Hôm nay,  

Myanmar Đứng Dậy Trong Cơn Bão

6/2/202110:08:00(View: 3288)


Ngày 1.2.2021 quân đội Myanmar (Miến Điện) đã lật đổ chính phủ do dân bầu và bắt giam bà Aung San Suu Kyi, Cố vấn quốc gia, cùng một số cộng sự viên thân tín của bà trong đó có tổng thống Win Myint chỉ vài giờ trước khi Quốc hội mới được triệu tập với mục đích là ngăn đảng NLD (Liên minh Quốc gia vì Dân chủ) của bà Suu Kyi bắt đầu nhiệm kỳ mới. Tướng Min Aung Hlaing tổng tư lệnh quân đội Myanmar cũng là người cầm đầu cuộc đảo chánh, cách đây mấy năm, tháng 8 năm 2018, đã bị Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UN HRC) lên án với cáo buộc tội "diệt chủng". Quân đội Myanmar còn được gọi là Tatmadaw đã đàn áp bằng bạo lực hơn một triệu người Hồi giáo thuộc nhóm dân tộc thiểu số Rohingya sống ở bang Rakhine. Hàng ngàn người Rohingya bị giết, hàng ngàn phụ nữ bị hãm hiếp, hàng ngàn nhà cửa bị đốt phá đưa đến thảm cảnh là nửa triệu người đã phải bỏ quê hương chạy trốn qua biên giới sang Bangladesh. Từ ngày có cuộc đảo chánh vào đầu tháng hai đến giờ, những cuộc biểu tình được nổ ra gần như mỗi ngày, dân chúng xuống đường, có lúc đến cả trăm ngàn người, để đòi tái lập nền dân chủ, đòi trả lại chính quyền dân sự do họ bầu ra và nhất là đòi thả bà Suu Kyi, lãnh tụ của đảng NLD. Trong 50 năm, từ năm 1962 đến năm 2011, người dân Myanmar đã sống dưới chế độ độc tài của bọn quân phiệt nên họ hiểu rất rõ thế nào là sống không có tự do và sống trong sợ hãi. Với khẩu hiệu “Tự do hơn sợ hãi” họ đã mạnh dạn đứng lên đòi lại nhân quyền của mình mặc dù họ đã bị đàn áp rất dã man. Cho đến  ngày 10 tháng 4 năm 2021, quân đội đã bắn chết trên 700 người trong đó có 43 trẻ em. Phần đông những trẻ em dưới 16 tuổi bị bắn chết không phải vì đi biểu tình mà vì sự bắn bừa bãi của binh lính và cảnh sát. Nạn nhân trẻ tuổi nhất là đứa bé gái 7 tuổi tên là Khin Myo Chit bị bắn chết trong nhà, khi em đang ngồi trong lòng người cha. Trên 3.000 người bị bắt, bị dẫn đi mất tích, bị bỏ tù và bị tra tấn, trên 10.000 người đã phải trốn tránh qua nước ngoài vì sợ bị bắt bớ trả thù. Ngày đẫm máu nhất là ngày thứ bảy 27.3.2021, chỉ trong một ngày hơn 100 người đã bị bắn chết. Quân đội Myanmar đã bị cáo buộc dùng súng với đạn thật bắn thẳng vào người dân khi họ không có một tấc sắt trong tay và tàn bạo hơn nữa là đã dùng vũ khí nặng như súng phóng lựu, bom xăng để dẹp biểu tình. Ngày đẫm máu nhất cũng là ngày quân lực, kỷ niệm năm thứ 66 cuộc nổi dậy của người dân Myanmar đứng lên chống lại sự chiếm đóng của quân Nhật trong thời đệ nhị thế chiến do tướng Aung San lãnh đạo. Ông là thân phụ của bà Aung San Suu Kyi. Năm 1947 Myanmar được người Anh trao trả độc lập, trở thành một nước cộng hòa độc lập với tên Liên bang Myanmar. Cũng trong năm đó tướng Aung San cùng với một số sĩ quan thân tín bị ám sát chết.


Trong ngày Quân lực năm 2021, tướng Hlaing đã tổ chức một cuộc diễn binh đình đám, theo Nikkei Asia có sự hiện diện của 8 đại diện các quốc gia như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Lào, Việt Nam và Thái Lan. Trong khi đó Liên Minh Châu Âu đã lên tiếng cho đó là một ngày của “khủng bố và nhục nhã”. Đại sứ Mỹ Thomas Vajda ở Myanmar lên án hành động của quân đội làm ”đổ máu kinh hoàng”. Chính phủ Mỹ, Anh, Nhật Bản và Liên Minh Châu Âu đã liên tiếp đưa ra lệnh trừng phạt tướng Hlaing và nhóm lãnh đạo quân đội bằng những biện pháp như đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh. Gần đây các nhà lãnh đạo Đông Nam Á trong khối ASEAN cũng đã lên tiếng đòi chấm dứt bạo lực với người biểu tình và thả các tù nhân chính trị.


C:\Users\Acer\Downloads\Sister Ann Rose Nu Tawng.jpg

Một nữ tu công giáo, quỳ xuống trước đám cảnh sát võ trang (Ảnh GETTY IMAGE)


Ngày 8.3.2021, hình ảnh một nữ tu công giáo, sơ Ann Rose Nu Tawng, quỳ xuống trước đám cảnh sát võ trang ở thành phố Myitkyina để xin „Hãy bắn vào tôi và đừng bắn vào trẻ con“ đã trở thành một trong những biểu tượng của cuộc phản kháng chống lại quân đội đảo chánh. Trong một quốc gia mà có 51 triệu dân với 90% theo Phật giáo và có khoảng 500.000 tăng ni, một nữ tu sĩ công giáo quỳ xuống trước bạo lực đã tạo được tiếng vang lớn và mang lại sự phẫn nộ trên thế giới. Đức Giáo hoàng Phanxicô mấy ngày sau đó cũng đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt bạo động và tuyên bố ”Tôi cũng sẽ quỳ như thế trên đường phố ở Myanmar”. Nhiều sư sãi cũng đã đứng lên cất tiếng nói phản kháng, xuống đường để hòa nhập với đoàn biểu tình. Nhớ lại cuộc đàn áp vào những năm 1988 , 2007. Năm 1988, vào ngày 8 tháng 8 chính phủ quân đội Myanmar đã thẳng tay đàn áp người biểu tình, 5.000 người bị bắn chết trên đường phố, người ta gọi là biến cố 8888. Năm 2007, 80.000 nhà sư đã xuống đường phản kháng cùng với cả trăm ngàn người mặc dù bị đàn áp dã man. Biến cố 8888 năm 1988 đã buộc tướng Ne Win, người nắm quyền 26 năm từ cuộc đảo chánh chính phủ dân sự năm 1962, phải từ chức. Myanmar từ một quốc gia sống dưới chế độc tài quân phiệt từ từ chuyển đổi qua chế độ dân chủ. 


Aung San Suu Kyi


Năm nay bà Suu Kyi được 75 tuổi. Năm 1988, đang sống ở bên Anh với chồng và hai con, nghe tin người mẹ bị đau nặng, bà Suu Kyi về lại Myanmar và được chứng kiến biến cố 8888. Như định mệnh, bà quyết định ở lại để tranh đấu chống lại chế độ quân phiệt. Bị giam cầm hơn 15 năm, đến năm 2010 bà Suu Kyi được trả lại tự do và cũng là năm đầu tiên được tổ chức bầu cử sau mấy thập niên người dân phải sống trong “nhà tù lớn”. Bầu cử năm 2015, tuy đảng NLD của bà Suu Kyi thắng lớn, nhưng  các tướng lãnh vẫn nắm những chức vụ then chốt và quan trọng như kinh tế và quân sự. Với chủ trương đấu tranh bất bạo động, tránh đổ máu và tìm cách đối thoại, bà đã phải thỏa hiệp với nhóm quân phiệt với hy vọng sớm mang lại tự do cho dân tộc sau bao nhiêu năm nội chiến tương tàn, đầy đau thương và tang tóc. Tính đến năm 2007, đã có hơn 3.000 làng mạc bị phá hủy, hơn triệu người phải bỏ đi ty nạn, trên trăm ngàn người bị cưỡng bách lao động và Myanmar lúc đó đứng trên bờ vực thẳm kinh tế, chính trị bị cô lập, nguy cơ về cuộc nội chiến bùng nổ và Trung Quốc đang mon men thừa cơ nhảy vào khuynh đảo đất nước. Năm 2018 Win Myint cộng sự viên của bà Suu Kyi trong đảng NLD được bầu làm tổng thống, bà Suu Kyi trở thành cố vấn quốc gia có quyền lực tương đương với thủ tướng vì theo hiến pháp Myanmar do quân đội áp đặt, bà không được ứng cử vì có chồng con mang quốc tịch ngoại quốc. Sự thỏa hiệp với quân đội mang một ước mong sớm đem lại hòa bình, tự do cho dân tộc, bà đã phải trả cái giá thật đắt là danh tiếng trên thế giới của bà đã bị tổn thương và mất mát. Bà bị chỉ trích vì đã im lặng và bao che nhóm quân phiệt trong vấn đề đàn áp dân tộc thiểu số Rohingya. Nhưng nếu muốn bảo vệ nền dân chủ son trẻ của Myanmar, muốn cứu vớt một đất nước với nhiều sắc tộc khác nhau qua khỏi vực thẳm đổ vỡ, muốn xóa đi nghèo đói để mang lại cơm ăn áo mặc cho người dân và trong khi đó quân đội vẫn còn nắm giữ thực quyền, bà không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải tự chuyển mình từ một  nhà đấu tranh quyết liệt với trên 15 năm giam cầm để trở thành một nhà chính trị thực dụng. Người dân Myanmar biết như thế và hiểu như thế nên vẫn một lòng quý trọng  và ủng hộ bà.


Tự do hơn là sợ hãi


Trên trang mạng của PEN International (Hội Văn bút Quốc tế) tháng 3 năm 2021 có đăng tin về hai nhà thơ Myanmar tên là Myint Myint Zin và K Za Win. Cô Myint Myint Zin còn có tên là Kyi Lin Aye là một nhà giáo và nhà thơ. Cô có ghi trên cánh tay của mình về nhóm máu cũng như các chi tiết khác như có ý nói lên sự hiến tặng cơ thể của mình cho những ai cần đến nếu một ngày nào đó cô phải nằm xuống trong lúc chiến đấu cho tự do. Anh K Za Win là một nhà thơ trẻ đã từng bị giam cầm nhiều lần và trong tù anh đã viết một bài thơ nổi tiếng gởi cho cha là “Thơ từ trong phòng giam”. Cả hai nay đã không còn nữa, Myint Myint Zin và K Za Win đã bị quân đội bắn chết cùng một ngày, vào ngày 3.3.2021.


Bà Naw là lãnh đạo của Ủy ban Tổng đình công của người Sắc tộc. Bà tham gia vào cuộc tổng đình công vì muốn tranh đấu một tương lai tốt đẹp hơn cho đứa con gái một tuổi. Bà không muốn đứa con lớn lên dưới chế độ độc tài như bà. Mỗi lần bà Naw xuống đường, bà đều dặn chồng nếu chẳng may bà không còn nữa hãy cố nuôi con, không được buồn mà  hãy vui và hãnh diện. Cô Htet Htet Hlaing, 22 tuổi, mặc dù rất sợ hãi, nhưng cô vẫn tham gia biểu tình vì cô muốn sống và thở trong không khí tự do và được tự tạo cho mình một tương lai, cô nói thêm “mẹ tôi biết điều đó nhưng không ngăn cản, bà chỉ nói tôi hãy cẩn thận”. 


Trong đêm chung kết của cuộc thi hoa hậu “Miss Grand International 2020” diễn ra ngày 28.3.2021 tại Thái Lan, hoa hậu Myanmar cô Han Lay 22 tuổi đã phát biểu là đất nước Myanamar hiện giờ có quá nhiều người chết và yêu cầu sự giúp đỡ của quốc tế. Cô tỏ ra không sợ hãi mặc dù đang bị quân đội Myanmar truy nã, sinh mạng cô và gia đình cô có thể bị nguy khốn. Trước đó mấy tuần lễ khi còn ở quê hương, cô đã xuống đường ở thành phố Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, hòa nhập vào đoàn biểu tình để phản đối cuộc đảo chính của quân đội. 


Phong trào xuống đường ở Myanamar chuyển qua “bất tuân dân sự”. Công nhân thợ thuyền, công tư chức, y tá bác sĩ cùng nhau đình công, chợ búa, trường học, bệnh viện, ngân hàng đều một loạt đóng cửa, mọi sinh hoạt đều bị ngưng lại hoàn toàn bị tê liệt. Dân chúng đông đảo tham gia vào phong trào “bất tuân dân sự” mặc dù biết rằng sẽ mất đi nguồn tài chánh vốn đã ít ỏi mang lại cơm áo cho họ và gia đình họ. Kinh tế Myanmar đang lao xuống dốc hay đúng hơn Myanmar đang đứng trước một nền kinh tế hoàn toàn sụp đổ. Hậu quả là dân Myanmar đã nghèo lại càng nghèo hơn và số người không đủ cơm ăn sẽ tăng lên nhiều hơn. Sự bắn giết bừa bãi của quân đội đã đẩy những người người biểu tình ôn hòa thành những người chống đối bằng vũ lực. Một cuộc nội chiến sẽ khó tránh khỏi điều mà bà Suu Kyi mong muốn không bao giờ xảy ra.


Những “cánh sao rơi”


Suu Kyi là tác giả cuốn sách “Freedom from Fear” (Vượt lên sự sợ hãi), bà viết: “Tự do thật sự là được tự do khỏi nỗi sợ hãi”. Và người Myanmar đã chọn cho họ con đường đi tới tự do không có nỗi sợ hãi. Họ đứng lên đòi nhân quyền và hết người này kế tiếp người khác, kẻ ngã xuống người đứng lên tiếp nối dành lại tự do cho quê hương. Những người nằm xuống được dân Myanmar gọi một cách trân trọng là những “cánh sao rơi”. Họ như những vì sao đã tỏa sáng một thời cho vùng trời quê hương của họ rồi rơi xuống. Những “cánh sao rơi” này đi qua rồi đến những “cánh sao rơi” khác tiếp nối để luôn luôn giữ cho đất nước không còn tăm tối. Họ sẵn sàng hy sinh mạng sống quý báu của mình chỉ vì họ không thể sống  trong một chế độ độc tài mất tự do và luôn luôn sợ hãi như những anh em chú bác của họ đã trải qua.


Lưỡng Nguyên

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Nhưng Gangnam Style là câu chuyện âm nhạc vô hại, còn trong những vụ đã kể tại Việt Nam, khi người ta đăng đàn đăng tin giả mạo hay công khai chửi rủa, sỉ nhục lẫn nhau để được hàng ngàn người hào hứng vỗ tay, theo dõi, thậm chí cổ vũ, bênh vực và biến chúng thành hiện tượng như hiện nay, nó cho thấy có điều gì đó dường như chưa đúng lắm trong xã hội. Bởi đó là cách ứng xử bộ lạc, "đầu gấu" của giang hồ.
Có muôn vàn lý do, nhưng cốt lõi là nhân dân đã chán Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Cộng sản của ông Hồ đến tận mang tai. Kế đến là tình trạng cán bộ càng giữ quyền cao chức trọng thì càng mất đạo đức, sa đọa và tham nhũng hành dân nên bàn dân thiên hạ phát chán, chả ai còn hồ hởi phấn khởi thực hiện phương châm “cán bộ đi trước làng nước theo sau” nữa.
Nói đến tỉnh Bạc Liêu thì đa số người hiểu biết không thể quên hai nhân vật điển hình, là ông Cao Văn Lầu và công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Ông Cao Văn Lầu là tác giả của bài Dạ Cổ Hoài Lang, được gọi chung là vọng cổ mà đào kép cải lương phải ca trên sân khấu. Ở Mỹ Tho cũng có một công tử, cũng nổi tiếng ăn chơi, tên là Lê Công Phước, được là Phước George. Người trắng trẻo, đẹp trai nên được gọi là Bạch công tử, để phân biệt với Hắc công tử Bạc Liêu.
Ngày nay Đại Lễ Vesak (Hợp nhất của ba ngày Đản Sinh, Thành Đạo và Nhập Diệt) của Đức Phật đã được Liên Hiệp Quốc công nhận. Trong ngày lễ này, Tổng Thư Ký LHQ, các vị nguyên thủ quốc gia, các giới chức chính quyền cao cấp tại những quốc gia Phật Giáo, hoặc tham dự hoặc gửi điện văn chúc mừng, chiêm bái tự viện, viếng thăm hoặc dâng hoa cúng dường chư tăng ni và Lễ Hội Phật Đản đã được quần chúng tổ chức trang nghiêm, cung kính.
Nhung các đối thủ (Nga, Tàu) hay đối tác (Âu) không chịu thua mà tìm đủ mọi cách phá vỡ vòng kim cô USD để tránh bị phong tỏa kinh tế lại điểm trúng tử huyệt của nền trật tự tự do toàn cầu (liberal world order) do Mỹ gầy dựng trên nền móng USD. Giải pháp nào sẽ hất ngã USD trong khi cả NDT lẫn Euro đều còn ít đáng tin hơn USD? Dưới đây là vài phỏng đoán thay vì dựa trên chứng cớ vững vàng. Giữa Trung Quốc, Nga và Iran đều thiết lập những đường dây hoán đổi ngoại tệ (currency swap) mà không thông qua hệ thống ngân hàng Mỹ. Thí dụ Iran bán dầu thu vào NDT rồi dùng NDT nhập cảng máy điện toán từ Trung Quốc (với điều kiện các máy điện toán này không chứa đựng bản quyền Mỹ trong đó.) Ngân hàng Iran có thể đổi trước một lượng tiền nội địa ra NDT dự trữ giao dịch mà không cần chờ đợi phải thu NDT từ bán dầu mới mua hàng Trung Quốc.
Nơi trạm xe buýt cuối ngày, chuyến xe cuối cùng chuẩn bị lăn bánh. Những người đến trễ và những người muốn ngủ lại nơi băng ghế chờ đợi, sẽ bị bỏ lại. Cơ hội tái diễn cho một chuyến xe khác, có thể là ngày hôm sau. Nhưng hôm sau, nào ai đoán được chuyện gì sẽ xảy ra. Người ta cần phải bước qua, bỏ lại lịch sử phía sau, bằng không sẽ bị bỏ lại bên lề lịch sử.
Cùng thời điểm, các nước trong vùng như Ấn độ, Mã lai, Phi luật tân,...bị Tây phương đô hộ, đều lần lược thu hồi độc lập, tổ chức đất nước theo thể chế tự do dân chủ và nhờ đó, đất nước phát triển mà không phải có hơn 10 triệu dân chết oan uổng như Việt nam. Chỉ vì họ không có hiện tượng Hồ Chí Minh!
NHững người trẻ sẽ không còn là “không chịu lớn.” Họ đã trưởng thành trong suy nghĩ của riêng họ. Và khi phải xuống đường bày tỏ những ước muốn của mình. Họ biết họ phải làm gì. Không thể nào ai đó bảo họ phải làm cái này hay phải làm cái kia. Họ không còn cần phải có lãnh tụ. Đất nước cần những con em như thế.
Hiệp Định Geneve, cũng như Hiệp Định Paris, đối với Bác và Đảng – rõ ràng – đều chỉ là một mớ giấy lộn. Tổng Tuyển Cử (1956) hay Đình Chiến (1973) cũng thế. Hoà bình là từ ngữ không hề có trong tự điển của những người cộng sản. Họ nhất định phải nhuộm đỏ hết cả nước VN (bằng mọi giá và mọi cách) thì mới thoả lòng.
Lần đầu tiên tôi đi thăm Huynh Trưởng Huy Phương đang bệnh già. Đây là chuyến "thoát ly" đặc biệt sau hơn một năm tự giam mình. Trong suốt thời gian Huynh Trưởng bị bệnh, nằm nhà thương dài dài trong bao nhiêu ngày có đại dịch, tuy không phải bị con virus mắc dịch hành hạ, nhưng là một bệnh ngặt nghèo phát sinh theo tuổi tác.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.