Hôm nay,  

Quận Cam: Ái Hữu Kim Hoàn Giỗ Tổ, Xin Làm Ăn Phát Đạt

29/03/200600:00:00(Xem: 5790)
Westminster (Nguyễn Ngân).--Hơn 300 đồng nghiệp và thân hữu của Hội Ái Hữu Kim Hoàn Nam Cali đã long trọng tổ chức ngày giỗ Tổ của nghề tại nhà hàng Paracel vào lúc 7:30 tối thứ hai 27 tháng 3 năm 2006 nhằm ngày 28 tháng 2 âm lịch theo truyền thống lâu đời của nghề vàng bạc.

Sau nghi thức chào cờ và tế Tổ trước bàn thờ được thiết trí thật trang nghiêm, lộng lẫy với rất nhiều mâm trái cây, xôi, heo quay..v.. v..

Theo tương truyền nghề Kim Hoàn do ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền sinh ra khoảng thế kỷ thứ VI lập nên. Sau đó đã hình thành ba trung tâm làng nghề lớn nhất nước là Định Công (Hà Nội), Châu Khê (Hải Dương) và Đồng Xâm (Thái Bình).

Thật ra trước đó rất lâu Việt Nam đã biết đến nghề làm vàng bạc. Nhưng từ khi ba anh em họ Trần quy tụ lại lập nên thương hiệu Kim Hoàn thì người ta gọi chung nghề vàng bạc là nghề Kim Hoàn và tôn xưng ba anh em họ Trần làm "Tổ Sư ".

Nhưng như đã nói trên nghề vàng bạc được hình thành bởi nhiều trung tâm dân cư. Theo sách: Hướng dẫn nghề kim hoàn, nữ trang vàng bạc và phân kim. Thì cuối thế kỷ 18 phần lớn thợ vàng bạc đều nằm trong tay người Trung Hoa và họ giấu nghề rất kỷ. Ông Cao Đình Độ người Thanh Hóa giả làm người Hoa xin học nghề, nhờ thông minh chẳng bao lâu ông đã thấu hiểu được bí quyết đúc khuôn mẫu và các chế tạo các dụng cụ làm khuôn mẫu. Sau đó ông truyền lại cho con trai là Cao Đình Hương.

Từ đó nghề vàng bạc được dạy lại cho tất cả con cháu họ Cao. Sau này hai ông được vua Quang Trung vời vào triều để lập thành ngành Ngân Tượng dạy ra cho người ngoài họ. Đến khi Vua Gia Long lên ngôi các ông vẫn không vì có liên hệ tới vua Quang Trung mà bị hại. Ngành Ngân Tượng được tiếp tục dùng dưới các triều vua Nguyễn.

Ông Cao Đình Độ mất ngày 28 tháng 2 Canh Ngọ (1810) và ông Cao Đình Hương mất ngày mồng 8 tháng 2 Tân Tỵ (1821). Đến ngày nay truyền thừa được 7 đời tại làng Cái Môn, Phong Điền,Thừa Thiên. Các dân thợ nghề vàng bạc tại Việt Nam ngày nay xem hai ông là Nhất Tổ và Nhị Tổ, đền thờ được thành lập vào thời vua Khải Định tại Huế.

Phần lớn tất cả thợ Kim Hoàn tại Việt Nam đều tôn xưng hai vị họ Cao là Tổ nghề Kim Hoàn nhưng trên phần bài vị của hai ông còn thờ Tam Tổ họ Trần, đồng thời chọn ngày 28 tháng 2 Âm lịch (ngày mất của ông Cao Đình Độ) làm ngày giỗ Tổ ngành Kim Hoàn Việt Nam. (Do các làng nghề và trung tâm sản xuất có quan niệm về vị Tổ nghề khác nhau, nên nghi thức và ngày giỗ cũng có khác. Như nhóm thợ vùng Tây Nam Bộ thì thờ Tổ họ Lý, Nhóm thợ học nghề tại miền Trung thì thờ Tổ họ Cao. Nhóm thợ Saigon-Chợ Lớn thì chỉ thờ tam Tổ họ Trần..v..v..)

Hiện nay để viết lại lịch sử ngành chế tác vàng bạc đá quý Việt nam rất là khó khăn. Các nhà viết sử về nghề vàng bạc chỉ lấy từ thời ba anh em Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền (thế kỷ 18) làm chấm mốc đầu tiên và Tổ nghề được thờ theo từng vùng xuất xứ của làng nghề như nói trên.

Trở lại ngày giỗ Tổ của Hội Ái Hữu Kim Hoàn Nam Cali do ông Kim Ánh đương kim Hội trưởng được sự đóng góp tích cực của nhiều chủ nhân các tiệm vàng nên sau khi trừ hết chi phí vẫn còn dư được hơn 500 USD sung vào quỹ tương trợ của hội. Hội Ái hữu Kim Hoàn nam Cali vẫn theo truyền thống thờ Tam Tổ phía trên và Tổ Nghiệp là hai vị họ Cao.

Chương trình như đã nói trên. Sau nghi thức tế Tổ, mọi người lần lượt lên bàn thờ thắp nhang khấn nguyện, cầu Tổ gia hộ làm ăn phát đạt. Phần thứ hai của chương trình giỗ Tổ là văn nghệ và dạ vũ do các ca sĩ thân hữu và anh chị em ngành Kim Hoàn Nam Cali đảm nhận.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.