Hôm nay,  

Câu Chuyện Thầy Lang: Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt

02/02/200700:00:00(Xem: 4342)

Câu Chuyện Thầy Lang: Hội Chứng Tiền Kinh Nguyệt

Ông bác sĩ ạ,

Mỗi tháng cứ gần đến ngày “kéo cờ đỏ” là bà xã nhà tôi trở nên khó thương lắm cơ: cáu kỉnh gắt gỏng với chồng con, đứng ngồi không yên, kêu nhức đầu, đau bụng, mất ngủ. Tôi có hỏi tại sao thì bả la: “Tôi bị PMS mà ông không biết à"”!

Vậy PMS là cái gì, hở bác sĩ" Liệu có chữa được không"

Thưa, đó là thư vấn kế của một thân hữu ở Las Vegas. Vậy thì xin có mấy lời góp ý.

Ông bạn thực ngây thơ quá. Lấy vợ bao lâu rồi mà không biết PMS là gì. Đó là chứng Phái Mạnh Sợ, nghĩa là khi vợ sắp có kinh thì chồng con nen nét như rắn mồng năm, không dám làm gì trái ý bả.

Đùa vậy thôi, ông bạn ạ, chứ tôi và cả triệu triệu người chồng trên trái đất này đều đã hoặc đang cùng cảnh ngộ với bạn, nên ta cùng thông cảm với nhau.

Số là hàng tháng, trong khoảng thời gian từ một tuần lễ đến mười ngày trước khi có kinh là nữ giới trải qua thời kỳ xáo trộn ngắn nhưng khó chịu trong cơ thể. Đó là Hội Chứng Tiền Kinh (Premenstrual Syndrome -PMS).

Hội chứng xảy ra trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ ở mọi lứa tuổi và chấm dứt khi người nữ vào tuổi mãn kinh.

Hội chứng có thể gây ra vài khó chịu nhẹ nhàng, Tuy nhiên đôi khi hội chứng cũng làm cho nhiều người nữ cảm thấy khổ sở, la làng.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân gây ra HCTK chưa được xác định nhưng các nghiên cứu đều đồng ý rằng đây là rối loạn có thực với căn bản sinh học, chứ không phải hoàn toàn có tính cách tâm lý, tưởng tượng.

Theo Hội Sản Phụ khoa Hoa Kỳ, 85% phụ nữ có HCTK trong khoảng 400 chu kỳ kinh nguyệt, kể từ khi kinh nguyệt xuất hiện lần đầu ở tuổi dậy thì cho tới khi cao tuổi, mãn kinh.

Sau đây là một số giả thuyết về nguyên nhân gây ra HCTK:

-Kết quả nhiều nghiên cứu cho hay hội chứng có liên quan tới sự mất thăng bằng của progesteron và estrogen trong cơ thể. Trong mấy ngày trước khi xuất huyết, lượng estrogen giảm xuống dưới mức trung bình.

Chúng ta biết rằng, HCTK chỉ xảy ra khi người phụ nữ còn khả năng sinh đẻ, noãn sào còn rụng trứng, sản xuất estrogen. Không có hội chứng trong thời gian mang thai, khi dùng thuốc ngừa thai và khi không có rụng trứng. Nhiều người cảm thấy thoải mái khi mang thai, vì sẽ không bị HCTK hành hạ.

Nhắc lại là đa số nữ giới tuổi từ 20-40 đều có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 22 đến 36 ngày.

Theo quy ước, ngày thứ nhứt của chu kỳ là ngày bắt đầu xuất huyết, kéo dài từ hai tới bốn ngày. Rụng trứng xảy ra vào ngày thứ mười bốn trước ngày xuất huyết của kinh kỳ kế tiếp.

-Một số nghiên cứu khác cho biết HCTK có thể là do thay đổi hóa chất serotonin ở não bộ. Serotonin điều hòa sự sản xuất các hormon estrogen và progesteron. Ở phụ nữ bị HCTK, mức độ serotonin thấp, đưa đến chậm rụng trứng và mất cân bằng hai kích thích tố này.

Ngoài ra, một số nguy cơ sau đây cũng có thể gia tăng các dấu hiệu của HCTK:

-Gia đình có bệnh trầm cảm

-Có tiền sử trầm cảm sau khi sinh đẻ hoặc rối loạn tâm tính.

-Ít vận động cơ thể

--Dinh dưỡng kém

-Thiếu sinh tố E, B6, thiếu vài khoáng chất như magnesium, maganese.

-Rối loạn cảm xúc, căng thẳng cũng làm triệu chứng của HCTK trầm trọng hơn nhưng không phải là nguyên nhân.

-Một số phụ nữ có HCTK cho hay khi uống nhiều cà phê, ăn nhiều đồ mặn ngọt, thì sự khó chịu tăng lên.

Triệu chứng:

Quý bà sẽ thấy bực bội trong người, tính tình bất thường, hay gắt gỏng, bồn chồn, lo âu, hơi buồn, dễ khóc, hay giận nẩy nhất là với đấng phu quân.

-Quý bà cũng kêu đau rêm mình mẩy, nhức đầu, đầy bụng, sưng phù bàn chân, bàn tay. Nhiều bà than mệt mỏi, không muốn ăn uống, ngủ nghê nhưng lại thèm ăn đồ mặn và của ngọt. Nhất là bánh ga tô và món xoài tượng chấm muối ớt hoặc ngâm nước mắm nhĩ Phú quốc.

Nói chung, các triệu chứng có thể là:

Về cảm xúc: buồn rầu, thay đổi tính tình, hay gây gỗ, bực bội, yếm thế.

Về thể chất: mệt mỏi, thay đổi khẩu vị, thèm món ăn ngọt như bánh kẹo, chè đường; than phiền đầy bụng, mệt mỏi, nhức đầu, bốc hỏa trên mặt, mất ngủ, đau nhức cơ bắp, co đau bụng dưới, trở ngại tình dục, nổi mụn trứng cá trên mặt...

Về nhận thức: Mất định hướng, kém tập trung, hay quên.

Về hành vi: Hay gây sự, cãi cọ, thích ở một mình, không còn thích thú đến mọi sự việc.

Ở nhiều người, các triệu chứng trên rất khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống cá nhân cũng như công việc làm ăn. Trái lại có người chỉ cảm thấy khó chịu thoảng qua trong vài giờ trước khi có kinh. Với phụ nữ sắp mãn kinh, triệu chứng kéo dài suốt cả mấy ngày có xuất huyết.

Nói chung, đây là những khiếm khuyết sinh học chứ không liên hệ gì tới nhân cách, cá tính hoặc như nhiều người gán cho là bệnh tưởng tượng.

Một số phụ nữ (từ 3 tới 8%), bị chứng rối loạn trầm trọng hơn mà nguyên nhân có thể do chất serotonin gây ra. Đó là Rối loạn Tâm Thần Tiền Kinh (Premenstrual Dysphoric Disorder) với các dấu hiệu khó chịu gấp bội, như là:

-Cảm thấy buồn rầu tuyệt vọng, đôi khi có ý nghĩ tự vẫn.

-Luôn luôn căng thẳng và lo âu.

-Có những cơn hoảng hốt.

-Tình cảm dao động, hay khóc.

-Tính tình thay đổi bất thường, dễ giận dữ, gây sự với mọi người.

-Không quan tâm tới sinh hoạt hàng ngày cũng như giao tế xã hội.

-Kém suy nghĩ, tập trung.

-Cảm thấy rã rời mệt mỏi, không còn sinh lực.

-Biếng ăn, mất ngủ.

-Cương cứng nhũ hoa, nhức đầu, đau xương khớp.

Sự chẩn đoán, định bệnh HCTK đều căn cứ vào lời khai của bệnh nhân.

Điều trị.

Điều trị HCTK đều tập trung vào việc giảm thiểu các triệu chứng khó chịu, chứ không có thuốc để trị dứt rối loạn.

 Ngoài ra, không có phương thức nào có thể áp dụng chung cho các bà. Do đó mỗi người nên dò dẫm để tìm ra cách làm giảm khó khăn của mình.

Nếu bệnh quá trầm trọng, nên đi tham khảo ý kiến bác sĩ.

Sau đây là một số phương thức có thể áp dung:

Trưóc hết là mỗi người nên thực hiện một “nhật ký kinh kỳ”. Trong nhật ký, sẽ ghi lại các chi tiết như dấu hiệu khó khăn, xảy ra bao giờ, nặng hay nhẹ, kéo dài bao lâu, ảnh hưởng thế nào lên tâm tính, hành vi, sinh hoạt hàng ngày và mình làm gì để giảm thiểu khó khăn. Nhờ nhật ký này, ta có thể có kinh nghiệm đối phó với hội chứng trong các cơn rối loạn tiền kinh sẽ sảy ra trong tương lai.

-Trong thời kỳ có rối loạn, nên ăn uống nhẹ nhưng đầy đủ chất dinh dưỡng. Tăng carbohydrat phức tạp (cơm, mì...), bớt một chút các chất đạm (thịt đỏ) và chất béo, ăn nhiều rau trái, các loại hạt. Chia phần ăn trong ngày ra làm nhiều bữa nhỏ để tránh nặng bụng.

- Bớt thức ăn quá mặn mấy ngày trước khi có kinh để tránh sưng phù cơ thể. Tế bào não cũng giữ nước và đưa tới nhức đầu. Giảm muối do đó cũng giảm nhức đầu và ta có thể tập trung vào công việc nhiều hơn.

-Dùng thêm sinh tố B các loại, sinh tố E, khoáng kẽm, calcium.

-Có ý kiến ăn thêm dứa vì nước dứa có chất bromelain, một loại enzym có thể làm thư giãn cơ bắp, giảm đau bụng.

-Tránh uống nhiều rượu, giảm đường tinh chế. Rượu gây rối loạn cho sự chuyển hóa carbohydrat, giảm khả năng sản xuất hormon của gan, gây rối loạn cho giấc ngủ.

-Nhiều người bớt uống cà phê thì thấy ít cáu gắt, bực bội vì caffein kích thích thần kinh, làm tăng lo âu, thay đổi tính tình, khó ngủ.

-Tập thể thao cũng tốt. Vận động tăng endorphins do não sản xuất. Endorphins là một chất chống đau thiên nhiên, giúp giảm đau ngầm ngầm bụng dưới đồng thời cũng tạo ra cảm giác hưng phấn, yêu đời.

-Không nên đứng quá lâu để giảm đau lưng đau bụng, nhức chân.

-Nhiều người nằm nghiêng hoặc ngửa, co chân lên ngực khi ngủ cũng cảm thấy thoải mái hơn.

-Trước khi đi ngủ, ngâm mình trong bồn nước ấm khoảng 30 phút để bớt căng thẳng cũng là điều ưa thích của nhiều phụ nữ.

-Ngủ đầy đủ, 8 giờ mỗi tối để ngày hôm sau có sức chịu đựng với các khó chịu của tiền kinh nguyệt.

-Không hút thuốc lá để tránh kích thích thần kinh.

-Tập thư giãn cơ bắp, hít thở sâu, tránh xáo trộn, căng thẳng trong đời sống hàng ngày.

-Tâm sự, chia xẻ kinh nghiệm với bạn cùng cảnh ngộ để biết thêm cách thích nghi.

-Nói chuyên với tư vấn tâm thần hoặc nhóm trị liệu cũng giảm thiểu vài triệu chứng của rối loạn.

-Dùng vài dược phẩm mua tự do như ibuprofen (Advil, Motrim), aspirin, Naproxen (Aleve) để giảm đau bụng dưới, đau đầu, nhức mình mẩy và căng nhũ hoa.

-Bác sĩ có thể cho vài loại thuốc an thần (Benzodiazepine), thuốc chống trầm cảm (sertraline, fluoxetine, paroxetine) với liều lượng nhẹ 1-2 tuần lễ trước khi hành kinh để giảm buồn rầu lo lắng, dịu tinh thần hoặc thuốc lợi tiểu tiện để làm bớt sưng bàn tay bàn chân.

Khi HCTK quá trầm trọng, thuốc viên kiểm soát sinh sản (Birth Control Pill) có thể dùng để chặn sự rụng trứng, do đó không có xuất kinh.

Trong rất ít trường hợp rối loạn tiền kinh trầm trọng đến nỗi người nữ không chịu nổi, không đáp ứng với mọi điều trị và họ không còn nhu cầu mang thai, thì phẫu thuật cắt bỏ tử cung và noãn sào có thể được thận trọng nghiên cứu và có thể là giải đáp.

Tâm lý trị liệu cũng được áp dụng để giúp quý bà hiểu rõ diễn tiến và hậu quả của HCTK rồi liệu đường đối phó, thích nghi.

Đông y dược thảo có thể có vai trò giảm thiểu khó chịu do HCTK gây ra.

Bạch quả (Gingo Biloba) làm giảm căng ngực, phù nước; trà bồ công anh giảm sưng phù, chướng bụng; gừng giảm buồn nôn, lá cây mâm xôi giảm vọp bẻ; trinh nữ giảm lo âu, mất ngủ; dưa hấu giảm phù; St John Wort giảm trầm cảm, gạo lức, hạnh nhân nhiều sinh tố nhóm B, cải xoong nhiều sắt, sữa đậu nành có nhiều chất isoflavon, tương tự như estrogen (phytoestrogen)...

 Khi gần tới kinh kỳ, các bà vợ cũng nên để ý tới dấu hiệu khó chịu sắp tới và đả thông với chồng con để tránh căng thẳng trong gia đình. Đồng thời cũng sẵn sàng nhận sự hỗ trợ của mọi người.

Nên ghi lại những cảm giác khó chịu của mỗi kinh kỳ để biết trước mà kiểm soát, thích nghi.

Riêng với ông Vinh, nếu bà xã có mè nheo, giận nảy quá thì ráng mà chiều chuộng. Một tháng chỉ có mấy ngày như vậy mà thôi.

Hoặc ra tiệm nữ trang, mua vài viên đá quý về cho bả đeo, gọi là để trừ tà, là bả vui vẻ trở lại ngay ấy mà.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 4 năm 2024, một phụ nữ ở Sacramento, California, Mỹ bị ngộ độc chì nghiêm trọng và tử vong sau khi sử dụng thuốc mỡ trị trĩ của Việt Nam có tên “Cao Bôi Trĩ Cây Thầu Dầu”. Thử nghiệm thuốc mỡ bôi trĩ này cho thấy nó chứa 4% chì (cứ 100 gram thuốc thì có 4 gram chì), đây là lượng rất nguy hiểm. Chì là một chất kim loại nặng độc hại cho cơ thể. Tiếp xúc với bất kỳ lượng chì nào cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rụng tóc (alopecia) thường xảy ra trên da đầu, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Rụng tóc là một tình trạng phổ biến và không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở Úc, khoảng một nửa đàn ông ở độ tuổi 50 thường có dấu hiệu hói đầu, và hơn 1/4 phụ nữ trong cùng độ tuổi cho biết tóc họ bị thưa đi. Thường thì vấn đề này là do di truyền. Nếu thấy mình đang bị rụng tóc và đang lo lắng về điều đó, quý vị nên đi khám hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để được chẩn đoán trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị nào. Rất nhiều sản phẩm được quảng cáo là có khả năng đảo ngược tình trạng rụng tóc, nhưng lại có rất ít sản phẩm đã được kiểm nghiệm khoa học về hiệu quả.
Hàm răng của bệnh nhân có vẻ như được chăm sóc khá tốt, nhưng nha sĩ James Mancini, giám đốc lâm sàng của Trung Tâm Nha Khoa Meadville ở Pennsylvania, cảm thấy phần nướu có vấn đề. Tình cờ, Mancini có quen biết với bác sĩ của bệnh nhân đó nên đã liên lạc để chia sẻ sự lo ngại – và rồi họ ‘lần’ ra bệnh thật! Mancini cho biết: “Thực ra, Bob mắc bệnh ung thư bạch cầu (leukemia). Dù ông ấy không thấy mệt mỏi hay có các triệu chứng khác, nhưng vấn đề xuất hiện ở phần răng miệng. Khi bác sĩ của Bob biết được tình trạng, Bob đã được điều trị ngay lập tức.”
Thời nay, nhiều người thường bị đau cổ vai gáy, lại còn kèm theo cả đau đầu. Nỗi đau này có thể gây ra thêm nỗi đau khác, không chỉ về mặt vật lý mà còn về mặt tâm sinh lý. Xét về mặt sinh lý, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng những cơn đau ở cổ thường khiến cho người ta bị thêm chứng đau đầu. Một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí The Journal of Headache and Pain là nghiên cứu đầu tiên cung cấp những dấu hiệu khách quan về sự liên quan của cơ bắp với tình trạng đau nhức đầu.
Một nghiên cứu mới cho thấy thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng và hiệu suất làm việc trong ngày, mà còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, so với những người ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn khi về già.
Khi nói đến việc giữ cho xương khỏe mạnh, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vitamin D, chất dinh dưỡng giúp cơ thể hấp thụ lượng canxi cần thiết để giúp cho bộ xương chắc khỏe. Nhưng dù rằng vitamin D đúng là một chất dinh dưỡng thiết yếu, trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tầm quan trọng của các loại vitamin khác trong việc chống gãy xương (fractures) và bệnh loãng xương, hay bệnh xương xốp (osteoporosis).
Không thể nhìn thấy bằng mắt thường, không có mùi và cũng chẳng có vị, những lượng nhỏ chì (lead) hiện diện trong các vật dụng mà chúng ta sử dụng hàng ngày, trong nhà chúng ta ở, và cả trong nước chúng ta uống. Thậm chí, chì còn xuất hiện trong các bình nước tái sử dụng, như việc phát hiện ra chì trong đáy ly Stanley. Vụ việc đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và khơi dậy sự chú ý của người tiêu dùng đối với một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu.
Hôm cuối tháng Hai vừa qua, Tòa Tối cao của bang Alabama phán quyết rằng: “Phôi đông lạnh là trẻ em.” Tuyên án này tuy chỉ có uy lực theo Hiến pháp và luật pháp ở Alabama, tuy nhiên, sự bắt đầu này tạo ra tiền lệ cho tất cả những vụ án vế sau của tất cả các bang khác và kề cả hiến pháp Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến thời kỳ cho phép phá thai. Nhiều người và nhiều cơ quan sẽ phải chịu trách nhiệm, sẽ bị trừng phạt nếu làm hỏng phôi thai, như một tội giết trẻ em. Phán quyết của Alabama, được công bố hôm thứ Sáu, bắt nguồn từ hai vụ kiện của ba nhóm cha mẹ đã trải qua thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để sinh con và sau đó chọn đông lạnh số phôi còn lại. Giáo sư Nicole Huberfeld của Trường Luật Đại học Boston cho biết, đó cũng là một quyết định có thể gây ảnh hưởng lan rộng đến việc sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Thử tưởng tượng rằng chỉ cần uống một viên thuốc là quý vị sẽ tràn trề năng lượng, da dẻ mịn màng, và tim mạch khỏe re? Các viễn cảnh hấp dẫn này vẫy gọi mãnh liệt mỗi khi chúng ta dạo quanh qua các quầy hàng bán các loại thực dược phẩm bổ dưỡng trong hiệu thuốc, từ các loại viên uống dầu cá (fish oil), bột collagen (collagen powder), kẹo bổ sung ma-giê và muôn hình vạn trạng các loại vitamin.
Hơn một thập niên từ sau cái chết bất ngờ của mẹ, Sehrish Sayani mắc chứng rối loạn tâm thần hậu chấn (PTSD). Suốt những năm đó, những cơn hoảng loạn dữ dội nhất đã giảm dần, nhưng các triệu chứng như nghi ngại thái quá (hypervigilance), trở nên đặc biệt nhạy cảm với một số yếu tố và những giấc ngủ chập chờn đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống của cô.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.