Hôm nay,  

Y Dược Ngày Nay Tháng 1-2008

12/01/200800:00:00(Xem: 4203)

- Tâm Sự Với Người Y Sĩ - Bs Nguyễn Ý Đức: Trong lịch sử nền y học Việt Nam từ xưa cho tới nay, có rất nhiều vị lương y đã làm rạng rỡ danh dự nghề nghiệp với các khả năng, kiến thức và lòng yêu nghề của mình. Đã có biết bao nhiêu y sĩ tận tụy cứu chữa làm nhẹ cơn đau đớn bệnh hoạn của bà con dù với phương tiện thiếu thốn, hoàn cảnh hiểm nghèo. Họ phục vụ với cả một tấm lòng nhân ái, trân trọng tình cảm giữa con người với con người. Cho nên đã có câu ví trong dân gian là người lương y tốt bụng như người mẹ hiền. Con cái còn tấm bé, không tự lực tự tồn được, nên đều trông cậy ở mẹ cha, nhất là phụ thuộc vào thiên chức nuôi con của người mẹ.

Người bệnh cũng vậy. Trong cơn đau bệnh, họ hoàn toàn bất lực vì không hiểu gì về bệnh, vì bối rối lo sợ, sợ chết. Với họ, người y sĩ như cái phao cứu mạng. Họ giao phó tính mạng của mình cho người y sĩ. Y sĩ tận tâm, hiểu nỗi đau của người bệnh thì mang toàn sức toàn tài cứu chữa, cơn đau của họ mau thuyên giảm. Gặp phải người y sĩ xấu, thì họ chịu đựng đau đớn lâu hơn, trầm trọng hơn, đôi khi còn bị khai thác, lạm dụng. Cho nên, mỗi khi "có bệnh thì vái tứ phương", tìm thầy chữa trị, nhiều khi chúng tôi nhận được rất nhiều từ tâm của y giới thì cũng không ít trường hợp, chúng tôi cảm thấy buồn buồn đối với các vị tự coi là "lương y" mà rất ít lương tâm.

Và cũng vì lẽ đó nên có những tâm sự, những ước vọng như sau, gửi người y sĩ.

1-Trước hết là khi khám chữa, xin hãy nhìn con người chúng tôi một cách toàn diện chứ không chỉ để ý tới triệu chứng, dấu hiệu rồi đau đâu chữa đó. Vì một dấu hiệu, triệu chứng sẽ hành hạ cả con người chúng tôi mà không khoanh vòng, tập trung vào một góc. Cổ nhân có câu nói "nhìn cả rừng chứ không chỉ nhìn một cây", để ước lượng chuyện gì đã và đang xảy ra, hậu quả sẽ như thế nào nếu không có phương pháp đối phó hữu hiệu.

2-Xin quý vị hãy dành cho sự kể lể bệnh tình của chúng tôi một sự chú tâm. Khi đau ốm, bệnh hoạn thì lời nói của chúng tôi nó cũng không mạch lạc, rõ ràng, đôi khi lại cà kê dê ngỗng, nói năng lung tung, lạc đề. Chúng tôi biết là đối với quý vị, "thì giờ là vàng bạc", bệnh nhân chờ phòng ngoài quá đông, bào hiểm giới hạn. cho nên mỗi bệnh nhân chúng tôi mà được quý vị dành cho từ 5 tới 10 phút là cùng. Với khoảng thời gian này, vừa để nghe y sử vừa để khám rồi ghi ghi chép chép, biên toa thì cũng quá ngắn ngủi đấy. Cho nên xin hãy kiên nhẫn lắng nghe. Chúng tôi nhớ rằng "VĂN" là một trong bốn chiêu thức căn bản mà các nhà y học vẫn áp dụng khi khám bệnh. Đó là "Vọng, Văn, Vấn, Thiết". Nhìn sắc diện người bệnh, nghe và ước lượng âm thanh khi bệnh nhân nói bệnh tình, hỏi chi tiết về bệnh và bắt mạch). Những lời kể này nhiều khi cũng giúp quý vị dễ dàng chẩn đoán bệnh.

3-Chúng tôi rất "I tờ" ít hiểu biết về bệnh tật, y lý, nên xin hãy vui lòng giải thích cho chúng tôi một cách nhiệt tình cởi mở, với các ngôn từ bình dân, dễ hiểu.

4-Nhấn mạnh cho chúng tôi những điểm quan hệ của bệnh trạng để chúng tôi nhớ và dễ bề chăm lo, thuốc thang. Thiết nghĩ sự chữa trị của quý vị sẽ công hiệu hơn, nếu chúng tôi cũng biết đau ra sao, diễn tiến bệnh thế nào. Để biết so sánh kết quả điều trị rồi "báo cáo" với quý vị chứ.

5-Chúng tôi cần sự hướng dẫn chi tiết một chút về cách dùng thuốc cũng như về ẩm thực ăn uống trong thời gian đau ốm. Vì chúng tôi được biết thuốc và thức ăn cũng có tương khắc, chẳng chịu cùng nhau chung đường chung lối, tiếp tay nhau giúp đỡ người bệnh. Xin hãy mang tất cả tài năng, kiến thức, kỹ thuật cao để chữa trị cho chúng tôi. Chúng tôi cũng biết là y khoa học ngày nay rất tiến bộ, "rừng y" thì mênh mông, quý vị "thông kim bác cổ", nhưng chúng tôi chỉ xin được hưởng kiến thức thực tế áp dụng thích hợp trong trường hợp riêng của chúng tôi để rút ngắn thời gian hành xác do bệnh.

6-Hãy xử dụng suy luận chính xác để chỉ thực hiện những thử nghiệm cần thiết cho việc chẩn đoán, theo dõi điều trị chứ không làm quá nhiều để thỏa mãn tò mò, thêm lợi nhuận hoặc để tránh vi phạm luật lệ hành nghề, đôi co kiện tụng

7-Nhân vô thập toàn, kinh nghiệm chuyên môn mỗi y sĩ nhiều ít khác nhau, nếu thấy cần tham khảo ý kiến của các đồng nghiệp về căn bệnh tình của chúng tôi, xin hãy làm ngay chứ không chần chừ, trì hoãn, nuôi giữ bệnh. Vì  các bậc thầy ngành y đều nói, chẩn đoán sớm, điều trị ngay, bệnh mau lành. Vả lại, "Cứu bệnh như cứu hỏa" ấy mà.

8-Có bệnh là có âu lo, sợ sệt và ai mà chẳng sợ đau ốm, chết chóc. Xin hãy làm giảm thiểu tâm trạng bất an của chúng tôi với thái độ tự tin mà không kiêu căng, nhẹ nhàng mà không hời hợt. Xin hãy "Thấy người đau, giống mình đau, phương nào cứu đặng, mau mau trị lành" (1), mà thông cảm với hoàn cảnh chúng tôi. Vì người y sĩ là nơi để bệnh nhân gửi gắm tính mệnh.

9-Nghề y là nghề cao quý, có những quy luật y đức. Xin hãy hiểu rõ và áp dụng các quy luật nghề nghiệp, cần phải làm gì, không được  làm gì để "cứu nhân độ thế" và cũng để tích tụ "âm đức" cho con cháu. Cổ nhân có nói "Ba đời làm nghề y, về sau có người làm khanh tướng", chẳng là điều nên theo hay sao!

10-Dân gian cũng như y giới đều nói "nụ cười bằng 10 thang thuốc bổ". Xin hãy dành cho chúng tôi mấy thang thuốc bổ tinh thần này mỗi khi khám chữa tư vấn, để làm dịu niềm đau đang tàn phá cơ thể chúng tôi.

11-Xin hãy bớt lạnh lùng gắt gỏng, vô cảm trước sự ngớ ngẩn đòi hỏi cầu thiện của chúng tôi, vì chúng tôi chỉ quá ám ảnh về bệnh tình, mong sao chóng khỏi, cho nên đôi khi có những cử chỉ hành động vụng dại, thất thố.

12-Có người nói sự khác biệt giữa y sĩ với bệnh nhân là họ có công học tập để có bằng cấp y khoa, có kiến thức y học trong khi chúng tôi cũng có những kiến thức chuyên môn khác mà họ không có. Cho nên xin hãy nhẹ nhàng, khiêm nhượng với nhau. Có ý kiến cho rằng, lòng sốt sắng, nhiệt tình, tài năng, kiến thức cao, kỹ thuật tốt là những đức tính không thể để phí phạm qua sự bất cẩn của người y sĩ cũng như qua sự coi thường của người khác, để tránh thiệt hại cho cả đôi bên. Vả lại, "Lời nói chẳng mất tiền mua", mà chúng tôi lại còn thanh toán y phí đầy đủ sau khi khám trị bệnh.

13-Bệnh nhân có người giầu, kẻ nghèo, có người cao sang "lãnh đạo" thì cũng có người làm việc tùy tiện chân tay. Xin hãy đối xử bình đẳng, đừng "Chỗ giàu trân trọng, chỗ nghèo đảo điên" (2) để rồi " nhất bên trọng, nhất bên khinh" và "Đủ tiền đủ vị, thiếu tiền hốt vơ" (3).

Và còn nhiều tâm sự khác nữa, nhưng "giấy ngắn, tình dài", xin tạm biệt ở con số 13.

Nhiều người cho số 13 là xui xẻo, là không tốt. Tâm sự chẳng ai thèm đọc thèm nghe mà có khi còn mang họa vào thân. Thôi thì có họa cũng đành gánh chịu, nhưng tự trấn an là ít ra cũng thổ lộ được đôi điều mà nhiều "đồng bệnh tương lân" muốn nói ra. Và cũng có ý mong rẳng người y sĩ chẳng nên "đổi nhân thuật thành chước lừa dối, thay lòng nhân đức ra lòng bán buôn, khiến người sống trách móc, người chết oán hờn" (4).

Vả lại, đây là chúng tôi thầm kín tâm sự như vậy mà thôi, chứ thành văn bộc lộ ra ngoài là do người ký tên dưới đây "chủ xướng", xin cứ y ta mà "trăm dâu đổ đầu tằm", trách móc. Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức, Texas-Hoa Kỳ. Tham Khảo: (1, 2, 3) Ngư Tiều Vấn Đáp - Nguyễn Đình Chiểu. (4) "Y Huấn Cách Ngôn" trong Hải Thượng Lãn Ông Tâm Lĩnh.

Trong tháng 12 năm 2007, Y Dược Ngày Nay đã phổ biến một loạt bài hữu ích, bao gồm những đề mục như sau:

Tin mới Y Học của Bs Nguyễn văn Thịnh với:

1) Uống Omega-3 giúp tăng trưởng nhận thức trí não,

2) Lau chùi rửa ráy chân tay cho bệnh nhân trong nhà thương giảm nguy cơ nhiễm vi trùng nguy hiểm MRSA (methicilin - resistant staphylococcus aureus,

3) Viêm xoang tăng cao nguy cơ suyễn,

4) Người già đi bộ nhanh khi tập thể dục sẽ giảm nguy cơ tử vong,

5) Khám phá biến đổi tế bào da sang tế bào gốc,

6) Thử nghiệm thuốc mơí RTS/S chống sốt rét,

7) Thay đổi biểu hiện gene tăng nguy cơ bệnh phình động mạch chủ,

8) Dùng tế bào gốc trị nhồi máu cơ tim,

9) Kỹ nghệ dùng tế bào gốc điều trị ở Thái Lan,

10) Phụ nữ hút thuốc lá tăng cao nguy cơ ung thư trực tràng,

11) Phụ nữ đẻ non tăng nguy cơ bệnh tim mạch,

12) Nhức đầu kinh niên tăng nguy cơ bệnh trầm cảm,

13) Liên hệ đông máu tĩnh mạch và vữa xơ động mạch vơí nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não,

14) Vỏ não cảm giác và vận động bị dầy thêm tăng cao nguy cơ chứng nhức nửa đầu,

15) Nắng giảm nguy cơ lạc màng tử cung phụ nữ,

16) Hen phế quản và bệnh mập phì,

17) Hút thuốc là tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, và

18) Ăn nhiêu rau và trái cây giảm nguy cơ ung thư trực tràng. Bs Trần Mạnh Ngô cập nhật một số bệnh ở Việt Nam như: tiêu chảy cấp tính, cúm gia cầm H5N1. Bs Huỳnh Đỗ Phi thông tin bệnh HIV/AIDs. Ds Lê văn Nhân tường trình một phương pháp thử máu truy tầm bệnh lãng quên Alzheimer.

Trong Y Học thường thức: Bs Nguyễn ý Đức viết một loạt bài về: Thực Phẩm Chức Năng, Nghiện rượu, Chặn đứng bệnh AIDs ở Việt Nam và trái dứa. Gs Vũ Quí Đài và Bs Trần Mạnh Ngô nói về ung thư nhiếp hộ tuyến. Bs thú y Nguyễn thượng Chánh nhắc nhở những điều cần biết khi tiệc tùng, lễ lộc.

Trong Y Khoa Thực Hành, Bs Nguyễn Văn Thịnh bàn luận một số vấn đề như: Ngộ Độc Thức Ăn (Food poisoning), Bệnh Tim do thiếu máu cục bộ (Ischemic heart diseases), Các bệnh lây qua ngả tình dục (sexual transmitted diseases). Ds Lê văn Nhân đặt dấu hỏi về người bị hội chứng cổ tay có nên tránh dùng bàn phím máy vi tính. Bs Nguyên Nguyên đã cho chúng ta biết: 1) U Trung Biểu Mô là gì" và 2) Vài khác biệt giữa các đơn vị sinh hóa dùng tại Mỹ và Âu-Úc châu.

Trong Y Khoa Lâm Sàng, chúng ta say mê đọc một loạt bài Đếm Máu và những Bệnh Máu quan trọng của Bs Nguyễn Tài Mai. Bs Mai nghĩ tới đâu viết tơí đó, dẫn chúng ta hiểu biết từ khía cạnh này sang khía cạnh khác của Bệnh Máu. Theo dõi bài của Bs Mai mà chúng ta không thấy nhức đầu. Bs Nguyễn văn Đích trình bày 3 vấn đề lâm sàng quan trọng: thứ nhất là một trường hợp tiểu đường toan huyết, thứ 2 là Ly Giải cơ vân (Rhabdomyolysis), và thứ 3 là Mùa Đông Xám.

Tiếp theo kỳ này chúng ta có nhiều bài về Dược Phẩm: Ds lê văn Nhân nói về thử nghiệm chất LRP (LDH related Protein) có khả năng quét sạch amyloid trong não (bệnh lãng quên Alzheimer) nhưng còn phải chờ kết quả thử nghiệm trên người. Ds Lê văn Nhân còn thêm nhiều thông tin:

1) Thuốc trị giao động cấp bệnh nhân tâm thần,

2) Hoạt chất trong cây Rosemary có thể bảo vệ thần kinh,

3) Thuốc bơm mũi Desmopressin không còn chỉ định cho bệnh đái dầm,

4) Cabergoline điều trị Hyperprolactinemia (bài của Ds Kathy Nguyễn và Ds Christina Nguyễn, do Ds Lê Văn Nhân phiên dịch), và

5) Chuyển liều thuốc vào buổi tối cho bệnh nhân suy thận. Ts Nguyễn văn Tuấn, Ts Nguyễn Đình Nguyên và Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang bàn luận về thuốc trị tiểu đường Rosiglitazone. Ds Trịnh Nguyễn Đàm Giang tường trình Tin Ngắn Thuốc. Bs Nguyễn Tài Mai nói về thuốc Sunitimib chữa bệnh ung thư thận. Và Bs Trần Mạnh Ngô thông tin những thuốc mới được FDA cho phép như thuốc Zyrtec-D, Nexavar và Chantix. Trong khảo cứu y khoa có 3 bài của Bs Daniel Trương:

1) Loạn trương lực cơ,

2) Loạn trương lực cơ tay khi cầm bút viết lâu năm và

3) Độc tố Botulinum. Ts Nguyễn văn Tuấn và Ts Nguyễn Đình Nguyên gửi Letter to the Editor bàn luận về Rosiglitazone.

Trong thảo luận báo Y Khoa, Bs Trần Mạnh Ngô tường trình ung thư buồng trứng phụ nữ. Bs Nguyễn Tài Mai thông tin bệnh Sarcoidosis và thuốc Lenalidomide trong việc điều trị ung thư myeloma. Bs Nguyễn Văn Đích cho chúng ta biết: Mật ong chữa ho ở trẻ em tốt hơn Dextromethorphan. Trong Phần Sinh Y Học, Ts Nguyễn Đức Thái bàn luận vai trò DNA và Proteins trong việc chuẩn bệnh và trị bệnh. Trong Mục Hỏi Đáp Y Học, Bs Thái Minh Trung trả lời Bệnh Tâm Thần Phân Liệt và Bs Huỳnh Đỗ Phi trả lời HIV trong nước bọt. Trong Mục tham khảo, có 3 bài của Bs thú y Nguyễn thượng Chánh: Trợ Thủ Thú Y (Euthanasia), Ghiền Internet, và Cuộc Chiến toàn diện. Ngoài ra còn có bài nói về Chuột: Dinh Dưỡng và Trị Liệu của Ts Trần Việt Hưng. Sau hết là những Mục thường xuyên: Đố Vui Để Học, Từ Điển Y Học Anh-Việt-Pháp, International Classification of Diseases, và Dịch Thuật Từ Y Khoa Anh-Việt-Pháp của Bs Nguyễn Nguyễn.

Xin kính chào tạm biệt quý vị độc giả và xin hẹn gặp quý vị tháng sau. Y Dược Ngày Nay, www.yduocngaynay.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lập một kế hoạch điều trị trầm cảm có thể là một thách thức khó khăn. Điều này đặc biệt đúng đối với những bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và đang trải qua các liệu pháp thử nghiệm như kích thích các nhân sâu trong não (Deep Brain Stimulation – DBS). Đối với hầu hết các tình trạng bệnh lý, bác sĩ có thể trực tiếp đo lường bộ phận đang được điều trị, chẳng hạn như đo huyết áp đối với các bệnh về tim mạch. Những thay đổi có thể đo lường đóng vai trò là dấu ấn sinh học khách quan (objective biomarker) của quá trình phục hồi, cung cấp các thông tin đáng giá về cách chăm sóc bệnh nhân.
Theo Cơ Quan Kiểm Soát Thực-Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA), khoảng 9 trong số 10 toa thuốc ở Hoa Kỳ có kê thuốc đồng dạng (thuốc generic) của một loại thuốc nguyên gốc (brand name). Tuy nhiên, có thể sẽ có nhiều người không biết là loại thuốc họ mua ở hiệu thuốc là thuốc đồng dạng hay thuốc nguyên gốc. Vậy hai loại thuốc này có gì khác biệt không? Và nếu có, nó có quan trọng không?
Từ hương cỏ mới cắt đến mùi của người thân, các loại mùi hương khác nhau luôn quẩn quanh mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Ta không chỉ cảm nhận thấy những mùi hương xung quanh, mà chính bản thân ta cũng đang tạo ra nó. Và quý vị có biết là mùi hương cơ thể chúng ta đặc biệt đến mức có thể dùng để phân biệt mỗi cá nhân?
Mọi người nên thử tập thiền khoảng 45 phút mỗi ngày để giảm áp huyết cao do căng thẳng, theo các hướng dẫn mới cho biết. Những phương cách khác từ Hội Cao Huyết Áp Quốc Tế (ISH) gồm việc dành thời gian nghe nhạc, tập yoga và thực hành chánh niệm.Lời khuyên y khoa – bỏ hút thuốc lá và ăn ít muối – vẫn duy trì. Nhưng các chuyên gia nói rằng các mục tiêu cách sống “thể xác và tinh thần” mới có thể được đề nghị.
Đàn ông chết sớm hơn đàn bà. Đương nhiên không phải tất cả đàn ông. Cứ nhìn vào hai nhà đầu tư nổi tiếng này: Warren Buffett, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, biệt danh “Nhà tiên tri xứ Omaha”, và cánh tay phải của ông, Phó chủ tịch Charlie Munger. Buffet đã chín mươi hai tuổi. Ông già ấn tượng há! Nhưng đâu đã ăn thua gì, Munger chín mươi chín tuổi kìa. Cả hai ông vẫn đang làm việc và kiếm rất nhiều tiền cho khách hàng của họ, năm này qua năm khác. Đáng lẽ họ phải ngủ gà ngủ gật trước TV nhưng nào họ có chịu đâu!
Những người sống với Covid lâu dài sau khi phải vào bệnh viện nhiều phần cho thấy một số tổn hại đối với các bộ phận chính của cơ thể, theo một nghiên cứu mới cho biết. Chụp hình MRI cho thấy nhiều bệnh nhân có một số bất thường trong nhiều bộ phận như phổi, não và thận gấp ba lần.
Mùa cúm đang đến và vắc xin ngừa COVID-19 mới cập nhật đã ra mắt sau đợt cúm năm rồi Chúng tôi muốn chia sẻ một số thông tin về việc chích ngừa COVID-19 trong chuyên mục của tháng này. Nếu bạn có thêm câu hỏi về Medicare, Medicaid, Đạo luật Chăm Sóc sức khoẻ trên Thị trường Bảo hiểm Y tế theo Giá cả phải chăng(Affordable Care Act Health Insurance Marketplace) Tiền hưu trí, tiền trợ cấp an sinh xã hội (SSI) hoặc tiêm chủng ngừa COVID/Cúm, có 3 cách bạn có thể liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay.
Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa tọa lạc tại số 7761 Garden Grove Blvd, Garden Grove, CA 92841do Bác Sĩ Tình Trần làm Giám Đốc Y Tế, đã mở Hội Chợ Y Tế vào thứ Bảy ngày 23 tháng 9 năm 2023 cho cư dân những người có lợi tức thấp, hoặc có bảo hiểm hay không có bảo hiểm cũng đều được tham gia.
Tập thể dục thường được nói đến như một yếu tố quan trọng giữ đầu óc tỉnh táo, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy sự khác biệt và lắm lúc còn có thể có những hiệu quả ngược lại nữa. Một nghiên cứu mới đã tóm tắt tác động của việc rèn luyện thể chất đối với sức khỏe trí óc, trong đó bao gồm trí nhớ, sự chú ý, khả năng ra quyết định và tốc độ giải quyết thông tin của não. Theo kết quả rõ ràng của các nhà nghiên cứu, các hoạt động rèn luyện và tập thể dục nhằm mục đích cải thiện thể lực và hấp thụ oxy chỉ có tác dụng thấp đối với khả năng nhận thức. Ngược lại, tập yoga có tác động tích cực đến sức khỏe trí óc và có nhiều khả năng dẫn đến sự thay đổi rõ rệt về chức năng nhận thức.
Một loạt các biến thể mới của Omicron đang khiến số ca nhiễm COVID-19 gia tăng và số trường hợp bị bệnh nặng cũng nhiều hơn. Trong tuần cuối cùng của tháng 8, đã có hơn 650 người chết vì COVID-19, tăng 10% so với tuần trước đó, và có 17,000 trường hợp mới phải vào bệnh viện.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.