Hôm nay,  

Lãng Phí Trong Đầu Tư

18/11/200300:00:00(Xem: 14714)
Hôm 17-11, báo chí VN cho biết theo giới chức đầu tư của Bộ Tài chính, việc đầu tư và xây dựng cơ bản trong khu vực kinh tế nhà nước thất thoát từ 20 đến 25 ngàn tỷ đồng mỗi năm, một con số rất lớn so với tổng sản lượng hàng năm của toàn dân.
Dưới đây là bài của đài RFA trao đổi với Kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về hiện tượng trên.
Hỏi: Thưa ông, tin tức báo chí trong nước vừa nói về việc đầu tư và xây dựng cơ bản thì nhà nước bị thất thoát mỗi năm từ 20 đến 25 ngàn tỷ đồng. Ông nghĩ sao về điều đó"
-- Đầu tiên là một sự vui mừng, vì thứ nhất đã có giới chức nhà nước đề cập đến tệ nạn này, thứ hai, đã có báo chí dám nói đến sự phê phán đó. Trước đây, chỉ có dân gian nói ra và nói xong thì bị phiền nhiễu, thậm chí hoạn nạn. Đó là nhận xét sơ khởi về hệ thống báo động và tôi xin được nhắc lại nhận xét của một kinh tế gia gốc Ấn Độ, ông Amartya Sen, giải Nobel về Kinh tế năm 1998, là trong các xã hội có tự do báo chí, ta không có nạn đói vì nguy cơ bị đói được báo chí tức thời đề cập khiến nhà nuớc không thể không có biện pháp đối phó. Cho nên, không thể có phát triển kinh tế đồng bộ và bền vững nếu không có tự do thông tin. Đó là nhận xét thứ nhất. Nhận xét thứ hai là về kích thước của vấn đề. Do báo cáo của cơ chế có thẩm quyền là Bộ Tài chính, nạn thất thoát hay lãng phí đầu tư trong khu vực tư nhân hay đầu tư trực tiếp của nước ngoài thì rất ít hoặc không có. Đấy nhờ là quy luật kinh tế gọi là “của đau con xót”, ngược lại, vấn đề nằm trong khu vực nhà nước. Tại Việt Nam ngày nay, khu vực kinh tế nhà nước vẫn chiếm lĩnh vai trò chủ đạo vì cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Phần đầu tư của khu vực này, thuộc nhiều cấp độ và thẩm quyền, vẫn được coi là động lực chính của tăng trưởng kinh tế theo những ưu tiên mơ hồ của chính phủ hay của đảng cầm quyền và lãnh đạo. Trong ngân khoản đầu tư đó thì đầu tư và xây dựng cơ bản chỉ là một phần thôi. Vậy mà số lượng thất thoát hay lãng phí được chính thức xác định bởi Vụ Đầu tư của Bộ Tài chính lại lên đến từ 20 đến 25 ngàn tỷ đồng Việt Nam thì ta phải giật mình vì lên tới 30% kim ngạch đầu tư của khu vực nhà nước. Quy ra đô la theo hối suất hiện hành thì khoản mất mát đó lên tới bình quân là 5% tổng sản lượng hàng năm của quốc dân. Nếu kinh tế quốc dân hàng năm tăng thêm được 7% thì 5%, tức là hơn 70% số đó, bị mất vào tay một số kẻ thừa hành trong bộ máy nhà nước. Sự mất mát đó khiến cho một thiểu số có thể làm giàu bất chính trên lưng đa số nghèo túng và đây là nghịch lý nếu so với cái gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Hỏi: Đi vào chi tiết, thưa ông, vì sao lại có nạn thất thoát đó"
-- Về các nguyên do thì ta phải phân biệt hai lãnh vực. Thứ nhất là về kỹ thuật quản trị ngân sách quốc gia; vì thiếu mạch lạc về ưu tiên và thiếu chặt chẽ trong thông tin nên dự án thực hiện không sát mục tiêu, gây lãng phí về tài nguyên và cơ hội, đáng lẽ dùng vào việc này thì có hiệu quả kinh tế hay xã hội cao hơn là vào việc khác. Lãnh vực đó có thể cải tiến nếu người ta muốn và nhất là chấp nhận nguyên tắc “phàm cái gì dân làm được thì nhà nước đừng làm để khỏi cạnh tranh”, với năng suất vốn dĩ là thấp hơn tư doanh. Khốn nỗi, và đây ta đụng vào lãnh vực thứ hai, là cơ chế chính trị và luật pháp bất toàn gây ra không chỉ lãng phí mà thực tế là thất thoát, nôm na là sang đoạt bất hợp pháp. Ai có thể làm nổi việc chiếm đoạt ấy nếu không có liên hệ đến nhà nước" Nạn thất thoát xảy ra ở tất cả các khâu, các chặng, của việc đầu tư, từ trù hoạch hay quy hoạch đến xác định chủ trương đầu tư, soạn thảo dự án, thẩm xét giá trị kinh tế hay xã hội của dự án, đến phê duyệt, giải phóng mặt bằng và tái định cư dân chúng bị chuyển dịch nếu liên hệ đến đất đai, rồi thủ tục đấu thầu, thực hiện, thanh toán và kiểm tra tiến độ thực hiện công trình. Những chi tiết này vừa được nêu ra, với rất nhiều thí dụ cụ thể mà dân trong nước từng nơi đều có thể đã phong thanh nghe nói đến. Trong hai lãnh vực gây vấn đề thì phần kỹ thuật quản trị ngân sách và dự án đã được các nước hay cơ quan cấp viện chú ý, khuyến cáo và viện trợ khá nhiều về cả tài chính và kỹ thuật để khắc phục. Lãnh vực cơ chế lại là nơi khó xử lý nhất vì đụng vào quyền lực. Mà quyền lực càng cao, dự án càng lớn thì tỷ lệ thất thoát càng nhiều vì trách nhiệm càng nhỏ về cả hành chính, hình sự hay chính trị.
Hỏi: Xin ông đơn cử cho một số thí dụ về hiện tượng này.

-- Thí dụ thì có rất nhiều, từ Bắc vào Nam đều có. Như vụ xây dựng đường liên tỉnh 15 với Chủ đầu tư là Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Cơ sở. Họ đầu tư theo thể thức BOT (build,-operate-transfer) là xây dựng, điều hành và chuyển giao. Vốn đầu tư ban đầu là hơn 99 tỷ đồng, sau được phù phép thổi hai lần thành gần 199 tỷ, làm Ủy ban Nhân dân thành phố Sàigon kêu trời là có sai phạm nghiêm trọng gây thất thoát đến mươi tỷ. Vụ ông Bùi Xuân Trường, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Công trình Giao thông của Bộ Giao thông Vận tải đã rút tiền chi sai nguyên tắc đến 26 tỷ đồng. Nổi tiếng nhất trong dư luận là vụ bà Lã Thị Kim Oanh đang ra tòa vì đã tham ô gần 83 tỷ đồng trong chức vụ Giám đốc Công ty Tiếp thị Đầu tư Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn, số tiền đó là hơn năm triệu đô la, trong một xứ mà lợi tức cả năm của dân cư chưa lên đến 400 đô la một người. Cũng bộ Giao thông và Vận tải, là chủ đầu tư của dự án xây cầu Hoàng Long và cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, đã không tiến hành việc thẩm định dự án cho đầy đủ và chặt chẽ nên vốn đầu tư tăng từ hơn 83 tỷ lên tới hơn 224 tỷ đồng.
Hỏi: Bây giờ, sau khi tìm hiểu về nguyên do và kích thước vấn đề, xin hãy nói qua về lối xử lý. Nếu ông cho rằng vấn đề chính thuộc lãnh vực cơ chế, người ta sẽ xử lý ra sao"
-- Vấn đề cơ chế đó thuộc phạm vi “văn hóa xã hội chủ nghĩa”, xin tạm gọi là “cha chung không ai khóc” của thời bao cấp, và được duy trì cho đến nay vì cái chủ trương chính trị gọi là “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đất nước là của toàn dân, cũng như đất đai theo định nghĩa chính thức hiện hành, nhưng lại “do nhà nước thống nhất quản lý”, cũng theo định nghĩa chính thức. Nghị quyết xác định ưu tiên, nhà nước soạn thảo dự án căn cứ trên lắm ưu tiên chính trị vu vơ mà không ai dám nêu thành vấn đề, điển hình là dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Sau đó, nhà nước thẩm định rồi phê duyệt dự án, làm chuẩn chi viên kiêm thanh toán viên lẫn giám sát và quyết toán sổ sách rồi trấn an nhau bằng nguyên tắc “hậu kiểm”. Có khi dự án đưa vào sử dụng từ một hai năm rồi mà chưa có cơ quan phê duyệt báo cáo quyết toán. Nhà nước mà bao biện như vậy tất nhiên gây thất thoát tài sản quốc dân, ở đâu cũng thế mà thôi.
Hỏi: Tức là với cơ chế chính trị hiện nay,nạn lãng phí hay thất thoát đó sẽ còn tiếp tục"
-- Cơ bản là như vậy. Trong khi chờ đợi, người ta có thể khắc phục được một số khó khăn để dân chúng khỏi bất mãn bằng cách tăng cường khả năng giám sát của một số cơ chế độc lập, thí dụ cao cấp nhất là Quốc hội, nếu cơ chế này dám đảm nhận trách nhiệm độc lập, là điều vẫn rất khó. Nếu không, thì vẫn chỉ là tay phải ngăn tay trái của cùng một cơ thể là đừng “dĩ công vi tư”. Thói thường, người ta làm gì cũng biết so sánh lợi ích kinh tế với rủi ro bị trừng phạt khi vi phạm luật lệ. Nếu thấy rủi ro không đáng kể vì ta được cơ chế chính trị bảo vệ thì bất cứ ai ngồi vào vị trí có “định hướng” đó đều có thể bị cám dỗ.
Hỏi: Ông nhiều lần nói đến “định hướng xã hội chủ nghĩa” như một nguyên nhân của tệ tham ô lãng phí. Xin ông tổng kết cho buổi trao đổi hôm nay về vấn đề này.
-- Trung tuần tháng 10 vừa qua, tại Bắc Kinh, đã có một hội nghị trao đổi giữa các nhà lý luận Việt Nam và Trung Quốc về khái niệm hay phạm trù này, tạm gọi là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” hay “xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa” nói theo lối Trung Quốc, hoặc “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, là lối nói của lãnh đạo Việt Nam. Thực chất thì không ai xác định được nội dung của những khái niệm đó ra sao, ngoài một số nhà lý luận, vốn sống tách rời khỏi đời sống dân sinh và được gọi ra chứng minh rằng lãnh đạo có nói trắng hay đen gì thì vẫn có lý. Họ như các quan Thái sử hay Chiêm bốc thời phong kiến đã nhân danh những vận hành mơ hồ của thiên nhiên vạn vật hay Thiên mệnh để tâu bày rằng Hoàng đế luôn luôn có lý. Những lý luận theo lối viện dẫn Karl Marx hay Lenin đều chỉ là phần biện bác của các quan thái bốc hiện đại. Tuy nhiên, vượt ra khỏi mâu thuẫn của lối trói voi bỏ giọ hoặc chứng tỏ hình tròn có bốn góc như vậy, ta có thể nói “định hướng xã hội” của một chính quyền là quan tâm đến đa số, nhất là những kẻ thất thế trong xã hội, và giải trừ mọi thế lực độc quyền của những kẻ có tiền hay có quyền, hầu kết quả của phát triển được phân phối đồng đều hơn cho đa số. Và, quan trọng hơn hết, người ta không thể chống lại quy luật thị trường, hoặc đưa nhà nước lên thành cơ chế trấn áp thị trường, nhân danh xã hội chủ nghĩa hay nhân danh bất cứ điều gì. Làm như vậy, nhà nước dễ là công cụ của một thiểu số có tư thế an toàn nhất để chiếm đoạt tài sản công cộng mà không sợ bị trừng phạt. Từ mấy năm cuối của thập kỷ 60, một số nước Đông Âu, điển hình là Hungary, đã cố tìm ra hình tròn bốn góc bằng phạm trù “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa” mà không xong, và cuối cùng thì chế độ cộng sản bao cấp tại đấy cũng tan tành. Bốn mươi năm sau mà Việt Nam còn loay hoay trong vòng lý luận đó thì không nên ngạc nhiên vì sao xứ sở chậm tiến. Kinh tế có tăng trưởng 7% mà 70% của số đó lại tuột vào tay một thiểu số thân cận với đảng và nhà nước thì rõ là người ta đùa cợt với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà nước Việt Nam là một trong các Chế độ Cộng sản bị Tổng thống George W. Bush lên án trước lương tâm nhân loại trong buổi lễ khánh thành
Tính cho đến nay, đã có tổng cộng 18 ứng viên chính thức ghi danh tranh cử tổng thống Mỹ, trong đó có 10 ứng viên Cộng Hòa và tám ứng viên Dân Chủ
Nội sáu tháng đầu năm nay, trái bóng đầu cơ cổ phiếu Trung Quốc đã ba lần bị xì. Lần đầu vào ngày 28 tháng Hai
Bài phỏng vấn cựu Thủ tướng (TT) và nguyên ủy viên Bộ chính trị (BCT) Võ Văn Kiệt (VVK) của BBC được truyền đi vào cuối tháng 4
Hàn quốc và Việt nam có nhiều nét tương đồng: cùng có lịch sử dựng nước trên 4000 năm, từng bị ngoại bang xâm lấn nhiều lần
Trong thời gian gần đây, giới tiêu thụ Việt Nam bắt đầu bàng hoàng vì hàng hoá Trung Quốc kém chất lượng và thiếu vệ sinh
Vấn đề buôn bán phụ nữ trẻ em ở Thế Kỷ 21 còn tồi tệ hơn buôn bán nô lệ mấy thế kỷ trước đây. Hoa Kỳ rất tích cực trong việc chống nạn
Tính đến năm 2007, Phật Giáo Hòa Hảo đã trải qua 68 năm hành đạo với nhiều nỗi thăng trầm, nhiều lần Pháp nạn, tưởng chừng không thể vượt qua
Ngày nay du khách đến Việt Nam đều hết sức kinh ngạc truớc cảnh tượng người dân, già trẻ, lớn bé
Kết quả cuộc bầu cử đặc biệt ngày 5-6 ở San Jose để điền khuyết ghế nghị viên đơn vị 4 đã có
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.