Hôm nay,  

‘Vợ Ba’ Muốn Giải Phóng Phụ Nữ Việt?

18/06/201900:00:00(Xem: 4098)
BuiVanPhu_20190610_TheThridWife_H01_BerkeleyTheater
Phim “Vợ ba” chiếu ở Berkeley, California và một số thành phố tại Hoa Kỳ hôm đầu tháng 6/2019 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
BuiVanPhu_20190610_TheThridWife_H02_MovieScence
Cảnh trong phim “Vợ ba” của đạo diễn Ash Mayfair (Ảnh: Bùi Văn Phú)
BuiVanPhu_20190613_TheThirdWife_H03
Vợ ba mong sinh con trai (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Vào phim là cảnh sông núi, với con đò chở khách trên sông. Phong cảnh như đường lên chùa Hương Tích, nhưng mang nét âm u buồn.

Đó là cảnh đưa Mây (Nguyễn Phương Trà My), 14 tuổi, nhân vật chính trong phim về nhà chồng với ông Hùng (Lê Vũ Long) một địa chủ tuổi đã trung niên. Mây là vợ ba của ông, sau Hà (Trần Nữ Yên-Khê) và Xuân (Mai Thu Hương Maya).

Phim vào ngay cảnh ái ân lần đầu với vợ mới. Quanh cận cảnh thân xác, qua những biểu tượng và nét mặt.

Còn nhiều cảnh nóng khác. Hơi nhiều ái ân chăn gối nên phim được xếp vào hạng mục R (Restricted) theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, là loại phim cấm trẻ em dưới 17 tuổi vào xem nếu không có phép của phụ huynh.

Khoảng mười phút đầu của phim rất thinh lặng. Không một câu nói.

Trong toàn bộ phim dài 96 phút, nói tiếng Việt với phụ đề Anh ngữ, đạo diễn Ash Mayfair – không hiểu vì sao bà không giữ tên khai sinh Nguyễn Phương Anh – và cũng là người viết kịch bản cho phim đã ít dùng lời thoại, nếu có cũng chỉ là những đối đáp rất ngắn giữa nhân vật. Yên lặng, nhiều chỗ còn kéo dài lâu đưa đến nhàm chán.

Đạo diễn dùng hình ảnh (quay phim: Chananun Chotrungroj) và những nét cận cảnh để diễn tả nội tâm nhân vật nhiều hơn.

Câu chuyện đơn giản xoay quanh quan niệm văn hoá trong xã hội Việt Nam xa xưa, và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, là trong gia đình phải có con trai để nối dõi tông đường.

Trong “Vợ ba – The Third Wife” câu chuyện đan xen giữa những nét hồn nhiên của các bé gái đang lớn lên và thân phận của ba người vợ của ông địa chủ trong nếp văn hoá xưa của Việt Nam, chịu ảnh hưởng của Khổng giáo.

Hầu hết nhân vật trong phim là phái nữ, ba bà vợ, người giúp việc trong nhà cho đến những em bé gái tóc kết bím nô đùa. Không thấy bóng dáng bé trai.

Hôn nhân do ép gả, đàn ông được lấy nhiều vợ làm cho bé gái suy nghĩ. Hôn nhân kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đưa đến sự phản kháng của Sơn, không chịu lấy cô vợ chưa một lần gặp mặt mà chỉ được cha mẹ sắp đặt. Bị Sơn từ chối, cô gái bị trả về cho gia đình, cảm thấy chua xót cho thân phận và đã tự kết liễu đời mình.

Nhiều ẩn dụ trong phim mà người xem khó hiểu được qua hình ảnh. Cảnh bò sinh bê con hay cảnh vợ cả chỉ cho vợ ba cách giết con gà trống, hứng tiết vào dĩa. Cảnh những con tằm nhả tơ.

Một ẩn dụ có thể diễn giải là hình ảnh con bướm bay vào đậu trên mặt cô gái đã tự tử chết, lúc Mây lén đến thăm. Phải chăng đó là “Hồn bướm mơ tiên” như tên một tác phẩm trong trào lưu văn chương mới của Tự Lực Văn Đoàn vào thập niên 1930.

Mây sinh con, nhưng lại là con gái. Như thế làm sao được ông địa chủ cưng chiều nữa, dù tuổi đời còn rất trẻ. Từ đó nảy sinh ham muốn giữa vợ ba và vợ hai.

Phim bất ngờ chấm dứt. Khi trên màn ảnh bắt đầu hiện lên những hàng chữ với tên của đạo diễn, các vai diễn, tên người cầm máy quay và tất cả những ai đã góp phần làm nên phim, người phụ nữ Việt ngồi gần chúng tôi đưa ra nhận xét, nói phim chậm quá. Tôi góp ý: “It’s Trần Anh Hùng’s style, very much like ‘Green papaya’ with little Mui – Đó là phong cách Trần Anh Hùng, giống như trong phim ‘Mùi đu đủ xanh’, với bé Mùi.” Chị gật gật đầu.

“Vợ ba” có những nét nhân vật, có cách quay và phong cảnh giao thoa giữa “Green papaya” của Trần Anh Hùng, một cố vấn cho đạo diễn Ash Mayfair, và “Raise the Red Lantern” của Trương Nghệ Mưu.

Một người đàn ông ngồi phía sau nghe chúng tôi nói chuyện, ông hỏi phim có phản ánh xã hội Việt Nam đương đại hay không. Tôi nói không, câu chuyện là những gì xảy ra hơn một thế kỷ trước. Với phong trào bình quyền và giải phóng phụ nữ khắp nơi trong nhiều năm qua thì thân phận của phụ nữ ở Việt Nam bây giờ cũng đã khá nhiều lắm, dù nay vẫn có nhiều ông có vợ bé.

Là người gốc Ấn Độ, ông nói ở nước ông cũng có quan niệm như thế, là đàn ông khi lập gia đình phải có con trai nối dõi tông đường, đem của cải về nhà, còn con gái sau khi gả chồng là coi như lấy đi của cải. Ông đã cho chúng tôi cơ hội hiểu thêm là không chỉ trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam có quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” trọng nam khinh nữ mà ở Ấn Độ cũng thế.

Một cặp vợ chồng Mỹ lớn tuổi, đi chung với ông, hỏi chúng tôi như thế kết phim ra sao. Nhà tôi nói, điều đó không rõ. Đạo diễn để cho khán giả tự suy nghiệm ra số phận của Mây và đứa con gái mới sinh. Còn cảnh bé gái cắt từng lọn tóc, thả xuống sông là cách phản kháng lại quan niệm cổ xưa đối với phụ nữ trong nếp văn hoá Việt. Bà Mỹ nói rất thất vọng với phim và tiếc tiền vì không như những gì đã đọc trong phần điểm phim trên New York Times.

Một khán giả vừa xem phim xong, mà không biết câu chuyện xảy ra khi nào và chia sẻ thắc mắc với chúng tôi cho thấy đó là thiếu xót của nhà làm phim.

Trong phần mở đầu có ghi truyện phim có thật, nhưng không ghi thời biểu của câu chuyện là khi nào.

Với những nét trong phim, như phong cảnh, trang phục của nhân vật, ngoài phụ nữ mặc yếm, còn lại là áo dài, khăn đóng hay quần áo bà ba, tứ thân dù nâu hay trắng, khán giả khó biết được đó là xã hội nông thôn Việt Nam đương đại hay cách đây hơn thế kỷ.

Các thông tin về phim được phổ biến ghi rằng đó là câu chuyện thực về ông bà nội (ngoại) và ông bà cố của đạo diễn. Nếu người xem đã có cơ hội đọc trước những thông tin về phim thì mới biết được thời gian của câu chuyện “Vợ ba” là vào cuối thế kỷ XIX ở một vùng nông thôn Việt Nam.

Nhưng phim có cảnh con chó được trân quí, có hai phụ nữ tỏ tình với nhau qua thân xác là những điều rất ít thấy trong xã hội Việt Nam cách đây hơn thế kỷ.

“Vợ ba” đã bị cấm chiếu ở Việt Nam. Có rạp ở vùng San Jose đã rút lại lịch chiếu sau khi người Việt trong vùng lên tiếng, vì nội dung đã tạo ra những tranh cãi về sự bảo vệ của luật pháp đối với trẻ vị thành niên liên quan đến nhân vật chính trong phim là Mây, 14 tuổi, do nữ diễn viên Nguyễn Phương Trà My giữ vai, khi tuổi thật ngoài đời của Trà My chỉ mới 12 mà em đã phải diễn những cảnh ái ân thân xác.

© 2019 Buivanphu

[Bài đã đăng trên bbc.com/vietnamese 14.06.2019]

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Phong trào sinh viên, thanh niên và trí thức Việt Nam lên tiếng phản đối Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo về một nguy cơ bị xâm lăng
Khoảng đầu thập niên 1970s, phong trào phản chiến khá mạnh ở miền Nam. Vì là chế độ tương đối tự do nên những bài nhạc phản chiến được sáng tác
Chỉ tiêu lao động mỗi người trong ngày là một khúc củi dài 1.5 mét, đường kính ít nhất là 3 tấc. Chúng tôi dùng các dụng cụ tự chế để cưa và tỉa nhánh
Một hiện tựơng đang làm nức lòng giaó dân Việt Nam: nhiều ngàn người Công Giáo Hà Nội trong đêm 18-12-2007
Thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, từng bước chúng biến đất nước nầy thành một nhà tù vĩ đại, từng bước chúng muốn biến vua quan nước này
Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiểu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa
Quê nhà Cần Thơ lọt thỏm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long cho nên chỉ hiểu biết tận tường đất nước con người như mùa màng
Thưa quý thính giả, trong khi Hà Nội tiếp tục im lặng và chưa có một hành động cụ thể nào trước việc Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn chủ quyền Việt Nam
Trước sự kiện Trung Cộng tuyên bố chủ quyền và thiết lập hệ thống chính quyền trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, giới thanh niên trong nước đã lên tiếng
Về tâm lý học, con người thường tin vào những điều mình muốn tin. Nhưng sự thật đôi khi không làm hài lòng ý muốn đó.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.