Hôm nay,  

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến – Sơn Nam & Cuộc Cách Mạng Tháng Tám Ở U Minh

10/08/202114:00:00(Xem: 3897)

blank


Mấy năm trước, sau khi ghé thăm giáo sư Lý Chánh Trung,
giáo sư Nguyễn Văn Lục đã có nhận xét như sau về người bạn đồng nghiệp cũ:

“… sau 1975 … có mấy nhà văn, nhà báo trong Nam được cầm bút lại như Lý Chánh Trung. Con số đếm chưa hết một bàn tay… Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.” 

Tôi có ngồi học với giáo sư Lý Chánh Trung đâu chừng cỡ… nửa giờ, ở trường Văn Khoa Đà Lạt. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Tôi không dám bàn luận lôi thôi gì (thêm) về chuyện viết lách của một người thầy học cũ.

Nhận xét dẫn thượng, chả hiểu sao, bỗng khiến tôi nhớ đến nhà văn Sơn Nam. Ông cũng là một trong những người may mắn hiếm hoi của miền Nam (trong “con số đếm chưa hết một bàn tay”) vẫn được phép cầm viết, sau 1975, và là một trong những nhà văn mà tôi vô cùng mến mộ.

Tác phẩm (có lẽ) đắc ý nhất của Sơn Nam là cuốn Hương Rừng Cà Mau, trong đó có truyện “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.” Tác giả kể lại chuyện một người dân ở U Minh Hạ, đặt mua báo dài hạn nhưng không trả tiền nên nhà báo phải cử người đi đòi nợ. Xin trích vài đoạn đọc chơi cho nó … đã :

“- Từ đây tới nhà ông Trần Văn Có gần hay xa vậy thầy?

Thầy xã trưởng đáp:

- Ở xóm Cà Bây Ngọp lận! Để tôi ra lịnh cho phó hương ấp đòi tên đó lên công sở… 

Thầy phái viên nhà báo “Chim Trời” giựt mình:

- Tôi là phái viên, đâu có quyền hạn đó đối với quí vị độc giả thân mến gần xa.

Thầy xã hỏi:

-Phái viên là gì vậy thầy?

- Là người thay mặt cho tờ báo đi cổ động và thu tiền.” (Sơn Nam. “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư.” Hương Rừng Cà Mau. Sài Gòn: Trí Đăng, 1972).

Nhân vật chính trong truyện, ông Trần Văn Có, theo như lời dân cùng xóm, là một người độc thân, làm nghề giăng câu, nuôi heo, lấy tổ ong, và hơi ba hoa chút đỉnh: “Anh ta công kích tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang Sa gởi xuống công sở; đi ăn giỗ thì nói chuyện Hít-le, chuyện nước Ý đánh nước Á, chừng hỏi kỹ mấy nước đó ở đâu, anh ta bí lối nói lảng qua chuyện Tầu…”

Nghe nói vậy nhưng không phải vậy. Khi phái viên báo Chim Trời giáp mặt độc giả Trần Văn Có, ngay tại nơi cư trú của ông, cuộc hội kiến – rõ ràng – rất là trang trọng và (vô cùng) thắm thiết :

“Buổi cơm chiều ngon lành làm sao! Ăn cá lóc nướng trui, uống rượu… Tư Có kèm thầy phái viên ở lại ngủ một đêm, chú hứa sáng mai bơi xuồng đưa thầy trở lại công sở mà đón tàu đi. Thếp đèn dầu cá kèo thêm một tim thứ nhì nữa, cháy khá sáng. Bếp un dưới đất tỏa lên cuồn cuộn, tỏ rõ từng sợi khói mịn màng như mành lưới tơ giăng bủa khắp căn chòi nhỏ hẹp.

Tư Có bỏ mùng xuống, chun vô tấn ba phía rồi mời:

- Thầy Hai vô trong này ngồi nói chuyện cho vui. Ở ngoài muỗi cắn. Khói như vậy mà muỗi cứ bu lại rớt lềnh trong thếp đèn dầu cá đó.

Ngượng nghịu, thầy phái viên nhà báo Chim Trời rón rén dở mí mùng, chui lẹ vào ngồi kế bên:

- Xứ gì lạ quá! Anh Tư ở đây hồi sanh bịnh chết.

Tư Có đáp:

- Xứ Cà Bây Ngọp, tiếng Khơ Me nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bịnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học.

Thầy phái viên trố mắt:

- Vậy à? Còn mấy làng khác?

- Đông Thái, Đông Hồ, Đông Hưng, Vân Khánh Đông… không làng nào có trường hết. Thầy nghĩ coi…

- Hèn chi miệt này chỉ một mình anh Tư là độc giả báo Chim Trời của chúng tôi… Báo có thích hợp không anh Tư?

- Làm báo thì cần nhiều trí óc lắm phải không thầy phái viên? Tiếc là hồi nhỏ cha tôi chết sớm. Hồi đó, ổng làm thầy giáo cũng đặt thơ bát cú, tứ cú. Cha tôi chết, má tôi giữ mấy pho sách, dạy lại tôi. Đó là sách Quốc Văn giáo khoa thư, thầy còn nhớ không?

Thầy phái viên cười:

- Nhớ chớ. Làm sao mà quên được! Hồi nhỏ tôi hớt “ca rê”, tay xách toòng teng bình mực đi học ở trường làng. Hồi đó, trí óc minh sáng suốt, nhớ dai lắm. Bây giờ lớn tuổi, đầu bạc hoa râm, đi làm ăn rày đây mai đó, nhớ nhà, nhớ trường học, nhớ làng xưa.

Tư Có nói:

- Chắc là thầy muốn nói bài ‘chốn quê hương đẹp hơn cả’ chớ gì?

Rồi chú đọc một hơi:

- Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giềng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: ông đi du sơn du thủy…

- Đó đa! Đó đa! Anh Tư nhớ kỹ quá… Người du lịch mới trả lời: ở chốn quê hương… từ cái bụi tre ở xó vườn cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi cho tôi những mối cảm tình chứa chan… Bài đó có hình ông già mang kiếng, chống gậy nói chuyện với mấy người khăn đống áo dài.

- Thì hình nào cũng khăn đống áo dài. Trừ ra cái hình thằng nhỏ chăn trâu cầm roi: ai bảo chăn trâu là khổ… Không, chăn trâu sướng lắm chứ.

Thầy phái viên phụ họa theo như cùng hợp xướng:

- Đầu đội nón mê như lọng che, tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tôi nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trên đám cỏ…

Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim… 

Giọng Tư Có nói nhỏ:

- Ngủ chưa, thầy phái viên?

- Ngủ chưa anh Tư?

- Chưa!

- Tôi nãy giờ cũng vậy, muốn ngủ sớm để mai về nhà, mà không thấy mệt.

Im lặng một hồi lâu, rất lâu, Tư Có nói ngậm ngùi sau một tiếng thở dài:

- Biết lấy gì làm sở phí cho thầy. Thầy nói thiệt tình nghe coi… Chắc thầy tới đây thâu tiền.

- Đâu có! Đâu có! Mình là bạn đời với nhau…

- Thầy hiểu cảnh tôi. Không lẽ gởi cá lóc, rùa, mật ong… nhờ thầy đem về Sài Gòn gọi là tiền của tôi trả cho nhà báo. Tôi “đăng” là vì ái mộ báo Chim Trời chớ ít đọc lắm. Mấy thầy viết cao quá. Tôi mua để dành về sau cho đủ bộ.

- Anh Tư đừng ngại chuyện đó. Cứ tiếp tục đọc. Lâu lâu dò nơi mục Thư tín không chừng có lời của tôi thăm hỏi anh Tư. Nếu thấy báo đăng đòi tiền các độc giả, xin anh Tư hiểu rằng đó là nhắc nhở các người khác. Tôi hứa nói lại với ông chủ nhiệm mỗi kỳ gởi tặng anh Tư một số báo, hoài  hoài cho tới số chót.


Chú Tư Có vô cùng cảm động…”
(sđd 111-116).

Tôi đọc truyện “Tình Nghĩa Gíao Khoa Thư” khi còn ở tuổi đôi mươi. Tuổi trẻ bao giờ cũng nhiều lý tưởng. Tôi và bè bạn vẫn tâm nguyện rằng, sau cuộc chiến, thế hệ của mình sẽ cố góp hết sức để dựng xây những phần đất quê hương (bị lãng quên) như vùng U Minh Hạ.

Hòa bình, tiếc thay, đã không mang lại cuộc sống an bình như mọi người mong muốn. Không những thế, nó còn khiến cho hàng triệu kẻ đã phải liều mạng rời bỏ quê hương, để mưu cầu một cuộc sống khả kham hơn – nơi đất lạ quê người.

Tôi là một trong những kẻ đã (đành đoạn) bỏ đi như thế. Vài chục năm sau, khi tóc đã điểm sương, ở một góc trời xa, tình cờ đọc được bài báo (“Tiếng Kêu Giữa Rừng U Minh Hạ”) của phóng viên Hoàng Trí Dũng mà không khỏi băn khoăn nhớ về quê cũ :

Tôi đã đến nhiều miền quê nghèo khó vùng sông nước ĐBSCL, nhưng có lẽ chưa lần nào tôi bị ‘sốc’ như chuyến đi lần này. Nơi tôi đến là một vùng quê giáp ranh giữa hai tỉnh Kiên Giang – Cà Mau, cách không xa trung tâm hai thành phố Rạch Giá và Cà Mau, vậy mà đã 30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất…”

“Trái ngược với hình ảnh ấy là cơ ngơi của các quan chức địa phương – những người đang giành giật đất đai của dân. Đó là chuyện thật ở ngay một góc Lâm trường U Minh 2, ấp 4, xã Khánh Hịa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.”

“Cách đây hai năm một cháu bé tên Hằng, 10 tuổi, con của hai vợ chồng trẻ không may bị bệnh viêm ruột thừa cấp tính, nhưng ở giữa rừng không có trạm y tế, mà lòng kênh trơ đáy khô queo, còn trên bờ thì không có đường đi rốt cuộc đành ngồi nhìn con chết mà bất lực vì không cách nào chuyển đi bệnh viện. ..”

“Ông chủ nhà Nguyễn Trung Liệt – một lão nông có uy tín trong vùng – vào chuyện: ‘Trên 60 tuổi rồi, hơn chục năm, ba thế hệ với hơn 30 người sinh ra và lớn lên tại khu rừng này, nhưng ngặt một nỗi nhà tui không ai có được tấm hộ khẩu, cũng chẳng hề có giấy chứng minh nhân dân. Người lớn còn đỡ chứ tội nghiệp sắp nhỏ, năm đứa cháu nội ngoại ra đời trong ruột rừng này hiện tại đều thất học như ông cha nó…’
Chú Ba Vinh thì kêu:“Cả trăm gia đình bà con ở đây khổ lắm, không thua gì thời kỳ Pháp thuộc…” 

Chú Ba Vinh (nào đó) tuổi đời – ngó bộ – còn hơi ít nên không biết rõ cảnh sống của dân chúng ở U Minh Hạ vào thời Pháp thuộc. Chớ hồi đó, cứ theo như lời kể của ông già Nam Bộ Sơn Nam, nơi đây đã có người đặt mua dài hạn báo Chim Trời ở tận Sài Gòn, có kẻ giữa bữa giỗ (dám) bàn chuyện quốc sự và lớn tiếng chê bai tờ Lục Tỉnh Tân Văn của nhà nước Lang sa.

Những chuyện “tầm ruồng” như thế, xem ra, có vẻ như một giấc mơ (đã) xa xôi lắm đối với người dân ở U Minh Hạ – bây giờ. Trong bài phóng sự (thượng dẫn) không nghe phóng viên báo Tuổi Trẻ kể lại chuyện có bữa nhậu lai rai mấy con cá lóc nướng trui với người dân địa phương, và dùng chung với họ một bữa cơm chiều (“ngon làm sao”) như đặc phái viên của báo Chim Trời – hồi đó. Chuyện người ta ăn ở cư xử tử tế với nhau, theo kiểu “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” (ngó bộ) cũng miễn có luôn.

Ở U Minh Hạ, ngày nay, theo như nguyên văn tường thuật của nhà báo Hoàng Trí Dũng: “30 năm sau ngày đất nước thống nhất vùng quê ấy vẫn còn là bức tranh buồn thảm với nhiều nỗi bức xúc: không điện, đường, trường, không trạm xá, không hộ khẩu, không đất sản xuất.” Có chăng chỉ là tiếng kêu gào ai oán, của những người dân khốn cùng và uất hận, vì bị cướp bóc trắng trợn mà thôi.

Sơn Nam, có lẽ, vì tuổi đời đã cao nên không còn nghe và thấy được những tiếng kêu thương và cảnh đời vô vọng (đến thế) từ nơi sinh trưởng của ông. Ngày 18 tháng 8 năm 2008, trên diễn đàn talawas, tôi nghe nhà văn Lê Phú Khải kể chuyện này :

“Có lần tôi nhờ ông viết một bài cho Đài Tiếng nói Việt Nam để kỷ niệm Cách mạng tháng Tám ở Nam bộ. Mấy ngày sau, cũng tại quán café ở Gò Vấp, ông đưa tôi bài: ‘Nhớ ngày Cách mạng tháng Tám ở U Minh’, đánh máy bằng cái máy chữ, chữ nhỏ li ti như con kiến. Đài phát xong tôi thấy ‘tiếc’ quá! Vì chữ nghĩa phát lên trời rồi gió bay đi… Tôi bèn gửi bài đó cho báo Cà Mau. 

Khi bài báo đó được in trên giấy trắng mực đen ở Cà Mau thì bạn đọc, cán bộ, đồng bào và các nhà nghiên cứu của vùng đất này đều kinh ngạc về trí nhớ của Sơn Nam. Bài báo đó là một tư liệu lịch sử sống động về Cách mạng tháng Tám ở U Minh, chưa từng được ai ghi chép lại sinh động như thế. Thư gửi về toà soạn tới tấp… Xin trích đăng lại đoạn cuối của bài báo đó : 

“Tại dinh chủ quận trước kia, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Từ những thôn xóm hẻo lánh, đồng bào đến dự ngày lịch sử trọng đại. Đã có ban trật tự sắp xếp chỗ đậu xuồng ghe. Đồng bào người Khmer cũng đến dự với các sãi áo vàng. Xuồng ghe đậu dài hàng kilômét. Nhiều người trung niên ‘quần bao áo bố’ cõng con trên vai để nó trông lên khán đài. Tiếng loa phát ra vang vang, báo tin đại diện của tỉnh bộ Việt Minh đã đến. Có múa lân. Vài ông lão tụ tập lại, dạy võ thuật cho thanh niên. Loa lại vang lên, khuyên đồng bào yên tâm, cứ chịu đói buổi sáng, sau đó sẽ có phân phát bánh tét, ăn thay cơm. Trời chuyển mưa. Đồng bào vẫn đứng chịu mưa tại chỗ.” 

Câu chuyện này cũng lại khiến tôi liên tưởng đến nhận xét của giáo sư Nguyễn Văn Lục về một vị thầy học cũ của mình :

“Trước 75, ông viết như thể một người nhập cuộc, kẻ lên đường, kẻ làm chứng, người trí thức dấn thân. Ông viết với một tấm lòng nhiệt huyết. Sau 1975, ông viết như một kẻ đứng bên lề, xem đá banh và vỗ tay.”

Sơn Nam qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008 nhưng ông đã chết (trong tôi) hơi lâu, trước đó.

Tưởng Năng Tiến - 8/2011

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.