Hôm nay,  

Vài Dòng Về Nữ Ký Giả Kiều Mỹ Duyên Nhân Dịp Đọc Bản Thảo “Hoa Cỏ Bên Đường”

15/06/202115:16:00(Xem: 3168)

 


blank

Mộng Tuyền, chủ bút Bút Tre Magazine, Arizona


Tôi rất vui khi biết được nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên đồng ý in tuyển tập “Hoa Cỏ Bên Đường” – một quyển sách bao gồm loạt bài tản mạn, phỏng vấn… ngắn, nhẹ nhàng, nhưng hữu ích đã được cô viết những năm định cư tại Mỹ. Nếu quyển “Chinh Chiến Điêu Linh” ghi lại nhiều câu chuyện đáng biết trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, thì “Hoa Cỏ Bên Đường” cũng là một quyển sách nên có nếu cần tài liệu về một số nhân vật quan trọng trong và ngoài cộng đồng người Việt tại hải ngoại cũng như một số nỗ lực vì Việt Nam như tranh đấu nhân quyền.

Tôi hân hạnh được gặp ký giả Kiều Mỹ Duyên tại Đại Hội Phụ Nữ Văn Chương lần thứ nhất vào đầu tháng 10 năm 2005 tại Seattle. Tôi không nhớ vì sao mà mình được chú Quốc Nam, tổng Giám Đốc Cơ Sở Văn Hóa Đông-Phương và SRBS Radio, mời. Đứng cùng những cái tên như Kiều Mỹ Duyên, Jackie Bông, Vũ Thị Dạ-Thảo, Thu Nga, Khuê Dung, Miên-Du Dalat,… tôi vô cùng lúng túng và mắc cỡ. Nhưng những ngày đại hội đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp. Quý cô đã không để tôi cảm giác lẻ loi. Riêng cô Kiều Mỹ Duyên lại còn dành cho tôi rất nhiều cơ hội tỏa sáng. Cô phỏng vấn tôi cho các đài mà cô đang hợp tác thời đó. Cô cũng luôn cố ý nhắc đến tên tôi và đẩy tôi ra phía trước khán giả của đại hội những khi có dịp. Những điều này khiến tôi vô cùng cảm kích. Ở khoảng tuổi tôi năm đó, cô đã lăn xả ở chiến trường để có những bản tin và bài viết chân thật nhất về cuộc chiến. Còn tôi chỉ mới chập chững gầy dựng tờ báo vô vụ lợi Bút Tre nhỏ xíu tại Arizona thì thiết nghĩ cô đâu cần phải bận tâm như vậy. Sau này trò chuyện với cô nhiều hơn, tôi mới biết cô rất quý và đặt nhiều niềm tin và hy vọng vào người trẻ. Tôi chẳng bao giờ nghe cô chê hoặc than phiền về ai, chỉ toàn khen và khen. Nhất là những người làm truyền thông, nghệ thuật nhằm gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt trên đất Mỹ thì cô càng quý vì cô biết tất cả đều rất cố gắng dù gặp nhiều hạn chế (ví dụ về ngôn ngữ, như tôi). Cô hết lòng làm cầu nối cho người khác. Thỉnh thoảng tôi ghé California, cô dẫn tôi đi hết nơi này đến nơi khác. Vào chùa, cô giới thiệu tôi với trụ trì và xin Thầy cho tôi được tham quan bộ sưu tập đồ cổ quý báu. Lúc đi ăn, cô dành thời gian chờ đợi thức ăn mang ra để cho tôi nói chuyện phone với vị này, vị kia, hoặc là nhắc tôi nên nộp đơn xin phụ trợ tài chánh dành cho các non-profit organization cho tờ nguyệt san Bút Tre… Mỗi lần chia tay, cô không quên nói nhiều câu thương mến và “I love you” làm tôi vô cùng xúc động. Trái tim người ký giả từng sống giữa những lằn đạn và trải qua nhiều cuộc chia ly đầy nước mắt hẳn đã cho cô nhận thức rằng thời gian có bao nhiêu lâu đâu mà hững hờ với người, với đời.

Tại sao đặt tên tuyển tập này là “Hoa Cỏ Bên Đường”? Tác giả không đề cập đến lý do trong Lời Tạ, nhưng tôi không muốn hỏi vì tôi xin phép được chia sẻ cái nhìn của mình qua đôi mắt độc giả của tuyển tập này… “Hoa,” theo tôi, là những nhân vật từng gặp gỡ và phỏng vấn như Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn, tổng Thống Gerald Rudolph Ford, tổng Thống Nga Mikhail Sergeyevich Gorbachev, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu... “Hoa” cũng là những buổi hội nghị đầy ý nghĩa như Hội nghị Hội Nghị Copenhagen (2002), Hội Nghị Diên Hồng (2003), Đại Hội Toàn Quân (2003), Hội Nghị Asem 6 Ở Helsinki (2006), Đại Hội Phụ Nữ Văn Chương Toàn Cầu Kỳ III (2013)… Và “hoa” cũng là những tâm tình và cái nhìn rất nhân văn, đáng yêu của tác giả Kiều Mỹ Duyên như khi cô viết về Mẹ, về “Một Chuyến Đi (Miên) Ngậm Ngùi, hay “Lạc Quan, Yêu Người, Yêu Đời Mà Sống”… Những cánh hoa này đã cho đời nhiều hương sắc và tôi cảm ơn cô Kiều Mỹ Duyên giúp lưu lại những cánh hoa này trong “Hoa Cỏ Bên Đường”.


blank

Mộng Tuyền, chủ bút Bút Tre Magazine, Arizona


Tôi đã được đọc rất nhiều bài trong “Hoa Cỏ Bên Đường” trước khi chúng được chọn cho vào tuyển tập này. Mấy năm nay, cô Kiều Mỹ Duyên luôn dành cho Bút Tre hân hạnh đăng những bài viết ngắn của cô. Bài nào cũng được độc giả khen tặng, đặc biệt bài “Cho Nhau Thì Giờ” gây tác động sâu sắc đến người đọc. Tôi xấu hổ lắm vì mình phạm nhiều lỗi nêu trong bài viết: “…bạn phải biết mình là ai khi nghe người nào nói rằng tôi có đọc email của bạn hay nhận điện thoại của bạn, nhưng rất tiếc tôi bận quá, tôi không có thì giờ trả lời.” Cô nói rất đúng: “Người nào cũng có việc làm, có bổn phận, trách nhiệm, không phải ai cũng có thì giờ nghĩ đến người khác, có thì giờ quan tâm đến những người xung quanh mình, nhưng nếu biết sắp xếp thì mọi chuyện đều có thể làm được.”

Thời đại này, việc đăng tải bài vở trên Internet là phương tiện phổ biến dễ nhất. Nhưng đối với tôi, vẫn có cái gì đó quý và trân trọng hơn nhiều khi cầm quyển sách trên tay. 

Tôi mơ một ngày không xa, người đạo diễn trẻ nào đó sẽ dựng một cuốn phim dựa trên những chi tiết gom từ hai quyển “Hoa Cỏ Bên Đường” và “Chinh Chiến Điêu Linh.” Hãy tưởng tượng cuốn phim bắt đầu ở cảnh văn phòng địa ốc Ana Real Estate một ngày bận rộn và nữ ký giả Kiều Mỹ Duyên vừa tất bật tiếp khách vừa chuẩn bị cùng camera man đi quay phóng sự chương trình 3 tháng 4 cho đài SBTN của anh Trúc Hồ… Và rồi khi nhìn cảnh các chú, các cô cựu QLVNCH trang nghiêm chào cờ, ký giả Kiều Mỹ Duyên rưng rưng nhớ về cảnh mình đang hân hoan cùng các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến vui mừng chiến thắng tại cổ thành Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972…

Chúc cô Kiều Mỹ Duyên lúc nào cũng đầy nhiệt huyết với nghề và với người!


Arizona, 06/03/2021

Mộng Tuyền

(ButTreMagazine@hotmail.com)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Đổi đời! Hai tiếng ngắn ngủi nhưng hàm chứa bao nhiêu là sự kiện, ý nghĩa quan trọng đến mấy chục triệu nếp sống của dân chúng miền Nam
Năm 1975, VNCH thua trận. Ít lâu sau đó MTGPMN cũng tiêu vong, không kèn không trống, không Cáo phó, Thiệp tang gì cả
Doanh nghiệp phải đảm bảo là không đồng lõa với nạn chà đạp nhân quyền... Sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và được hưởng quan hệ kinh tế
Tân-Tư-Bản Đại-Địa-Chủ-Đỏ, Big New Red Capitalist Landlords, ở Việt Nam đã, đang và sẽ thu gom tích tụ ruộng đất canh tác của người Nông Dân Việt Nam Nghèo
Cuộc biểu tình khiếu kiện suốt 26 ngày đêm (từ 23-6 đến 18-7 năm 2007) của nông dân miền Nam trước Văn Phòng 2 Quốc Hội
Dân Mỹ là một dân tộc rất mê thể thao. Từ football đến baseball, bóng rổ, hockey, v.v… Thể thao trong quan niệm Mỹ không những rèn luyện thể xác
Mùng một tháng Tám vừa qua là lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội Giải phóng của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine, trước khi chính thức rời Hà Nội vì đã mãn nhiệm, hôm 30/7 vừa qua
Làm thế nào để sự sáng suốt không bị thói quen lấn áp hay nắm chủ quyền của thân tâm tạo ra những chuỗi suy nghĩ đưa đến lời nói hay hành động sai lầm"
San Jose từ nhiều năm nay có một hoạt động khá đặc biệt của nhóm Tình Thương. Quanh năm vận động người tình nguyện đi làm toàn những công việc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.