Hôm nay,  

Năm Tuất: Hamas Buông Ak Gỡ Mặt Nạ

27/01/200600:00:00(Xem: 5827)
- Khủng bố Hamas buông súng AK và gỡ mặt nạ để gia nhập chính trường"

Thượng đế vốn chẳng nói gì: Thủ tướng Israel là Ariel Sharon chưa ra khỏi cơn hôn mê và trong khi dân Do Thái chuẩn bị đi bầu vào tháng Ba thì dân Palestine đã bỏ phiếu hôm Thứ Tư 25.

Thượng đế vốn chẳng nói gì, nhưng khi nhân dân lên tiếng qua lá phiếu thì loài người cũng chẳng hiểu gì hơn: cuộc bỏ phiếu của dân Palestine đã gây ra một trận động đất. Hậu quả địa chấn sẽ lan rộng suốt năm Tuất, từ Israel đến Iran, Iraq, toàn cõi Trung Đông và dội về cả Âu châu lẫn Hoa Kỳ.

Tiếp tục loạt bài tổng kết trong suốt tuần này, bây giờ ta nói đến chuyện động đất Palestine.

Palestine có hai tổ chức chính trị quan trọng nhất là Fatah và Hamas.

Do Yasser Arafat thành lập từ mấy chục năm trước, Fatah nổi tiếng về khủng bố cho tới khi lãnh tụ Arafat ngả theo xu hướng ôn hòa hơn và muốn tìm một giải pháp với xứ Israel của dân Do Thái. Dù bước vào thương thuyết, Arafat không có thực tâm hòa giải và vẫn dung túng các nhóm khủng bố, trong đó có Hamas.

Trước khi tạ thế, Arafat phải nhượng quyền cho Mahmoud Abbas lãnh đạo và tiến hành thương thảo với Israel. Chính quyền Palestine hiện nay do phe Fatah lãnh đạo và việc tiến tới một giải pháp chính trị cho toàn khu vực - một nước Palestine hiện hữu và chung sống hòa bình với quốc gia Israel của dân Do Thái. Việc Thủ tướng Sharon lâm trọng bệnh đã gây một vấn đề cho toàn vùng, vì thiếu nhân vật này, giải pháp hòa dịu có khi không thành.

Tổ chức thứ hai là Hamas thì vừa gặp cơn động đất qua bầu cử hôm Thứ Tư.

Thành lập từ hai chục năm nay, Hamas là lực lượng khủng bố có chủ trương xóa bỏ quốc gia Israel và thẳng tay sát hại thường dân Do Thái qua các màn khủng bố tự sát. Trong kế hoạch hòa giải giữa Palestine và dân Do Thái, lãnh đạo Israel chủ trương không nói chuyện với Hamas. Thủ tướng Sharon còn đạt thành tích đáng nể là diệt trừ, kể cả ám sát, các lãnh tụ sắt máu nhất của Hamas. Phần mình, Hoa Kỳ cũng tuyên bố không nói chuyện với Hamas như đã từng quyết định không thương thuyết với Arafat. Liên hiệp Âu châu cũng không khác, khi đặt Hamas vào danh mục khủng bố quốc tế. Lãnh đạo Hamas bị đẩy vào đường cùng.

Thành thử, dưới quyền của Mahmoud Abbas, Fatah có nhiệm vụ vừa lãnh đạo chính quyền Palestine vừa hoàn tất việc thương thuyết với Israel và hòa bình bắt đầu ló dạng dù còn mong manh ở Trung Đông. Nhưng, Fatah cũng bị tai tiếng vì tham ô và biển thủ công quỹ, chủ yếu do Hoa Kỳ tài trợ.

Còn lại Hamas. Lực lượng võ trang khủng bố với các tay đặc công bịt mặt bị đẩy ra biên và đành quyết định đi hàng hai: vừa tham gia bầu cử tại Palestine, vừa thủ võ khí đeo mặt nạ để gây chiến. Họ hết nói chuyện tàn sát dân Do Thái hoặc xóa bỏ Israel để xứ Palestine trường tồn, nhưng không chấp nhận thương thuyết.

Hamas định công khai hóa sự hiện diện trên chính trường qua bầu cử, nhưng vẫn ghìm súng để gây sức ép với cả Fatah và Israel. Lãnh tụ Hamas là Mahmoud al-Zahar tuyên bố trước ngày bầu cử rằng "thương thuyết không phải là điều cấm kỵ" và đơn cử thí dụ của một lực lượng trung gian đứng giữa. Con tính của họ là trở thành một thế lực chính trị tham gia vào chính quyền Palestine bên cạnh Fatah để giữ thế mạnh khi cần thương thuyết. Trong khi ấy, cả Hoa Kỳ, Israel và Âu châu đều chủ trương không nói chuyện với chính quyền Palestine nếu có sự hiện hữu của Hamas.

Bằng lá phiếu, cử tri Palestine lại đưa ra một luật chơi khác: đại diện của Hamas không chiếm một số phiếu đủ lớn để là thế lực sáng giá trong liên minh với Fatah mà lại thắng lớn. Kết quả sơ khởi cho thấy Hamas chiếm hơn 70 ghế trong trong Quốc hội có 132 ghế của Palestine.

Thủ tướng Palestine là Ahmed Qurai thuộc phe Fatah lập tức đệ đơn từ chức của cả nội các. Nhiệm vụ lập ra một chính phủ mới để lãnh đạo dân Palestine rơi vào tay Hamas.

Chính phủ mới sẽ sinh hoạt ra sao khi "đảng cầm quyền" là Hamas vẫn có một lực lượng võ trang bịt mặt nằm ngoài quân đội" Hamas sẽ phải tự giải giới, tự bóc mặt nạ và công khai hóa cơ sở lẫn cán bộ và đặc công của mình"

Trong giả thuyết "thắng nhỏ", được chừng 30% số ghế, để hiện diện với tư cách thiểu số bên cạnh Fatah, Hamas còn có khả năng nhập nhằng ém quân để làm áp lực và đòi các bộ phụ trách về xã hội và an ninh như y tế, an sinh, quốc phòng, nội vụ, và tiến dần ra ánh sáng như một sức mạnh chính trị đáng tin và có khả năng. Cử tri không cho họ chiến thắng lý tưởng ấy mà lại cho họ "Đại thắng mùa Xuân". Hamas sẽ không ngồi đèo xe đằng sau Fatah mà sẽ lái xe một mình.

Lên cầm quyền, Hamas sẽ ra đòn khủng bố một cách "vô tội vạ" như trước hay sẽ phải hành xử như một chính quyền văn minh, có khả năng và thẩm quyền (lẫn trách nhiệm rất nặng)" Làm sao hành xử văn minh và khả tín nếu không tự gột bỏ bản chất khủng bố của mình"

Suốt ngày 26, dư luận thế giới đều nói đến sự lúng túng của Hoa Kỳ, Liên Âu và Israel trước sự kiện quái đản này. Thực ra, Hamas mới lúng túng nặng.

Tổng thống Bush chào mừng việc dân Palestine được tự do đi bầu và đã bỏ phiếu cho sự thay đổi để kết thúc nạn tham ô. Nhưng ông không nói thêm về việc có thương thuyết với thực thể chính trị mới của Palestine hay chăng. Việc thế giới có chịu nói chuyện với Hamas hay không cũng ảnh hưởng tới tiến trình thương thảo bên trong Hamas (giữa phe chủ trương tham chính với phe chủ chiến), bên trong Palestine (giữa Hamas và Fatah, dưới quyền lãnh đạo vẫn còn của Chủ tịch Mahmoud Abbas, người được sự tín nhiệm của cả Hoa Kỳ lẫn Israel.)

Và trong khu vực, Hamas còn phải nói chuyện với các nhóm khủng bố còn lại, như lực lượng xưng danh "Thánh chiến Palestine" (PIJ), tổ chức được Syria và Iran yểm trợ mới ra đòn khủng bố tại Tel Aviv vào tháng trước.

Theo đúng sách lược của nhóm khủng bố Hezbollah, Hamas đã phát triển cơ sở qua các hội thiện trong cộng đồng Palestine - đầy thiện chí và trong sạch hơn công chức của Fatah - trong khi vẫn duy trì lực lượng võ trang nằm ngoài chính quyền để gây sức ép. Mục tiêu là để bành trướng ảnh hưởng từ dưới cơ sở lên thượng tầng và nếu có tham chính thì với tư thế thiểu số sẵn sàng đối lập. Công thì mình nhận, tội thì đẩy qua cho chính quyền của lực lượng Fatah.

Bây giờ, cử tri lại đẩy Hamas ra vùng ánh sáng.

Chính quyền dưới sự lãnh đạo của Hamas sẽ chủ chiến hay chủ hòa, sẽ định chế hóa khủng bố hay từ bỏ khủng bố và chính quy hóa các đặc công du kích của mình" Có ai muốn thương thảo với một chính quyền bịt mặt hay không"

Thượng đế chẳng nói gì cả, khi dân lên tiếng thì mọi chiến lược hay mưu mô đều bị quăng xuống đất.

Sự chọn lựa của Hamas sẽ ảnh hưởng đến lập trường của các lân bang đối với sự hiện hữu của quốc gia Palestine như Egypt, Jordan, và cả Iran lẫn Syria, chưa nói đến Iraq; và sẽ chi phối nhận thức của dân Hồi giáo (có thể buông súng đi bầu và sẽ có chính quyền của mình - kể cả một chính quyền có ân sủng của Allah - và thất cử thì từ chức là chuyện bình thường).

Cho nên, "ý dân là ý trời" chưa chắc đã là một khẩu hiệu duy tâm! Một chuyện cần theo dõi trong suốt năm Tuất này!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.