Hôm nay,  

Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng Tổ Chức Lễ Giỗ Lần Thứ 92 Chí Sĩ Phan Châu Trinh

28/03/201800:00:00(Xem: 4972)
LE GIO PHAN CHAU TRINHLE GIO PHAN CHAU TRINH DSC_0137LE GIO PHAN CHAU TRINH DSC_0130LE GIO PHAN CHAU TRINH DSC_0115LE GIO PHAN CHAU TRINH DSC_0110LE GIO PHAN CHAU TRINH DSC_0104
Anaheim  (Bình Sa)- - Vào lúc 11 giờ sáng Chủ Nhật ngày 25 tháng 3 năm 2018, tại Nhà hàng Golden Sea Restaurant số 9802 Katella Ave, Anaheim CA 92804  Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Chí Sĩ Phan Châu Trinh Lần Thứ 92 – 2018.

Tham dự buổi lễ ngoài một số qúy Thầy, Cô, các cựu học sinh Phan Châu Trinh Đà Nãng còn có sự tham dự của một số qúy vị dân cử, đại diện dân cử, Cộng Đồng, đại diện hội đoàn, đoàn thể bạn, các Hội Đồng Hương, trong đó có Hội Đồng Hương Quảng Nam Đà Nẵng do ông Đoàn Ngọc Đa Hội  trưởng và phái đoàn, ông Phan Thanh Thắng và một số thân nhân trong gia đình cụ Phan, các cơ quan truyền thông. Trước giờ khai mạc, cựu học sinh Trương Công Lập và phu nhân, CHS. Phương Lan đã chu đáo đón tiếp thầy cô cùng các cựu học sinh vào vị trí đã xếp sẵn.

Điều hợp chương trình cựu học sinh Trần Quang Sanh,

Điều hợp nghi thức khai mạc do cựu học sinh Huỳnh Tuấn.

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ, phút mặc niệm.

Sau đó Ban hợp ca cựu học sinh Phan Châu trinh lên hát bản “Phan Châu Trinh Hành Khúc”...

Tiếp theo Ban tổ chức mời ông Hội Trưởng Phan Ứng Thời, Phan Thanh Thắng Bà Tạ Minh Nguyệt, Bà Mộng Hoàng cùng một số qúy anh chị trong Ban Chấp Hành Hội lên niệm hương trước bàn thờ cụ Phan Châu Trinh.

Sau lễ niệm hương, CHS. Trương Công Lập lên giới thiệu quan khách và các Thầy, Cô,

Tiếp theo CHS. Phan Ứng Thời, Hội Trưởng, Trưởng Ban Tổ Chức lên ngỏ lời chào mừng và cảm ơn qúy quan khách, qúy thầy cô các cơ quan truyền thông cùng các cựu học sinh đã đến tham dự lễ giỗ hôm nay, Ông tiếp: “Sự hiện diện của qúy vị, đã nói lên lòng biết ơn sâu sắc của người dân Việt Nam, đối với nhà cách mạng lớn - Phan Châu Trinh đã có công đề xướng duy tân hóa quốc gia, giải thóat người Việt khỏi sự lệ thuộc Trung Hoa về văn hóa trong hơn 2000 năm, và xây dựng nền móng dân chủ cho đất nước. Sự hiện diện của Quí Vị, cũng nói lên những tình cảm tốt đẹp, mà quí vị dành cho Hội Chúng Tôi qua việc làm hôm nay.”

Nhân dịp còn trong mùa Xuân ông chúc tất cả một năm mới an vui hạnh phúc.

Sau đó Ban tổ chức mời Thầy cựu Hiệu Trưởng Trường Phan Châu Trinh GS. Thái Doãn Ngà lên phát biểu, ông cảm ơn Ban tổ chức đã cho ông có dịp hằng năm gặp nhau trong tình thầy trò. Ông nói: “Sau một ngàn năm đô hộ, giặc Tàu đã không đồng hóa được dân tộc ta , thì bây giờ cũng sẽ không làm gì được dân tộc ta cả.”

Trong bài phát biểu của Sử Gia Trần Gia Phụng, với đề tài “Phan Châu Trinh Người Đi Trước Thời Đại” (rất tiếc vào giờ chót có chuyện gia đình ông phải trở về lại Canada) nên Cựu hội Trưởng Vũ Đình Huân lên đọc, trong bài viết có đoạn: “.. . Mở đầu việc khai dân trí, PCT hô hào bỏ chữ Nho, bỏ lối thi cử cổ điển, chuyển qua dùng quốc ngữ, vì quốc ngữ dễ học, dễ phổ biến, có thể dùng làm phương tiện để mở mang dân trí, phát triển đất nước.

Không kể Nam Kỳ là thuộc địa, tại Trung và Bắc Kỳ , cho đến năm 1919, tức 15 năm sau lời kêu gọi của PCT, triều đình mới chính thức bãi bỏ việc học chữ Nho và thi Nho học.  Về quốc ngữ, cho đến năm 1925, tức hơn 20 năm sau lời kêu gọi của PCT, Pháp mới đưa quôc ngữ vào chương trình tiểu học của nền giáo dục mới.  Như thế PCT đi trước triều đình Huế và trước cả nhà cầm quyền Pháp.

 Từ năm 1905, PCT mở rộng cuộc vận động duy tân ra khắp nước.  Khi đi về phương Nam, đến Bình Thuận, PCT khuyến khích các nhân sĩ địa phương lập công ty thương mại Liên Thành và mở trường Dục Thanh dạy quốc ngữ.  Sau đó, ra Bắc năm 1906, ông giúp các nhân sĩ Hà Nội lập Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tiếp theo, PCT qua Nhật Bản quan sát, vì từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản là trung tâm ánh sáng của cả châu Á.  Trên đường đi, tại Quảng Châu, PCT gặp Phan Bội Châu, và cả hai cùng qua Nhật Bản.

Từ Nhật Bản trở về, PCT bắt đầu cổ xúy dân quyền.  Ông khẳng định với Phan Bội Châu rằng: "Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được."

Vào thời bấy giờ, chế độ thực dân Pháp đang siết chặt gọng kèm cai trị, khai thác tài nguyên, bóc lột dân chúng.  Vì vậy,  vận động dân quyền để “việc khác có thể tính lần được”, với các nhà cách mạng là việc đòi hỏi tự do độc lập cho đất nước.  Đây là một chủ trương “mềm”, hết sức mới mẻ, khác với các cuộc võ trang chống Pháp trước đây.

 Kết quả “đề xướng dân quyền” nổi bật nhứt là các cuộc biểu tình rầm rộ, xin hạ thuế, giảm xâu của dân chúng, phát xuất từ huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam từ tháng 3, lan rộng ra các tỉnh miền Trung đến tháng 6 năm 1908.  Nhà cầm quyền Pháp cho rằng đây là kết quả công cuộc vận động dân quyền của PCT, nên dù PCT không tổ chức, không tham gia biểu tình, Pháp vẫn bắt PCT tại Hà Nội ngày 31-3-1908.. .


 Chủ trương và hoạt động của PCT cho thấy ông là nhà chính trị rất sáng suốt, cấp tiến, luôn luôn đi trước thời đại.  Ông tỏ ra sáng suốt và tiến bộ cả trăm năm trước.  Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, đúng là chín chữ vàng của người Việt Nam, và cũng là chín chữ vàng của toàn thế giới, vì thời nào, lúc nào, ở đâu, nước nào cũng luôn luôn cần mở mang trình độ dân chúng, nâng cao tinh thần dân chúng và phát triển đời sống dân chúng.

(Nguyên văn bài phát biểu chúng tôi đã đăng trên Việt Báo online.)

Tiếp theo cựu học sinh, LS. Đỗ Thái Nhiên lên nói về “Tư Tưởng Phan Châu Trinh và Thời Sự Việt Nam”...

Ông cho biết: Ngày 28/2/2018, tại trường tiểu học Bình Chánh, Bến Lức, Long an, ông Võ Hòa Thuận cùng một nhóm phụ huynh học sinh lớp 4 đã tìm đến trường để chất vấn cô giáo Nhung về việc cô giáo này đã phạt con em của họ bằng hình phạt quỳ gối. Tại phòng họp của nhà trường, trước mặt ông hiệu trưởng và phụ huynh học sinh, cô giáo Nhung đã nhận lỗi và hứa sẽ không phạt học trò theo kiểu quỳ gối nữa. Thế nhưng, phụ huynh học sinh, dẫn đầu bởi ông Võ Hòa Thuận, không chấp nhận lời xin lỗi của cô giáo. Họ đòi cô giáo Nhung phải quỳ gối đúng 40 phút mới “cho qua câu chuyện”. Được biết ông Võ Hòa Thuận vừa là luật sư vùa là đảng viên. Nhận thấy câu chuyện bắt đầu căng thẳng, thế mạnh nghiêng về phía ông Võ Hòa Thuận,  ông hiệu trưởng lấy cớ bận công tác nên bỏ ra khỏi phòng họp. Sau đó, một mình cô giáo Nhung phải đương đầu với nhóm Võ Hòa Thuận. Cuối cùng thân cô, thế cô, cô giáo Nhung đã phải quy gối đúng 40 phút mới được Võ Hòa Thuận đồng ý “cho qua câu chuyện”.

Hiển nhiên ông hiệu trưởng và cô giáo trường tiểu học Bình Chánh có thừa DÂN TRÍ để nhận biết rằng ép buộc cô giáo quỳ gối ngay tại nơi đương sự dạy học là một hành động làm nhục cô giáo nạn nhân và rằng hành động này rõ ràng vi phạm đạo đức ứng xử giữa con người với con người. Thế nhưng:

Tại sao ông hiệu trưởng trường tiểu học Bình Chánh đã không có DÂN KHÍ để đứng lên bênh vực cô Nhung một giáo viên của nhà trường?

Tại sao cô giáo Nhung không có DÂN KHÍ để dứt khoát khước từ đòi hỏi phi lý và trịch thượng của nhóm Võ Hòa Thuận?

Trả lời hai câu hỏi vừa nêu người ta tìm thấy tâm lý sợ mất địa vị chỉ huy của ông hiệu trưởng, và tâm lý sợ mất nồi cơm vốn vơi đầy của cô giáo Nhung. Chính tâm lý sợ sệt kia đã tạo ra tình cảnh chia tay đau buồn giữa DÂN TRÍ và DÂN KHÍ. Ông hiệu trưởng và cô giáo Nhung của trường tiểu học Bình Chánh có DÂN TRÍ nhưng không có DÂN KHÍ. Làm thế nao để dân trí và dân khí bao giờ cũng gắn bó với nhau? Làm thế nào để hiểu biết lẽ phải và hành động bảo vệ lẽ phải bao giờ cũng quyết liệt nắm tay nhau?

Trong ngôn ngữ Việt Nam có thuật ngữ nhân dân. Nhân là người, dân cũng là người. Vậy thì từ kép nhân dân nghĩa là gì?

Nhân là con người tĩnh, con người ở trung đạo, con người toàn thiện, toàn mỹ. Khi đi vào đời sống xã hội, nhân bị chi phối bởi kinh tế, chính tri, lịch sử..., nhân trở thành dân.

Dân khi thiện - khi ác; khi tin yêu - khi nghi ngờ; khi chân thành - khi gian dối; khi thứ tha - khi thù hận... Thế nhưng trong dân bao giờ cũng phục sẵn tâm lý tha thiết tìm về nhân, sống đúng theo mẫu mực của nhân. Nhân chính là lương tâm của dân. Tiếng nói nghiêm khắc nhất và gầm vang nhất của lương tâm là lời kêu gọi dân hãy quyết tâm, trong mọi hoàn cảnh sống, tạo sự thống nhất giữa dân trí và dân khí. Dân trí là bài học công bằng và lẽ phải. Dân khí là bài học đòi hỏi con người phải can đảm biến dân trí thành hành đông cụ thể, phải can đảm bảo vệ công bằng và lẽ phải.. .

Hôm nay, nhân lễ giỗ 2018 của Cụ Phan, trước bàn thờ Chí Sĩ Phan Tây Hồ, chúng ta, tất cả người Việt Nam hãy hứa với chính mình, hãy hứa với nhau sẽ không ngừng nỗ lực sống theo phương châm dân trí phải được thể hiện bằng hành động dân khí.

Dân trí trong hiện tình Việt Nam là: dân chủ, thịnh vượng và công bằng là ước vọng tha thiết của toàn thể quần chúng Việt Nam.

Dân khí trong hiện tình Việt Nam là: toàn dân tùy theo vị trí sống của mỗi người hãy dũng cảm tham dự vào công cuộc giải trừ quyền lực thống trị của đảng CSVN độc tài, tham nhũng, bán nước.”

Chương trình văn nghệ bắt đầu do các MC: Trần Quang Sanh, Xuân Thu, Huỳnh Tuấn và Phương Lan điều hợp.

Qua các tiết mục xuất sắc do các cựu học sinh và nghệ sĩ thân hữu trình diễn với nhiều tiết mục như: “Thề Không Phản Bội Quê Hương”, “Lá Cờ Thiêng” “Chiều Mưa Biên Giới” “Biển Chết”, Chuyến Đò Vĩ Tuyến”, “Mùa Xuân Của Mẹ,” “Cô Gái Việt”, “Tình Quê Hương”, Đêm Di Tản Miền Trung”, “Chiều Tây Đô”, “Em Vẫn Mơ Một Ngày Về,” “Mời Em Về”, “Nếu Có Yêu Tôi,” “Mấy Dặm Sơn Khê,” Phần ngâm thơ do Phi Loan qua tiếng sáo Ngọc Nôi với bài thơ “Chí Thành Thông Thánh” cảm tác của Phan Tây Hồ.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.