Hôm nay,  

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng tổ chức Lễ giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh lần thứ 97

3/31/202300:00:00(View: 4535)

(1)-LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9668
Quang cảnh lễ chào cờ

Westminster (Thanh Huy) – Tại nhà hàng Diamond Seafood Palace 3, Westminster, vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy ngày 25 tháng 3 năm 2023, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh lần thứ 97.

Theo thông lệ hằng năm vào khoảng cuối Tháng Ba, các cựu học sinh trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng đều tổ chức lễ giỗ chí sĩ Phan Châu Trinh để nhớ ơn Người, và cũng để noi gương lòng yêu nước, với chí khí và tâm huyết trong tinh thần “Khai Dân Trí – Chấn Dân Khí – Hậu Dân Sinh” do cụ đề ra cách đây gần 100 năm.

Tham dự buổi lễ ngoài một số các cựu giáo sư, cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng còn có Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng do Giáo Sư Đoàn Ngọc Đa Hội Trưởng và một số các thành viên trong ban chấp hành, Ông Lê Xuân Hùng, Hội Trưởng Hội Đồng Hương Quảng Trị, một số các cơ quan truyền thông và thân hữu.

(2)-LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9673
Lễ niệm hương trước bàn thờ cụ Phan

Điều hợp chương trình lễ giỗ do cựu học sinh Trần Quang Sanh.

Mở đầu buổi lễ, cựu học sinh Huỳnh Tuấn lên điều khiển chương trình nghi thức chào cờ Việt, Mỹ và phút mặc niệm.

Tiếp theo cựu học sinh Võ Văn Thiệu lên điều hợp chương trình nghi thức lễ dâng hương tưởng niệm, trong lúc nầy ban tổ chức mời Thầy Trần Xuân Mai, cô Lê Hồng Khanh, ông Phan Thanh Thắng (đại diện gia đình cụ Phan), ông Phan Ứng Thời Hội Trưởng cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng và cô Hiền Viên lên trước bàn thờ có di ảnh chí sĩ Phan Châu Trinh với đầy đủ hương hoa trà quả để làm lễ tưởng niệm.

Sau nghi thức lễ tưởng niệm, ông Phan Ứng Thời, hội trưởng, trưởng ban tổ chức lễ giỗ lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn quý thầy, cô cùng quý vị quan khách đã đến tham dự ngày lễ giỗ lần thứ 97 chí sỉ Phan Châu Trinh, ông cho biết:  “Cụ Phan mất ngày 24 Tháng Ba năm 1926 tại Sài Gòn. Gần 100 năm đã qua, nhưng tư tưởng và chủ trương cứu nước của cụ vẫn có giá trị đến hôm nay, nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước Việt Nam. Là học sinh của trường mang danh cụ Phan, chúng ta nguyện sẽ theo đuổi tư tưởng của Người, theo khả năng riêng của mỗi chúng ta, hầu góp phần xây dựng nước Việt Nam tự do dân chủ, bền vững và công bình thật sự.”

(3)-LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9680
Hội trưởng chào mừng quý Thầy, Cô quan khách

Trong dịp này, ông hội trưởng cũng thông báo đến quý Thầy, Cô và các cựu học sinh khắp nơi biết: Đại hội cựu học sinh Phan Châu Trinh toàn thế giới lần thứ 5 sẽ được tổ chức tại miền Nam California trong hai ngày 8 và 9 Tháng Bảy, 2023. Trong kỳ đại hội nầy, hội sẽ tổ chức bầu lại ban chấp hành cho nhiệm kỳ mới. (Chi tiết đại hội sẽ có thông báo đến quý vị sau).

(5)LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9685
Bác sĩ Jacqueline Trinh Ôn đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn lên trao bằng tưởng lệ của Thượng Viện Tiểu Bang California đến Ông hội trưởng Phan Ứng Thời

Sau đó,  Ban Hợp Ca Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng lên hợp ca “Phan Châu Trinh Hành Khúc,” sáng tác Giáo Sư Hoàng Bích Sơn. Sau bản hợp ca, Bác sĩ Jacqueline Trinh Ôn đại diện Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn lên trao bằng tưởng lệ của Thượng Viện Tiểu Bang California đến Ông hội trưởng Phan Ứng Thời để ghi nhận những đóng góp giá trị của hội cựu học sinh Phan Châu Trinh trong sinh hoạt chung của cộng đồng đa sắc tộc.

(4)-LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9681
Giáo Sư Sử Gia Trần Gia Phụng nói về Chí Sĩ Phan Châu Trinh

Tiếp đến, sử gia giáo sư Trần Gia Phụng, trình bày về đề tài “Chí Sĩ Phan Châu Trinh và Công Cuộc Khai Dân Trí”. Giáo Sư Trần Gia Phụng cho biết: Sau khi đỗ phó bảng năm 1901, Phan Châu Trinh làm thừa biện bộ Lễ tại Huế năm 1903. Lúc đó, Pháp Tự Quốc Học Đường tức trường Quốc Học đã thành lập năm 1896.

Trong thời gian ở Huế, Phan Châu Trinh đọc được ba tác phẩm về học thuyết chính trị quan trọng là: 1) Du contrat social của Jean Jacques Rousseau. 2) De l’esprit des lois của Montesquieu.  3) Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch (1843-1898), người tỉnh Thừa Thiên.

Hai tác phẩm đầu bằng chữ Pháp đã được dịch qua chữ Hán. Tác phẩm thứ ba do Nguyễn Lộ Trạch viết năm 1892, cũng bằng chữ Hán, bàn về tình hình Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, và đề nghị triều đình Huế chấn hưng giáo dục, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, và truyền bá khoa học kỹ thuật Âu Tây…

Do ảnh hưởng của các tác phẩm nầy, Phan Châu Trinh từ quan năm 1904, để tự do hoạt động theo lý tưởng của mình. Về lại Quảng Nam, ông cùng các bạn là Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Lê Cơ, vận động mở trường miễn phí tại các huyện trong tỉnh, theo kiểu mới như trường Quốc Học Huế, dạy quốc ngữ, sử ký, toán, cách trí (vạn vật). Vào đầu và cuối mỗi buổi hoc, học viên các lớp nầy cùng đọc thuộc lòng một bài thơ yêu nước. Mỗi lớp khoảng vài chục người, không kể tuổi tác, giới tính. Số lớp lên đến khoảng 40 lớp trên toàn tỉnh. Các ông còn vận động thành lập các hội cắt tóc ngắn, mặc đồ tây, để răng trắng... (Theo lời kể cho người viết tại Đà Nẵng vào thập niên 60 của cụ Phan Thị Liên (con của Phan Châu Trinh) và cụ Ông Ích Bật (con của Ông Ích Đường.)
 
Vào cuối năm 1904, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng du lịch về phương nam, đến Bình Định, thì tại đây chính quyền địa phương đang tổ chức kỳ thi khảo hạch học sinh bằng chữ Hán. Đề thi gồm một bài thơ là “Chí thành thông thánh thi”, và một bài phú là “Danh sơn lương ngọc phú”. 
 
Các ông lấy tên chung là “Đào Mộng Giác” (người họ Đào tỉnh mộng) để tham dự kỳ thi nầy. Phan Châu Trinh làm bài thơ. Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú. Cả hai bài đều đả kích lối học từ chương khoa cử, kêu gọi sĩ phu hãy tỉnh mộng; và cả hai bài được một người cùng tham dự kỳ thi nầy là Nguyễn Quý Anh (con của Nguyễn Thông) phổ biến rộng rãi trong dân chúng. Chính quyền tỉnh Bình Định ra lệnh truy tìm Đào Mộng Giác, nhưng ba ông đã lên đường về phương nam. 
 
Đến Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), các ông gặp các nhân sĩ địa phương là Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, cùng nhau bàn chuyện thành lập công ty Liên Thành, và mở trường Dục Thanh. Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh theo hình thức của các tổ chức ở Quảng Nam, nhưng quy mô rộng lớn hơn và hoạt động lâu dài hơn.   
 
Ra Hà Nội năm 1906, Phan Châu Trinh, giúp các ông Lương Văn Can, Nguyễn Quyền lập Đông Kinh Nghĩa Thục vào tháng 3-1907. Hoạt động được 8 tháng, trường bị Pháp đóng cửa vào tháng 11-1907.
 
Việc vận động thành lập các lớp ở Quảng Nam, trường Dục Thanh ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội cho thấy đi đâu Phan Châu Trinh cũng kêu gọi mở trường nhắm mục đích khai dân trí hay nói cách khác là mở mang và nâng cao trình độ hiểu biết của dân chúng về văn hóa, chính trị, kinh tế… Trong bài diễn thuyết tại Hà Nội năm 1907, đề tài là “Hiện trạng vấn đề”, Phan Châu Trinh kêu gọi người Việt: “Tôi chỉ có một lời để nói với đồng bào: Không gì bằng học.” (Báo Tiếng Dân, Huế: số 613 năm 1933.)
 
Người Pháp cho rằng thơ văn Phan Châu Trinh tuy không bạo động như Phan Bội Châu, nhưng nguy hiểm hơn cho sự thống trị của Pháp. (Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập 2, Houston, Nxb. Văn Hóa 2000, tr. 618.) Vì vậy, khi xảy ra cuộc biểu tình xin xâu chống thuế ở huyện Đại Lộc ngày 11-3-1908, rồi lan truyền khắp Quảng Nam và các tỉnh Trung kỳ từ tháng 3 đến tháng 5-1908 (ba tháng), thường được gọi la Trung kỳ dân biến, thì viên khâm sứ Pháp ở Trung kỳ là Fernand Léveque cho rằng hoạt động của Phan Châu Trinh là nguồn gốc gây ra các cuộc biểu tình nầy. Lúc đó Phan Châu Trinh đang ở Hà Nội. Ông bị Pháp bắt ngày 31-3-1908, rồi bị áp giải về Huế, giao cho triều đình Huế. 
 
Phủ Phụ chính triều đình Huế tuyên án tử hình Phan Châu Trinh ngày 13-4-1908, nhưng hôm sau (14-4-1908), Lévecque đổi thành án khổ sai chung thân đày Côn Lôn, trong khi các cuộc biểu tình ở miền Trung vẫn còn tiếp diễn, đủ thấy người Pháp rất quan ngại về những hoạt động của Phan Châu Trinh.
Do sự vận động của Hội Nhân Quyền Pháp, chính phủ Pháp ra lệnh cho toàn quyền Đông Dương đưa ông về đất liền năm 1910, và chỉ định cư trú ở Mỹ Tho. Vào năm sau (1911), theo yêu cầu của Phan Châu Trinh, Pháp để ông qua Pháp. Từ đây bắt đầu khúc quanh mới trong cuộc đời của Phan Châu Trinh.
 
Cuộc vận động cải cách và khai dân trí của Phan Châu Trinh về sau được gọi là phong trào duy tân.  Những vận động nầy tuy bất bạo động, âm thầm, không ở dạng bùng nổ, nhưng đã góp phần làm chuyển biến tư tưởng dân chúng (thay đổi quan điểm) từ hệ tư tưởng quân chủ qua hệ tư tưởng dân chủ. Chính sự chuyển biến nầy đã góp phần làm cho người Việt hưởng ứng rộng rãi các đảng phái chính trị mới được thành lập vào thập niên 20, và cao điểm là Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927.
 
Cách đây hơn 100 năm, trong một xã hội lạc hậu, tôn sùng Hán học, và bị Pháp đô hộ, mà một người có học vị và địa vị như Phan Châu Trinh đã rời bỏ quan trường để dấn thân hoạt động khai dân trí thì thật là can đảm và sáng suốt.  Can đảm vì ít ai từ bỏ địa vị, chức tước, vinh hoa phú quý để bước vào con đường tranh đấu chông gai. Sáng suốt, vì Phan Châu Trinh thấy rõ “khai dân trí” là con đường sống còn của dân tộc trong hoàn cảnh bị Pháp bảo hộ, và khai dân trí còn là con đường đưa đất nước chúng ta càng ngày càng phát triển trong tương lai một khi đã được độc lập. Ngay cả Hoa Kỳ ngày nay là nước tiến bộ nhứt thế giới, cũng không ngừng đầu tư khai dân trí, mới có thể tiếp tục thịnh vượng.

(6)-LỄ-GIỖ-CỤ-PHAN-IMG_9691
Hợp ca Phan Châu trinh Hành Khúc
 
Sau phần trình bày của Giáo Sư Sử Gia Trần Gia Phụng, buổi tiệc bắt đầu, mọi người cùng thưởng thức chương trình văn nghệ thật xuất sắc do các anh chị em cựu học sinh Phan Châu Trinh và thân hữu trình diễn dưới sự điều hợp của 2 MC Phùng Thị Nghĩa, Võ Văn Thiệu, Viết Đang.

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Social Movement Festival (SMF) lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Tiềm năng Phong trào Xã hội: Bài học từ các biến động xã hội” sẽ được diễn ra vào ngày 5 tháng 11, 2022 trên nền tảng Zoom.
Lời bài hát Tình Ca Tình Người là lời tự bạch chính xác nhất về nhạc sĩ Trúc Hồ. Đối với Trúc Hồ, Tình Yêu không thể tách rời Tình người. Và Tình Người mới là thứ tình yêu vĩnh cửu, đem lại một thế giới bình an mà mọi người đều mơ ước…
Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal (CA-47) trong tuần này đã đệ trình dự luật nhằm chấm dứt trục xuất một số người gốc tỵ nạn Đông Nam Á đã đến Hoa Kỳ sau các sự kiện như cuộc chiến Việt Nam, chiến dịch diệt chủng của Khmer Đỏ, và cuộc chiến bí mật tại Lào.
Ngày 20/9/2022, ngày giỗ của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác (1929-2006), một bậc Cao Tăng đã hiến trọn đời cho lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc. Trong nhiều cương vị và trọng nhiệm, cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã tận tụy đem hết sức mình góp phần xây dựng cho cuộc đời thêm đẹp, Phật Pháp thêm hưng thịnh. Lễ Huy Nhật lần thứ 16 của Hòa Thượng Thích Mãn Giác được tổ chức tại chùa Phổ Đà, thành phố Santa Ana.
Văn Phòng Vận Động Tranh Cử Jay Chen- ứng cử viên Dân Biểu Liên Bang Địa Hạt 45- xin mời quí vị cư dân gốc Việt vùng Little Saigon ghi danh tham dự miễn phí ngày thực tập phỏng vấn thi quốc tịch 29 Tháng 09 2022.
Vào sáng ngày Thứ Bảy 17/09/2022, tại khu Đền Thờ Đức Thánh Trần trên khu phố Bolsa- Trần Hưng Đạo thành phố Westminster đã diễn ra lễ Húy Nhật Đức Thánh Trần Hưng Đạo lần thứ 722.
Biểu ngữ chính trên sân khấu trong buổi tiệc tranh cử có những dòng chữ: nói ít, làm nhiều, lấy lại niềm tin. Đó có thể xem là lời hứa của ứng cử viên Diedre Thu Hà Nguyễn đối với cư dân Địa Hạt 70 khi mùa bầu cử đã gần kề.
Một trong những nguyên nhân giúp bà Michelle Steel nhận được điểm A trong bảng xếp hạng cùa NRA là vì bà đã bỏ phiếu chống lại Dự Luật Lưỡng Đảng An Toàn Súng HR 1808
(Robert Mullins International) Vào ngày 24 tháng 8, một nhóm vận động trong lĩnh vực EB-5 đã đạt được thỏa thuận với Sở Di Trú Hoa kỳ. Thỏa thuận khẳng định cho các Trung tâm vùng đã được chuẩn thuận trước đây sẽ duy trì trạng thái uỷ quyền của họ và không cần xin lại quy chế Trung tâm vùng. Tất cả các Trung tâm vùng, bao gồm những trung tâm đã được chuẩn thuận trước tháng 3 năm 2022, vẫn phải nộp Mẫu đơn I-956 mới và phí nộp đơn $ 17,795 trước ngày 29 tháng 12 năm 2022. Các trung tâm vùng không cần phải đợi đơn I-956 chấp thuận. Họ có thể hoạt động ngay sau khi họ nộp đơn I-956.
Năm học mới sắp tới gần. Ngoài việc mua bút chì, tập vở và sắp xếp trang phục đi học, việc đưa trẻ đi tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cũng là một bước cần thiết để trở lại lớp học. Tất cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên đều đủ điều kiện tiêm vắc-xin ngừa COVID và trẻ em từ 5 tuổi trở lên đã tiêm vắc-xin đều đủ điều kiện tiêm liều vắc-xin tăng cường để tiếp tục được bảo vệ.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.