Hôm nay,  

Không Ai Đứng Một Mình

8/22/202109:07:00(View: 3921)

 

 

Cơn mưa phùn đêm qua còn đọng nước trên đường. Gió thu đã về. Lá vàng theo gió lác đác vài chiếc cuốn vào tận thềm hiên. Cây phong đầu ngõ lại chuẩn bị trổ sắc đỏ ối như mọi năm. Người đi xa từ những mùa thu trước, sẽ không trở về. Những người bạn lâu không gặp, thư gửi đi bị trả lại, nhắn tin điện thoại không thấy trả lời. Có lẽ cũng đã ra đi, không lời từ biệt.

Đã có những cuộc ra đi rất lặng lẽ từ gần hai năm qua, không chỉ ở nơi đây, mà ở khắp toàn cầu. Ra đi bất ngờ, ra đi nhanh chóng. Không hoa tang. Không lễ nghi tôn giáo. Không lời ai điếu. Những túi bọc thi thể chất vội vào những thùng xe đông lạnh. Những thi hài quấn vải hoặc cuộn trong manh chiếu được chất trên những giàn củi, hỏa thiêu. Những chiếc quan tài được chôn lấp vội vàng trên đất công, với bia mộ đơn giản, không hình ảnh, ghi tên tuổi của một người già bệnh hay một người trẻ cường tráng, một người quyền quý hay một người bần cùng vô danh… Tất cả những người ra đi ấy, từ những nơi chốn khác nhau, thành thị hay thôn dã, nước lớn hay nước nhỏ, nước giàu hay nước nghèo… đều chung một cách. Như lá xanh trên cành, đốt giai đoạn, cấp kỳ chuyển sang vàng úa, rồi rơi rụng. Như thể có một tấm lưới to lớn trùm hết cả hành tinh. Vùng vẫy trong lưới là những phận người, không phân biệt, sẽ đón nhận chung một tai họa giáng xuống; và mỗi người chỉ có thể tùy theo số phận (hay biệt nghiệp) của mình, hoặc từ nơi đồng phận (hay cộng nghiệp) tập thể mà dính mắc hay vuột khỏi. Cái chung nào cũng có cái riêng: không phải ai ở xứ đó, vùng đó đều bị nhiễm bệnh như nhau, và không phải ai bị nhiễm bệnh cũng phải tử vong. Cũng không có cái riêng nào thực sự tách khỏi cái chung: cá nhân không nhiễm bệnh có thể bị truyền nhiễm từ tập thể, và cá nhân nhiễm bệnh sẽ có thể lây nhiễm đến những người chung quanh.

Không thể nói tôi tự chịu trách nhiệm cho cá nhân tôi, không liên can đến người khác. Không thể nói tôi muốn độc lập, tự do giữa một tập thể đang cùng nhau chống dịch bệnh.

Thực ra không có gì, không có ai, cá nhân hay tập thể nào, có thể độc lập, đứng một mình.

Độc lập của cá thể trong gia đình và xã hội chỉ là một tình trạng, trạng thái, một hoàn cảnh sống riêng tương đối nào đó (chẳng hạn con cái không còn lệ thuộc cha mẹ). Độc lập của một quốc gia là nói việc thoát khỏi sự thống thuộc từ một quốc gia khác. Như nước Mỹ, để đánh dấu sự kiện quan trọng của quốc gia vào ngày tuyên bố độc lập (khỏi vương quốc Anh), người ta dành một ngày lễ lớn trong năm, gọi là Ngày Độc Lập (Independence Day), toàn dân được nghỉ lễ, ăn mừng (1). Đó là một sự biến lịch sử, ở một giai đoạn nào đó, giành độc lập. Khi còn là thuộc địa, người ta vận động sự độc lập; đã độc lập rồi thì không cần và không thể dùng mãi tiêu đề độc lập nữa, vì thực sự là không có gì độc lập, đứng một mình, đứng một chân, ở thế gian này. Tất cả quốc gia, xã hội, gia đình, cá nhân con người, ở bất cứ đâu, đều tương thuộc, tương hệ lẫn nhau để tồn tại và phát triển.

Cũng không có quyền tự do tuyệt đối của một cá nhân trong một quốc gia, một thế giới tương quan, tương liên, với những mâu thuẫn hoặc đồng thuận chồng chéo, đan xen nhau giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi tập thể. Quyền của con người trong xã hội, quốc gia, luôn được qui định trong khuôn khổ, qui ước, chứ không thể nào là quyền tuyệt đối. Nên hiểu rằng thứ quyền tự do mà con người xã hội được hưởng chỉ là tự do tương đối, tự do trong định chế, trong luật lệ; nó không cho phép gây rủi ro hay phương hại đến công ích, hoặc lấn át quyền lợi của người khác—vì mọi người đều có quyền bình đẳng như nhau. Người ta không thể vì quyền tự do của mình mà tước đoạt quyền tự do của kẻ khác. Cụ thể là không thể viện dẫn quyền tự do ngôn luận để la lớn trong rạp hát rằng có lửa cháy (2).



Bình sinh, không ai cấm đoán ngăn trở tự do của bạn, nhưng trong một số trường hợp, nhất là trước cơn đại dịch nguy hiểm đang hủy diệt, tàn phá nhân mạng và kinh tế toàn cầu, mỗi người nên tự nguyện hy sinh chút quyền tự do cá nhân để góp phần bảo vệ sinh mệnh và quyền lợi của số đông. Một mực đòi hỏi quyền tự do và lợi ích cho bản thân khi bao nhiêu nhân mạng lần lượt nằm xuống là đã rơi vào vị ngã, ích kỷ. Đó không phải là hành xử của người nhân đức. Đó không phải là tâm thế của người học đạo.

Rồi mùa thu cũng sẽ qua đi như những mùa thu trước. Nhưng năm sau, thu trở lại. Còn những người lẳng lặng ra đi không lời từ biệt thân nhân, nơi hành lang bệnh viện, nơi những thùng xe đông lạnh, nơi những lò thiêu và giàn thiêu dã chiến, trong những ngôi nhà to lớn hay những gác trọ ọp ẹp nghèo khó… những người ấy, sẽ không quay lại bao giờ. Cái chết đến nhanh, như lá thu rơi xuống thềm chỉ qua một cơn gió nhẹ — nhanh đến nỗi người ở lại không kịp rơi nước mắt, nhanh đến nỗi chưa kịp khóc người thân ra đi thì đã đến lượt mình phải lìa xa cõi thế này. Nước mắt trần gian mùa đại dịch, dường như đều chảy ngược vào tim.

 

Người con Phật chân chính, quán sát thế giới chúng sinh đều do nhân-duyên sinh-khởi; lắng nghe tiếng kêu cầu thống khổ của nhân sinh; cảm nhận vị mặn của giọt lệ tử biệt trong cõi vô thường mà phát đại-bi tâm, tu bồ-tát đạo; không từ nan làm mọi việc lành, tận tụy cứu khổ ban vui, chỉ duy một hoài bão là mang lại an lạc hạnh phúc chân thực cho con người và cuộc đời. Chí nguyện ấy là vô cùng, bản hoài ấy là vô biên; dũng mãnh bước tới tận cùng vị lai, cho đến khi cùng tất cả pháp giới chúng sinh, một thời chứng ngộ chánh đẳng chánh giác (3).

 

Mùa Vu Lan, tháng 08 năm 2021

Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

 

_______________

 

(1) Ngày 4 tháng 7 là Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, đã có từ thế kỷ 18. Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội đã bỏ phiếu ủng hộ nền độc lập, và hai ngày sau, các đại biểu từ 13 thuộc địa đã thông qua Tuyên ngôn Độc lập, một văn kiện lịch sử do Thomas Jefferson soạn thảo. Từ năm 1776 đến nay, ngày 4 tháng 7 đã được kỷ niệm là ngày khai sinh nền độc lập của Mỹ (Theo history.com).

(2) "Shouting fire in a crowded theater" - la lớn là có lửa cháy trong rạp hát đông người, là một thành ngữ đã được phổ biến trong luật pháp Hoa Kỳ (liên quan đến Tu chính án thứ nhất và thứ 14), qua đó giới hạn quyền tự do ngôn luận/phát biểu (freedom of speech) nếu nội dung phát biểu rõ ràng tạo ra hoảng loạn, hoặc khích động bạo loạn.

(3) “Ngã kim phát tâm bất vị tự cầu nhân thiên phước báo, thanh văn, duyên giác, nãi chí quyền thừa chư vị bồ-tát, duy y tối thượng thừa, phát bồ-đề tâm, nguyện dữ pháp giới chúng sinh nhất thời đồng đắc a-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề,” – Con nay phát tâm không vì cầu cho riêng mình phước báo của trời-người, Thanh văn, Duyên giác, cho đến chư vị quyền thừa Bồ-tát, chỉ y nơi tối thượng thừa mà phát tâm bồ-đề, nguyện cùng pháp giới chúng sinh một thời cùng chứng đắc quả vị chánh đẳng chánh giác. (Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện)

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Các cuộc khảo sát và nghiên cứu từ chính phủ, các tổ chức dân sự cho đến đại học đều cho thấy, dù có những bước tiến bộ to lớn cũng như được luật pháp bảo vệ, trên thực tế thì các phân biệt đối xử dựa trên sắc tộc, giới tính, tuổi tác... vẫn còn hiện hữu trong xã hội Mỹ. Riêng trong vấn đề bạo lực cảnh sát thì rủi ro một người da đen hay da màu bị cảnh sát bắn chết hay đối xử bất công đều cao hơn người da trắng.
Tỉnh thức thân phận là vấn đề kiến thức; xác định ý muốn để thay đổi là vấn đề quyết tâm. Nếu còn sống trong vô cảm, mang tâm trạng nô lệ tự nguyện hay còn Đảng còn mình và chờ đợi hạnh phúc giả tạo do Đảng, Trung Quốc, Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế ban phát, thì người dân sẽ còn tiếp tục thua trong đau khổ. Không ai có phép lạ để chuyển hoá đất nước thay cho chúng ta. Vấn đề là sự chọn lựa.
Người già nghĩ về quá khứ, còn người trẻ nghĩ đến tương lai. Người trẻ Việt Nam đã có mặt trong chính quyền, làm việc ở phủ Tổng Thống, ở Quốc Hội, là Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Chánh Án của liên bang, của tiểu bang, làm Tướng và giữ những chức vụ quan trọng ở Bộ Quốc Phòng. Tuổi trẻ Việt Nam là khoa học gia, là thương gia, là giáo sư đại học. Người trẻ có mặt khắp nơi, ở Mỹ, Úc, Á, Âu Châu. Người trẻ Việt Nam tiến rất nhanh.
Ở Việt Nam, người dân không hiểu tại sao công tác phòng, chống Quốc nạn tham nhũng cứ “vẫn còn nghiêm trọng và tinh vi” mãi sau 16 năm có Luật phòng, chống tham nhũng đầu tiên (2005), 3 năm sau có Luật thứ nhì (2018) và sau 9 năm (2012) Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được chuyển từ Chính phủ sang Bộ Chính trị do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.
Trong chiến tranh 1954-1975 vừa qua trên đất nước chúng ta, cả Bắc Việt Nam (BVN) và Nam Việt Nam (NVN) đều không sản xuất được võ khí và đều nhờ nước ngoài viện trợ. Nước viện trợ chính cho NVN là Hoa Kỳ; và một trong hai nước viện trợ chính cho BVN là Liên Xô. Những biến chuyển từ hai nước nầy ảnh hưởng rất lớn đến tình hình chiến tranh Việt Nam.
Nói một cách tóm tắt, hiểm hoạ lớn nhất của Việt Nam không phải là chế độ độc tài trong nước hay âm mưu xâm lấn biển đảo của Trung Quốc mà là sự dửng dưng của mọi người. Chính sự dửng dưng đến vô cảm của phần lớn dân chúng là điều đáng lo nhất hiện nay.
Bà Vivien Tsou, giám đốc Diễn đàn Phụ nữ Mỹ gốc Á Thái Bình Dương, cho biết: “Mặc dù trọng tâm là sự thù ghét người gốc Á, nhưng tất cả đều bắt nguồn từ quan điểm da trắng thượng đẳng, và bất cứ ai cũng có thể trở thành “Con dê tế thần bất cứ lúc nào”.
Tổ chức Người Bảo Vệ Nhân Quyền cho biết hiện có 276 tù nhân lương tâm đang bị giam giữ tại Việt Nam. Nhà đương cuộc Hà Nội đối xử với họ ra sao? Tồ Chức Ân Xá Quốc Tế nhận định: “Các nhà tù ở Việt Nam có tiếng là quá đông và không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu. Vietnamese jails are notoriously overcrowded and fail to meet minimum international standards.”
Nếu so sánh ta sẽ thấy các cuộc biểu tình giữa Việt Nam và ba nước kia khác nhau: ở Việt Nam, yếu tố Trung Quốc là mầm mất nước, nguyên nhân chánh làm bùng phát các cuộc biểu tình. Còn ở Miến Điện, Hồng Kông và Thái Lan, nguyên nhân thúc đẩy giới trẻ xuống đường là tinh thần dân chủ tự do, chống độc tài.
Ma túy đang là tệ nạn gây nhức nhối cho toàn xã hội Việt Nam, nhưng Đảng và Nhà nước Cộng sản chỉ biết tập trung nhân lực và tiền bạc vào công tác bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lenin và làm sao để đảng được độc tài cầm quyền mãi mãi.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.