Hôm nay,  

Thầy Nguyên Tâm Từ Nhật Tới Giảng Về Tinh Thần Vô Ngã

16/01/200600:00:00(Xem: 6174)
Fountain Valley (VB) .- Đại Đức Thích Nguyên Tâm, thuộc Chùa Việt Nam Los Angeles từng tốt nghiệp tiến sĩ Phật Học tại Nhật, hôm Thứ Bảy đã dành nửa buổi chiều để lược giảng về đề tài Tinh Thần Vô Ngã cho một số Phật tử Little Saigon, nhân sự thỉnh cầu của Đạo Tràng Bảo Liên thuộc thành phố Fountain Valley, hiện do Thầy Thích Trung Duệ coi sóc.

Trong gần hai giờ, Thầy Nguyên Tâm đã thu hút sự chú ý của Phật tử, mà gần phân nửa là các thành viên của Hội Phật học Đuốc Tuệ, qua cách nói chuyện, kể các mẫu chuyện liên hệ đến đề tài, cùng hướng dẫn cách tu tập cho người Phật tử, hơn là giảng thuần giáo lý khô khan. 'Tinh thần vô ngã là một trong những điều cần thực hành ngay, và lâu dài trong mỗi người Phật tử, ngõ hầu thiết lập được cõi Tịnh độ Niết bàn ngay trong cuộc sống này, cuộc đời này, không chần chừ gì nữa!", theo lời Thầy khuyên, luận ra từ lời Phật dạy Vô Ngã tức Niết bàn.

"Vô Ngã, hay phi ngã là một đề tài lớn trong giáo pháp của Như Lai nhằm giúp người Phật tử nhận ra chân lý rốt ráo của vạn vật, vạn pháp . Người tu hành, không chấp vào cái Ta, nhận thức rằng chúng sanh và mọi sự mọi vật đều không thực có thì sẽ dứt mê, dứt tham sân si, nhân đó thành tựu được sự nhẫn nhục, tạo được sự an lạc trong người."

Trong thời lượng hạn chế, Thầy chỉ đề cập đến một vài điểm căn bản của việc tu tập theo tinh thần vô ngã, trong đó các đức tính nhẫn và hỷ, xả là cần thiết để loại bỏ những ngọn gió làm phiến động lòng người, gọi là "bát phong".

"Bát phong có nghĩa là 8 yếu tố dễ khiến tâm mình động mà kinh Phật cho thấy gồm có Lợi, Suy, Hủy. Dự, Xưng, Cơ, Khổ, Lạc. Nghĩa là những chuyện hám lợi, chuyện thăng trầm, lời khen tiếng chê, hoạn nạn đau buồn thành tựu vui sướng,.v.v. thường là những động cơ khiến tâm người Phật tử bị khuấy động, đeo đuổi mưu cầu hoặc trốn chạy, khiến cuộc sống cảm thấy thiếu an lạc, hạnh phúc.

Khi thấm nhập tinh thần vô ngã, thì sẽ thấy đối với mình và đối với người, mọi vật mọi pháp, đeu không chấp có một thân thể trường tồn nhất định, mà cho rằng thân mình do ngũ uẩn tạm thời hòa hợp mà thôi, các pháp đều do nhân duyên kết hợp mà sanh ra, thì tâm mình sẽ dứt mê, tham sân si, và được minh mẫn an lạc.

Vài câu chuyện trong văn học cổ được Thầy Nguyên Tâm kể ra hấp dẫn, để quảng diễn những điểm trong "bát phong", được gần 30 Phật tử thích thú ngồi nghe, như chuyện nhà thơ quan võ Tô đông Pha nổi cộc khi bị một ngài Phật Ấn thử nghiệm công phu tu tập, chuyện 1 nhà buôn bị oan, chịu nhẫn, rồi ngộ đạo và độ được kẻ sát nhân...

Thầy cũng đề cập tinh hoa không chú trọng cái Ta, đánh quên Tự ngã trong truyền thống ngôn ngữ Phương Đông như Pali, Tây Tạng, Nhật bản, Sankri, là trái ngược với truyền thống phương tây, để cho rằng đấy cũng là điều giải thích tại sao Phật giáo xuất hiện và phát triển ờ các nước phương Đông.

"Bỏ cái ngã chấp, thực hiện vô ngã, để tiến tới cái Ngã thật là Phật tánh. Đó là hai ý nghĩa của chữ Ngã, biểu thị hai giai đoạn tu tập, trong giáo lý đạo Phật", Thầy Nguyên Tâm cho hay khi trả lời một thắc mắc của 1 bác Phật tử về câu nói của đức Phật đản sanh Thiên Thượng Thiên Hạ, Duy Ngã Độc Tôn. Tuy nhiên, sẽ có dịp Thầy giảng rộng về vấn đề này sau. Điều Thầy Nguyên Tâm nhắc nhở các bác đang ngồi nghe pháp, là "tinh thần vô ngã cần được thực hiện ngay trong cuộc sống, chớ không phải nghe suông và nói suông!"

Kết thúc buổi giảng, Thầy tỏ lời khen thán phục một bác cư sĩ đã tiếp nhận nhanh chóng đai ý buổi giảng, khi bác này kính tặng Thầy 4 câu thơ Tự Cảm, toát lên nội dung buổi giảng pháp vô ngã.

Đó là 4 câu: "Vào đời 8 gió thổi tâm ta,

Chạy theo gió đẩy, sẽ đi xa,

Thổi vào đụng Ngã, nên Tâm động,

Vô Ngã cười nhìn 8 gió ca!"

Vị tác giả bài Tự Cảm, là cư sĩ Mật Nghiêm, hội trưởng Hội Phật học Đuốc Tuệ!

Trước khi chia tay Thầy Nguyên Tâm trở về trú xứ Chùa Việt Nam trong buổi chiều mưa cuối năm. Hội Đuốc Tuệ báo tin đã được Thầy Nguyên Tâm nhận lời giảng pháp cho Phật tử quận Cam vào ngày 21 tháng 5 sắp tới.

Buổi giảng mở ra ở hội trường Mc Garvin, nơi mà năm vừa qua phật tử vùng này được nghe Đại Đức Thích Tâm Thiện giảng nhiều buổi về Cận Tử Nghiệp, Tứ Diệu Đế, và nghe Thầy CE Hằng Trường giảng về kinh Hoa Nghiêm.

(Nguyên Hiền thuật)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.