Hôm nay,  

Á Châu 2007

27/12/200600:00:00(Xem: 7648)

Á Châu 2007

... Cởi mở về kinh tế có dẫn tới cởi mở về chính trị hay không...

Chúng ta đang ở vào những ngày cuối năm, và chờ đợi nhiều hy vọng tốt đẹp cho năm 2007. Đối với các nền kinh tế Á châu, viễn ảnh kinh tế trong năm 2007 sẽ ra sao" Diễn đàn Kinh tế sẽ làm một bản tổng kết cho câu hỏi này trong phần trao đổi cùng kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện sau đây.

Hỏi: Năm 2007 sẽ mở ra nội trong vài ngày tới, chúng tôi xin đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu về triển vọng hay rủi ro kinh tế trong năm tới cho các nền kinh tế Á châu. Câu đầu tiên của chúng tôi là tình hình chung sẽ ra sao, có khả quan hay không"

- Nhìn chung thì tình hình tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ khả quan, nhưng không được như năm nay và câu hỏi đang ám ảnh mọi người trên các thị trường Châu Á là liệu Á Châu đã đứng vững chưa hay vẫn tùy thuộc vào một đầu máy tăng trưởng là kinh tế Hoa Kỳ. Câu hỏi ấy sở dĩ được đặt ra vì, dù chỉ đóng góp chừng 22 đến 25% vào tổng sản lượng kinh tế của thế giới, kinh tế Mỹ vẫn góp phần tới 60% vào tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vì sức tiêu thụ rất cao của mình mà qua năm tới đây, kinh tế Mỹ sẽ bước vào một chu kỳ suy trầm nhẹ, ít ra trong sáu tháng đầu năm và gặp trường hợp ấy nạn suy trầm tại Mỹ sẽ chi phối sự thịnh vượng của Châu Á như thế nào"

Hỏi: Thưa ông, nói như vậy nghĩa là nếu tìm hiểu về viễn ảnh 2007 của Á châu, người ta vẫn cần nhìn về kinh tế Hoa Kỳ phải không"

- Thưa đúng như vậy và đây là một nghịch lý mà chúng ta cần quan tâm khi phân tách tình hình kinh tế thế giới. Các quốc gia đều có thói quen nghi kỵ hay đả kích chính sách ngoại giao của Mỹ nhưng thực ra vẫn cần tới niềm tin tưởng và sự lạc quan của giới tiêu thụ Mỹ và chính tâm lý ấy cũng giải thích vì sao nhiều nước chống Mỹ ở bề ngoài mà vẫn thấy cần Mỹ nên càng chống!

Hỏi: Ông vừa nói là người ta chưa rõ rằng Châu Á đã đứng vững hay chưa, và có bị lệ thuộc quá nhiều vào kinh tế Hoa Kỳ không. Như vậy, Á Châu cũng có một hy vọng xin tạm gọi là độc lập hay được tách rời khỏi những chu kỳ thăng trầm của thị trường Hoa Kỳ"

- Và đấy sẽ là câu hỏi lớn của năm 2007 này. Nói cho cụ thể thì mức độ ràng buộc của kinh tế Á Châu - đây là ta nói về Á Châu ngoài Nhật Bản - vào kinh tế Mỹ có thể đo lường ở ba yếu tố. Thứ nhất là sản lượng Á Châu cao hay thấp so với sản lượng Hoa Kỳ, thì trong năm năm qua, tỷ trọng của sức sản xuất Á Châu so sánh với Hoa Kỳ có gia tăng đáng kể, từ một phần ba nay đã lên tới khoảng 45%. Yếu tố thứ hai là tỷ trọng của xuất khẩu Á Châu qua Mỹ nhiều hay ít, thì trong mươi năm qua, phần xuất khẩu của Á Châu vào thị trường Mỹ có giảm, từ hơn 22% nay chỉ còn khoảng 17-18% và vì vậy bị hay được hiệu ứng của Mỹ ít hơn. Yếu tố thứ ba, hơi chuyên môn hơn một chút, là mức lãi suất bình quân của Á châu so với lãi suất tại Mỹ ra sao. Hiện nay, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ đã tăng 17 lần mỗi lần 25 điểm kể từ tháng Sáu năm 2004, trong khi ấy, lãi suất bình quân tại Á châu vẫn còn thấp hơn nhiều. Căn cứ trên quan hệ thực tế ấy, nhiều người cho rằng Á Châu nay đã có thể đứng một mình và không bị ảnh hưởng nhiều của các chu kỳ thăng giáng tại Mỹ. Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng ảnh hưởng đó vẫn có và đấy là một rủi ro.

Hỏi: Ông giải thích thế nào về nhận định có vẻ bi quan ấy"

- Thưa là vì Á Châu, ngoại trừ trường hợp Ấn Độ, vẫn chưa có khả năng tôi xin tạm gọi là “kích cầu nội địa”, tức là gia tăng sức tiêu thụ của thị trường nội địa và ngạch số đầu tư nhiều hay ít vẫn cứ được quyết định căn cứ trên triển vọng xuất khẩu của các nước và trên chu kỳ tăng trưởng của thế giới bên ngoài. Chúng ta có thể thấy điều ấy khá rõ ngay tại Việt Nam. Ngày hôm nay, ở tại Việt Nam, mọi người đều lạc quan với việc gia nhập WTO và tính toán làm ăn gì, kể cả xây cất hoặc đầu tư vào bất động sản, cũng căn cứ vào triển vọng mua bán hay giao dịch với Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng thế và họ vừa lên tiếng than phiền là khoảng cách giàu nghèo ngày càng đào sâu chính là vì thành phần gọi là giàu có thịnh vượng nhất, ở các tỉnh duyên hải, đã làm giàu nhờ giao dịch buôn bán với thị trường bên ngoài, chủ yếu là thị trường Mỹ.

Hỏi: Trong giả thuyết gọi là bi quan là kinh tế Mỹ sẽ gặp chu kỳ suy trầm nhẹ và Á Châu sẽ bị vạ lây thì những gì có thể xảy ra"

- Nói chung thì tốc độ tăng trưởng có thể giảm chứ không bằng được kết quả năm nay. Thứ hai, ví thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, các nước phải cố gắng cạnh tranh để bán hàng cho nhiều nên mâu thuẫn về ngoại thương sẽ gia tăng. Tại Hoa Kỳ, xu hướng bảo hộ mậu dịch đã thắng thế sau cuộc bầu cử vừa qua, sẽ càng trở thành gay gắt hơn với các nước xuất khẩu tại Đông Á. Cũng vì vậy mà vòng đàm phán Doha ta đã đề cập nhiều lần trên diễn đàn này sẽ khó được khai thông. Và đặc biệt là quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ càng căng thẳng, nhất là trong năm tới khi đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ có Đại hội, năm năm một lần. Dù sao, Trung Quốc vẫn còn một hy vọng khác là việc xây cất hạ tầng để chuẩn bị cho Thế vận hội Bắc Kinh 2008 nên sẽ bị ảnh hưởng ít hơn từ chu kỳ suy trầm tại Mỹ.

Hỏi: Trước khi chúng ta đề cập đến trường hợp Việt Nam, xin ông trình bày chung về khung cảnh của các nước Đông Nam Á, tức là Á Châu ngoài Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ và không kể các nước Đông Bắc Á như Đài Loan, Nam Hàn.

- Sau vụ khủng hoảng kinh tế Đông Á năm 1997-1998, các nước Á Châu và đặc biệt là Đông Nam Á đều thấy mối nguy khi giàng sự thịnh suy kinh tế vào thị trường bên ngoài nhưng chỉ có hai quốc gia là Thái Lan và Malaysia là có nỗ lực tôi gọi là kích cầu nội địa. Nhưng nỗ lực ấy đã bị suy giảm tại Thái vì bất ổn chính trị trong năm qua, và cũng không đủ mạnh tại Malaysia. Vì vậy, qua năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước Đông Nam Á có thể sẽ sút giảm so với năm nay, thay vì gần 6% thì chỉ còn hơn 5%. Ngoại lệ trong khu vực chính là Việt Nam.

Hỏi: Chúng ta đi vào đề mục cuối cùng là tình hình Việt Nam đó, vì sao ông lại có vẻ lạc quan với viễn ảnh 2007 của Việt Nam"

- Vì một lý do dễ hiểu là sự lạc quan phổ biến của thị trường với việc Việt Nam sẽ gia nhập WTO vào năm tới và lại vừa có quy chế mậu dịch bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ nên sẽ tiếp nhận khá nhiều đầu tư và sẽ xây cất rất mạnh. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế cho toàn năm có thể vẫn còn khả quan, chừng 7,5 đến 7,6%. Qua đến giữa năm 2007 trở đi thì mới gặp hiệu ứng bất lợi và hiệu ứng đó sẽ thành trầm trọng hơn trong năm 2008 khi thị trường thấy ra mặt trái của cơ chế chưa kịp cải cách theo những quy định của WTO. Cũng vì vậy mà tôi cho rằng giới lãnh đạo kinh tế và doanh gia cần nhìn xa hơn sự lạc quan nhất thời của viễn ảnh 2007.

Hỏi: Nhân dịp tổng kết vào cuối năm về mối quan hệ kinh tế giữa Á Châu và Hoa Kỳ, xin hỏi ông thêm một chi tiết khá đặc biệt nhưng ít được đề cập là vai trò kinh tế của người Việt ở tại Mỹ đối với thị trường Việt Nam. Đây là một vấn đề chúng tôi biết là rất nhạy cảm nhưng thật ra rất được người Việt quan tâm.

- Tôi biết rằng đây là một vấn đề nhạy cảm nên sẽ cố trình bày trên khía cạnh chuyên môn kinh tế trước khi nói đến những kết luận khác.

Hơn 25 năm trước, khi Đặng Tiểu Bình chuyển hướng và mở cửa kinh tế, động lực đầu tiên giúp cho kinh tế xứ này ra khỏi thời kỳ khủng hoảng u ám của cách mạng vô sản kiểu Mao chính là cộng đồng người Hoa tại hải ngoại, ta gọi là Hoa Kiều, chủ yếu qua ngả Hong Kong. Sau đấy mới tới các nhà đầu tư của các nước tư bản Tây phương. Việt Nam không được như vậy vì lầm lẫn tai hại về chính sách của lãnh đạo thời ấy và vì cộng đồng người Việt tại hải ngoại thành hình từ một thảm kịch quá lớn mà lãnh đạo tại Hà Nội không bao giờ công khai xin lỗi. Họ cứ nói vuốt theo kiểu chung chung như khúc ruột xa ngoài ngàn dậm.

Hỏi: Kết quả là đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau thời đổi mới vẫn chưa có sự tham gia của cộng đồng người Việt ở hải ngoại"

- Thưa đúng vậy và đây là yếu kém đáng kể của Việt Nam nếu so với trường hợp Trung Quốc. Phải mất một thời gian khá lâu, cả chục năm, người ta mới từ bỏ được thói quen tôi xin gọi là “đánh quả” và “móc túi vặt” đối với đầu tư của người Việt ở nước ngoài. Tình hình ngày nay đang đổi khác và sẽ còn khác trong thời gian tới và người ta có thể chứng kiến điều ấy ngay tại California là nơi tập trung một cộng đồng người Việt rất đông đảo và thành công về kinh doanh. Chúng ta đang chứng kiến một hiện tượng có thể gọi là hai bình thông nhau về kinh tế.

Hỏi: Ông nói đến hiện tượng “bình thông nhau” là như thế nào"

- Đó là mối giao dịch kinh tế giữa người Việt ở trong và ngoài nước. Trước tiên là hai bình thông đáy nhờ nguồn tiếp tế của người Việt hải ngoại cho thân nhân ở nhà. Kế tiếp là nhiều người đã dọ dẫm trở về đầu tư sau đấy thất vọng vì cơ hội thì ít mà tham nhũng và cướp giựt thì nhiều. Sau đó, kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ ký kết Hiệp định Thương mại Song phương cách đây năm năm thì quy củ về đầu tư, chủ yếu do sức ép của doanh giới Mỹ, mới có cải thiện và nhờ đấy giới đầu tư người Mỹ gốc Việt Nam mới tìm về đông hơn, dù vẫn gặp rủi ro cao hơn người Mỹ không phải là gốc Việt Nam. Đây là sự khác biệt đáng xấu hổ cho người Việt Nam nếu ta so với trường hợp của Trung Quốc. Nói ra thì kỳ, họ có tinh thần dân tộc cao hơn chúng ta!

Hỏi: Và ngày nay, với triển vọng WTO đang rộng mở thì hiện tượng ông gọi là bình thông nhau đang gia tăng"

- Thưa rằng ta gặp một hiện tượng phức tạp hơn thế, vì hai bình thông nhau ở nhiều cửa, nhiều cấp. Ngày càng có nhiều người Việt tại Mỹ trở về đầu tư và làm ăn trước tiên là với thân nhân và gia đình vì sự tin tưởng, và ngày càng có nhiều thành phần khá giả hơn đầu tư vào những cơ sở quy mô hơn. Vì chế độ chưa hoàn toàn bình thường hoá quan hệ với người dân nên giới đầu tư ấy ít muốn công khai hoá việc làm ăn của họ. Ngược lại, một số thành phần khá giả, về tiền bạc và thế lực, cũng bắt đầu chuyển tiền ra ngoài. Ban đầu chỉ là cho con em đi học và mua nhà mua cửa, sau đó thì đầu tư vào các cơ sở kinh doanh. Hai bình thông nhau vì vậy ở nhiều cửa và ở hai chiều. Dân hải ngoại đem tiền về nhà đầu tư và mở ra cơ hội xuất khẩu cho người ở trong nước, đồng thời một số người có chức có quyền hay có tiền thì đầu tư ngược ra ngoài.

Hỏi: Câu hỏi cuối, thưa ông, là một câu nhạy cảm. Cởi mở về kinh tế có dẫn tới cởi mở về chính trị hay không" Chúng tôi sở dĩ nêu câu hỏi này vì nhiều người cho rằng nhờ việc Việt Nam gia nhập tổ chức WTO mà tình hình chính trị tại Việt Nam có thể sẽ thay đổi trong năm 2007 này.

- Tôi không tin như vậy. Tôi không tin là cải cách kinh tế sẽ cải thiện mức sống nhờ đó người dân sẽ có những ưu tiên cao hơn trong sự đòi hỏi. Lý do là mọi việc giải phóng sẽ giải phóng trước tiên những phản ứng tiêu cực, thí dụ như mánh mung và tham nhũng, và điều ấy càng làm ung thối hệ thống chính trị ở trên. Vì vậy, tôi cho rằng dù tình hình Việt Nam có cải thiện về kinh tế, việc người Việt ở trong và ngoài nước đòi hỏi tự do và dân chủ nhiều hơn thì vẫn là điều cần thiết và phải nói là có ích cho những người muốn kinh doanh hầu cải thiện cuộc sống của ngườ dân trong nước. Nếu cứ nhìn hai vế chính trị và kinh tế như đối lập thì người ta quên mất cái thế đòn bẩy tương tác giữa việc cải thiện chính trị và luật lệ cho thông thoáng với việc đẩu tư cho an toàn. Tôi nghĩ rằng năm 2007 sẽ chứng kiến sự chuyển động ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Để nuôi dưỡng tình thân thương giữa chị em, cũng như để có cơ  hội ôn lại những kỷ niệm êm đẹp trong thời gian phục vụ trong QLVNCH
Như ta đã biết Xã Hội Dân Sự là một trong ba thành phần của Không gian Xã hội (social space) cùng song hành với Khu vực Nhà Nước (the State)
Biến cố làm chấn động dư luận trong và ngoài nước suốt cả tháng nay là vụ cầu Cần Thơ bị sập hai nhịp cầu dẫn đang thi công
Năm nay, ba nhà kinh tế Hoa Kỳ đã đoạt giải Nobel về Kinh tế học nhờ những đóng góp trong lý thuyết về thiết kế cơ chế
Văn Phòng II Viện Hóa Đạo, Giáo Hội PGVNTN, đã chính thức ra mắt trong buổi họp báo hôm Thứ Bảy 13-10-2007 ở thị xã Westminster
Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lần X  đã hoàn tất mỹ mãn. Bản tin sau là từ Thông Tấn Xã Công Giáo Việt Nam
Thực ra, không chấp nhận đối lập, nói cách khác không dám thay đổi hay bỏ điều 4 Hiến Pháp, đảng CSVN coi như đang tự sát cho sinh mệnh chính trị của đảng
Sau đây là lời tường thuật kinh nghiệm tự chữa trị bịnh tiểu đường của kỹ sư Nguyễn Ngọc Quang, một kỷ sư thiết kế, năm nay 68 tuổi
Khi nguyên Phó Tổng thống Al Gore được Giải Nobel Hoà Bình, một số nhà bình luận Hoa Kỳ lập tức kết luận, rằng ông Gore đã thắng trận phục thù
Về sự cố cầu Cần Thơ, cũng cần nhìn lại những yếu kém của ngành xây dựng Việt Nam, sự thật đây cũng là yếu kém chung của đất nước
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.