Hôm nay,  

Tìm Hiểu Bệnh Long Móng Lở Mồm Ở Súc Vật

27/10/200700:00:00(Xem: 6720)

Bệnh long móng lở mồm (LMLM) là một bệnh truyền nhiễm do một loại virus RNA gọi là aphtovirus thuộc họ Picornaviridae gây nên ở các loài thú vật có móng chẻ hay móng guốc (cloven hoofed animals) như trâu, bò, dê cừu, hươu nai và heo.

Lạc đà cũng có thể mắc bệnh nhưng ngựa thì không.

Có tất cả 7 serotypes: A,O, C, Southern African Territories (SAT1, SAT2, SAT3) và ASIA. Ngoài ra còn có 60 subtypes.

 Có một điều quan trọng là virus có thể đã hiện diện trong các mô, trong sữa, máu, nước tiểu và trong phân trước khi xuất hiện triệu chứng lâm sàng (5 ngày ở bò và 10 ngày ở heo).

Người có thể bị bệnh LMLM của thú vật không"

Người rất hiếm thấy bị nhiễm loại virus bệnh long móng lở mồm. Nếu có thì bị bệnh cũng rất nhẹ, như cảm cúm, sốt nhẹ, đau nhức cơ, có mụt nước xuất hiện trong lòng bàn tay, giữa các ngón tay, trong miệng hoặc trên lưỡi. Người có thể mang virus LMLM trong mũi trong một thời gian 24 tiếng đồng hồ và là nguồn lây nhiễm cho thú vật.

Ở người cũng có một bệnh tương tự và được gọi là Bệnh Tay, Chân và Miệng (Hand, Foot and Mouth Disease hay HFMD). Bệnh nầy do virus thuộc nhóm enterovirus có tên là virus Coxsackie A gây ra và hoàn toàn không có liên hệ chút nào với virus của bệnh LMLM.

 Bệnh Tay, Chân và Miệng HFMD hay thấy xảy ra ở trẻ con. Triệu chứng thường tập trung bên trong miệng, trong lòng bàn tay, ngón tay và dưới bàn chân. Đó là các vết loét ulcer trong miệng, bên trong gò má, mụt nước trên bàn tay, bàn chân hoặc ở một nơi nào khác và có thể kéo dài đến 10 ngày.

Bệnh truyền đi bằng cách nào"

Bệnh lây nhiễm do sự chung đụng trực tiếp giữa các loài gia súc với nhau.

Bệnh truyền qua nước bọt, sữa và phân thú bệnh.

Bệnh có thể lây nhiễm một cách gián tiếp qua trung gian của xe cộ, nông cụ, rơm rạ, quần áo, giày dép, v.v…vì tất cả đều có thể chứa mầm bệnh. Mầm bệnh cũng có thể theo gió, cát và nước để bay đi lây nhiễm thật xa.

Người cũng có thể là nguyên nhân lây truyền bệnh từ nơi nầy đến nơi khác. Bởi lý do nầy, luật cấm du khách không được đến thăm viếng các trại chăn nuôi Canada nếu 14 ngày trước họ đã có viếng một trại chăn nuôi bên xứ của họ.

Thịt và sản phẩm làm từ thú bệnh LMLM nếu không được nấu thật chín, vẫn có thể còn chứa virus.

Tất cả các phi trường quốc tế đều xét rất gắt gao vấn đề thịt và sữa do du khách mang vào cũng không ngoài mục đích nhằm ngăn chặn bệnh LMLM.

Thời kỳ ủ bệnh là bao lâu"

Thường từ 2 ngày đến 21 ngày.

Để quy định thành luật, Tổ chức Dịch tễ Thế giới OIE ấn định thời gian ủ bệnh là 14 ngày.

Gây bệnh bằng cách nào"

Bò thường hít thở virus vào.

Ở heo, virus thường vào cơ thể bằng ngõ tiêu hoá.

Mầm bệnh phát triển trong yết hầu, lan vào máu và vào hạch bạch huyết và nhiễm các tế bào lát (epithelial cells). Virus xâm chiếm vào các thể dịch của con vật và tạo ra những mụt nước (vesicles) cùng những biểu hiệu lâm sàng liên hệ. Kháng thể được tạo ra, khiến số virus trong máu (viremie) lần lần giảm đi và các vết lở do mụt nước tạo ra cũng lần lần lành lại.

Virus long móng lở mồm sống rất dai

Trong môi sinh, virus có thể sống:

- Trên một năm tại nơi đã phát xuất bệnh.

- 10-12 tuần trên quần áo.

- Một tháng trên tóc.

- Từ 28 ngày đến 200 ngày trên rơm rạ tùy theo thời tiết.

- 35 ngày trên giấy carton.

- 398 ngày trên gỗ bị nhiễm mỡ.

- Virus sống rất dai ở nhiệt độ đông lạnh hay thấp hơn.

- Virus rất ổn định ở pH trung hòa (7,4 - 7,6), nhưng rất dễ bị tiêu diệt ở một pH acid   nghĩa là thấp hơn 6,7 hoặc ở pH kiềm cao hơn 10.

- Virus bị tiêu diệt bởi ánh nắng mặt trời, sự khô hạn (dessication), hoặc ở nhiệt độ 56oC trong vòng 30 phút.

Thú bệnh có những triệu chứng gì"

Triệu chứng ở bò bệnh là bị sốt nóng, lừ đừ và bắt đầu giảm năng xuất sữa vài ngày trước khi các mụt nước nổi lên trên vùng môi, vùng nướu, lỗ mũi, trên lưỡi, trên vú, v.v… Sau đó, các mụt nầy vở đi và tạo những vết lở loét làm con vật vô cùng đau đớn, nước bọt nhiểu nhão rất nhiều quanh mồm, bỏ ăn và ốm o gầy còm.

Ngoài ra, ở vùng móng chân, nơi tiếp giáp phần da với móng hoặc giữa hai móng cũng bị lở loét rất ư là đau đớn, có thể làm sứt móng khiến con vật di chuyển khó khăn, giảm cân và mất sức làm việc.

Mức độ trầm trọng của triệu chứng tùy thuộc vào chủng virus. Ở heo và dê cừu bệnh thì triệu chứng tương tự như ở bò, nhưng nhẹ hơn.

Trong vùng xảy ra dịch long móng lở mồm, bệnh suất (morbidity) tức số thú mắc bệnh có thể lên đến 100%. Tử suất (mortality) rất thấp lối 5% ở thú đã trưởng thành, nhưng rất cao ở thú con và có thể lên đến 75% đối với heo con và cừu con còn bú mẹ.

Heo bệnh có khả năng khuếch đại (amplifier) virus. Nghĩa là mỗi con heo có thể bài tiết một số lượng virus bằng 1000 đến 3000 con bò bài tiết.

Những thú nào được xem là ổ chứa (carrier, porteur) virus LMLM sau khi đã hết bệnh"

Heo không được xem là ổ chứa virus.

Bò có thể mang virus trong vòng 3 năm.

Cừu 9 tháng, dê 4 tháng.

Hươu, nai, bò rừng đều có thể là ổ chứa virus LMLM.

Chẩn đoán bằng cách nào"

Chẩn đoán được căn cứ trên:

- Bệnh sử

- Triệu chứng lâm sàng

- Bệnh tích (lésions)

- Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm như:

+ tìm sự hiện diện của chất sinh kháng antigen trong các tế bào lát.

+ xét nghiệm huyết thanh.

+ tìm sự hiện diện của virus.

+ tiêm truyền cho các thú nhạy cảm để gây ra bệnh thực nghiệm.

Thiệt hại kinh tế vô cùng to tác

Tại các quốc gia Âu Mỹ, một khi bệnh long móng lở mồm được chính thức xác nhận thì cơ quan trách nhiệm, như CFIA nếu tại Cananda, sẽ ban bố tình trạng khẩn trương mesure durgence tại vùng bệnh.

Trước hết là cô lập thú bệnh, khoanh vùng, lập hàng rào kiểm dịch. Giết bỏ (stamping out, cull) tất cả thú bệnh và thú có tiếp xúc với thú bệnh. Xác được đốt bỏ. Sát trùng và tẩy uế chuồng trại, xe cộ và dụng cụ chăn nuôi, v.v…

Theo tài liệu Âu châu thì một vòng đai thứ nhất, có bán kính 3km sẽ được thiết lập bao quanh ổ dịch, đây là vùng bảo vệ protection zone. Cấm tất cả sự xê dịch và tập hợp gia súc. Vòng đai thứ hai rộng hơn, có bán kính 10km gọi là vùng kiểm soát surveillance zone. Cấm di chuyển gia súc trên công lộ trong vòng 30 ngày.

Không có thuốc đặc trị để chữa bệnh LMLM.

Có quốc gia cho áp dụng phương pháp chủng ngừa bệnh LMLM, nhưng cũng có rất nhiều quốc gia như Canada, Hoa Kỳ không chủ trương chủng ngừa bệnh LMLM.

Quốc gia có bệnh LMLM sẽ mất quyền xuất cảng thịt và các sản phẩm làm từ thịt. Thiệt hại về kinh tế có thể lên đến hằng tỉ dollars.

Trước đây, Canada cũng từng đã nếm mùi dịch long móng lở mồm vào năm 1952. Thiệt hại lên đến trên 30 tỉ dollars nếu tính theo thời giá hiện nay.

Các dịch LMLM gần đây, USA 1929, Canada 1952, Mexique 1954, Taiwan 1997, Japon 2000, Corée 2000, Grèce 2000, Royaume Uni 2001, Pays Bas 2001, Argentine 2001 và Uruguay 2001.

Vấn đề chủng ngừa bệnh LMLM

Thuốc chủng hay vaccin được dùng để tạo miễn nhiễm và ngăn chặn sự xuất hiện của triệu chứng lâm sàng. Vaccin thường được sử dụng tại những quốc gia nào thường hay xảy ra bệnh LMLM.

Năm 2001, Anh quốc đã dự trù kế hoạch chặn đứng bệnh dịch LMLM bằng vaccin nhưng cuối cùng quyết định không sử dụng, ngược lại Hòa lan đã cho áp dụng biện pháp tiêm phòng vaccin LMLM cho gia súc của họ.

 

Hoa Kỳ và Canada có dự trù vaccin LMLM trong kế hoạch phòng chống bệnh LMLM, nhưng chưa bao giờ đem ra sử dụng vì sợ bị mất thể chế quốc gia không có bệnh LMLM (FMD free country status), rất có hại cho việc xuất cảng thịt thà.

Hoa kỳ, Canada và Mexico đều nằm chung trong tổ chức North American FMD Vaccine Bank. Đây là một loại ngân hàng dự trữ vaccin LMLM để có thể đem ra sử dụng kịp thời lúc khẩn trương.

Vaccin được làm từ chất sinh kháng antigen của virus LMLM được gây cấy trên tế bào (cell culture), sau đó được đem lọc chất bẩn, làm vô hiệu hóa tính gây bệnh (inactivate) bằng chất binary ethyleneimine và aluminum hydroxide-saponin hoặc dầu. Chất sinh kháng antigen sau đó được làm đậm đặc, tinh khiết hóa và được cất giữ ở nhiệt độ thật lạnh. Nơi sản xuất và dự trữ vaccin LMLM là Plum Island Animal Disease Center, nằm ngoài khơi Long Island, New York.

Tại sao cần phải chủng ngừa"

Vaccin rất hữu ích trong việc ngăn chặn dịch bệnh LMLM một cách nhanh chóng bằng cách tạo một hàng rào an toàn giữa vùng có bệnh và vùng chưa có bệnh (disease free zone).

Tại sao không nên xài vaccin"

Nếu xài vaccin rồi thì mỗi năm cần phải chủng lại nữa rất ư là tốn kém.

Trong công tác chủng ngừa, nhân viên thú y nếu không cẩn thận có thể vô tình làm lây lan mầm bệnh từ nơi bệnh đến nơi chưa có bệnh. Nếu áp dụng vaccin đại trà, dân chúng có thể mang ảo tưởng là an toàn về mặt dịch bệnh LMLM.

Vaccin giúp ngăn chặn sự xuất hiện của triệu chứng lâm sàng, nhưng nếu con vật đã chủng rồi mà chẳng may lại còn tiếp xúc với mầm bệnh mới, thì nó có thể chứa virus nầy tại vùng thượng tầng hô hấp trong nhiều tháng hay cả năm trời và đi lây truyền sang cho những con thú khác.

Sợ nhất, nếu xài vaccin thì quốc gia sẽ mất ngay thể chế sạch về LMLM  và đương nhiên bị mất quyền xuất cảng thịt. Đối với Hoa Kỳ và Canada, phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là giết bỏ hết (stamping out) những thú trong vùng có dịch.

Điều kiện để được nhìn nhận là quốc gia sạch bệnh LMLM (FMD free country)

Tổ chức Dịch tễ Thế giới OIE (Office International des Épizooties, World Organisation for Animal Health) đã quy định những điều kiện cần phải có để được mang danh hiệu là một quốc gia sạch bệnh LMLM.

Có 2 trường hợp rõ rệt: trường hợp không có sử dụng vaccin và trường hợp có sử dụng vaccin.

Kết luận

Bệnh LMLM không được xem là mối hiểm hoạ về mặt y tế công cộng vì sự lây lan cho người rất hiếm thấy xảy ra.

Tuy vậy, Gs K. Bauer sau khi đã duyệt xét hết các báo cáo y khoa từ năm 1921 liên hệ đến bệnh LMLM và sức khỏe con người, ông đã tìm thấy có trên 40 ca nhiễm bệnh LMLM đã xảy ra ở người. Bệnh thấy báo cáo ở Âu châu, Phi châu và ở Nam Mỹ.

Nổi bật nhất là sérotype O, tiếp đến là sérotype C và hiếm hoi hơn là sérotype A. Qua kết quả nầy, hiển nhiên chúng ta có thể gọi bệnh LMLM là bệnh từ thú sang người hay Zoonosis.

 Tác hại thật sự của bệnh LMLM là tác hại về phương diện kinh tế. Và biết đâu chừng LMLM cũng là một trong nhiều loại vũ khí sử dụng trong khủng bố sinh học (bioterrorism)"

Tham khảo:

- Dre Danielle Lagrenade. La fièvre aphteuse. Document sur la maladie. Acia 2001

- CFIA. Foot and Mouth Disease

http://www.inspection.gc.ca/english/anima/heasan/disemala/fmdfiefse.shtml

- Bauer K. Foot and Mouth Disease as Zoonosis. Pubmed

- Foot and Mouth Disease Vaccine Factsheet. USDA

http://www.aphis.usda.gov/lpa/pubs/fsheet_faq_notice/fs_ahfmdvvac.pdf

- OIE. Terrestrial Animal Health code (2007)

http://www.oie.int/eng/normes/mcode/en_chapitre_2.2.10.htm

- Australian Gov. Dept of Agr,Fish and Forestry. Foot and Mouth Disease

http://www.daff.gov.au/animal-plant-health/pest-diseases-weeds/animal/fmd

- Foot and Mouth Disease

http://www.vet.uga.edu/VPP/gray_book02/fad/fmd.php

Montreal, October 26, 2007

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.