Hôm nay,  

Họa Sĩ Nguyễn Văn Minh Đã Vĩnh Viễn Ra Đi

19/01/200500:00:00(Xem: 7953)
(Falls Church, VA—VATV) Vào trưa thứ Bẩy, 15 tháng Giêng năm 2005, thân hữu và tang quyến của Hoạ Sĩ Nguyễn Văn Minh đã đau xót tiễn đưa ông về miền vĩnh cửu tại nhà quàn National Funeral Home thuộc thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia.
Sau một thời gian ngắn bị đọa đày trong cơn đau của căn bệnh ung thư ngặt nghèo, Hoạ Sĩ Minh đã từ trần vào lúc 9 giờ 56 phút sáng ngày 6 tháng Giêng năm 2005 tại bệnh viện Fairfax Hospital để lại người mẹ già, em trai và 7 người con cùng các cháu. Xót thương hơn hết là người đệ tử cũng là người bạn tri kỷ đã chăm sóc cho ông từ lúc phát bệnh cho đến khi ma chay của ông được viên mãn. Hòa Thượng Thích Thanh Đạm từ chùa Giác Hoàng đã hoằng pháp và chủ lễ buổi hỏa táng của ông vào lúc 2 giờ chiều trong phạm vi gia đình thân thuộc. Trong cơn lạnh rét buốt của một chiều cuối tuần mùa Đông, là một người yêu triết lý nhà Phật, người hoạ sĩ tài danh kia đã nhẹ nhàng nâng gót về miền an lạc bỏ lại cho thế giới một di chúc vô giá—kho tàng nghệ thuật tranh sơn mài Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh sanh ngày 26 tháng 10 năm 1934 tại Làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định. Năm ông 12 tuổi, cha ông qua đời để lại một góa phụ và 2 đứa con trai còn thơ dại. Năm 16 tuổi, ông phải rời học đường để phụ giúp mẹ kiếm ăn nuôi gia đình và người em trai, ông Nguyễn Văn Tâm. Nhưng ý chí bất khuất và tánh mê học đã giúp ông xin được học bổng vào trung Tâm Khuyếch Trương Tiểu Công Nghệ năm 1954. Tại đây, ông đã phát hiện năng khiếu của mình. Với thiên tài về ngành mỹ thuật hội họa, ông đã đậu thủ khoa dễ dàng. Sau đó, ông liên tục được các học bổng sang Nhật huấn luyện thêm về kỹ thuật tranh sơn mài tại National Industrial Arts and Research Institute tại Kyoto và Sendai. Từ đó, nghệ thuật và tài năng của ông nở rộ như đóa mẫu đơn—đa dạng, đa nét, đa cảm, nhưng không kém sức trường tồn và uyển chuyển với những thay đổi của cuộc đời. Tưởng cũng nên nhắc lại, trong thời gian ấy, dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư kiêm Họa Sư Nguyễn Văn Rô, 2 tài năng mới đã được đào tạo cho ngành mỹ thuật sơn mài: Họa Sĩ Nguyễn Văn Minh và họa Sĩ Nguyễn Văn Trung. Và họ cũng là đôi bạn chí thân từ bao năm qua.
Năm 1962, Họa sĩ Minh được bổ nhiệm làm Quản đốc ngành Mỹ Thuật và Sơn Mài. Năm 1965, dưới sự giúp đỡ âm thầm của Cố Trung Tướng Đỗ Cao Trí, ông đã cùng Họa Sĩ Trung sáng lập Trung Tâm Mê Linh với hơn 100 nhân viên.
Một cơ duyên lành đã đến khi ông nhận được bức thư của Họa Sư Lê Văn Lệ thông báo cho ông một cơ hội ngàn vàng. Ngày ấy, tại Dinh Độc Lập phủ Tống Thống Việt Nam Cộng Hòa, bức họa bút bài thơ “Bình Ngô Đại Cáo” của Nguyễn Trãi nói lên sắc khí khởi binh của vua Lê Lợi được trưng tại đại sãnh của dinh. Phủ Tổng Thống muốn phát họa bài thơ ấy thành tranh để có thể diễn đạt thêm nét hào hùng của trang thơ. Nhân cơ hội ấy, Họa Sư Lệ đã ủy danh môn sinh của mình, Họa Sĩ Minh. Và ông đã được Phủ Tổng Thống ủy nhiệm sáng tác bức tranh ấy. Ông đã dùng sơn mài để cấu tạo sức dũng mãnh của đoàn binh ngựa, sức kiêu hùng của người anh hùng áo Lam, sức dẻo dang, trường tồn của những hàng tre ngả nghiêng theo chiều gió bão của đoàn quân; tất cả diễn tả sức hùng hồn, sắc bén, nêu cao hùng khí của người xưa và ý chí bất khuất của dân tộc ta. Bức tranh sơn mài dài 12 thước diễn dịch lại bài bố cáo với quốc dân về việc vua Lê Lợi đã bình định xong giặc nhà Minh đã uy nghi ngự trị tại phòng khánh tiết của Dinh Độc Lập cho tới năm 1975. Thời cuộc đổi thay, chế độ đổi, Dinh Độc Lập ngày nào nay đã trở thành viện bảo tàng quốc gia. Và bức tranh “Bình Ngô Đại Cáo” của Họa Sĩ Minh nay cũng đã trở thành quốc bảo của kho tàng nghệ thuật Việt Nam. Một công trình đáng kể khác của ông là bức họa chân dung của Đức Giáo Hoàng Phao Lồ Đệ Lục.

Sự nghiệp ổn định, trên đà tiến triển và cuộc sống cá nhân ông cũng nẩy nở như hoa Xuân. Năm 26 tuổi, ông thành hôn với cô Thạch Lý. Một năm sau, họ cho ra đời một bé gái kháu khỉnh, và liên tục trong 15 năm kế tiếp, ông bà đã “sản xuất” thêm 6 mụn con, trong đó có một cặp sinh đôi. Dù công việc đòi hỏi ông phải du lịch xa nhà thường xuyên, ông vẫn cố gắng phụ giúp vợ chăm sóc các con những lúc rảnh rỗi. Một trong những phút hạnh phúc nhất của ông là chào đón ngày ra đời của đứa con trai út tại vùng đất tự do Hoa Kỳ. Và nỗi đau xót nhất cũng là nỗi lòng của kẻ mất con khi cô con gái thứ ba qua đời vì ung thư ngực. Trong thời gian trị bệnh, ông phải dùng xe lăn vì quá yếu sức. Nhưng trong ngày hôn lễ của cô con gái út, ông đã trịnh trọng, trang nghiêm trong bộ y phục cao sang của người cha hãnh diện đưa con gái mình vào thánh đường làm lễ.
Biến cố 1975 đã đưa ông cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ và đã dịnh cư tại vùng phụ cận thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong 30 năm qua, ông vẫn tiếp tục theo đuổi ngành hội họa của ông để chăm nuôi gia đình với 8 mụn con còn non dại. Vào thập niên 80, ông mở phòng triển lãm tại khu thị tứ Georgetown trong một thời gian ngắn. Sau đó, ông tham dự cũng như tổ chức các buổi triển lãm khắp nước Mỹ và Âu Châu. Cũng trong thời gian này, ông đã thâu nhận một đệ tử mới. Phi Mai không những chỉ là một học trò sốt sắng, mê nghệ thuật như sư phụ của mình, mà cô chăm sóc, lo lắng cho ông còn hơn trách nhiệm của người con đối với cha mình. Cô đã đem đến cho cuộc đời còn lại của họa sĩ Minh một mối tình thầy trò sâu sắc, một tri kỷ hiếm có. Ngày cuối cùng, ông đã gọi Phi Mai đến căn phòng trọ nơi ông dưỡng bệnh và cho biết ông không thể kháng cự được nữa. Con vi khuẩn ung thư kia đã lấy đi cuộc đời của ông. Ông hưởng thọ 71 tuổi.
Trong tang lễ của ông, một số bạn bè, thân hữu cùng các con lần lượt diễn đạt cảm nghĩ cá nhân và ngỏ lời vĩnh biệt cùng người quá cố. Nhà thơ Hà Bỉnh Trung, người bạn 45 năm với Họa Sĩ Minh, đã tóm lược quá trình hoạt động của ông và kính điếu hương linh. Sau đó, Bác Kinh, người bạn thân nhất của Họa Sĩ Minh từ hơn 50 năm qua, đã bổ túc thêm về sự nghiệp của ông kèm theo những kỷ niệm mà họ đã từng chia sẻ. Những thút thít, sụt xùi bỗng ngừng lại để được thay thế bằng những tiếng cười gợi nhớ lại bản tính khôi hài vô tư của ông ngày nào. Tuy chỉ mới quen Họa Sĩ Minh hơn 5 năm, ông Doãn chia sẻ nhận xét của ông về Họa Sĩ Minh hiển hiện bản tính hiền hòa, niềm nở của ông cho thấy ông sống rất trọn vẹn, “ông yêu sự sống của ông cho đến hơi thở cuối cùng”. Trong bài tán dương về cha, anh Nguyễn Minh Nhật, trưởng nam của Họa Sĩ Minh, đã kể lại những kỷ niệm anh đã được hưởng cùng với cha. Ông đã để lại cho gia đình 2 di vật đáng quí nhất: gia đình, con cái và nghệ thuật. Những gì ông sáng tạo đều phải phát xuất từ nguyên thủy và do chính bàn tay của ông nắn nuốt nó để trở thành tuyệt hảo.
Trong những ngày cuối cùng của ông, ông hàn gắn tâm tư trong lý thuyết nhà Phật. Với ông tâm từ bi là sự cấu tạo tuyệt hảo nhất trong cuộc sống và hạnh phúc sẽ không bao giờ thuyên giảm khi được chia sẻ với mọi người. Ông đã ra đi nhẹ nhàng như một giấc ngủ và hôm nay tấm thân tứ đại của ông cũng đã trở thành một di tích lịch sử như những sáng tác nghệ thuật của ông--sẽ không bao giờ bị lãng quên.
Xin được chuyển dịch bài thơ của thi sĩ Melinda Sue Pacho đã đư ợc một thân hữu của Họa Sĩ Minh đọc tại lễ an táng của ông để thay thế người quá cố nhắn đôi dòng về thân bằng quyến thuộc.
Khi Tôi Mất
Đừng nhỏ lệ trước mồ chưa xanh cỏ.
Tôi đi chứ không an giấc ngàn thu
Tôi đã thành ngọn phong ba trôi dạt.
Là kim thạch lóng lánh đỉnh tuyết sơn.
Tôi là ánh sáng đọng trên lúa vàng.
Là cơn mưa phùn thấp thoảng thu sang.
Khi trở giấc trong bình minh an lạc.
Tôi là luồng gió nhẹ đánh thức em.
Đàn chim sẻ lượn đùa trong nắng ấm.
Tôi là vầng sao nhẹ soi sáng em.
Đừng nhỏ lệ trước mồ chưa xanh cỏ.
Nào tôi có đó… đâu đã ra đi…
Lê Thùy Lan
Falls Church, VA

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.