Hôm nay,  

Ạch đụi tra lão - - độc đắc thơ - hồn nhiên mùa xuân

08/03/201910:25:00(Xem: 4138)

Ạch đụi tra lão


Hồ Đình Nghiêm


blankNhà thơ Hoàng Xuân Sơn
Tranh của Thanh Trí
 

Montréal, thành phố tôi định cư, đã có ai đó thày lay phiên dịch, phụ đề Việt ngữ thành Mộng Lệ An. Thoạt nghe xướng tên, cứ ngỡ như đó là nhan truyện dài kỳ tình diễm lệ chan đầy nước mắt của nhà văn nữ Quỳnh Dao ở tận xứ lạ Taiwan. Nhiều đọc giả “khó tính” bảo: Quỳnh Dao là chưởng môn nhân môn phái Sến. Tôi chưa đọc văn bả nên chỉ biết mần thinh. Tôi nhớ có vị nào đó ở trong nước từng có thơ “mưa rơi không cần thông dịch” hoặc một thứ na ná tựa thế. Tôi lại nhớ một câu thoại “Cái gì của César thì nên trả lại cho César”.

Tôi yêu Montréal, nhỏ bé, hiền hoà, dân tình cởi mở, Anh-Pháp đề huề chẳng yes thì oui. Có khu cổ xuý việc trau dồi Pháp ngữ, lại thày lay mần thông ngôn, như sau: Tình xê la mua, tiền xê lạc răng, đời xê la vi. Ui, trẻ lên ba cũng tường những món gay cấn nọ.

Ở khu chăm nói tiếng mẹ đẻ, tôi thân thiết với hai nhà thơ: Luân Hoán, Hoàng Xuân Sơn. Hai nhà văn: Võ Kỳ Điền, Song Thao. Tôi gọi bốn vị bằng anh, vì tôi tri thiên mệnh trong khi họ thuộc dạng cổ lai hy. Họ chẳng thích nuôi râu, chứ nếu thả giàn để râu ria ra rậm rạp thì e “bác Hồ” phải nể mặt tủi hờn đọ không lại kính nhi viễn chi. Quá khứ, Luân Hoán gốc Đà Nẵng (Trung). Hoàng Xuân Sơn gốc Huế (Trung). Võ Kỳ Điền gốc Phú Quốc (Nam). Song Thao gốc Hà Nội (Bắc). Ba phương lưu lạc dặm ngàn đã tìm về chốn đất lành “chim” đậu này. Cớ sao cứ quen miệng đất lành chim đậu? Những giống loài khác muốn xớ rớ, lân la tới thì không đậu được sao? Giả dụ như ve sầu, như gà mái, như bướm vàng?

“Hoàn cảnh” nhà thơ Luân Hoán giống như tôi: Lấy vợ cùng quê, chung phường khóm. Riêng nhà thơ Hoàng Xuân Sơn và nhà văn Song Thao lại có sự khác biệt. Khác mà hoá ra chẳng khác, cái mới hay! Chị Hoàng Xuân Sơn gốc Hà Nội trong khi chị Song Thao là gốc Huế. Nói dễ mất lòng là thế này (cho dễ hiểu): Chị Hoàng Xuân Sơn mà trò chuyên với anh Song Thao thì nghe ra cung bậc lên bổng xuống trầm chuẩn mực hỏi ngã rất ư thanh lịch của Bắc kỳ 9 nút. Và anh Hoàng Xuân Sơn đối đáp cùng với chị Song Thao thì mỗi chữ tự động chêm vào dấu nặng (y như tôi vậy, Huệ mợ Huệ mộng. Có đáng ghét không?) Bực cả mình, chẳng mộng lệ an gì sất. Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn từng lên giọng, thay tôi, đả phá cách giả giọng Huế của phường ngoại đạo, những hài kịch rẻ tiền, đầy bôi bác. Bác Sơn ta đó chính là Huế chay!

Tôi quan sát ngầm, ngay thời điểm này có bốn vị làm thơ cực kỳ sung mãn: Trần Vấn Lệ, Nguyễn Hàn Chung, Luân Hoán và Hoàng Xuân Sơn. Riêng nhà thơ Huế mềnh thì trải thơ, gửi bài đến hầu hết các diễn đàn văn học trên net. Hơi thơ cá biệt, ý tình đầy ắp. Gần đây, thơ gom chứa chút tự trào, một nụ cười kín đáo, thoạt bắt gặp không khỏi nghe ra lòng xao động. Bỡn cợt nhưng vẫn không bỏ quên chất thơ mộng lay rèm đằng sau con chữ vừa thoát ra. Nếu có ai hỏi tôi câu hóc búa: Thơ là gì? Tôi có ngay câu trả lời: Hãy đọc thơ Hoàng Xuân Sơn. Tôi xin đơn cử một trong muôn vàn bài tôi yêu thích. Bài “Nách”. (Ăn phải món ngon liền ngôn: Ngon nhức nách! Và nách còn có nghĩa là ẵm, bồng, bế, tha: Con nách em đi cho mạ rảnh tay chút nờ!):

 

một lần. tôi xốc nách tôi
tự mình quên đứng nên ngồi thiệt lâu
nách tôi tới chỗ buồn rầu
trước sau vẫn có một câu chuyện tình
nách tôi ra chốn thình lình
nắng mưa mưa nắng dập dình trăng sao
nách tôi về lại xứ nào
cho tôi đứng dậy cúi chào nguyên tôi.
(11. 2018)

 

Hay nhức nách! Bài thơ đã “nách” tôi đi một đỗi khá lâu trong bồng bềnh rù quến. Một bài mới hơn, làm xong ngày 27.01. 2019, cũng thể thơ lục bát, bài “Ơn xuân”. Xin trích đoạn:


nhờ em
da lão đâm chồi
ơn nuôi nấng
giữa trần ai bít bùng

đời mình có cái chung chung
cái riêng tư của
mịt mùng tai ương

phía trước xông một con đường
sau lưng
ủ mộng bình thường xác xơ

đời quá bộ
như bài thơ
cùng nhau lượm chữ
dăm tờ rối beng

Phải đó là lời than van? Không, chỉ một tiếng thở dài, rất nhẹ, dù lượm chữ dăm tờ rối beng có nơi bài thơ muốn đoạn lìa là một việc làm hết sức nặng nề. Một người gánh đá lên non hay con dã tràng chăm xe cát? Công việc nào nhọc sức hơn? Không biết. Không nên đào xới. Thơ là thứ “không cần thông dịch”. Tôi đọc, thấy trong người có biến chuyển, chỉ ngần ấy thôi là đã đủ để cảm ơn người làm ra bài thơ nọ. Dư dục vô ngôn.

Không cứ là lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy (bẩy) chữ của anh Huế se duyên cùng chị Bắc (cố đô + thủ đô) cũng mang đủ sự hài hoà giữa da diết hồi ức, van lơn lúc tự hoạ, một trách cứ về lối đi thẳng thớm không dưng bị thế nhân nhộn nhạo ra sức uốn cong, gập ghềnh, đắp mô, xao xác. Hơi hám của thời cuộc tham dự vào, tâm thành thay lời khuyên nhủ lẩn khuất. Và sau hết, lời thơ chuyển tải đã tới đích cuối. Tạm nhặt ra bốn bài, bốn trích đoạn, thay mặt cho bốn, năm, sáu, bẩy:

 

chớ đứng xớ rớ
tuyết phủ cô hồn
gió luồn tim mạch
ạch đụi bàng môn

lâu rồi kiệt quệ
còn chi em ơi
còn một chút đời
vo như tờ giấy
ngồi đây quên đấy
còn một dúm tro

miệt mài tra lão
còn chút mày mò
răng cỏ lộn lạo

(trích từ bài “Tháng giá”. 7. 2. 2019)

 

 

đừng xôn xao chữ nghĩa
lúc về sáng, nửa đêm
bạn sẽ là con rối
giữa mộng thực triền miên

chữ mù trong tự điển
héo lánh lên thượng nguồn


không còn ai muốn giở
một chương hồng sách thơm

(trích hai khổ đầu trong bài “Tơ chỉ rối”)

 

Hết bốn, năm, qua tới sáu. Một liếc xéo (nháy mắt) về quê nhà. Bài “Thời vận”:

 

bọn trẻ còn dám “đi bão”
thì mình đằng vân chút chơi
miễn là đừng mê mẩn gió
phượt hết yên ba một thồi.

 

Và thơ 7 chữ, trích ra hai đoạn trong bài “Xướng âm”:

 

âm quá. không cù rủ mặt đường
giữa mùa băng cực níu tai ương
ngón chân tìm một lỗ để thở
cùng tóc râu túa đời tha phương

40 năm xỏ giày mang ủng
không dám. chưa quen cái lạnh tràn
hồn tóp teo dưới tầng áo xống
bận. hay đừng rồi cũng hở hang

Người đọc có tinh ý nhìn ra trong thơ thượng dẫn một đôi từ cá biệt của Huế? Xớ rớ. Ạch đụi. Tra lão. Mày mò. Bận áo xống… Tôi không cố tình đâu, tôi chỉ lựa nhặt ra những bài khác thể loại, cùng lúc muốn chứng minh về thời tiết mùa đông khắc nghiệt vây lấy thành phố chúng tôi cư ngụ, lời thơ bày rõ một quang cảnh “mộng bất an”.

Khác nhà thơ Luân Hoán, nhà văn Song Thao. Hai người Huế chúng tôi tuy cái viết ra khá là bộn bề nhưng mãi không gặp duyên lành việc in thành sách. Ạch đụi. Rị mọ. Mãi lần khân ngoài sân mà chưa lần vào trong bếp: “không còn ai muốn giở, một chương hồng sách thơm”? Hoàn cảnh! Hoàn cảnh như câu thơ của Bùi Giáng:

Sáng ra bao tử mơ mòng
Cà phê bên nọ cháo lòng bên ki
a.

Mình sẵn cháo lòng mà lại thiếu cà phê. Mình mãi mơ mòng về cái bất toàn nọ. Rất mực gay cấn đồng thời cũng ngộ tới sự buông bỏ:

“lâu rồi kiệt quệ
còn chi em ơi
còn một chút đời
vo như tờ giấy”.

 

Mặc dù nhịp độ sáng tác luôn đều tay, giàu có thơ, tuy vậy Hoàng Xuân Sơn chỉ mới in ra 4 đầu sách: Viễn Phố (1988) Huế Buồn Chi (1993), Lục Bát Hoàng Xuân Sơn (2004), Thơ Quỳnh (2018). Nhà thơ tâm sự: Bây giờ tự dưng mình đi “làm phiền” bằng hữu thì nghĩ cũng không phải. Hình như có lần chính tôi đã nói ra một câu tương tợ như rứa. Cũng áy náy nếu một hôm trở trời nghe người đó lên giọng hát hỏng: “Anh còn nợ em…”. Tôi có thực hiện loạt bài phỏng vấn các anh chị viết văn làm thơ bốn phương, riêng gặp một người đặc biệt, nhà thơ Bắc Phong. Hỏi: Thấy anh làm thơ có thưa đi? Trả lời: Có lẽ về già, tuổi tác gây ảnh hưởng. Hỏi: Sao anh không in một tập thơ? Trả lời: Tại tôi lười. (Nguồn: Trang Văn Học Nghệ Thuật Phạm Cao Hoàng).

Nếu Bùi Giáng luôn chịu cảnh ngộ “bao tử mơ mòng” thì chúng ta cũng nên thông hiểu “bá nhân bá bao tử”, bụng người này khác bụng người kia. Tôi đã từng mơ mòng nhưng nay tôi tỉnh ngộ, tôi đắc đạo, buông bỏ. Thôi dẫm chân vào sạn đạo, cầm bình bát đi khất thực. Không phải lười, nhưng đã có tuổi, nhìn lui: Mọi thứ là phù vân.

Cảm ơn nhà thơ Hoàng Xuân Sơn:

 

“hồn tóp teo dưới tầng áo xống
bận. hay đừng rồi cũng hở hang”.

 

Montréal sắp vào xuân nhưng giá buốt vẫn một mực không thay đổi. Vẫn đậy đệm áo xống ba lớp, bốn lớp, năm lớp, sáu lớp, bảy lớp. May thay, thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song thất luôn còn đó, lung linh gầy nên đốm lửa làm ấm những giấc mộng không thành, xua đuổi mộng bất an.

 

“Trăm năm một chuyến về thiên cổ
Tuế nguyệt buồn lay chút bụi vàng”.

 

Thơ ai đó? Hình như của Nguyễn Đức Sơn khi bái biệt, tiễn đưa Quách Thoại? Có thể chuyển sang ca từ một bản nhạc: Buồn vào hồn không tên…

Buồn, tốt nhất xin cứ vô danh. Hãy để nó dễ siêu thoát. Chớ bắt chước “con ma nhà họ Hứa” làm chi cho nặng nghiệp. Hừ, Mộng Lệ An!

 

Hồ Đình Nghiêm
Nguồn: Tác giả gửi

 -----

Và trả lời từ nhà thơ Hoàng Xuân Sơn:

 

 

Xin gởi lại quả ôn Nghiêm, một bài viết nhơn ngày Phụ Nữ,

một bài trích từ Văn Chương Việt - 2012 :

 

 

độc đắc thơ

                                 cám ơn hồ chơn nhơn

cấu cào dữ dội

vòi sứt một bên

trầy vi tróc vảy

 

được cái nước bền

là lì lợm đấy

hay dở cứ mần

không thần cũng thánh

chưa là hột cơm

cứ nhằn hạt sạn

 

cơm nóng cơm dẻo

cũng là cơm cháy

đen thủi đen thùi

mặn mà bạch tạng

 

hột chắc hột lép

nếp tẻ mà chi

đừng mắc công toi

tìm tòi phân biệt

nhị nguyên nhất quán

cái kiềng ba chân

mà thơ chỉ một

  

độc độc độc độc

một chắc một mình

mình ên cũng rứa

độc đắc thình lình

 

người bùi đã bảo

ừ vui thôi mà

ừ.  vui thôi . . .

  

hoàng xuân sơn

(mừng ngày) mồng tám tháng ba

bút tre bút nứa chui ra chui vào

 

 Đa tạ!

------------------------- 


hồn nhiên mùa xuân


bộ tịch? đừng. không nên
cứ để nguyên hồn nhiên
con mắt nằm sau gáy
thấy hết cả diện tiền

em ạ. ta là quỷ
già đời. lĩnh xướng. dâm
đầu trơ xương núi sọ
bí chú. đọc lầm thầm

con nít reo ngoài cươi
à! đồng dao tới nơi
vẫn nghe ta đồng nát
tự thuở cạp đất người

biết nói. [không]. chưa đủ
yêu. ở chỗ biết cười
một cành tre bật dậy
trăng trèo lên giếng khơi

bằng hai chân nòng nọc
ồ. không phải. đuôi người
trở về rừng khai hội
khi tình xuân biếng lười

cứ ù thế. giêng hai
ùù. như ù mọi
ta núm được em rồi
cả nụ cuời. tươi rói!
 
hoàng xuân sơn
3. tháng hai. 12

(trích Văn Chương Việt)

 

SOURCE: 
Thư Viện Sáng Tạohttps://sangtao.org/2019/03/08/ach-dui-tra-lao/ 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.