Hôm nay,  

California Thúc Đẩy Chương Trình Tái Chế Rác Thải Thực Phẩm

09/12/202121:54:00(Xem: 2143)

Cali tai che rac thai thanh thuc pham
California Thúc Đẩy Chương Trình Tái Chế Rác Thải Thực Phẩm (Nguồn: APnews)

CALIFORNIA - Ở California, vỏ chuối, xương xẩu và rau thừa… sắp tới sẽ không còn bị vứt trong thùng rác, theo chương trình tái chế rác thải thực phẩm dân cư bắt buộc sẽ có hiệu lực vào tháng 1 năm 2022, theo trang Apnews đưa tin hôm Thứ Năm, 9 tháng 12 năm 2021.

Nỗ lực này là nhằm giữ cho các bãi rác ở tiểu bang đông dân nhất của Hoa Kỳ không còn rác thải thực phẩm, ảnh hưởng tới không khí khi chúng phân hủy. Khi thức ăn thừa và các vật liệu hữu cơ khác bị phân hủy, chúng sẽ thải ra khí metan, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn và gây hại trong thời gian ngắn hơn so với lượng khí thải carbon từ nhiên liệu hóa thạch. Để tránh những khí thải đó, California có kế hoạch bắt đầu chuyển chất thải thực phẩm thành phân hữu cơ hoặc năng lượng.

California là tiểu bang thứ hai ở Hoa Kỳ làm như vậy, sau Vermont, tiểu bang đã có một chương trình tương tự vào năm ngoái.
Hầu hết người dân ở California sẽ được yêu cầu phân loại riêng các loại rác thực phẩm. Sau đó, nếu không có nhu cầu ủ phân, họ có thể đổ số rác này vào thùng và đem đến trạm phân loại tái chế trong khu vực. Các thành phố sau đó sẽ biến chất thải thực phẩm thành phân ủ hoặc sử dụng nó để tạo ra khí sinh học, một nguồn năng lượng tương tự như khí đốt tự nhiên.

Rachel Wagoner, Giám đốc Bộ Tái chế và Phục hồi Tài nguyên California cho biết: “Đây là sự thay đổi lớn nhất đối với rác thải kể từ khi việc tái chế bắt đầu vào những năm 1980,” và nói thêm rằng đó “là điều dễ dàng và nhanh nhất mà mỗi người có thể làm để tác động đến biến đổi khí hậu.”

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, việc thúc đẩy chương trình ở California phản ánh vai trò của rác thải thực phẩm đối với ô nhiễm môi trường trên khắp Hoa Kỳ, nơi có tới 40% thực phẩm bị lãng phí.

Một số tiểu bang ở Hoa Kỳ và cả các quốc gia khác, bao gồm cả Pháp, đã thông qua luật yêu cầu các cửa hàng và công ty lớn tái chế hoặc quyên góp thực phẩm thừa cho các tổ chức từ thiện, còn chương trình của California là nhắm vào các hộ gia đình và doanh gia.

Tiểu bang đã thông qua một đạo luật vào năm 2016 nhằm mục đích giảm phát thải khí metan bằng cách cắt giảm đáng kể lượng thực phẩm bỏ đi. Theo CalRecycle, khoảng một nửa số rác ở các bãi rác trong tiểu bang là rác hữu cơ. Lượng chất thải khổng lồ đóng góp đến 20% lượng khí metan toàn khu vực, chỉ sau khí từ hơi ợ của bò (30%) và phân bò sữa (25%).



Bắt đầu từ tháng 1 năm 2022, tất cả các thành phố và quận cung cấp dịch vụ thùng rác phải có chương trình tái chế thực phẩm và các cửa hàng tạp hóa phải quyên góp thực phẩm thừa có thể ăn hoặc sẽ đưa cho các ngân hàng thực phẩm hoặc các tổ chức tương tự.

Vermont, tiểu bang 625.000 người so với gần 40 triệu người của California, là tiểu bang duy nhất cấm người dân vứt rác thải thực phẩm vào thùng rác. Theo luật có hiệu lực vào tháng 7 năm 2020, người dân có thể ủ rác trong sân nhà, đặt ở trước nhà để xe rác đến lấy hoặc mang đến bỏ ở các trạm bỏ rác. Các thành phố như Seattle và San Francisco cũng có chương trình tương tự.

Luật của California quy định rằng đến năm 2025, tiểu bang phải cắt giảm 75% chất thải hữu cơ trong các bãi chôn lấp so với mức của năm 2014, hoặc từ khoảng 23 triệu tấn xuống còn 5,7 triệu tấn. Hầu hết các chính quyền địa phương sẽ cho phép người dân đổ thức ăn thừa vào thùng rác ngoài sân, một số nơi còn cung cấp giỏ đựng để chứa rác ủ trong vài ngày trước khi mang ra ngoài. Một số khu vực có thể được miễn trừ, chẳng hạn như các địa điểm nông thôn nơi hay có động vật lục lọi thùng rác.

Tiểu bang cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 là chuyển 20% thức ăn còn ăn được, thay vì phải đến các bãi chôn lấp, sẽ được mang cho những người có nhu cầu. Từ tháng 1 năm 2022, các siêu thị phải bắt đầu quyên góp thực phẩm dư thừa. Từ năm 2024, các khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, trường học và các địa điểm tổ chức sự kiện lớn cũng sẽ bắt đầu làm như vậy. Luật quyên góp của California sẽ góp phần hướng tới mục tiêu liên bang là cắt giảm một nửa chất thải thực phẩm vào năm 2030.

Việc thực hiện các chương trình tương tự ở các thành phố lớn hơn là một thách thức lớn. Hai nơi đông dân nhất của bang - Los Angeles và San Diego - nằm trong số các thành phố sẽ chưa áp dụng chương trình cho tất cả nhà dân vào tháng tới. Đó là bởi vì phải mất thời gian để mua các thiết bị cần thiết, chẳng hạn như thùng rác xanh cho những nhà chưa có để đựng rác ngoài sân, và thiết lập các cơ sở để lấy vật liệu. Phí thu gom rác sẽ tăng lên ở nhiều nơi.

Các chính phủ có thể tránh bị phạt bằng cách tự báo cáo với tiểu bang trước tháng 3 năm 2022 nếu họ chưa có khả năng và kế hoạch sẵn sàng để bắt đầu. Các thành phố không tuân theo có thể sẽ bị phạt tới 10.000 đô la mỗi ngày.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chàng sinh viên Hoa Kỳ Michael Phillips 24 tuổi bị bắt cóc ở thị trấn Nablus thuộc Tây Ngạn trong ngày hôm Thứ Tư đã được trả tự do - nguồn tin Bộ ngoại giao Hoa Kỳ cho biết nhóm bắt cóc
Cư dân California 28 tuổi Adam Gadhan có thể bị kết án tử hình về tội phản bội - tội phản bội chỉ mới dùng đến vài chục lần trong lịch sử Hoa Kỳ và chưa lần nào kể từ thế chiến 2. Cáo trạng của
Ông Bayan Elashi, 1 cựu viên chức của công ty máy điện toán Richardson, đã bị kết án 7 năm tù vì âm mưu giúp rửa tiền cho 1 nhân vật Hamas, là Mousa Abu Marzook - ông Elashi bị truy tố
TT Bush không ngưng bài diễn văn về năng lượng trong khi 1 số cư dân St Louis hò hét để phản đối - có tiếng phụ nữ hô lớn "Hãy Rút Khỏi Iraq Ngay". TT Bush chỉ nhìn thoáng qua phía
TT Bush nhắc lại rằng Hoa Kỳ đang lâm chiến, và nói an ninh của Hoa Kỳ hiện nay là vững hơn 5 năm trước, nhưng còn nhiều việc phải làm - trong buổi nói chuyện với 1 nhóm sĩ quan và cac nhà ngoại giao tại thủ đô, TT Bush nêu ra cac chi tiết trong 1 báo cáo mới về cac tiến triển của nỗ lực truy diệt khủng bố - theo báo cáo này, đánh khủng bố
LOS ANGELES (ASIANJOURNAL.COM) - Theo một cuộc thăm dò ý kiến bằng nhiều ngôn ngữ với các nhóm dân thiểu số, kết quả cho thấy rằng quý vị cha mẹ thuộc các nhóm dân thiểu số ở California đặt vấn đề học vấn của con cái lên hàng đầu. Trong cộng đồng người Mỹ gốc Á, một tỷ lệ rất cao - 90%
Theo Văn Phòng Thống Kê Dân Số, ở California, có 42.3% trong tổng số dân California không nói tiếng Anh tại nhà. Hơn 28% nói tiếng Tây Ban Nha (Spanish). 1/5 dân California cho biết là họ nói tiếng Anh "kém thông thạo" ("less than very well").Dưới đây là một vài dữ kiện về vấn đề
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.