Hôm nay,  

In Thơ, Tưởng Niệm Nhà Báo, Nhà Thơ Đặng Tường Vi

29/05/200600:00:00(Xem: 1919)

Nhà báo Đông Duy thổi kèn vĩnh biệt nhà báo Đặng Tường Vi.

Nhà báo Nguyễn khắc Nhân (phải) đang đứng nói sơ về cuộc đời Đặng tường Vi. Hàng ghế đầu từ trái là hai nhà văn nhà báo lão thành Doãn quốc Sỹ và Sơn Điền Nguyễn viết Khánh.

Westminster (VB) . - Thuộc thế hệ ký giả trẻ Miền Nam VN thời điểm 1975, người nữ ký giả vừa qua  đời ở tuổi 60 Đặng Tường Vi  đã được nhiều đàn anh trong nghề cùng  thân hữu ca ngợi là một nữ phóng viên xuất sắc có mặt trong nhiều lãnh vực, sống với bằng hữu hết lòng, một người bạn chân tình hiếm thấy, một phụ nữ tuyệt vời dù cuộc đời nhiều gian truân sóng gió, thương cả những tật xấu của chồng cùng giúp nhiều bạn của chồng lúc ngặt nghèo lỡ vận, và bảo bọc cả đàn em từ thuở thiếu thời.

Những lời nói đượm nét xúc động (đôi lúc pha lẫn nỗi nghẹn ngào) đã cất lên chậm rãi, như thể đang nói với nữ phóng viên họ Đặng nay chỉ còn hiện diện trong bức di ảnh và những chồng cuốn thơ DI CẢO THƠ ĐẶNG TƯỜNG VI YÊU THƯƠNG, trong buổi giỗ 100 ngày đầu, và để tưởng niệm Chị mở ra buổi chiều Thứ Bảy tại phòng hội báo Việt Báo. Chị mĩm cười hiền hậu với ánh mắt chia xẻ như đang lắng nghe người đối diện,trên bức ảnh in ở bìa sách được vây phủ bởi nhiều ngọn nến trắng tỏa ánh sáng chập chờn rải dài từ lối đi mờ ảo vào tới căn phòng hội với ánh đèn vàng nhạt,nơi đông đảo văn nhân ký giả các lớp tuổi đang tề tựu.

Âm điệu buồn man mác từ cây hắc tiêu của cựu phóng viên VTX Đông Duy trổi lên từ bản nhạc "Biệt Ly" của Doãn Mẫn đã mở đầu cho buổi giỗ tưởng niệm người nữ ký giả. Nhưng anh nói "bạn tôi vẫn hiện hữu đâu đây. Bạn tôi thích nhạc, thôi thì nghe Biệt Ly.Về đâu " không, không biết về nơi đâu!..."

Phu quân là nhà báo Nguyễn khắc Nhân thay mặt gia đình, lên tiếng cảm tạ thân hữu đến dự. Ông lược sơ vài hàng về nữ ký giả Đặng tường Vi . Trong tập thơ, có bài của nhà thơ Trần dạ Từ với tựa "Cô phóng viên họ Đặng Vũ lạc bước vào nghề báo" cho biết Đặng Tường Vi đến với làng báo từ năm 16 tuổi và liên tục ở lại với nghề, có lẽ Đặng tường Vi là người đã "chọn nghiệp" sớm nhất trong số các nữ phóng viên tại Saigon năm xưa.

"Chọn báo bổ làm nghiệp chưa ngán, Vi còn chọn một ông nhà báo bạn ông chú làm chồng, để rồi một mình lãnh biết bao sóng gió", vẫn theo lời kể trong bài. Điều này được Vũ thanh Thủy nhắc lại trong buổi giỗ nhớ Chị: "Nguyễn khắc Nhân là bạn thân của hai ông chú Vi (Nguyễn hữu Đông và Trần dạ Từ) nên Trần dạ Từ là đầu mối những gian nan đau khổ của đời Vi, của tình yêu "xin đừng gọi anh bằng chú"...

Nữ ký giả Vũ thanh Thủy từng kết với nhau thành "bộ tứ nữ phóng viên" (Bình Minh-Đặng Tường Vi- Nguyễn thị Duyên-VTT) trong số mươi nữ nhà báo dạo ấy. Từ đài Houston (Texas) bay qua dư, nói cứ ngỡ Chị còn sống ở San Diego: "Mỗi lần có chuyện vui buồn, tôi lại theo thói quen,cầm điện thoại lên định gọi Vi, rồi mới ngẩn ngơ nhớ bạn mình không còn nữa trên đời.", "Trong những ngày vất vả sau 1975, Tường Vi là "ma sơ" của nhóm vì luôn hy sinh nhất bọn. Lúc nào Vi cũng để mắt trông chừng cho hết mọi người. Khi có việc khó khăn, Vi luôn tình nguyện nhận cái khó nhất..."

Vũ thanh Thủy kể lại chuyện hai nữ phóng viên VTX Bình Minh và Đặng tường Vi đã cưu mang chồng cô là Dương Phục (phóng viên đài Quân Đội) trong hai 2 năm trời  sau khi trốn trại tù Long Giao, tìm nơi trú ẩn và nuôi ăn: "Ngày bé nghe chuyện Lưu Bình Dương Lễ, tôi tưởng đó là chuyện thần thoại được thêu dệt cho thời đại ngày xưa. Không ngờ Vi đã minh chứng điều đó giữa thời đại ngày nay".

Cựu phóng viên đài Tiếng Nói Tự Do (VOF) này nói những chuyện kể rất thực về Đặng Tường Vi được cô viết ra, "bởi bổn phận phải nói lên để củng cố niềm tin giữa người với người. Chị Vi đã đem tới cho tôi nhiềm tin, niềm hy vọng giữa những lúc khốn khó cùng cực tưởng như là tuyệt vọng. Chị là người bạn chân tình, dù cá tánh và quan điểm giữa chúng  tôi nhiều điểm không giống nhau. Sống với chị, không còn sợ khổ sở, buồn tuyệt vọng về mọi chuyện trên đời!"

Nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn viết Khánh từng là tổng thư ký VTX thời gian dài trước 75 kể trước mọi người vẫn còn nhớ hình ảnh hồi năm 1967: "Cô bé Đặng tường Vi nói như khóc khi gõ cửa văn phòng,khiếu nại thi vào VTX để làm phóng viên, mà sao bị giao việc ngồi đánh máy bài vở như người thư ký. Tôi coi lại hồ sơ, đọc bài viết thử, rồi quyết định chuyển qua ban phóng viên. Từ đó cho tới 1975, Việt Tấn Xã có nữ phóng viên xuất sắc, phụ trách tin văn hóa, giáo dục, nghệ thuật, về sau đặc trách thêm tin tức văn phòng đệ Nhất Phu nhân Dinh Độc Lập".

Nhà văn Đỗ quí Toàn, tài tử Kiều Chinh, cựu luật sư Lê trọng Uyên đã đọc một vài bài thơ của người ký giả vừa qua đời và kể những kỷ niệm với Chị. Tài tử Kiều Chinh thấy ra nhiều sóng gió trong đời Đặng Tường Vi sau khi đọc tập thơ. Trích  dẫn bài thơ Khi Yêu Người  "Tôi có một nụ cười, Giữa đôi giòng nước mắt, Tôi có một niềm vui, Dường như không có thật", tài tử Kiều Chinh nói với Chị  "sự hiện diện của anh chị em thân hữu hôm nay đây đã nói với Vi cuộc vui trong đời là có thật".

Nhà thơ Đỗ quí Toàn đọc hai bài thơ của Đặng Tường Vi, bày tỏ cảm tình về sự "phân thân" khi Chị vừa làm phóng viên viết về chuyện xã hội, chuyện người khác, vừa làm thơ nói chuyện riêng mình. Ông đọc trọn bài thơ Ngày Xưa và nhắc đến bài Bài Cho Người Yêu diễn tả tình thương với ông chồng, "một người bạn của tôi có nhiều thói hư tật xấu".

Người chồng, người yêu mô tả trong thơ,đó là nhà báo Nguyễn khắc Nhân, ngồi hàng ghế đầu, cạnh nhà thơ Trần dạ Từ.  Ông Từ  bùi ngùi nói nhớ mãi chuyện Vi xoay xở cho mượn tiền khi tờ báo gặp khó khăn, chuyện chạy đi mua cái máy sưởi đem về sưởi ấm văn phòng tòa soạn Việt Báo, và đánh giá Chị là một người luôn chu toàn trong công việc, chăm sóc bạn hữu. Ông cũng thuật lại những giây phút cuối đời của Đặng Tường Vi nhằm vào Lễ Tình Nhân tháng 2 vừa qua có ông cùng nhà thơ Đỗ quí Toàn bên cạnh, được nghe một thời kinh do Đỗ quí Toàn tụng. "Đến với báo chí, Đặng tường Vi lặng lẽ mà tận tụy với cả chục ngàn bài báo, bài dịch. Đến với thi ca, Đặng tường Vi nhẹ nhàng mà say mê. Trong di cảo thơ Vi, từ con đường học trò tới hành trình vượt biển, từ đêm xuân thành phố tới bờ cát hoang đảo, đâu đâu cũng thấy lấp lánh thứ ánh sáng hiền hòa của tình yêu, tình bạn."

Một người từng làm tờ Tin Việt ở Little Saigon từ đó quen Nguyễn khắc Nhân rồi quen Đặng tường Vi. Cựu luật sư Lê trọng Uyên nay là một chuyên viên địa ốc kể: "Tánh chị thùy mị, ăn nói nhỏ nhẹ, tôi là bạn của anh Nhân, thế rồi trở thành bạn của Chị. Có một người bạn của chúng tôi cần đi tiểu bang mưu sinh, dù đời sống thanh bạch, chị Vi vẫn xoay xở để có tiền cho bạn mượn một khoản tiền không nhỏ. Bất ngờ người bạn đó mất, đã không lấy được tiền, còn chạy đến chúng  tôi tìm cách lo đám vì biết bạn ấy không có người thân ở Mỹ. Thật hiếm thấy một người đối với bạn bè tốt như vậy. Trong gia đình, chị là người Chị lớn, lo đùm bọc các em nên người.."

Về thơ, ông Uyên nói đến tính mãnh liệt và gian truân trong đường đời, đường yêu của Đặng tường Vi với bài Hóa Thân, bài Học Trò và khen "yêu mà muốn hóa thành yêu tinh, thật chưa thấy ai làm thơ tình được như vậy cả!"

Thoạt tiên, những người tổ chức lễ giỗ tưởng niệm loan báo chỉ là buổi lễ đơn giản lối nửa giờ thôi. Nhưng các thân hữu bày tỏ cảm tình đông đảo, nên buổi lễ đậm đà tình cảm đồng nghiệp và tình thân này kéo dài thêm. Ngoài những người phát biểu, người ta thấy có các nhà văn : Doãn quốc Sỹ, Phạm quốc Bảo, Bùi bảo Trúc, Bs Phạm gia Cổn, ca sĩ Quỳnh Giao, các nhà báo Trọng Minh, Bảo Hoàng, .v.v.

(tin và ảnh: Nguyễn Hiền)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.