Hôm nay,  

“Anh Chị Gốc Ở Đâu?” Thử Bàn Về “Microaggressions”

09/12/202200:00:00(Xem: 5151)

 

anh chi goc
Hình minh họa

  

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. – Tục ngữ Việt Nam.
 
Nước Mỹ đang ở trong một vòng xoáy chính trị về căn tính (identity politics) và một phong trào các phe nhóm “đấu tố” nhau là kỳ thị (chủng tộc, giới tính…) Nếu muốn hại người nào đó, dễ dàng nhất là gán cho họ cái tội kỳ thị chủng tộc.
 
Ngày tôi mới đi làm nội trú ở nhà thương Mỹ cách đây bốn mươi năm, một anh giáo sư trẻ có lẽ gốc Do Thái hỏi tôi từ đâu tới, và sau khi tôi trả lời là người Việt tỵ nạn, anh ta nhận xét tỉnh bơ với tôi rằng (tôi không nhớ rõ nguyên văn, chỉ ý đại khái): Nếu mình thọc tay vào cái hũ mật thì lúc rút tay ra ruồi hay kiến (?) sẽ bám vào theo tay mình. Có lẽ ý anh ta nói Mỹ rót nhúng tay vào Việt Nam và do đó lúc Mỹ rút ra thì đám tỵ nạn như tôi sẽ bám theo về Mỹ. Có thể tôi nhớ không  chính xác vì lúc đó nghe tiếng Anh vẫn còn rất yếu, nhưng điều quan trọng là sau 40 năm tôi vẫn nhớ câu nói này, mặc dù lúc đó tôi chẳng phản ứng gì cả, và xem đó cũng như chuyện thường, cũng như những chuyện nho nhỏ khác mình gặp mỗi ngày làm bực mình nhưng mình nghĩ là do mình chưa quen với xã hội mới. Sau khi bị gán đủ thứ tên, thứ tội ở Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 thì chuyện thêm một anh chàng Mỹ trẻ ví von mình với ruồi hay kiến cũng không gây cảm giác gì đặt biệt. Và thời đó xã hội Mỹ chưa “phân cực” nhiều như bây giờ, và lời ăn tiếng nói chưa bị gò bó như hiện nay.
 
Nhưng 40 năm sau thì khác. Không chỉ ở Mỹ mà ở phương tây nói chung cũng vậy, hiện nay một trong những điều cấm kỵ lớn là hỏi người thiểu số: “Where do you come from?” Như câu chuyện sau đây tôi đọc hôm nay trên trang web đài BBC: (1)
 
“Bà Ngozi Fulani là người sáng lập tổ chức từ thiện Sistah Space có trụ sở tại London, tổ chức hỗ trợ phụ nữ gốc Phi và Carribean trên khắp Vương quốc Anh từng phải đối mặt với lạm dụng tình dục và gia đình. Cùng với 300 khách mời, bà đã được mời tham dự tiệc chiêu đãi cấp cao tại Cung điện Hoàng gia vào thứ Ba, nơi Hoàng hậu Camilla sẽ cảnh báo về "đại dịch bạo lực toàn cầu đối với phụ nữ". Nhưng sau sự kiện, bà Fulani đã mô tả trên Twitter cách người phụ tá Hoàng gia (sau này được biết là Lady Hussey, 83 tuổi, mẹ đỡ đầu của Hoàng Thái tử William, người phụ tá thân cận nhất triều của cố Nữ  Hoàng Elizabeth) vén tóc bà sang một bên để xem huy hiệu tên của bà, và sau đó “thách thức” bà giải thích bà đến từ đâu.
 
Bà kể lại cách bà trả lời: "Chúng tôi có trụ sở tại Hackney (một quận của London, một nửa dân số là da đen và gốc Á)," và người phụ tá lại hỏi: "Không, chị đến từ vùng nào của Châu Phi?" Bà nói: "Tôi không biết, không còn bất kỳ hồ sơ nào", và phụ tá cung điện trả lời: "Chà, chị phải biết chị đến từ đâu chứ, tôi đã có thời gian ở Pháp. Chị đến từ đâu?" "Ở đây, Vương quốc Anh". "Không, nhưng chị là người quốc tịch nào?" "Tôi sinh ra ở đây và là người UK (Anh)." "Không, nhưng chị thật sự từ đâu tới, dân của chị từ đâu tới?"
 
Bà Fulani viết trên Twitter: "Thật là một cú sốc đối với tôi và hai người phụ nữ khác khiến chúng tôi choáng váng đến lặng người một lúc."
 
Sau đó thì Lady Hussey, người tra hỏi bà da đen này,  phải từ chức và xin lỗi (2), mặc dù bà từng phục vụ trong triều của Nữ hoàng trên dưới sáu mươi năm. Có lẽ Hoàng gia Anh không muốn  tai tiếng thêm nữa, sau lần bị Hoàng tử Harry và vợ kết tội là kỳ thị với người da màu hồi năm ngoái.
 
Người Việt, nhất là người lớn tuổi như Lady Hussey trong câu chuyện trên, thích đặt câu hỏi về xuất xứ, gốc gác của người khác. Như Nguyễn Trãi hỏi thăm lúc mới gặp nàng Thị Lộ:
 
Ả ở đâu ta bán chiếu gon,
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân thu phỏng độ chừng bao tuổi,
Đã có chồng chưa, được mấy con?
 
Gặp đồng hương, tay bắt mặt mừng, “tha hương ngộ cố nhân”, chúng ta hỏi anh chị người gì, người Huế, người bắc, người nam, di cư “mấy nút” (1954 hay 1975), vân vân… Gặp láng giềng mới dọn tới, tôi vẫn thích hỏi họ từ đâu tới, Iran, Iraq, hay Syria, Lebanon. Nếu là người Iran, sẽ  nói chuyện ngày xưa về bà hoàng hậu Farah Pahlavi mà vua Iran cưới sau khi bỏ bà trước vì bà này không có con, người Lebanon thì nói chuyện về đại học Mỹ ở Beyrouth, để tỏ ra mình thân thiện vậy thôi…
 
Nhưng hiện nay, có lẽ phải tính kỹ trước khi  hỏi về gốc gác người khác. Dù là mình không phải người da trắng, nhưng người đến ở trước trong khu phố cũng có thể bị nghi là “kỳ thị” người đến sau; người Á Châu kỳ thị người Châu Phi; người thu nhập cao kỳ thị người thu nhập thấp; nam kỳ thị nữ hay ngược lại; người không đồng tính kỳ thị người LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender) tiếng Anh gọi là Sexual Orientation and Gender Identity (SOGI) Discrimination; người trẻ kỳ thị người già; người khỏe mạnh kỳ thị người khuyết tật, v.v...
 
Các nhà nghiên cứu cho rằng “context” hay bối cảnh rất quan trọng lúc thăm hỏi bằng những câu như vậy. Mặc dù có thể mình chỉ tò mò, muốn học hỏi hay muốn kiếm đề tài để bắt chuyện cho vui. Riêng về câu hỏi: “Where do you come from?” những lý do sau đây có thể khiến người được hỏi không vui: (3)
 
1) Người nghe coi câu hỏi xem nó có tính cách loại trừ (exclusionary) nếu người hỏi là da trắng hay thuộc nhóm được coi là về phe hay ngang hàng với người da trắng; xã hội Mỹ được coi là một xã hội trong đó người da trắng giữ ưu thế;  hỏi như vậy là cho người ta thấy mình nhìn người ta thuộc vào các nhóm “rõ ràng là có bề ngoài khác biệt”.
 
2) Thứ hai, người ta có thể giả định đằng sau câu hỏi – cho rằng một người nào đó không phải là gốc gác ở đây người  hỏi đang “xây dựng”, đang hình dung ra một con người khác, có căn tính cố định và chỉ gắn liền với một nơi xa xôi, do đó xóa đi căn tính có gạch nối (hyphenated identity) là điều  xác định thực tế người đó đang sống hằng ngày. Ví dụ một người gốc Trung Quốc có thể cho rằng người hỏi gốc gác của mình chỉ thấy con người Trung Quốc với  nhiều thành kiến hay stereotypes thường đi kèm (như giỏi toán, chăm chỉ học gạo, đánh bóng bàn giỏi, nói tiếng Anh không đúng giọng, v.v…) trong lúc căn tính thật  của anh ta là người Mỹ gốc Trung (Chinese-American, có gạch nối), nói tiếng Anh như người bản địa, là người Mỹ theo đúng và đầy đủ nghĩa của nó.
 
3) Thứ ba, nó gợi lên “cảm giác nghi ngờ về vị trí của mình”: người bị hỏi có thể có cảm tưởng người ta đòi hỏi họ phải biện minh cho việc họ nhận nơi đây là xứ sở, gốc gác của họ, như trường hợp trong bản tin BBC nêu trên.
 
Một ví dụ khác do đương sự, một phụ nữ gốc Hàn Quốc ở Thụy Điển kể lại (2): “Người ta hỏi tôi: Cô từ đâu đến? –Thụy Điển. – Không, tôi muốn hỏi thật sự cô đến từ xứ nào? –Thụy Điển. – Nhưng, nguồn gốc thật của cô kìa? Người ta cứ tiếp tục hỏi cho đến khi tôi giải thích rằng tôi sanh ra ở Hàn Quốc, và được nhận làm con nuôi ở Thụy Điển lúc mới 2 tuổi. Rồi người đó nói: – Aha! Tôi biết trước mà! Làm như là tôi đang giả ngộ để người ta tưởng tôi là dân Thụy Điển trong lúc rõ ràng ai cũng thấy ngay là tôi không phải tóc vàng mắt xanh! Dù là tôi sống ở Thụy Điển đã 34 năm người ta cũng không thấy điều đó quan trọng, họ vẫn làm như tôi muốn gạt họ cho họ tưởng tôi là người Thụy Điển thật.”
 
Tóm lại, ở Mỹ, nếu bạn muốn hỏi một ai “Where do you come from? Where are you from?” dù bạn không phải người da trắng, bạn phải cẩn thận, người ta có thể hiểu rằng bạn đang làm cái việc gọi là “microaggression” hay “sự tấn công tinh vi”.
 
Theo Wikipedia tiếng Anh: “Tấn công tinh vi”  là một thuật ngữ được sử dụng cho những sự xâm phạm  thông thường hằng ngày bằng lời nói, hành vi hoặc môi trường mình tạo ra, dù cố ý hay vô ý, thể hiện thái độ thù địch, xúc phạm hoặc tiêu cực đối với các nhóm bị kỳ thị hoặc bị gạt ra ngoài lề về văn hóa.Thuật ngữ này được đặt ra bởi bác sĩ tâm thần Chester M. Pierce của Đại học Harvard vào năm 1970 để mô tả những lời lăng mạ và hành vi coi thường (insults and dismissals) mà ông thường xuyên chứng kiến những người Mỹ không phải da đen gây ra cho người Mỹ gốc Phi. Vào đầu thế kỷ 21, việc sử dụng thuật ngữ này được áp dụng cho “sự vô tình làm mất phẩm giá (casual degradation)” của bất kỳ nhóm nào bị đẩy ra ngoài lề xã hội, bao gồm người LGBT, người sống trong cảnh nghèo  và người khuyết tật. Nhà tâm lý học Derald Wing Sue định nghĩa “tấn công tinh vi” là “những cuộc trao đổi ngắn gọn, thường nhật nhằm gửi những thông điệp có tính cách hạ nhục  đến một số cá nhân vì họ là thành viên của một nhóm nào đó . Những người đưa ra nhận xét có thể có ý tốt và không nhận thức được tác động tiềm tàng của lời nói của họ.”
 
Độc giả có thể đọc về một số ví dụ khá bất ngờ và ngộ nghĩnh về “tấn công tinh vi” theo một danh sách trên trang web của Đại học Minnesota, “Examples of Racial Microaggressions”, có lẽ dành cho sinh viên và ban giảng huấn để giảm thiểu các thái độ kỳ thị chủng tộc vô tình hay cố ý có thể xảy ra.
 
Vài ví dụ khá ngộ nghĩnh: nếu bạn thuộc nhóm đa số (Mỹ trắng) không nên khen người thiểu số nói tiếng Anh giỏi (người ta cũng là Mỹ, nói tiếng Anh giỏi là đương nhiên, tại sao khen?) không nên nhờ người Châu Á  dạy bạn vài tiếng nước họ (như vậy là nêu ra vấn đề họ là người nước ngoài), nhờ người châu Á kèm toán và khoa học (vì như vậy là tin vào stereotype cho rằng người Châu Á giỏi toán, khoa học nhưng kém về thể thao, giao tiếp xã hội), không nên hỏi người gốc Á hay Châu Mỹ La-tinh: “Tại sao lặng thinh vậy, sao không phát biểu cho chúng tôi biết bạn nghĩ gì, phải nói ra chứ!” (như vậy là không tôn trọng nét văn hóa khiêm tốn trầm lặng của họ).
 
Ngoài ra, ví dụ về ‘Environmental microaggression” hay “tấn công tinh vi về môi trường sống”: trường học quá đông đúc ở khu da màu; quá nhiều tiệm bán rượu ở khu da màu.
 
Có những ví dụ ngộ nghĩnh (và hơi buồn cười nếu chúng ta nhớ đến chuyện ở Việt Nam hiện nay nhà giàu đang tiêu xài biết bao nhiêu tiền cho con học trường quốc tế, xem phim Mỹ, sống trong môi trường người Tây phương): “Một đại học ở đó các tòa nhà toàn được đặt tên theo những nhân vật da trắng, giai cấp thượng lưu, không đồng tính (heterosexual); một phim ảnh mà diễn viên toàn là người da trắng, ít người da màu”. (4)
 
Cuối cùng, nếu người ta hỏi bạn “Where do you come from?” thì sao?
 
Việc này còn tùy hoàn cảnh, tùy theo người hỏi và cách hỏi, tùy theo triết lý của bạn, mức độ tự tin của bạn và tùy theo bạn đã trở nên “mẫn cảm” như một số người Mỹ thiểu số hiện nay hay chưa.
 
Riêng thế hệ con cháu chúng ta sinh ra và lớn lên tại Mỹ, câu trả lời cũng sẽ còn khác hơn nữa, do đó chúng ta nên tìm hiểu thêm về vấn đề “microaggression” đang được tranh cãi này để hiểu hơn về cái nhìn và thái độ của thế hệ sau.
 
– BS Hồ Văn Hiền
(2 tháng 12 năm 2022)
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Buổi ra mắt sách của nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc hôm Chủ Nhật 21/4/2024 tại Nhà sách Tự Lực cũng là một cơ duyên để nhiều bạn văn gặp nhau, trong một thời đại thống trị của văn học Internet, khi không còn bao nhiêu sách giấy được xuất bản, và cũng không còn bao nhiêu buổi ra mắt sách giấy ngay giữa Quận Cam, California.
Trong thế giới khởi nghiệp của ngành ẩm thực, nơi hương vị gặp gỡ và các khuynh hướng mới bắt đầu, ít có những câu chuyện hấp dẫn như The Boiling Crab (https://theboilingcrab.com/). Được thành lập vào năm 2004 bởi Dada và chồng, nhà hàng chuyên về hải sản này đã trở thành một cái tên phổ biến, được biết đến với những hương vị sống động và cái thú gặp nhau để ăn uống. Trong một dịp phỏng vấn gần đây với Kenneth Nguyễn (podcast The Vietnamese), Dada chia sẻ tường tận về những ngày đầu của The Boiling Crab, và hành trình dẫn đến sự thành công mang tính biểu tượng của nó.
Vào trưa ngày Thứ Ba 23 tháng 4, tại Bolsa Community Center (9600 Bolsa Avenue, Suite D & I, Westminster), công ty Clever Care Health Plan Inc. (Clever Care) đã có cuộc họp báo với giới truyền thông gốc Việt. Tại cuộc họp báo này, ông Hiệp Phạm – đồng sáng lập viên kiêm Market CFO - đã giới thiệu về việc mở rộng hàng ngũ các nhà lãnh đạo điều hành, cũng như sự tăng trưởng ngoạn mục của chương trình bảo hiểm sức khỏe này.
Ngày 30 tháng 4 năm 2024 sắp tới đánh dấu 49 năm Sài Gòn thất thủ. Nhiều nơi đã đặt chương trình tưởng niệm 50 năm vào năm tới. Đây là khoảng thời gian buồn vui lẫn lộn khi chúng ta khóc thương cho quê hương đã mất và đồng thời ăn mừng công trình gầy dựng lại một cuộc sống đầy ý nghĩa ở một đất nước mới. Đó là số phận của những người tị nạn, luôn nuối tiếc nhìn lại quá khứ lẫn hướng đến tương lai trong tràn đầy hy vọng.
Tại phòng hội Thư Viện Việt Nam, Thành Phố Garden Grove vào lúc 10 giờ sáng thứ Năm, ngày 18 tháng 4, 2024, Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh, Quả Phụ VNCH đã tổ chức cuộc họp báo công bố kết quả thu, chi trong Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh Việt nam Cộng Hòa kỳ thứ 17 đã được tổ chức vào tháng 9 năm 2023 vừa qua tại San Jose
Hội Cao Niên Á Mỹ do Hoa Hậu Lam Châu (CEO) Hội Trưởng đã long trọng tổ chức Đại Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương (Năm Thứ 4903) DL.2024 đã diễn ra vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật ngày 21 tháng 4 năm 2024 (Nhằm ngày 13 tháng 3 Âm Lịch Năm Giáp Thìn) tại Saigon Grand Center , 16149 Brookhurst ST,Fountain Valley với sự tham dự của một số quý vị dân cử, đại diện dân cử Thành Phố, Quận Hạt, Tiểu Bang, Liên Bang, quý vị đại diện cộng đồng, hội đoàn, đoàn thể, quý vị mạnh thường quân, các cơ sở thương mại bảo trợ, cùng số đông các cơ quan truyền thông một số các ban văn nghệ và đồng hương tham dự.
California có thể tự hào với nền y tế hướng tới toàn dân của mình, với khoảng 15 triệu cư dân (tương đương 1/3 dân số) đang được hưởng Medi-Cal
Tại Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana, CA 92704, sáng Thứ Bảy ngày 13 tháng Tư năm 2024, Giám Sát Viên Quận Cam Vicente Sarmiento Địa hạt 2 và Phó Thị Trưởng Santa Ana cô Thái Việt Phan đã tổ chức Hội Chợ Y Tế và Thông Tin Quyền Lợi của Cộng đồng. Hội chợ diễn ra từ 9 giờ sáng đến 1 giờ chiều, quy tụ hàng trăm cư dân, đa số là người Mễ Tây Cơ, một số ít người Việt Nam và các sắc dân khác. Đúng 9 giờ 15, Giám Sát Viên Vicente Sarmiento, Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan và Dân Biểu Lou Correa cùng một số viên chức thành phố Santa Ana ra chào mừng mọi người. Giám Sát Viên Vicente Sarmiento nói, hôm nay tôi và Phó Thị Trưởng Thái Việt Phan tổ chức Hội Chợ Y Tế và giới thiệu với Cộng đồng các dịch vụ giúp phục vụ mọi cư dân trong thành phố hữu hiệu hơn. Chúng tôi cũng chào mừng Dân biểu Lou Correa đã đến với chúng ta, chứng tỏ ông rất quan tâm đến đời sống cư dân chúng ta.
Tại Clara Studio 15138 Goldenwest Circle Thành Phố Westminster vào lúc 1 giờ chiều Chủ Nhật, 14 tháng Tư năm 2024 Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng làm Hội trưởng đã tổ chức thành công Chương Trình Văn Nghệ Tưởng Niệm Quốc Hận 30 tháng 4 với chủ đề "QUÊ HƯƠNG và TÌNH MẸ." Điều hợp chương trình do Nhạc Sĩ Cao Minh Hưng và MC Hồng Vân. Mở đầu với nghi thức chào cờ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ thực hiện.
Hiệp Hội Pháp Huy Công lý Người Mỹ gốc Á Nam California (AJSOCAL) đã công bố gói lập pháp năm 2024, bao gồm 04 ưu tiên nâng cao cộng đồng gốc Á. Các ưu tiên này nhằm mục đích tăng cường lực lượng lao động song ngữ, giáo dục những người lao động có trình độ Anh ngữ hạn chế về quyền lao động, cung cấp nghiên cứu về nạn buôn người và chấm dứt phương thức tuyển sinh truyền thống ở các trường đại học tư ở California.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.