Hôm nay,  

Những Nghĩ Suy Cần Chết Theo Cơn Dịch

11/04/202011:56:00(Xem: 3375)
img_3179

“The Ideas That Won’t Survive the Coronavirus” by Nguyễn Thanh Việt.

Ảnh: Demetrius Freeman for the New York Times



Lời
 Giới Thiệu: Bài viết này nằm trong loạt bài “The America We Need” (Nước Mỹ Mà Chúng Ta Cần) nơi trang Opinion (Ý Kiến) của báo New York Times. Nguyễn Thanh Việt từng đoạt giải Pulitzer với tác phẩm “The Sympathizer” năm 2016. Người dịch không nhất thiết đồng ý với tác giả trong mọi vấn đề, tuy nhiên trong tinh thần chia sẻ tri thức, xin đăng bản dịch lên đây để mọi người có cơ hội tìm hiểu và thảo luận. Mọi ý kiến đều được tôn trọng, tuy nhiên dịch giả giữ quyền loại bỏ những comment lạc đề hay khiếm nhã.

Thỉnh thoảng có người hỏi tôi, muốn trở thành nhà văn cần phải làm gì. Tôi thường trả lời, bạn chỉ cần đọc không ngừng; bỏ hàng nghìn giờ để viết; và có một khả năng hứng nhận sự hất hủi và cô độc chẳng khác nào kẻ khổ dâm. Nào ngờ, những thói quen này lại giúp tôi chuẩn bị cho cuộc sống mới giữa lòng dịch.

Chỉ mỗi việc tôi có cảm giác gần như sung sướng trong lúc đang bị cách ly — trừ những cơn ám ảnh về cái chết hay bực tức trước sự kém cỏi của giới lãnh đạo, khoan nói đến của vị tổng thống — cũng làm tôi nhận thức rất rõ đặc ân mình được hưởng. Nhưng khi lên mạng xã hội tôi mới nhìn thấy sự tàn bạo của trận dịch trên những người đã bị mất việc hay không trả nổi tiền nhà. Biết bao câu chuyện kinh hoàng đã đều đặn xuất hiện về những người bác sĩ, y tá, những bệnh nhân đang chống chọi với Covid-19, những người có thân nhân chết vì dịch.

Với đại đa số, đây là lần đầu họ lờ mờ nhìn thấy dystopia – một xã hội chao đảo, mất thăng bằng trật tự. Nhưng nhiều người khác hiện đang phải sống trong đó.

Nếu có điều gì tốt đẹp nảy sinh từ thời điểm u ám này, có thể đó là sự thức tỉnh của căn bệnh tiềm ẩn trong cơ chế chính trị chúng ta bao lâu nay. Chúng ta không khoẻ mạnh như mình tưởng. Con tế khuẩn sinh học gây nên bệnh tật còn là một siêu vi khuẩn xã hội. Các triệu chứng của nó — bất bình đẳng, sự nhẫn tâm, lòng ích kỷ, vụ lợi bằng mọi cách, đặt giá trị vật chất trên con người — bao lâu nay vẫn được che đậy bằng chiếc mặt nạ tươi cười của cái gọi là “American exceptionalism” — sự ngoại lệ của nước Mỹ, với dáng vẻ hồng hào của một người sắp bị nhồi máu cơ tim.

Và cho dù nước Mỹ như ta vẫn biết sẽ sống sót qua cơn đại dịch, khó mà nó không bị thương tổn bởi coronavirus. Nếu như Covid-19 có khả năng xé toang ảo giác bất bại của những bệnh nhân xém chết vì dịch khuẩn, nó sẽ chôn sống huyền thoại Hoa Kỳ là quốc gia vĩ đại nhất địa cầu — điều mà kể cả những người Mỹ bần cùng, những người bên lề xã hội, những kẻ sa cơ thất thế vẫn cố bám víu, bởi ngoài cái thuộc tính “American” đó ra họ không còn gì khác để đặt niềm tin vào.

Cảm tưởng tù túng trong lúc bị cách ly tại gia có thể làm nhiều người mường tượng cảm giác ở tù ra sao. Tất nhiên chúng ta luôn có những nhà tù thật, nơi tồn kho những con người bất hạnh không có chỗ nào để tránh coronavirus. Chúng ta cũng có các trại tị nạn hay trung tâm giam giữ di dân không khác gì những trại tù. Ngoài ra chúng ta còn có nhà tù kinh tế giam hãm người nghèo, những gia đình sống bấp bênh chỉ cần mất một khoản lương là trở thành vô gia cư, hoặc nếu mắc bệnh thì phải chịu chết vì không có bảo hiểm sức khoẻ.

Nhưng đồng thời nhà tù và trại giam cũng là bảo sanh viện của sự nhận thức, nơi nhiều tù nhân có cơ trở nên quá khích hoặc biến thành nhà hoạt động hay nhà cách mạng. Có quá đáng để ta hy vọng sự cô lập không tự nguyện này cho người dân Mỹ, cộng với thực tại nhiều người vẫn phải đi làm trong tình hình nguy khẩn, sẽ khiến chúng ta chiêm nghiệm và suy xét lại bản thân, để cuối cùng xã hội sẽ có sự đoàn kết?

Khủng hoảng thường gây nên sợ hãi cùng với hận thù. Và chúng ta cũng biết vô số người Á Châu hay người Mỹ gốc Á đã bị tấn công vì cái nhiều người thích gọi là “cúm Tàu”. Nhưng chúng ta có chọn lựa: Chúng ta có nên chấp nhận một thế giới của sự thiếu thốn và chia rẽ, nơi con người luôn đấu đá tranh giành nguồn lực và cơ hội; hay, chúng ta nên phác hoạ ra một tương lai nơi xã hội chỉ được cho là thành công khi nó có thể chăm sóc những người bệnh tật, người nghèo khó, người già yếu, người không bình thường?



Là một nhà văn, tôi biết những chọn lựa như thế thường xuất hiện khoảng giữa truyện. Nó là điểm chuyển biến. Một người hùng nào đó — trong trường hợp này là cơ chế chính trị của Mỹ — đối diện một quyết định nghiêm trọng mà cách xử trí của anh ta sẽ hé lộ bản chất đích thực của mình.

Chúng ta chưa đi được nửa đường trong vở bi kịch hiện tại mà chỉ mới gần hết màn một, khi chúng ta dần nhìn ra mối nguy hiểm trước mặt và biết cần phải hành động. Ngay giờ phút này, hành động đó chỉ đơn giản là làm mọi cách chống lại Covid-19 để có thể sống còn như một quốc gia, dù có bị yếu đi ít nhiều.

Điểm nhấn của truyện thường đến khi người hùng chạm trán một đối thủ tương xứng — không phải những nhân vật lèm bèm yếu đuối, mà là một người hay một thứ gì đó cực kỳ kinh khủng. Covid-19 tuy tệ hại thật nhưng nó chỉ là loại nhân vật phản diện trong phim ảnh. Kẻ thù của ta không đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Đối thủ đích thực của chúng ta không phải là dịch khuẩn mà là cách ta ứng phó với nó — một lối ứng phó bất cập và méo mó do sự bất bình đẳng tiềm tàng trong cấu trúc xã hội.

Nước Mỹ có một lịch sử thuộc địa và tư bản từng khai thác không thương xót tài nguyên thiên nhiên và con người — thường là người nghèo, người di dân hay da màu. Hôm nay cái gốc lịch sử ấy lại hiện hình trong hành vi chấn góp nhu yếu phẩm, bởi ai cũng tự lo thân mình vì biết nền kinh tế này thiếu thốn nhiều thứ; trong sự lệ thuộc vào lao động rẻ tiền của phụ nữ và các sắc dân thiểu số; và trong sự yếu kém của hệ thống y tế, an sinh, giáo dục và thu nhập căn bản để có thể chăm sóc những thành viên cần giúp đỡ nhất trong xã hội.

Cuộc khủng hoảng này đã hiển lộ một điều. Tuy bất cứ ai cũng có thể bị dịch bệnh hạ gục — kể cả người giàu sụ hay các đại công ty, nhưng chính quyền của chúng ta lại ưu tiên bảo vệ những người ít bị tổn thương nhất.

Nếu đây là một kịch bản Hollywood điển hình thì người hùng “nước Mỹ ngoại lệ” của chúng ta, sau khi trù trừ lưỡng lự trong Màn một, sẽ có quyết định đúng đắn tại điểm chuyển biến. Quái vật Covid-19 độc ác sẽ bị khống chế, trật tự thế giới được tái lập, và xã hội trở lại cái thời trước khi ác nhân xuất hiện.

Nhưng nếu sau khi dập tắt được Covid-19 chúng ta quay về với cơ chế xã hội trước đây thì đó sẽ là một chiến thắng Pyrrhic mà đôi bên đều bị huỷ diệt. Có thể chúng ta sẽ có bộ phim thứ nhì, rồi thứ ba… cho đến hồi cuối: Đại nạn môi trường. Nếu cách chống dịch lủng cà lủng củng của chính phủ trong những ngày qua chỉ là dự thảo cho biện pháp đối phó đại nạn sắp tới thì trái đất này kể như tiêu.

Tuy nhiên, vẫn có những tín hiệu của niềm hy vọng và lòng can đảm phát ra từ mớ bòng bong hỗn độn Covid: nhân viên các doanh nghiệp thiết yếu đồng loạt xuống đường đòi hỏi được bảo vệ sức khoẻ và trả lương xứng đáng; dân chúng tự động quyên góp và may khẩu trang cho các cơ sở y tế; bác sĩ và bệnh nhân lớn tiếng chỉ ra hệ thống y tế bị rút ruột; người hạm trưởng hy sinh sự nghiệp để cứu thuỷ thủ đoàn của mình; và đến như những người lạ bỗng dưng chào hỏi nhau trên đường phố Los Angeles, một thay đổi triệt để bất ngờ biểu hiện tâm thức đại đoàn kết.

Tôi biết tôi không phải người duy nhất suy nghĩ như vậy. Biết đâu thời gian bị cô lập này sẽ cho nhiều người cơ hội làm việc của nhà văn: tưởng tượng, đồng cảm, ước mơ. Có thì giờ để làm những chuyện xa xỉ này đã là được sống bên mép của thế giới tuyệt hảo utopia rồi, mặc dù những nơi nhà văn dẫn dắt ta đến sau đó thường đầy bất ổn. Tôi viết không chỉ vì nó mang đến cho mình niềm khoái lạc, mà còn vì nỗi sợ hãi — tôi sợ nếu không có câu chuyện mới nào để kể tôi sẽ không thật sự sống.

Người dân Mỹ rồi đây sẽ bước ra khỏi cái hầm trú cách ly của mình và đo đếm những gì đã đánh mất — không chỉ con số tử vong mà còn những nếp suy nghĩ đã bị cơn dịch giết chết. Và rồi chúng ta sẽ phải chọn một kịch bản mới mà trong đó những người sống sót sẽ được thật sự sống.


-ianbui dịch

Nguồn: https://vietopian.wordpress.com/2020/04/11/nhung-nghi-suy-can-chet-theo-con-dich/?fbclid=IwAR15WkRLuETPimLFWQfo5FQoEMEVXFQG18CqKnOL-YoQNBvl5pdFjC1OGiI

Ý kiến bạn đọc
12/04/202005:39:42
Khách
What on earth does 'Nghĩ Suy' mean ?
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
Đôi lời từ tác giả: “Sẽ có nhiều người không thích bài viết này. Họ sẽ cảm thấy bị công kích và rằng thật bất công. Phản ứng càng mạnh mẽ càng cho thấy nỗi sợ hãi về chủng tộc đã cắm rễ sâu vào nền chính trị Hoa Kỳ, và sẽ tồn tại mãi.” Tầm quan trọng của vấn đề chủng tộc trong nền chính trị của chúng ta được thể hiện rõ ràng qua chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại. Khẩu hiệu (slogan) đình đám nhất là từ chiến dịch tranh cử của Donald Trump: “MAGA” – Make America Great Again (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại). Ý của slogan này là Hoa Kỳ đã từng rất vĩ đại, nhưng đã và đang đánh mất hào quang của mình.
Sau 11 năm chống Tham nhũng (2013-2024) nhưng Tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao?
Thời gian gần đây, những người thương vay khóc mướn ở Việt Nam thường đem vấn đề Chủ nghĩa Xã hội và đảng có quyền một mình lãnh đạo ra hù họa dư luận. Tuy nhiên, càng vênh váo và cù nhầy bao nhiêu lại càng lâm vào thế bí. Những bài viết không trả lời được câu hỏi: Ai đã trao quyền lãnh đạo cho Đảng, và tại sao Đảng sợ Dân chủ đến thế?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.