực quản là ống dẫn thực phẩm từ miệng xuống bao tứ, nằm sau xương ức.

Từ trái tim đi ra là động mạch chủ, chạy dọc xuống dưới, phân phối máu đỏ có nhiều dưỡng khí để nuôi tế bào.
Tĩnh mạch chủ chạy từ phía dưới cơ thể lên tim, chuyển máu có nhiều khí carbon, rồi lên phổi để đổi lấy dưỡng khí.

Dưới lồng ngực là xoang bụng chứa các bộ phận như dạ dày, ruột già ruột non, gan, lá lách, tuyến tụy, thận, bọng đái. Các bộ phận này nằm sát ngay dưới lồng ngực.

Ngực và bụng ngăn cách nhau bằng cơ hoành. Khi áp xuất trong bụng tăng, các bộ phận này cũng ép lên lồng ngực.

Với sự sắp đặt như vậy, cơn đau ngực có thể là từ nhiều cơ quan khác nhau, chứ không riêng gì từ trái tim.

1- Đau không từ trái tim

a. Bệnh của túi mật như viêm hoặc sỏi mật đôi khi cũng gây đau tương tự như cơn đau của tim.

b. Chứng ợ chua với chất acit từ bao tử trào ngược lên thực quản, tạo ra cảm giác nóng cháy sau xương ức.

c. Viêm màng bọc hai lá phổi vì sưng phổi gây ra cảm giác đau, nhất là khi ho hoặc hít thở mạnh.

d. Đau khi gẫy nứt xương sườn hoặc viêm lớp sụn nối tiếp xương sườn với xương ức.

e. Đau nhức các cơ liên sườn hoặc khi dây thần kinh bị kẹp.

g. Đau ngực trong các bệnh phổi như phổi tràn khí phế mạc (pneumothorax), hen suyễn, nghẽn động mạch phổi.

h. Trong bệnh zona do virus thủy đậu gây ra, đau nhức từ sau lưng tới lồng ngực kèm theo một dải những mụn nước.

i. Nuốt nhiều không khí khi vội vàng ăn hoặc uống nước có hơi hoặc uống với ống hút. Không khí làm căng bao tử, tạo ra cảm giác đau đau ở phía trái bụng dưới.

Người đang tức giận bực mình cũng nuốt nhiều hơi trong khi ồn ào, hổn hển diễn tả lời nói.

k. Nằm ngủ với cánh tay, bả vai ở vị thế bất bình thường cũng đưa tới đau ngực.

l. Trong cơn hoảng sợ, tim đập nhanh, hơi thở dồn dập, đổ mồ hôi, hụt hơi thở cũng thường có cơn đau trước ngực.

2-Đau từ trái tim

 Đau từ trái tim cũng có nhiều loại:

a-Cơn-đau-thắt-ngực, tiếng Anh gọi là angina pectoris. Angina có nghĩa đau như co thắt, xiết chặt trái tim lại (constricting pain).  Pectoris là lồng ngực.

Năm 1768, bác sĩ người Anh William Heberden là người đầu tiên tả cảm giác này một cách ngắn gọn, linh động như sau: “Người bị cơn đau thắt ngực hành hạ khi đang đi lên một con đường dốc hoặc sau khi ăn no. Đau rất khó chịu tưởng như có thể chết đi được nếu cơn đau cứ tiếp tục. Nhưng may mắn là khi người đó nghỉ thì cơn đau hết tức thì”.

Đau của angina cho cảm giác như co thắt toàn thể hoặc phần ngực nằm sau xương ức, lan lên cổ, hàm, má, bả vai, cánh tay và xuống cả vùng giữa bụng hoặc giữa hai xương bả vai.

Đau thắt ngực thường xảy ra khi ta leo lên một ngọn đồi hoặc bước những bậc cầu thang lên lầu, khi đi trong gió lạnh, mang vật nặng, cào lá, làm vườn, xúc tuyết, vươn mình chạy đỡ đường banh quần vợt, đang coi một truyện phim nhiều kích động, đôi khi cả trong lúc hấp dẫn giao hợp hoặc những cơn thịnh nộ, lo âu. Cũng có trường hợp đang ngủ, cơn đau xuất hiện đánh thức nạn nhân bừng dậy ôm ngực nhăn nhó.

Mỗi cơn đau như vậy kéo dài không quá 10 hoặc 20 phút và hầu như chầm dứt khi ta ngưng hoạt động đã gây ra cơn đau. Hoặc đặt dưới lưỡi một viên nitroglycerin. Và khi được hỏi đau ở đâu thì hầu như mọi người đều chỉ vào ngực với cả bàn tay chứ không với một ngón tay.

Tại sao có cơn đau thắt ngực như vậy"

Thưa đau là tiếng kêu cứu, phản kháng của trái tim bị bỏ đói, thiếu dưỡng khí mà còn bị lạm dụng bóc lột sức lao động quá mức.

Với kích thước bằng nắm tay, trái tim co bóp liên tục ngày đêm 70 lần trong một phút để bơm ra, hút vào một lượng máu khổng lồ là 6 tấn máu vào cả ngàn cây số mạch máu mỗi ngày.

Để hoàn tất nhiệm vụ của một cái bơm, các cơ của tim cần được nuôi dưỡng với oxy. Động mạch vành lãnh trách nhiệm nuôi dưỡng này.

Động mạch vành có hai nhánh chính trước và sau tim và các nhánh phụ bao phủ toàn bộ trái tim như một cái vương miện. Bình thường, tim và động mạch có khả năng thích nghi, làm việc nhiều hơn một chút để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng khi cơ thể hoạt động mạnh mẽ hơn.

Động mạch vành có đường kính khoảng từ 2-3 mm, vừa đủ rộng để chứa một chiếc que diêm.

Nhưng khi động mạch vành bị thu hẹp, sự nuôi dưỡng cơ tim giảm đi. Cơ tim gào thét bằng những cơn đau, để báo động cho con người là họ đang trong tình trạng hiểm nghèo.

Thu hẹp thông thường của động mạch là do những mảng chất béo cholesterol bám vào thành động mạch vành. Cholesterol cần cho cơ thể, nhưng chỉ ở mức độ vừa phải. Nếu cao quá thì chúng phải kiếm chỗ để dung thân. Mà gần nhất là ở ngay các động mạch mà chúng đang lưu hành. Đó là sự Vữa Xơ Động Mạch (Atherosclerosis).

Khởi thủy là lớp màng lót của một chỗ nào đó trong động mạch trở nên mềm rồi một thời gian sau cứng lại. Cholesterol bắt đầu bám vào đó, mỗi ngày mỗi cao hơn. Khoáng chất calci trong máu cũng nhân cơ hội táp vô, làm mảng cứng, khó tan.

Diễn tiến của sự vữa xơ rất chậm, có khi cả năm và không có triệu chứng báo hiệu. Con người vẫn “vô tư” ăn uống, với nhiều chất béo cholesterol rất ngon miệng trong món ăn. Lòng động mạch thu hep dần dần và khi đường kính động mạch giảm tới 75% thì chuyện chẳng lành xảy ra. Đó là cơn đau-thắt-ngực, angina.

Mỗi cơn đau tại một vùng cơ thể là một lời cảnh cáo, một báo hiệu có hiểm nguy, khó khăn đâu đó. Để con người biết mà đề phòng, đối phó, chữa trị.

Trái tim thiếu nuôi dưỡng, làm việc quá sức và kêu đau. Nếu ngưng nguyên nhân gây đau, tim dịu xuống, hết nhăn nhó.

Cũng có một số trường hợp, vữa xơ không đưa tới cơn đau thắt ngực. Đó là ở những người mà động mạch vành thu hẹp đã tạo ra được vài mạch máu bên lề (collateral), vòng qua đường hẹp tắc, dẫn máu nuôi tim.

Hiện tượng vữa xơ cũng thấy ở các động mạch nuôi thận, nuôi não, nuôi ruột, nuôi tứ chi.

Ở não, vữa xơ gây ra tai biến não (stroke). Ở thận đưa tới suy thận, phải lọc máu, thay thận. Ở chân đưa tới khập khiễng cách hồi (clauditation intermittant) với đau bắp vế khi đi, khi chạy, hết đau khi ngồi khi nghỉ…

Những rủi ro đưa tới vữa xơ là cao huyết áp, béo phì, cao cholesterol trong máu, phì phèo thuốc lá luôn miệng, tiểu đường, không vận động cơ thể, căng thẳng tâm thần…

Để xác định cơn-đau-thắt-ngực, bác sĩ cần tìm hiểu y sử người bệnh, hoàn cảnh nào angina xảy ra, cơn đau như thế nào, thường thường nạn nhân làm gì để giảm cơn đau.

Rồi khám tổng quát, nghe nhịp tim, đo điện tâm đồ khi bệnh nhân nghỉ và sau khi bệnh nhân bước lên chục bực thang hoặc đi trên máy đi bộ (treadmill).

Angina thường thường giảm hết sau khi ngưng động tác gây ra nó hoặc sau khi dùng nitroglycerin.

Nitroglycerin là dược phẩm có tác dụng trị liệu rất lớn và thường được dùng để loại bỏ cấp kỳ cũng như giảm tần số và phòng tránh các cơn angina.

Thuốc làm giãn mở động mạch vành, khiến cho máu lưu thông tới tim nhiều hơn để giải tỏa cơn đau kêu gào thiếu dưỡng khí của cơ tim. Thuốc cũng làm giãn mở mạch máu toàn thân, nhờ đó tim cũng bớt phải co bóp mạnh hơn để bơm máu ra.

Thuốc được đặt dưới lưỡi để tự tan ngấm váo máu và tác động tức thì. Nhớ đừng nhai đừng nuốt nitroglycerin.

Cũng có loại nitroglycerin dạng mỡ thoa trên ngực với tác dụng kéo dài vài giờ.

Dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu viên đầu không thấy công hiệu, có thể dùng thêm một viên nữa.  Và nếu cơn đau không giảm sau khi dùng thuốc 15 phút, nên cho bác sĩ hay ngay.

Cơn đau liên tục xẩy ra cần được điều trị tại nhà thương, vì rất có thể là ta bị cái đau của cơn-đau-tim, Heart attack. 

Để được an toàn, nên nghĩ tới heart attack khi angina không thuyên giảm với nghỉ hoặc với hai ba viên nitroglycerin.

Cũng nghĩ tới heart attack nếu chưa bao giờ bị angina mà bây giờ chợt bị đau nơi ngực, không bớt khi ngưng công việc đang làm.  
         
b- Cơn-đau-tim

Trên đây là đau-nghỉ-hết đau.

Bây giờ là đau, nghỉ cũng chẳng hết mà lại có nhiều nguy cơ nghỉ luôn trong lòng đất. Đó là cơn-đau-tim, heart attack.

Heart attack cũng báo hiệu bằng cơn đau trước ngực, đau như trái tim bị kẹp giữa hai ngàm của chiếc máy ép nước mía, kéo dài nhiều giờ và không thuyên giảm cho tới khi được cấp cứu (với morphine). Đau cũng xuất hiện ở vùng trên bụng, lan lên cổ, ra hai vai, tới cánh tay và có khi vòng ra sau lưng.

Bệnh nhân ở trong tình trạng lo sợ, toát mồ hôi lạnh, mặt xanh như tàu lá, ợ hơi (belching), ọe khan hoặc ói mửa. Thêm vào đó là cảm giác hụt hơi thở, hổn hển ngáp ngáp không khí, tim đập nhanh.

Ở nữ giới và lão niên, các dấu hiệu nhiều khi không rõ rệt, chỉ cảm thấy mệt mỏi, yếu sức khiến cho họ không nhận ra là đang trong cơn hiểm nghèo.

Nguyên do đưa tới heart attack cũng bắt nguồn từ những mảng cholesterol trong động mạch. Tới một lúc nào đó, một mảnh của mảng này tách ra, tạo thành ra một máu cục, di chuyển tới động mạch tim và hoàn toàn gây tắc nghẽn sự lưu thông máu tới nuôi tế bào tim. Tế bào chết vì thiếu oxy, mà y học gọi là nhồi-máu-cơ-tim (myocardial infarction).

Ngoài ra, heart attack cũng gây do một số nguy cơ khác như gia đình có người bị nan bệnh này, do hút nhiều thuốc lá, do cao huyết áp, tiểu đường, lạm dụng thuốc cấm cocaine…Đáng tiếc là trong nhiều trường hợp, các rủi ro này kết cấu với nhau để gây ra thiệt hại cho trái tim và đưa tới heart attack.

Xác định heart attack bằng khám tổng quát, đo điện tâm đồ, chụp x-quang tim và thử máu tìm mức độ men tế bào tim. Khi tế bào tim bị hủy hoại, chúng nhả ra những enzyme và tế bào càng chết nhiều thì enzyme trong máu càng cao.

Cơn-đau-tim là một cấp cứu y khoa vì tử vong có thể xảy ra trong vài chục phút. Nhiều người thiệt mạng trước khi tới bệnh viện vì họ coi thường các dấu hiệu báo động.

Bệnh nhân thiệt mạng phần lớn là do rối loạn nhịp tim. Nhịp tim nhanh loạn xạ (tachycardia), rung tim thất (ventricular fibrillation) đưa tới tim rung rinh (quivering), co giật (twitching) thay vì co bóp (beating) và cuối cùng là ngưng tim, nhiệm vụ bơm máu chấm dứt.

Do đó, các cơn đau ngực đều nên coi là khẩn cấp. Nếu bất cứ dấu hiệu nào mà ta nghĩ là có thể xuất phát từ trái tim, thì kêu cấp cứu ngay.

c-Viêm màng bọc trái tim

Màng bọc trái tim hoặc ngoại-tâm-mạc (pericardium) là một cái màng bao quanh tim để che chở cho cơ quan nhỏ bé nhưng quý giá này. Màng có thể bị viêm vì nhiễm virus, chứng ure huyết, ung thư và có các triệu chứng như đau ngực, nóng sốt…

d- Rách động mạch chủ

Động mạch chủ (aorta) là động mạch chính của cơ thể, xuất phát từ tâm thất trái, uốn cong phía trên tim rồi chạy xuống ngực và bụng, phía trước xương sống.

Khi bị một cú đập mạnh vào ngực, hoặc khi huyết áp lên quá cao, lớp màng lót của động mạch chủ có thề bị rách (aorta dissection), tạo ra một cơn đau ngực không lường trước, rất dữ dội, có thể chết ngưới. May mắn là chuyện này rất hiếm khi xảy ra.

e- Co thắt cơ của động mạch vành

Đôi khi cơ của động mạch vành co thắt và cũng đưa tới đau ngực từng cơn. Nguyên do có thể là tự nhiên co hoặc bị các chất như nicotine, caffeine kích thích. Co thắt xảy ra khi nghỉ cũng như đang hoạt động.

Kết luận

Đó là những cơn đau ngực với các nguyên nhân. Biết chúng để đối phó với chúng là điều cần, vì cẩn tắc vô ưu, cứu bệnh như cứu hỏa.

Bác sĩ chuyên bệnh Tim Mạch Harvey Simon, Đại học Y khoa Harvard, thường nói với các sinh viên của ông rằng: “Dấu hiệu thông thường nhất của cơn-đau-tim là cơn đau thắt ngực và dấu hiệu thứ nhì là sự phủ nhận denial, vùi đầu trong cát. -Ôi chỉ một chút căng thẳng, khó tiêu, hết ngay ấy mà!” 

Và ông đề nghị: với mọi nhói tim, nặng ngực, khó thở, cần tham khảo ý kiến bác sĩ ngay. Kẻo rồi lại quá trễ.

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
Texas-Hoa Kỳ

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Hàng năm, trên khắp thế giới sẽ có hàng triệu người quyết tâm không động tới các loại đồ uống có cồn trong một tháng – truyền thống này bắt đầu từ Tháng Giêng Khô Ráo (Dry January) và sau này mở rộng thành nhiều nỗ lực tương tự, chẳng hạn như Tháng Mười Tỉnh Táo (Sober October). Cho dù đó là cả một chiến dịch đông đảo người tham gia, hay chỉ đơn giản là nỗ lực của một cá nhân để bớt ‘say xỉn’ lại, số lượng người tham gia ‘tháng kiêng rượu’ có vẻ như ngày càng nhiều.
Thường thì ai cũng sẽ nghĩ rằng tế bào sống tốt hơn tế bào chết. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng: các tế bào thường hy sinh bản thân để giữ cho chúng ta khỏe mạnh. Chúng là những ‘anh hùng thầm lặng’ chẳng màng sinh-tử để bảo vệ chúng ta. Mặc dù cái chết có vẻ thụ động – là một kết thúc đáng tiếc xảy ra theo kiểu “muốn tránh cũng không được” – nhưng cái chết của các tế bào thường có chủ đích và mang tính chiến lược. Tại sao tế bào chết và chết như thế nào là chuyện khá phức tạp và có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tổng thể của chúng ta.
Một người đàn ông 29 tuổi mắc HIV/AIDS giai đoạn cuối, đã qua đời 18 ngày sau khi được chẩn đoán mắc bệnh đậu khỉ. Trường hợp này nhấn mạnh tính dễ bị tổn thương của hệ thống miễn dịch bị suy giảm trước mối đe dọa mới nổi này, nhắc nhở về nguy cơ gia tăng đậu khỉ đối với một số nhóm dân cư. Riêng tại TPHCM, từ đầu năm đến nay, 20 ca mắc bệnh đậu khỉ được ghi nhận, trong đó có 18 bệnh nhân dương tính với HIV.
Trong những tuần gần đây, tin tức về việc vận động viên thể dục dụng cụ Mary Lou Retton phải vào bệnh viện vì một loại viêm phổi (pneumonia) hiếm gặp đã khiến nhiều người quan tâm và tò mò về căn bệnh này.
Vào mùa cảm cúm, nhiều người sẽ ‘khư khư’ một vũ khí phòng thủ quen thuộc: Vitamin C – dạng viên, dạng bột và tất cả các dạng phổ biến khác. Chất dinh dưỡng này là một trong nhiều loại supplements, từ vitamin A đến kẽm, thường được sử dụng bởi những người muốn tăng cường hệ thống miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Nhưng vitamin C cũng có thể là một trong những chất dinh dưỡng bị lạm dụng nhiều nhất.
Cách đây không lâu, ngôi sao nhạc pop 29 tuổi Justin Bieber đã phải hủy chuyến lưu diễn quốc tế sau khi một phần khuôn mặt của anh bị liệt do biến chứng của bệnh giời leo (shingles), bệnh lo một loại siêu vi gây ra và được cho là chỉ ảnh hưởng đến người cao niên. Tuy nhiên, thực tế là bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh giời leo và có một số bằng chứng cho thấy số trường hợp mắc bệnh ngày càng gia tăng ở người dưới 50 tuổi.
Tập đoàn Nhân sâm Hàn Quốc tại Hoa Kì (KGCUS), nơi sản xuất thương hiệu nhân sâm số một thế giới CheongKwanJang, tự hào giới thiệu thức uống thảo dược có ga HSW kết hợp hồng sâm 6 năm tuổi, tới các khách hàng quan tâm đến sức khỏe tại WaBa Grill, một trong những chuỗi nhà hàng hàng đầu chuyên phục vụ món cơm lành mạnh
Thỉnh thoảng chúng ta mới thấy một thứ thuốc mới làm chấn động không những giới y tế mà còn làm chấn động thị trường kinh tế thế giới. Thí dụ trước đây là thuốc phục vụ trong những nhu cầu căn bản và mạnh mẻ nhất của con người, Viagra, thuốc giúp chữa chứng rối loạn cương cứng (ED) của nam giới, do Pfizer phát triển, đã có tác động kinh tế đáng kể đến ngành dược phẩm kể từ khi được FDA phê duyệt vào năm 1998. Viagra là loại thuốc mang lại lợi nhuận cao cho Pfizer, doanh thu toàn cầu khoảng 1,6 tỷ USD trong năm 2016 mặc dù đã có thuốc generic rẻ tiền hơn nhiều.
Ung thư khởi phát khi các tế bào tích tụ những tổn hại đủ để thay đổi hành vi bình thường của chúng. Khả năng tích tụ tổn hại tăng theo độ tuổi vì các biện pháp bảo vệ trong mã di truyền, nhằm đảm bảo các tế bào hoạt động vì lợi ích tối ưu của cơ thể, sẽ suy yếu theo thời gian. Vậy thì tại sao những đứa trẻ chưa có đủ thời gian để các tế bào tích tụ tổn hại lại có thể mắc bệnh ung thư? Nếu nhìn qua lăng kính tiến hóa, ung thư phát triển từ sự ‘bất hợp tác’ của tế bào, vốn ban đầu các tế bào sẽ cùng kết hợp với nhau và hoạt động như một cơ quan. Ở trẻ em, các tế bào vẫn đang học cách hợp tác. Ung thư ở trẻ em khởi phát khi xuất hiện các tế bào ‘nổi loạn’ không chịu hợp tác và cứ phát triển bất chấp, gây tổn hại cho cơ thể.
Bộ não con người có thể thay đổi – nhưng thường với nỗ lực rất lớn và diễn ra từ từ, chẳng hạn như khi chúng ta học một môn thể thao hoặc ngoại ngữ mới, hoặc hồi phục sau cơn đột quỵ. Học các kỹ năng mới có tương quan với những thay đổi trong não; điều này đã được nghiên cứu khoa học thần kinh với động vật và quét não chức năng ở người chứng minh. Có lẽ, nếu quý vị thành thạo Giải tích 1 (Calculus 1), thì trong não quý vị sẽ có điều gì đó khác một chút. Các tế bào thần kinh vận động trong não mở rộng và co lại tùy thuộc vào tần suất chúng được vận động – một sự phản ánh của tế bào thần kinh về việc “xài hoặc mất” (use it or lose it).
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.