Hôm nay,  

UB Bảo Vệ Người Lao Động VN Đến Dc Và Virginia

05/07/201200:00:00(Xem: 7735)
Sau chuyến ra quân khá ngoạn mục ở Cali, Uỷ-ban Bảo vệ Người Lao Động VN (UBBV) đã về Washington để bắt đầu một tuần lễ đi vận-động với chính-quyền Mỹ cũng như các cơ-quan phi-chính-phủ ở thủ-đô Hoa-kỳ.

Gặp Bộ Ngoại-giao

Ngày thứ Ba, 19/6, Uỷ-ban (gồm các ông Trần Ngọc Thành, Đoàn Việt Trung, Nguyễn Đình Hùng, ÔB. Nguyễn Văn Tánh, bà Jackie Bông, cô Ca Dao và Ô. Nguyễn Ngọc Bích) và đã vào gặp Bộ Ngoại-giao nói chuyện với người lo bàn về Việt-nam, với sự hiện diện của đại diện văn-phòng TIP (Trafficking in Person = lo về vấn-đề buôn người) và của vụ Dân-chủ, Lao-động và Nhân-quyền (Bureau of Democracy, Labor and Human Rights).

Bàn về việc Bộ Ngoại-giao mới nâng VNCS lên "cấp 2" ("Tier 2") trong các quốc gia có vấn-đề buôn người, Uỷ-ban cho rằng việc làm đó hơi sớm và Hà-nội chưa chắc đã đáng được nâng cấp như vậy. Đây là dựa vào những nhận xét rất thực-tế mà Uỷ-ban đã ghi nhận được ở Mã-lai và một số quốc gia khác, tỷ-dụ như các công-ty môi-giới giới-thiệu người lao-động đi làm ở nước ngoài thì có cái ghi rõ ràng là thuộc Quân-khu IV, v.v... có nghĩa là chính quân-đội hay chính-phủ ở trong nước có tay trong những vụ buôn bán người lao-động ra hải-ngoại. Nhưng Bộ Ngoại-giao lại giải thích là VN đã có những tiến-bộ như đã ra luật về vấn-đề buôn người và đã có cả một hội diễn âm-nhạc lớn để gây ý-thức về vấn-đề này. 
ub_bao_ve_lao_dong_002__2_
Cùng quan tâm về nhân quyền quê nhà.
Tuy-nhiên, người của Uỷ-ban cho rằng Bộ Ngoại-giao nên nhìn vào thực-tế của người "lao-động xuất khẩu" ở các nước như Mã-lai, Đài-loan, Đại-Hàn hoặc Trung-đông để đánh giá thì mới trung-thực. Ông Bích, chẳng hạn, đưa trường-hợp cô Vũ Phương Anh, trước đây đi lao-động ở Jordan, bị đánh đập tàn tệ, đến khi ra điều trần ở Quốc-hội Hoa-kỳ (do Boat People S.O.S. giới-thiệu) thì ở nhà công-an cho côn-đồ đến đâm bà mẹ mấy nhát.Không thể nói đó là có tiến-bộ thực-sự được.

Gặp Human Rights Watch

Sáng thứ Tư, 20/6, Uỷ-ban đến gặp anh John Sifton của Tổ-chức Theo dõi Nhân-quyền (Human Rights Watch). Đến đây thì cái nhìn của đôi bên, tức UBBV và HRW, ăn khớp nhau hơn, nhất là sau khi anh Đoàn Việt Trung, thay mặt cho Uỷ-ban, cung-cấp một cách khá cặn kẽ về những công việc làm của Uỷ-ban trong sáu năm qua (từ ngày thành-lập). Sau mấy tiếng đồng-hồ trao đổi, hai bên đã đồng-ý được về một số phương-thức giữ liên-lạc, trao đổi tin tức cho nhau. Bên HRW cũng đã cho một phụ-tá cho anh Sifton ghi chép rất đầy đủ nội-dung của mấy tiếng đồng-hồ trao đổi.

Sau khi về ăn trưa chớp nhoáng ở Viet Bistro (khu Eden), hai anh Trần Ngọc Thành và Đoàn Việt Trung đã đến SBTN-Hoa Thịnh Đốn để được phỏng vấn, và chiếu ngay ngày hôm sau, nhờ vậy tin tức về Uỷ-ban cũng được phổ-biến khá rộng rãi.

4 giờ chiều cùng ngày, Uỷ-ban lại đến văn-phòng TIP để bàn về một dự-án mà Uỷ-ban có thể tìm được sự tài-trợ để theo dõi vấn-đề "buôn người" trong cả trường-hợp một số các "lao-động xuất khẩu" (như trường-hợp một nữ-công-nhân bị đổi qua tay môi-giới tới ba lần trong một đêm) lẫn trường-hợp một số phụ nữ VN (không trừ một số em nhỏ, có khi chỉ 7-8 tuổi) bị đưa sang các nước lân-cận như Thái-lan, Lào, Campuchia, Singapore và Mã-lai, để làm nghề mại dâm.

Gặp một số văn-phòng Dân-biểu Quốc-hội và tổ-chức Freedom Now

Trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu, 21 và 22/6, Uỷ-ban đã lấy hẹn và gặp được văn-phòng của các vị Dân-biểu thường quan-tâm đến vấn-đề nhân-quyền VN. Đó là nữ-Dân-biểu Zoe Lofgren (Đảng Dân-chủ, Bắc Cali) và hai dân-biểu Cộng-hoà chủ chốt trong Vietnam Human Rights Caucus trên Quốc-hội, Dân-biểu Chris Smith thuộc Tiểu-bang New Jersey và Dân-biểu Ed Royce thuộc khu-vực Nam Cali, nơi được gọi là "Thủ-đô Tỵ nạn" của người Việt.

Ở cả mấy văn-phòng này, Uỷ-ban đã có dịp trình bầy trong chi-tiết những việc làm của Uỷ-ban cả ở trong nước lẫn ở Mã-lai. Đặc-biệt, Uỷ-ban đã kêu gọi sự giúp đỡ của các Dân-biểu đối với "3 H" tức ba người bị Toà án Trà Vinh tuyên án tù (một 9 năm và hai người bị 7 năm) do đã tiếp tay tổ-chức thành công một cuộc đình công 10 nghìn người ở hãng Mỹ Phụng, anh Đoàn Huy Chương, anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Ở cả ba văn-phòng, Uỷ-ban đã nhận được rất nhiều cảm-tình và ở đâu họ cũng hứa là sẽ vận-động kêu gọi phải thả ngay lập-tức hay ít nhất cũng phải giảm những án quá khắt khe nói trên, bởi đình công là một quyền của người lao-động.

Cũng trong ngày thứ Năm, 21/6, Uỷ-ban đã được mời đến văn-phòng của tổ-chức Freedom Now ("Tự do Tức-thì"), một tổ-hợp luật-sư quốc-tế nhận làm luật-sư biện-hộ miễn phí ("pro bono lawyers") cho những thân-chủ bị chèn ép vô lối trên nhiều quốc gia. Tuy-nhiên, để chọn một thân-chủ, họ rất cẩn thận và nghiên cứu kỹ càng trước khi nhận làm công việc đại diện pháp-lý cho thân-chủ đó.

Điều đáng phục là khi đến nơi, họ đã có một hồ-sơ dầy, khá cặn kẽ về "3 H." Nói đến đâu là anh Patrick Griffith và người phụ-tá của anh đã biết rõ ràng "3 H" bị bắt trong những trường-hợp nào, bị đối-xử ra sao trong thời-gian bị giam giữ chờ ra toà, có bị đánh đập hay không, ra toà gia-đình có được đến dự hay không, ở toà có luật-sư biện-hộ hay không v.v. Điều họ muốn Uỷ-ban tiếp tay chỉ là xác-nhận những thông tin mà họ thu thập được chính-xác tới đâu, còn thiếu những chi-tiết nào mà họ chưa có, và nhất là những đường dây liên-lạc với gia-đình "3H." Bởi để đại diện "3H" thì luật-sư của Freedom Now phải có được sự thoả thuận của gia-đình 3 người. Về phương-diện này, Uỷ-ban đã cung-cấp được những thông tin cần thiết, nhất là trong việc liên-lạc với mẹ và chị của Đỗ Thị Minh Hạnh, giờ đã xin được tỵ nạn ở Ba-lan.


Trong những bước đi sắp tới đây, Freedom Now nghĩ là họ có thể làm thành một "ca" (một hồ-sơ, một trường-hợp) trình bầy cho Nhóm Công-tác của LHQ về Bắt bớ tuỳ tiện (UN Working Group on Arbitrary Detention), ít nhất cũng là như thế. Sau đó, luật-sư của họ ở Âu-châu cũng có thể đưa lên một hồ-sơ về "3H" cho Liên-hiệp Âu-châu (mà bên nhà quen gọi là "E-U") để nhờ can-thiệp với nhà cầm quyền ở Hà-nội. Đó là những bước đầu, sau đó nếu cần họ có thể xin về cả VN bào chữa cho "3 H."

Gặp Amnesty International (Hội Ân-xá Quốc-tế)

Sang ngày hôm sau, 22/6, Uỷ-ban lại đến gặp Hội Ân-xá Quốc-tế/Hoa-kỳ (AIUSA) trao đổi với Tiến-sĩ T. Kumar, người cầm đầu Hội này ở Mỹ.Do quen biết sẵn và nhiều năm với đôi ba nhân-vật trong UBBV, ông Kumar rất niềm nở và đề nghị một số cách làm việc chung với nhau để tìm cách giải cứu cho "3H." Ông nói: "Cá-nhân chúng tôi không quyết-định được một mình nhưng chúng tôi có thể đề nghị lên Amnesty International ở Luân-đôn, tức văn-phòng trung-ương của tổ-chức Ân-xá Quốc-tế có mặt trong rất nhiều quốc gia trên thế-giới, lấy một người như Đỗ Thị Minh Hạnh làm biểu-tượng cho quyền lao-động trên khắp thế-giới. Nếu Luân-đôn chấp thuận thì AI sẽ phát động một chiến-dịch trên khắp thế-giới, trong rất nhiều quốc gia, viết thư đi vận-động khắp nơi, với các chính-phủ, quốc-hội, báo chí của nhiều nước, không ngoại-trừ Việt-nam, để kêu gọi phải trả tự do cho Đỗ Thị Minh Hạnh và hai người bạn của cô. Một chiến-dịch như vậy sẽ rầm rộ như chiến-dịch mà trước đây, chúng tôi đã tung ra cho bà Aung Sang Suu Kyi của Miến-điện và tên tuổi của Đỗ Thị Minh Hạnh sẽ đi khắp năm châu." Những câu nói thật ấm lòng đối với các anh chị thuộc Uỷ-ban có mặt hôm đó!

Gặp USAS (United Students Against Sweatshops)

Cuối ngày thứ Sáu, 22/6, hai anh Trần Ngọc Thành và Đoàn Việt Trung được mời đến gặp cô Theresa Lee của tổ-chức USAS, tắt cho "United Students Against Sweatshops" ("Sinh-viên Đoàn-kết chống lại Những Tiệm Bóc Lột Lao Động"). Đây là một tổ-chức của sinh-viên nhưng rất có ảnh-hưởng nhằm xoá bỏ những hình-thức bóc lột lao-động rẻ tiền, thường là những phụ nữ hay trẻ nít phải làm quần quật trong những điều-kiện rất khổ cực. Tổ-chức này thường đi tìm xem nguồn gốc của các sản-phẩm bán ở Mỹ có đến từ những "sweatshops" như vậy không? Nếu có thì tổ-chức đó sẽ kêu gọi tẩy chay mua những loại hàng đó.

Tuy đến cuối ngày song cô Theresa Lee cũng như các cộng-sự-viên của cô đã trao đổi rất kỹ với hai anh Trung và Thành để có thể tìm cách yểm-trợ cho công việc của nhau. Buổi gặp gỡ này là buổi họp cuối cùng trong một ngày nóng nực. Các anh ra về đừ sau một ngày gặp gỡ vận-động tới sáu nơi nhưng rất vui là đến đâu cũng có kết-quả.

Bầu lại Ban Chấp hành

Sáng thứ Bảy, 23/6, Uỷ-ban họp để bầu lại ban lãnh-đạo của UBBV cho nhiệm-kỳ 3 năm tới. Sau khi đã làm Chủ-tịch hai nhiệm-kỳ, nghĩa là sáu năm từ ngày Uỷ-ban Bảo vệ Người Lao Động VN được thành-lập (30/10/2006), anh Trần Ngọc Thành xin được nghỉ ngơi một chút tuy vẫn tham-gia công việc của Uỷ-ban. Sau khi bình bầu, ông Nguyễn Văn Tánh (ở Bỉ) đã được bầu vào chức Chủ-tịch thay anh Thành trong sự hoan-hỉ của tất cả mọi người. Anh Nguyễn Đình Hùng xin được rút lui để trở về vị-trí cố-hữu của anh trong công-đoàn Úc. Bà Jackie Bông vì phải đi ra ngoài nước Mỹ trong ba năm tới nên xin rút lui chức Tổng-thủ-quỹ. Còn những chức-vụ khác thì vẫn được duy trì.

Cũng nhân dịp này, Uỷ-ban có được nghe những nhận-định và hiểu biết của Anh Trần Trung Việt, chia xẻ những gì anh đã có dịp quan-sát trong nhiều năm làm việc với Tổng-công-đoàn Mỹ AFL-CIO, nhất là Solidarity Center (tức "Trung-tâm Đoàn-kết" lo về đối-ngoại cho AFL-CIO), về chính-sách của họ đối với VN. Đây là những nhận-định lý-thú và giúp ích rất nhiều cho công việc của UBBV.

Cơm gây quỹ ở Harvest Moon

Chủ-nhật, 24/6, Uỷ-ban ra mắt đồng-hương để trình bầy công việc làm trong sáu năm qua trong một buổi hội-thảo ở nhà hàng Harvest Moon trên đường 50. Cũng tương-tự như buổi ra mắt ở Cali, buổi hội-thảo và tường-trình đã thu hút được sự chú ý của một số đồng-bào và một số bạn Mỹ muốn đến nghe. Cũng như ở Cali, cuộc trình bầy được đánh giá cao và thu hút được thêm một số người ủng-hộ.

Tuy-nhiên, bữa cơm tối gây quỹ cùng ngày, cũng ở Harvest Moon, đã thu hút được gần 300 thực-khách Việt-Mỹ. Cuộc gây quỹ sôi nổi do nữ-phóng-viên Thanh Trúc của đài RFA (Á Châu Tự Do) làm chung với cô Liên Trần đã mang lại được một số tiền xổ số cũng như bức tranh "3 H" (do hoạ-sĩ 80 tuổi Lê Thúc Lân ở Pháp tặng) bán cho B.S. Hoàn Vũ được $600. Phần MC do ông Huỳnh Trung Trực và cô con gái Monique (nói tiếng Anh) cũng diễn ra rất trôi chảy. Song đặc-biệt nhất phải kể một số trình diễn của phía Việt-nam (vũ Ngày mùa do mấy em nhỏ 6 tuổi thật xinh, ca-sĩ Thành Tựu hát hai bài "Việt-nam tôi đâu?" và "Anh là ai?" của Việt Khang, mấy bài nhộn nhịp của ca-sĩ Hoài Thanh, Kiều Nga và B.S. Hoàn Vũ, v.v.) và đặc-biệt, trình diễn thời-trang quốc-tế do Hội Phụ nữ của Bộ Ngoại-giao, hai màn "tap dances" của một đại-sứ phu-nhân Mỹ, cũng như một màn bắt chước Michael Jackson rất hay, rất thuyết phục do một phụ nữ bạn của bà Bông đảm trách.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.