Hôm nay,  

Bắc Cali: Trình Diễn Nghệ Thuật Cổ Truyền 3/12

01/12/200000:00:00(Xem: 5811)
SAN JOSE (Ngô Sĩ Hùng) - Lần đầu tiên Đoàn Tiếng Vọng Quê-Hương tổ chức và trình diễn một buổi văn nghệ cổ truyền bao gồm các tiết mục như: Hát Chèo, Hát Bội, Cải Lương, Vọng Cổ v.v... và biểu diễn các nhạc cụ cổ truyền như: Tranh, Bầu, Cò, Kìm, Sến, Sanh Tiền, Mõ, Trống Lễ, Trống Đế v.v... tại nhà hát Le Petit Triannon vào lúc 2:00PM ngày 3/12/2000.

Nhân dịp được tiếp xúc với nữ giáo sư đàn tranh Ngọc Dung, trưởng nhóm Đoàn Tiếng Vọng Quê Hương, người viết được giải thích thế nào là Hát Chèo, Hát Bội, Cải-Lương, Vọng-Cổ như sau:

* Hát Chèo
Một nghệ-thuật có từ thời triều đại nhà Đinh, lúc đầu chỉ có một vài nghệ nhân được hoàng cung nuôi dưỡng, để hát cho nhà vua, hay hoàng tộc, và một số quan quyền cao, chức trọng thưởng lãm mà thôi, sau đó mới truyền ra nhân gian. Thủa ấy các nghệ nhân thường đứng hát một mình, hay đối đáp với một vài người khác, qua các thể điệu như hát Quan Họ, Hát Dậm, Dân Ca, hay Dân Vũ v.v... Lúc ban đầu các nghệ nhân chỉ mặc thường phục, và đứng trình diễn trước mặt người coi, nếu ca hay, vũ đẹp, khán giả thích, nghệ nhân sẽ được thưởng vàng, bạc, đôi khi còn được phong quan tước, đó là những nghệ sĩ giỏi và may mắn được hát ở cung đình, còn với nhân-gian, thì nhóm nghệ nhân thường dùng sân đình làng để trình diễn, và dân chúng đứng vây xung quanh coi vì vào thời đó chưa có rạp hát, mãi đến 1182, vì sự gia tăng khán giả, và nhu cầu nghệ th đòi hỏi, nên các nghệ sĩ chèo đã phải thay đổi cách diễn xuất, vở hát phải viết thành tuồng, may mặc y phục phù hợp với vai trò trong vở tuồng, còn nhạc cụ vào thời kỳ đó thường dùng là chiêng, Trống, mõ, Thanh La, sáo v.v...

* Hát Bội
Nguyên thủy gọi là Hát Bộ, sau vì nhân gian nói trại ra thành Hát Bội. Bộ môn này được du nhập vào Việt Nam qua hai thời kỳ, đời nhà Trần trong những lần đánh đuổi giặc bắc phương xâm lưọc, quân ta có bắt được một nghệ sĩ của giặc tên là Lý Nguyên Cát, vua nhà Trần bèn đem về để dạy hát cho các nghệ sĩ trong hoàng cung , lần du nhập thứ nhì vào thời vua Lê Chiêu Thống, do Liên Thủ Tâm, và một nghệ sĩ ngườiTống v.v... Sau đó Hát Bội được truyền ra nhân gian, các nghệ sĩ đã tập hợp nhau thành đoàn, và đi lưu diễn các nơi, nội dung các tuồng tích đều ngụ ý khuyên lơn, dạy người đời về Đạo, Hiếu, Tiết, Lễ, Nghĩa, v.v...

* Cải Lương
Là một loại nhạc ca, hát tài tử, được phổ biến tại miền nam Việt Nam, vào cuối thế kỷ 19 (1885), thời kỳ phôi thai này baì bản và âm điệu rất còn nghèo nàn, chỉ có vài bài như: Lý, Nam, Bắc, Dựng v.v... Phải chờ đến đầu thế-kỷ 20, lúc đó ở miền nam Việt Nam có hai nhóm nghệ sĩ, một nhóm của Miền Đông, và một nhóm của Miền Tây, hai nhóm này thi đua, tranh tài với nhau, nhờ vậy nền Cải Lương vô tình trở nên phong phú, và cũng từ đó đã đào tạo ra nhiều nghệ sĩ Ca Ra Bộ (Carabo), dần đà bộ môn này được chuyển tiếp và viết thành tuồng tích như Cải Lương ngày nay.

* Vọng Cổ
Đây là một thể điệu rất phổ-thông trong các vở tuồng cải luơng ở miền nam Việt Nam, năm 1918, ông Sáu Lầu người đầu tiên sáng tác ra bài Dạ Cổ Hoài Lang, khi đó mới chỉ có nhịp hai, dần đà thành nhịp bốn, nhịp tám, mười sáu, nhịp ba muơi hai,và sáu mươi tư như ngày nay.

* Vài nét về con chim đầu đàn: Ngọc Dung
Nhân đây người viết xin có vài lời sơ lược về con chim đầu đàn của đoàn Tiếng Vọng Quê Hương, nữ giáo sư Đàn Tranh Ngọc Dung, tên thật là Nguyễn Thị Yến, sinh quán tại Sài-Gòn. Năm 7 tuổi cô đã được giáo sư âm nhạc Phạm Văn Nghi dạy ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc nhận làm nghĩa nữ, nuôi ở trong nhà và truyền dạy âm nhạc, nhất là bộ môn đàn tranh, sau đó còn gởi cô vào học tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc. Năm 1967 cô đã đậu thủ khoa khi thi ra trường, và cô đã được bộ giáo dục mời trở lại dạy các môn sinh đàn em nơi trường Quốc Gia Âm Nhạc về bộ môn Đàn Tranh, và từ ngày đó cô bé Nguyễn Thị Yến đã trở thành Nữ Giáo Sư Đàn Tranh Ngọc Dung, mà mọi người Việt trong cộng đồng hải ngoại ai cũng đã một lần biết đến, hay nghe tiếng.

Thời gian 1967 đến 1975, nữ giáo sư đàn tranh Ngọc Dung đã cùng một số bạn hữu đồng môn khóa thành lập Nhóm Hoa Sim, như các chị Phạm Thúy Hoan nay còn kẹt lại ở Việt Nam, chị Phương Oanh, chị Quỳnh Hạnh, hai chị này hiện đang định cư tại Pháp, chị Ngọc Anh, hiện đang ở Úc, chị Nguyễn Thị Mai đang cư ngụ tại Los Angeles, và chị Huyền Trân đang ở San Jose. Ngoài ra nữ giáo sư Ngọc Dung còn gia nhập nhóm Du Ca gồm có các anh Nguyễn Đức Quang, Lê Tất Điều, Bùi Duy Thuyết, Ngô Mạnh Thu, Hoàng Ngọc Tuệ, Đỗ Ngọc Yến v.v...
Năm 1969, nữ giáo sư Ngọc Dung cũng là một thành viên của nhóm “Dân Vận Quốc Ngoại” do Nha Thanh Niên thuộc bộ Giáo Dục VNCH hướng dẫn đi trình diễn và quảng bá nhạc cố truyền Việt Nam qua bộ môn đàn tranh tại một số nước ở Âu Châu như: Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Rome.

Năm 1974, nữ giáo sư Ngọc Dung cũng đã được mời đi trình diễn đàn tranh tại Hội Nghị Thanh Thiếu Niên tại Quebec, Canada.

Năm 1979, cùng gia đình vượt biên và định cư tại San-Jose, Hoa Kỳ cho đến ngày nay, trong thời gian qua giáo sư Ngọc Dung đã nhiều lần được mời trình diễn đàn tranh tại một số đại học trong vùng bắc California như: Đại Học Berkley, Đại Học San Francisco, Marin College ở Santa Rosa, City College ở San Jose v.v...

Đoàn Tiếng Vọng Quê Hương được thành lập vào năm 1986, bao gồm một số đã từng là nhạc sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp trong ngành cổ nhạc, và một số tài tử yêu thích cổ nhạc. Đoàn Tiếng Vọng Quê Hương đã được mời trình diễn nhiều lần tại các tiểu bang như: Georgia, Portland, Los Angeles, San Francisco, the San Jose Convention Center, và cũng nhiều lần trình diễn trong các hội hè Việt, Mỹ, hay các dịp tết âm lịch.

Buổi trình diễn nghệ thuật cổ truyền chưa từng sẽ chính thức khai-mạc vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhựt, ngày 3/12/2000, tại Le Petit Trianon, số 72 N. 5th, San Jose kỳ này đoàn Tiếng Vọng Quê Hương sẽ có các tiết mục hấp dẫn như: Hát Chèo, sẽ trình diễn vở tuồng Thị Mầu Lên Chùa, Hát Bội, sẽ trình diễn vở tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu, và Cải Lương sẽ trình diễn vở tuồng nổi tiếng Nửa Đời Hương Phấn.

Phần trình diễn nhạc Cổ Truyền, Đàn Tranh có giáo sư Ngọc Dung, Đàn Vĩ Cầm có nhạc sĩ Kim Nguyên, Đàn Nguyệt có nhạc sĩ Ba Sương, Đàn Bầu có nhạc sĩ Bùi Hữu Nhựt, Đàn Cò có nhạc sĩ Minh Quang, Đàn Sến có nhạc sĩ Văn Canh, Trống Lê có nhạc sĩ Phan Trương, và Trống Đế do nhạc sĩ Đức Thành phụ trách.

Riêng nhóm Đàn Tranh gồm có: g/s Ngọc Dung, Hồng Huỳnh, Tâm Minh, Xuân Lan, Ngọc Diễm, Thanh Như, Ngọc Hân, Thùy Trang, Phi Dung, Uyên Nguyên, và Angel Sương, Bích Nga, Mai Hoa, Ngọc-

Các Nghệ-Sĩ Cải Lương gồm có: Thảo Sương, Bích Nga, Mai Hoa, Ngọc Hạnh, Văn Cảnh, Quốc Chính, Đông Thành, và Minh Quang.
Nhóm Ca Tài Tử gồm có: Kim Chi, Phuơng Tuấn, Hữu Bi, và Bảo Khang.
Nhóm Hát Chèo sẽ do các nghệ-sĩ như: Huyền Trân, và Ngọc Hạnh.
Màn Hát Bội sẽ do giáo sư Dương Ngọc Bầy, với sự phụ diễn võ Cổ Truyền Việt Nam do nhóm môn sinh giới thiệu chương trình của Master Nguyễn Thế Vũ

Giới Thiệu Chương Trình sẽ do MC duyên dáng Hoàng Mộng Thu, và xướng ngôn viên Hoàng Tuấn phụ trách, xin quí vị đừng để lỡ mất dịp vui hiếm quí này, vé có bán tại những địa điểm sau đây: Tiệm Cơm Chay Di-Đà, số 2597 Senter road, San Jose, điện thoại số : (408) 998-8826, và Nhà Sách Hồng Bàng, số 2471 Alvin Ave, San Jose, điện thoại số (408) 270-0865. Mọi chi tiết, giúp đỡ, bảo trợ, hay đặt mua vé trước xin liên lạc giáo sư Ngọc Dung, điện thoại số : (408) 297-6273, hay nhạc sĩ Bùi Hữu Nhật điện thoại số: (408) 921-5772.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.