Hôm nay,  

Tết Con Heo Kể Chuyện Cọp

15/01/201900:00:00(Xem: 5355)
Duy Xuyên

(Tacoma)

 
Những ngày còn thơ ấu, tôi nghe các bô lão thường hay nói: ‘Cọp Khánh Hòa. Ma Bình Thuận.’ Tôi không rõ, lời nói trên có xác thực lắm hay không? Nhưng khi truởng thành, tôi có dịp phục vụ tại ba tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Tôi không biết Cọp Khánh Hòa nguy hiểm, hung hăng như thế nào, nhưng chính bản thân tôi đã từng tham gia trong việc săn bắn một con cọp dữ ở Ninh Thuận. Và tôi cũng đã chứng kiến 2 trường hợp về chuyện ma ở Bình Thuận.

Sau đây tôi xin kể chuyện con cọp dữ ở Ninh Thuận (Phan Rang):

Con cọp này đã từng rình bắt 23 người Thượng tại ấp Tà-Lu, thôn Ma-Ty, xã Tân Mỹ, thuộc tỉnh Ninh Thuận rất rùng rợn như sau:

Năm 1960, tôi được lệnh thuyên chuyển về Tỉnh Đoàn Bảo An Ninh Thuận và sau đó được bổ nhiệm chức vụ Trưởng Phòng An Ninh Tình Báo.

Nếu tôi nhớ không nhầm vào thời đó Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chưa thành lập Tiểu Khu. Tại mỗi tỉnh chỉ có Cơ Quan Quân sự. Ngoài ra mỗi tỉnh có một Tỉnh Trưởng Dân sự và một Phó Tỉnh Trưởng Nội An. Vị Sĩ Quan Phó Tỉnh Trưởng Nội An thường thường được kiêm nhiệm Tỉnh Đoàn Trưởng Tỉnh Đoàn Bảo An. Hồi đó, các lực lượng Bảo An còn trực thuộc bộ Nội Vụ, nên Ông Tỉnh Trưởng cũng có quyền điều động, đề nghị thăng thưởng, thuyên chuyển, bổ nhiệm các Sĩ Quan trong Tỉnh Đoàn Bảo An.

Nhận chức vụ Trưởng Phòng An Ninh Tình Báo khoảng chừng một tháng, tôi được lệnh trình diện Thiếu Tá Nguyễn đăng Ngoạn, Phó Tỉnh Truởng Nội An. Vị Thiếu Tá này sau khi nghiên cứu hồ sơ quân bạ của tôi, ông ta nhìn tôi nghiêm nghị nói:

– Tôi thấy chỉ có mỗi một mình Thiếu Úy mới có khả năng tổ chức săn bắn con cọp dữ ở vùng Tà-Lu, Ma-Ty này.

Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An vừa nói vừa nhìn từ đầu đến chân tôi. Trong lúc đó tôi vẫn còn đứng nghiêm trước bàn giấy của ông. Từ lúc tôi được một Hạ sĩ quan trong văn phòng Nội An đưa vào trình diện Thiếu Tá Ngoạn đến giờ, tôi chưa được Thiếu Tá Ngoạn mời ngồi, nên tôi vẫn còn đang đứng với tư thế Thao Diễn – Nghỉ.

Nghe nói đến chuyện săn bắn cọp, tôi rất lấy làm ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ, tôi chưa hề có một lần nào đi săn bắn, dù chỉ là săn bắn nai hay các thú rừng khác. Tôi trình bày:

– Dạ thưa Thiếu Tá, tôi không có kinh nghiệm săn bắn. Nhất là tôi chưa bao giờ săn bắn cọp.

Thiếu Tá Ngoạn nhìn tôi, hàm răng khép kín, ông nói từng tiếng một, giọng thong thả và rõ ràng:

– Quân Đội mình … có ai … có kinh nghiêm … săn bắn. Nhưng đây là nhiệm vụ … của mình!

Tôi nghe nói đến nhiệm vụ, nên không còn có ý kiến gì. Chỉ đứng chờ lệnh.

chúng tôi thay đổi quyết định.”

Ông vừa nói – Cụ Tỉnh Trưởng và tôi, đã chọn Thiếu Úy đảm trách việc này rồi. Không vì một lý do gì vừa gật đầu, vừa viết trên một mảnh giấy nhỏ, rồi trao cho tôi:

– Thiếu Úy ra ngoài ngồi chờ … Tôi sẽ đưa Thiếu Úy đến trình diện Cụ Tỉnh Trưởng. Và sau đó Thiếu Úy cầm “Note” này, đến gặp Ông Trưởng Phòng Nội An để được nghe Thuyết Trình về tình hình Con Cọp dữ này.

Tôi ra ngoài ngồi chờ chừng 15 phút sau, Thiếu Tá Ngoạn bước ra, tay cầm “can chỉ huy” bằng mun đen, bóng loáng. Ông bảo tôi lái xe theo ông. Từ Văn Phòng Phó Tỉnh Trưởng Nội An đến Tòa Hành Chánh Tỉnh không bao xa, chỉ cách có một góc đường, nên ít phút sau chúng tôi đã đến Tòa Hành Chánh Tỉnh. Vừa đến nơi, chúng tôi được một nhân viên Cảnh Sát, mời vào Phòng Ông Tỉnh Truởng.

Vừa bước vào văn phòng, Ông Tỉnh Trưởng bắt tay từng người và mời cả hai chúng tôi ngồi. Trước bàn Ông Tỉnh Trưởng chỉ có 2 cái ghế bành, loại có tay dựa, nên tôi còn đang lưỡng lự chưa biết xử thế ra sao thì Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An nói:

– Thưa Cụ, đây là Thiếu Úy Phạm Duy Xuyên, người mà Phòng Nhân Viên giới thiệu trong buổi họp Nội An sáng nay đó. Con dẫn đến trình diện Cụ Tỉnh.

Ông Tỉnh Trưởng thấy tôi vẫn còn loay hoay chưa chịu ngồi, nên Ông nói:

– Mời Thiếu Úy ngồi. Cứ tự nhiên.

Tôi vừa nhìn Thiếu Tá Ngoạn vừa kéo nhẹ chiếc ghế, tỏ ý xin phép.

Thiếu Tá Ngoạn hiểu ý, gật đầu. Tôi vừa ngồi xuống, ÔngTỉnh Trưởng, với giọng Huế, điềm đạm hỏi tôi:

– Thiếu Úy, về Tỉnh ni, được bao lâu rồi hỉ?

– Thưa Cụ … được hơn một tháng rồi.

Tôi vừa nói xong, Ông Tỉnh Trưởng nhìn Thiếu Tá Ngoạn nói:

– Ông Thiếu Tá Nội An có việc gì cứ đi, để tôi tiếp ông Thiếu Úy cũng được.”

Thiếu Tá Ngoạn đứng dậy, lễ phép nói:

– Xin phép Cụ, con có chút ít việc cần bàn với Ông Cảnh Sát Trưởng. Xin phép Cụ cho con đi.” Ông Tỉnh Trưởng không nói gì, chỉ gật đầu, tỏ ý ưng thuận.

Thiếu Tá Ngoạn bước ra, tôi cũng vội đứng dậy, chào Thiếu Tá Ngoạn, theo lễ nghi quân cách rồi ngồi xuống. Ông Tỉnh Trưởng hỏi tôi:

– Thiếu Úy từ đơn vị nào đổi về đây?

– Dạ tôi từ Thặng Số của Tổng Nha Giám Đốc Bảo An thuyên chuyển về đây.

Ông lại hỏi: – Thặng số là đơn vị nào?”

– Dạ thưa, đó không phải là một đơn vị mà là Phòng Quản trị những quân nhân đang đi thụ huấn.

– Thiếu Úy đi học khóa gì vậy?

– Thưa cụ … Con theo học khoá Anh ngữ tại Singapore rồi sau đó làm Sĩ Quan liên lạc giữa Trường Cảnh Sát Dã Chiến Mã Lai với các khóa sinh Việt Nam du học.

Thật tình mà nói, từ ngày ra trường đến giờ, tôi chưa bao giờ có dịp tiếp xúc với các cấp có chức vụ cao trong ngành Hành Chánh, nên tôi rất lúng túng trong cách xưng hô. Tôi không biết nên dùng chữ ‘tôi’ hay chữ ‘con’ trong khi trả lời với Ông Tỉnh Trưởng.

Tôi nhìn kỷ Ông Tỉnh Trưởng để đoán tuổi của Ông. Tôi nghĩ Ông trạc độ 55-58 tuổi. Lúc bấy giờ tôi mới 24 tuổi. Hơn thế nữa, Thiếu Tá Ngoạn khoảng 37-40 mà đã xưng với Ông Tỉnh Truởng bằng ‘con’ thì tôi cũng chẳng ngại ngùng gì nữa cả. Nghĩ vậy từ đó về sau, tôi không còn bỡ ngỡ trong cách xưng hô nữa.

Trong lúc đó, tôi thấy Ông Tỉnh Trưởng bấm chuông. Viên cảnh sát mở cửa bước vào:

– Thưa Cụ gọi con.”

– Anh mời Ông Trưởng Phòng Nội An gặp tôi.”

– Dạ.”

Người Cảnh Sát đi ra. Ông Tỉnh Trưởng nói với tôi:

– Thiếu Úy. ráng tổ chức Phòng An Ninh Tình Báo cho thật chu đáo. Cần chi cứ trình trực tiếp với Tỉnh. Tôi sẽ cung cấp phương tiện để đễ dàng hoạt động. Nhưng công đầu của Thiếu Úy là mần răng bắn cho được con cọp dữ đó cho tôi. Mà nhớ đừng bắn nó nhiều phát, vì Tỉnh cũng cần lấy da nó để nhồi bông, dâng tặng Ông Cố Vấn nữa. Mần răng mà bắn được vào tam tinh của nó thì thật là quý hóa vô cùng.

Tôi định trình bày với Cụ Tỉnh Trưởng, tôi chưa hề săn bắn cọp bao giờ vì vậy tôi cũng không có một chút kinh nghiệm gì về việc săn bắn này cả.

Chưa kịp phản ứng ra sao. Ông Truởng Phòng Nội An bước vào. Tôi thấy ông Truởng Phòng Nội An mặc quân phục nhưng không mang phù hiệu và cấp bậc gì. Ông cũng chẳng có một dáng diệu gì gọi là “Người Của Lính”. Ông cúi đầu chào Ông Tỉnh Trưởng và nói:

– Cụ gọi con”

Cụ Tỉnh Trưởng giới thiệu:

– Đây là Ông Thiếu Úy Trưởng Phòng An Ninh Tình Báo bên Tỉnh Đoàn. Anh đưa Ông Thiếu Úy về Phòng Nội An, thuyết trình tình hình con cọp dữ ở Tà-Lu Ma-Ty cho Ông Thiếu Úy biết.

– Dạ.

Ông Tỉnh Trưởng nhìn tôi, bảo:

– Thiếu Úy theo Ông Nội An để biết tin tức. Cần việc gì Thiếu Úy cứ trình trực tiếp với tôi.” Tôi đứng dậy nghiêm chỉnh chào Ông Tỉnh Trưởng với tư cách là một quân nhân.

Ông Trưởng Phòng Nội An đưa tôi về phòng. Dẫn tôi đến bục thuyết trình và chỉ cho tôi thấy vùng Tà-Lu Ma-TY. Trên bản đồ quân sự tôi biết vùng này thuộc mật khu 35 giáp giới với tỉnh Bình Thuận. Nơi đây còn gọi là Mật Khu Lê Hồng Phong.

Tôi biết đây là một vùng núi non hiểm trở, rừng núi trùng trùng điệp diệp, rất nguy hiểm. Vào hang cọp không phải là chuyện dễ. Tôi không sợ Cọp Rừng, nhưng với kinh nghiệm của một người lính, tôi rất ngại Cọp Người, những con cọp Cộng Sản hay bắn lén bằng cung, tên có ngâm thuốc độc, rồi tẩu thoát, lẫn trốn trong các hang hầm bí mật, khó truy nã, truy kích.

Sau một hồi thuyết trình dông dài, tôi hỏi lại Ông Trưởng Phòng Nội An:

– Xin Ông cho Biết tình hình địch ra thế nào?

Ông đáp:

– Chuyện đó có lẽ Phòng Tình Báo biết nhiều hơn tôi.

– Ấp Tà-Lu có bao nhiêu dân?”

– Từ 500 đến 1000 người.

– Sao có sự sai số xa quá vậy?

– Tôi cũng không rõ?

Tôi hỏi:

– Ở đây, ai rõ vùng này nhất?

– Phòng An Ninh Tình Báo Tỉnh Đoàn và Ông Xã Trưởng Xã Vĩnh Hy.

Tôi ngạc nhiên hỏi lại:

– Ủa! Xã Vĩnh Hy nằm trong địa bàn thuộc Mật Khu 25. Còn Tà-Lu Ma-Ty là vùng núi, tiếp giáp với Bình Thuận. Tại sao Ông Xã Trưởng Xã Vĩnh Hy lại hiểu rõ vùng Tà-Lu Ma-Ty này?

– Tôi cũng không rõ, nhưng thỉnh thoảng, tôi thấy Cụ Tỉnh cần biết thêm tin tức về Tà-Lu Ma-Ty thì Cụ cho gọi Ông Xã Trưởng Vĩnh Hy.

Tôi hỏi:

– Con cọp này, từ trước đến giờ đã giết chết bao nhiêu người Thượng rồi?

– 23.

– Bao nhiêu nạn nhân đàn ông? Và bao nhiêu đàn bà?

– Tôi không rõ.

– Con cọp này đã ăn thịt nguời Thượng trong trường hợp nào?

– Tôi không rõ.

– Sao biết là nó đã giết 23 người rồi.

– Qua báo cáo của Phòng Nhì, Cơ Quan Quân sự.

Tôi biết cũng không thể nào hỏi thêm tin tức gì của Ông Truởng Phòng Nội An, nên tôi chào và từ giã ra về.

Về đơn vị, tôi lấy tập Địa Dư Chí do Phòng An Ninh Tình Báo Tỉnh Đoàn Bảo An đã thiết lập. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi nghiền ngẫm thật kỹ những Chương – Mục nói về địa danh Tà-Lu Ma-Ty, nhưng chỉ thấy tường trình rất sơ lược về ‘Chuyện Cọp đã ăn thịt nhiều nguời Thượng, do đó họ không dám ra rẫy để cuốc đất gieo trồng hoa quả.

Tôi gọi Thượng sĩ Tước, nhân viên thẩm vấn tù binh, để hỏi thêm tin tức về vụ Cọp ăn thịt người Thuợng tại Tà-Lu. Thượng sĩ Tước trình bày khá đầy đủ về các chi tiết này, song tôi có một nghi vấn, nên tôi hỏi lại:

– Tin tức này đã được phối kiểm chưa và đã đánh giá mật độ của nó là A mấy?

– Dạ, thưa Thiếu Úy, chưa phối kiểm được, nhưng qua thẩm vấn Thượng Cộng, tôi đánh giá vụ cọp ăn thịt người là A1.

Theo tôi biết tin tức tình báo nào đã được phối kiểm, khá chính xác, được xếp loại A1.

Tôi hỏi: – Thượng sĩ có lần nào đến Tà-Lu chưa?

– Dạ thưa chưa?

– Sao vậy?

– Tôi là Nhân viên thẩm vấn tù binh, nên khi các đơn vị hành quân bắt được Thượng Cộng, hay Việt Cộng, giải giao về đây, tôi thẩm cung xong, giải giao cho văn phòng Phó Tỉnh Truởng Nội An để giải quyết. Vì Tỉnh Đoàn chỉ có quyền giam giữ can phạm trong vòng 24 giờ mà thôi. Nếu cần điều tra, hay thẩm cung lâu hơn nữa phải trình xin Lệnh Tòa.

Thượng sĩ Tước giải thích thêm:

– Thiếu Úy nghĩ xem… Mỗi khi mình muốn trình xin Lệnh Tòa cho giữ can phạm lâu hơn nữa, mình phải nêu lên những lý do thật xác đáng mà cũng chưa chắc Tòa cho phép mình được giữ can phạm. Tụi Việt Cộng bây giờ tinh ranh lắm, khi bắt được tên nào, chúng cũng khai là thường dân, chăm chỉ làm ăn, bị bắt oan…

Tôi suy nghĩ một hồi rồi lái xe qua Phòng Nhì của Cơ Quan Quân Sự.

Tôi đến gặp Trung Úy T. Vị sĩ quan này có vẻ hách xì xằng. Ông ta tiếp tôi như tiếp một nhân viên thuộc cấp của Ông ta.

Hồi đó thường thường các Sĩ Quan Cộng Hòa hay có thái độ coi thường các Sĩ Quan bên Tỉnh Đoàn, vì họ nghĩ rằng Tỉnh Đoàn Bảo An là Cơ Quan bán quân sự, nên trình độ quân sự của các sĩ quan Bảo An rất yếu kém, do đó các sĩ quan Cộng Hòa thường có thái độ không muốn cộng tác với các Sĩ Quan Bảo An. Dù sau nầy, các Sĩ Quan Bảo An cũng được đao tạo chính quy như Sĩ Quan Cộng Hòa và bằng cấp văn hóa cũng tương đương như các sĩ quan Cộng Hòa. Vì thế mà nảy sinh nạn kiêu binh.

Lính Cộng Hòa thì chê lính Bảo An. Lính Bảo An thì chê Dân Vệ. Thủy Quân Lục Chiến, Nhảy Dù, Biệt Động Quân thì lại chê Bộ Binh, do đó thỉnh thoảng có những vụ xô xát nhau đến đổ máu. Tôi thấy chán nản khi tiếp xúc với Trung Úy T.., nên chào ra về.

Hồi đó, Phòng An Ninh Tình Báo của Tỉnh Đoàn Bảo An tổ chức cũng khá đầy đủ. Cấp số lên đến 45 người. Gồm các ban: Tin Tức, Điều Tra, Cảnh Bị, Thẩm vấn, Địa dư chí, Các Lưới Tình Báo, Mật Báo viên … Ngoài ra cũng còn có một trung đội thám sát do một thượng sĩ chỉ huy.

Tôi nghiên cứu kế hoạch và xin Lệnh Hành Quân đến Tà-Lu để tìm hiểu sự việc ra sao, rồi mới lên kế hoạch săn bắn con cọp này.

Tôi trình Thiếu Tá Ngoạn cho phép tôi xử dụng 2 đại đội địa phưong và một trung đội thám sát tham gia trong cuộc hành quân này.

Được sự đồng ý của Thiếu Tá Ngoạn. Tôi trở về Tỉnh Đoàn phối họp với Phòng Kế Hoạch Hành Quân soạn thảo Lệnh Hành Quân trong 7 ngày, để tìm hiểu tình hình địch và nhất là được tiếp xúc với những gia đình người Thượng có thân nhân bị cọp vồ ăn thịt.

Ngày Hành Quân cũng bắt đầu:

Ngày N+1, chúng tôi được xe đưa đến cây cầu Tân Mỹ, cách Phan Rang 23 cây số, về hướng Quốc lộ trên đường Phan Rang- Đà Lạt. Tôi trực tiếp chỉ huy trung đội thám sát. Bên trái 2 trung đội của Đại đội 151 Biệt lập, và 2 trung đội còn lại của của Đại đội 151 Biệt lập đi bên phải. Đại Đội 3/ĐP đi phía sau, làm lực luợng trừ bị.

Tôi cho lệnh di chuyển thật chậm, quan sát thật kỹ, tuy vùng này thỉnh thoảng cũng có một vài đơn vị Chủ Lực thuộc các Trung Đoàn Bộ Binh hành quân qua, nhưng họ cũng không gặp một kháng cự nào của địch. Vã lại sau cuộc hành quân họ cũng chỉ báo cáo với Quân Khu, nên tại địa phương cũng không có tài liệu gì về các cuộc hành quân đó cả. Vì hồi đó Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chưa thành lập các Tiểu Khu. Tuy mỗi Tỉnh đều có Cơ Quan Quân Sự nhưng thực chất chỉ ‘Đại Diện cho Quân Đội,’ vì cấp số và phương tiện rất thiếu thốn.

Tại tỉnh Ninh Thuận vào lúc bấy giờ, Chỉ Huy Truởng Cơ Quan Quân Sự là Đại Úy; trong khi đó Phó Tỉnh Trưởng Nội An, kiêm Chỉ Huy Trưởng Tỉnh Đoàn Bảo An lại là Thiều Tá, do đó Cơ Quan Quân Sự cũng tránh né, sợ đụng chạm với Phó Tỉnh Trưởng Nội An. Nên cả 2 cơ quan này thường hoạt động riêng rẽ và ít khi nào hợp tác với nhau.

Về phưong diện tâm lý Chỉ Huy Trưởng Cơ Quan Quân Sự cũng là giới chức có thể thay thế Phó Tỉnh Trưởng Nội An bất cứ lúc nào. Vì vậy theo tôi được biết cả 2 vị Sĩ quan này cũng cắn đắng với nhau.

Về cách tổ chức guồng máy Hành Chánh vào thời kỳ đó, các Ông Tỉnh Trưởng dân sự, thấy việc bổ nhiệm Phó Tỉnh Trưởng Nội An, là một cấp Tá, nên các Ông Tỉnh Trưởng dân sự cũng đã tiên đoán được tình hình về chiếc ghế Tỉnh Trưởng của mình, nên các Ông Tỉnh Trưởng cũng rất dè dặt với các vị Phó Tỉnh Truởng Nội An.

Quả thật chỉ vài năm sau đó, Tỉnh Trưởng dân sự lần lượt bị thay thế bởi các sĩ quan cấp Tá và từ đó chúng ta có Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Truởng. Và các Quận truởng kiêm Chi Khu Truởng.

Ngày N+1. chúng tôi không gặp một kháng cự nhỏ nào. Chiều đến tôi ban lệnh dừng quân gần một con suối, hai bên có 2 điểm quân sự, có thể đóng quân an toàn được. Tôi cho bố trí ngủ đêm tại địa điểm này.

– Rạng ngày N+2 vào lúc 3 giờ sáng, tôi cho gọi 2 vị Đại Đội Trưởng đến Lều Chỉ Huy để họp và sau đó tôi ra lệnh tiếp tục hành quân trong đêm tối để tránh phục kích của địch quân.

Khoảng 10 sáng, 2 trung đội đi bên phải báo cáo, có một binh sĩ bị thương, bởi Thượng Cộng dùng cung có tẩm thuốc độc bắn trúng cánh tay phải của người lính này. Tôi cho lệnh tải thương về Trung Đôi Thám Sát để băng bó.

Trung sĩ Y tá, chích cho anh ta một ống ngừa phong đòn gánh. Vết thương cũng không lấy gì nguy hiểm cho lắm, song tôi thấy người lính này rất sợ vì anh bị tuyên truyền là tên có tẩm thuốc độc.

Tôi giải thích với anh ta:

– Bọn Thuợng Cộng này làm gì có thuốc độc để tẩm vào tên. Chẳng qua chúng chỉ ngâm tên trong nước tiểu và mỗi buổi sáng thức dậy, chúng xúm nhau nhổ nước bọt vào cái thùng ngâm tên. Đó là cách chế tạo tên có tẩm thuốc độc mà bọn Việt Cộng đã huấn luyện cho Thượng Cộng và tuyên truyền hễ ai bị bắn trúng bởi các tên có tẩm thuốc độc sẽ chết trong vòng 15 phút sau đó.

Tôi giải thích thêm: Nguời bị thương bởi tên này, có thể bị phong đòn gánh. Anh đã được chính ngừa Phong Đòn Gánh, đừng có sợ. Anh Không Chết Đâu Anh.”

Nghe tôi giải thích anh ta cũng giữ được bình tỉnh và tiếp tục đi theo trung đội thám sát như không có việc gì đã xảy ra.

Khoảng 2 giờ sau, chúng tôi đến Tà-Lu. Dân Thượng bồng bế con cái ra giữa sân làng, reo hò inh ỏi:

– Bộ Đội về! Bộ Đội về! Chị Em! Anh Em ơi!”

Tôi cẩn thận cho 2 đại đội bố trí chung quanh Ấp Tà-Lu và cho 3 tổ tam tam 9 người, vào bên trong quan sát. Khoảng 15 phút sau, tôi cho 2 tiểu đội thám sát vào bên trong Ấp để tiếp tục thám sát tình hình. Khi nhận được tin không có dấu vết gì của địch, tôi cho dẫn 1 tiểu đội còn lại vào luôn bên trong Ấp.

Tôi đến ngay nhà Ông Ấp Trưởng để tìm hiểu thêm về tình hình địch và về chuyện cọp. Sau một hồi xã giao tôi đi ngay vào vấn đề. Truớc khi hành quân tôi cũng đã tìm hiểu, thân thể của vị Ấp Trưởng Tà-Lu và được anh em trong Trung đội thám báo kể lại:

– Ông Ấp Trưởng này là Cựu Thuợng Sĩ Nhất của Trung Đoàn 44 giải ngũ. Ông rất chống Cộng. Và cũng rất coi thường Sĩ Quan từ Tỉnh lên đây công tác. Nên tôi cũng thật cẩn thận trong lời ăn tiếng nói với Ông Ấp Trưởng mgười Thượng này:

– Thua Ông Ấp Trưởng, từ ngày giải ngũ đến giờ, Ông có được khỏe không?

Nghe tôi hỏi, Ông hơi sửng sốt nên ông hỏi lại tôi:

– Sao biết tui?

Tôi đáp: – Tôi biết Adjudant Chef chứ. Hồi còn ở Sư Đoàn 5, tôi cũng được nghe nhiều về Thiếu Úy mà.

Đánh đúng tâm lý, Ông Ấp Trưởng nhe hàm răng vàng khè ra cười:

– Hồi đó tôi sắp sửa lên Thiếu Úy rồi đó, nên anh em ai cũng gọi tôi là Mon Lieutenant. (1)

* Ghi chú: Trung Úy.

Hồi còn các đơn vị G.I (Lính Khố Xanh) thuộc Lực Luợng Viễn Chinh Pháp. Các Thuợng Si Nhất có bằng quân sự B1, đuợc thăng lên Thiếu Úy. Các sĩ quan mang cấp bậc Thiếu Úy thì anh em trong đơn vị thường xưng hô lịch sự trong khi đối đáp.

– Oui. Mon Lieutenant – Thưa Ngài Trung Úy – chứ không ai nói là: – Oui. Mon Sous-Lieutenant. (Thưa Ngài Thiếu Úy)

– Adjudant Chef: Thuợng Sĩ Nhất.

– Sous-Lieutenant: Thiếu Úy.

– Lieutenant: Trung Úy.

Tôi thấy mình gần như chinh phục được Ông Ấp Trưởng, nên từ đó về sau, thỉnh thoảng tôi cũng pha tiếng Pháp với Ông Adjudant-chef này.

Tôi vào đề:

– Thưa Ông Ấp Trưởng, tôi được lệnh lên đây để phối hợp với Ông, bắn cho được con cọp đã ăn thịt người, để anh chị em không còn sợ sệt, khi đi làm rẫy nữa.

Ông Thôn Trưởng nhìn tôi, hăm hỡ nói:

– Chính, tôi là người đã đề nghị với Cụ Tỉnh trưởng giết con cọp này đó.

– Ông Ấp Truởng ơi, nó đã ăn thịt bao nhiêu người rồi?

– 23 người đã tìm thấy xương còn để lại. Nhưng theo tôi hiểu nó đã ăn lối 50 người Anh Em chúng tôi rồi đó?

Tôi hỏi: – Sao Ông biết nó đã ăn thịt đến 50 người.

– Thì 27 người đó, đi rẫy hoặc đi làm bẫy bắt cái nai, cái thỏ, cái cheo … rồi không thấy về.

Tôi hỏi lại:

– Có khi nào 27 người kia, họ đã đi theo Việt Cộng không?

Ông nhìn tôi có vẻ trách móc, không vui:

– Làm gì có việc đó. Anh em Người Thuợng chúng tôi, ăn ngay nói thật, có sao nói vậy…

Tôi hỏi: – Thưa Ông Ấp Trưởng, trong số 23 người dân của mình, bị cọp ăn thịt, có bao nhiêu đàn ông và bao nhiêu đàn bà?”

Không trả lời câu hỏi trực tiếp của tôi, ông lật cuốn sổ để trên bàn, rồi đếm:

– M’ Lang, M’ Ke, M’ Bu-răng … M’ … Tổng cộng 15 đàn bà và 8 đàn ông.

– Thưa Ông Ấp Trưởng, dân Ấp mình bị cọp ăn trong trường hợp nào?

– Họ đi ra đánh cái rẫy, rồi không về. Vài ngày sau, thanh niên trai làng, tổ chức đi tìm thì gặp được xác họ.

Có khi nào Ông Ấp Trưởng đi với thanh niên trai làng không?

Ông nghiêm nghị trả lời:

– Chuyện đó, đâu phải chuyện của tôi. Ở Ấp này có tổ chức đội ‘Trai Làng’ mà. Họ làm chuyện đó chớ, đâu phải chuyện của tui.

Nghe Ông Ấp Trưởng nói như vậy, nên tôi đề nghị :

– Xin Mon Lieutenant cho tôi được gặp ‘Đội Trưởng Trai Làng được không?

– Đuợc chứ, nhưng nó đi rẫy rồi. Chiều mới về. Tôi cho người gọi nó lên đây, để Ông Thiếu Úy Tỉnh Đoàn gặp nó.

Tôi nghĩ bụng, chẳng lẽ mình phải ngồi chờ Trai Làng Đội Trưởng từ sáng đến chiều hay sao. Mất nhiều thời gian quá.

Tôi hỏi:

– Xin Ông Ấp Trưởng cho phép tôi được gặp gia đình, vợ con của những người xấu số được không?

Đuợc chứ. Vừa nói, Ông vừa bảo một anh dân làng đang ngồi hút thuốc lào truớc nhà ông:

– Cái mày cho gọi 23 gia đình bị Ông Hổ … bắt. Tập trung tại Nhà Làng nghe không?

– Dạ.

Tôi ngăn lại:

– Cho phép tôi gặp từng gia đình một. Tôi chỉ cần người hướng dẫn đến nhà những người đó mà thôi.

– Được.

Nói xong Ông ra lệnh cho anh Trai Làng ấy:

– Cái… Trai Làng … mày, dẫn Ông Thiếu Úy Tỉnh Đoàn đến nhà mụ M’ Lang trước. Nghe không? Rồi cứ lần lượt từ nhà này đến nhà khác. Cái mày… Trai Làng … biết rõ rồi đó. Mày hiểu không?”

– Dạ, thưa Ông Làng. Tôi hiểu.

Tôi theo Trai Làng đến nhà M’Lang.

Ấp Tà-Lu đìu hiu, nghèo xơ xác trông thật thảm thương.

Đàn ông che thân bằng chiếc khố, vắt chân chữ ngũ, xõng lưng ngồi hút thuốc lào hoặc đi vất vơ quanh buôn làng thản nhiên như rảnh rỗi không có công ăn việc làm.

Đàn bà ở trần, cuốc đất vất vã suốt ngày bằng những cái xẻng thô sơ, không có lúc nào rảnh tay, nhưng không sắm nổi một chiếc áo che thân, nên để lồ lộ bộ ngực bèo nhèo, đen đủi, lép xẹp, chảy dài, lòng thòng, đong đưa như hai trái mướp sần sùi, chín héo, sau lưng đứa con thân thể gầy còm, đang bị gùi, ngồi vất vưởng, níu vú da của mẹ bú ngon lành.

Trai thanh gái lịch đã bị bắt đi dân công, vác gạo, tải đạn cho bộ đội Trường Sơn Đông, từ lâu rồi mà vắng bặt tăm hơi. Căn nhà nạn nhân như một cái lều nhỏ, dột nát, xiêu vẹo, dường như chỉ chờ một cơn gió to, nó sẽ bay theo luồng gió.

Một người đàn ông trạc 30, ốm tong ốm teo, bước ra cửa ngỡ ngàng không biết tôi là ai? Nên nhìn anh Trai Làng có ý dò hỏi.

Anh Trai Làng châm một tràng tiếng Thượng, tôi không hiểu anh nói những gì, nhưng tôi thấy người đan ông này lộ nét mặt hân hoan đón tiếp tôi.

Tôi vào đề ngay:

– Ông là gì của M’Lang?

– Cái chồng của M’Lang.

– Tôi muốn biết M’Lang bị cọp vồ ra sao?

– Cái nó đi rẫy rồi không về. Trai Làng đi tìm thì thấy xác nó, đã bị ông Hổ ăn thịt rồi.

– Anh có cùng đi với Trai Làng tìm xác M’Lang không?

– Tôi không được cấp trên tin, nên không được vào Trai Làng.

– Xác của M’Lang khi bị cọp vồ cách rẫy của M’Lang bao xa?

– Xa lắm, Gần nửa rựa.

Người Thượng ở vùng này, không biết dùng thước, mét hay cây số để nói về chiều dài, mà họ lại dùng rựa để diễn đạt chiều dài.

Khi đi rừng, người Thượng thường thường vác cây rựa trên vai, đi cho tới khi nào thấy hơi mệt thì gọi là một rựa. Vì vậy khó xác định được một rựa là bao nhiêu cây số?

Tôi hỏi:

- Mã của M’Lang chôn ở đâu?

– Ngay nơi … chỗ … mà Ông Hổ vồ M’ Lang đó.

Anh dẫn tôi đến đó được không?

– Tôi không dám. Tôi mà dẫn Ông đến đó … thì mấy con của tôi sẽ bị Ông Hổ vồ chết hết.

– Ai nói với anh điều đó?

- Ở đây, dân làng, Trai Làng, ai cũng nói điều đó!

Tôi nhìn anh Trai Làng dẫn tôi đi đến nhà M’Lang và hỏi:

– Thật vậy sao? Anh Trai Làng?”

Người thanh niên Thượng lễ phép trả lời:

– Đúng như vậy đó, Ông Thiếu Úy Tỉnh Đoàn à.

Tôi hỏi:

– Hồi giờ có ai bị cọp vồ chết cả nhà chưa?

– Chưa! Chẳng có cái chồng, cái vợ, cái con nào dám đến thăm mã chồng mình, vợ mình, cha mẹ mình đâu! Mà bị ông Hổ ghét, ông Hổ vồ, cho chết cả nhà. Ông Hổ cũng chưa giận cái nhà nào… mà vồ chết … bắt đi … cả nhà ai hết!

Tôi hỏi anh Trai Làng:

‘ Lúc M’Lang bị cọp vồ, anh có đi tìm xác M’La ng không?

– Có chứ, sao mà không đi được. Mình có lãnh gạo của Ấp và tiền lương của Tỉnh mà làm sao mình không đi được.

– Mấy ngày sau khi M’Lang bị cọp vồ, Trai Làng tìm đuợc xác.

– Hai ngày sau đó.

Tôi hỏi:

– Khi tìm thấy xác M’Lang thì thân thể của M’ Lang ra sao?

Anh Trai Làng không hiểu tôi muốn hỏi gì, nên nhìn tôi ngơ ngác.

Toi phải nói rõ hơn cho anh Trai Làng hiểu:

– Cọp có ăn thịt M’ Lang không?

– Có chứ! Ông Hổ ăn cả cái đầu của M’ Lang và còn moi cả ruột của M’ Lang ra và Ông Hổ đã ăn không còn một tí gì. Chỉ còn cái xương mà thôi.

Tôi thắc mắc, nên hỏi thêm:

– Cọp đã ăn hết thịt của M’Lang, thì làm sao mình biết đó là xác của M’Lang.

– Anh Trai Làng nhanh nhẩu trả lời:

– Biết chớ sao không biết được. Mấy ngày đó chỉ có một mình M’Lang đi rẫy, bị cọp vồ, rồi không về nhà. Trai Làng đi tìm … thì xác đó là xác của M’Lang chứ còn xác của ai nữa, mà Ông Thiếu Úy Tỉnh Đoàn không tin, mà còn hỏi nữa?

Tôi sợ anh Trai Làng giận, nên dịu giọng với anh ta: Tôi lấy thuốc ra hút và mời anh:

Anh vui vẻ lấy thuốc hút. Tôi nói:

– Tôi tin Trai Làng nhiều lắm chứ sao tôi không tin. Nhưng tôi phải hỏi cho kỹ để về còn báo cáo với Tỉnh chứ!

Anh Trai Làng dường như không nghe lời tôi đang giải thích. Anh nhe hàm răng thưa như cái cào cỏ, vàng khè như nghệ, vừa cười vừa nói:

– Thuốc này thơm quá, ngon quá, tôi chưa bao giờ có hút cái này. Ông Thiếu Úy Tình Đoàn … cái mà … cho tui … một hai điếu nữa được không?

Tôi lấy bao thuốc lá Ruby đưa cho anh trai làng và nói:

– Anh cầm lấy mà hút. Tôi cho anh luôn cả gói đó.

Người thanh niên Thượng rất đổi ngạc nhiên, còn rụt rè không dám cầm gói thuốc, nên tôi phải giải thích thêm;

– Tôi cho anh Trai Làng thiệt đó. Cầm lấy mà hút. Tôi còn nhiều lắm.

Anh mừng rỡ nhận lấy bao thuốc Ruby và cám ơn tôi rối rít.

– Thôi được rồi! Anh dẫn tôi đi nhà khác được không?

– Cái, đuợc chứ sao không … ông Thiếu Úy Tỉnh Đoàn.

Tôi theo anh Trai Làng, đến nhà một người khác.

Câu chuyện của nạn nhân nào cũng quanh quẩn khi nạn nhân đi rẫy bị cọp vồ. Có khi xác tìm thấy ngay trong rẫy, có khi xác bị lôi đi xa hơn.

Người Thượng vùng này, có thói quen vì mê tín, dị đoan, nên khi bị cọp vồ, chết ở chỗ nào thì chôn ngay ở chỗ đó. Thân nhân người bị nạn không đến thăm mã của nguời chết trong vòng 3 con trăng (3 tháng).

Riêng có một trường họp đáng lưu ý là cọp đã vồ một thanh niên ngay trên nhà sàn rồi ăn thịt anh thanh niên này dưới cái thang bắt lên nhà sàn. Sáng ra người nhà thấy xác anh thanh niên này bi cọp vồ chết nên tri hô lên.

Tôi tìm đến nhà anh thanh niên này để tìm hiểu thật chính xác trường hợp tai nạn xảy ra, để có kế hoạch đối phó với con cọp tinh ma này.

Tôi hỏi cha của anh thanh niên bị cọp vồ và được biết các chi tiết như sau:

Tôi hỏi:

-Đêm đó, trước khi đi ngủ, gia đinh đã có rút ‘thang leo’ lên hay không?

– Cái, có! Đêm nào cái nhà tui cũng rút ‘thang’ khi Ông mặt Trời vừa đi ngủ.

– K’ Ri đêm đó ngủ ở đâu?

Nét mặt cha của K’ Ri, biến sắc. Ông hơ hãi kể chuyện.

– Số cái … nó … bị Ông Hổ tức giận mà. Nó ngủ giữa 2 cái … người anh em … hai cái người anh em thì không sao … chỉ có cái K’ Ri bị Ông Hổ lôi đi rồi ăn thịt. Sáng ra mới biết.

Nghe nói thể, tôi không thể nào tin được. Tôi vội đi ra cái ‘thang leo’ để quan sát.

Theo ước đoán của tôi thì con cọp không có cách nào leo lên sàn nhà được, dù có để quên thang hay không. Tôi cao 1m62. Tôi đứng dưới đất giơ tay lên cũng chưa đụng được sàn nhà. Như vậy sàn nhà phải cao hơn mặt đất từ 2m 20 đến 2m 50, cọp không thể phóng cao như thế được. Còn nếu cọp leo lên sàn nhà bằng cách trèo lên cái thang, cũng không được, vì các thanh tre tròn, nhỏ, không có điểm tựa, để con cọp leo lên được.

Theo nhận định của tôi thì giữa đêm, anh thanh niên này đi tiểu rồi bị cọp vồ.

Tôi hỏi:

– Ban đêm gia đình đi tiểu ở đâu?

– Cha anh K’ Ri hỏi lại:

– Đi tiểu … cái mà … có phải là đi đái không?

– Tôi nheo mắt nhìn ông rồi mỉm cười:

– Đúng như vậy đó!

– Ngay ở chỗ cái thang leo lên, leo xuống kia kìa.

Tôi bảo đứa em út của K’Ri ra chỗ cái thang leo, đi tiểu cho tôi xem ra sao.

Thằng nhỏ lúc đầu còn rụt rè, cha của em vừa hét vừa trâm một tràn tiếng Thượng. Nó vội chạy ra chỗ cái thang leo, ngồi thòng hai chân xuống, xăng quần tiểu tiện như không có gì xảy ra.

Tôi kết luận ngay, nhưng không giải thích gì với gia đinh K’Ri là: Giữa đêm, con cọp về rình để bắt chó hoặc heo mà mỗi nhà người Thượng nào cũng nuôi heo, gà… ngay dưới nhà sàn mà họ đang ở, nên mùi hôi thúi của phân và nuớc tiểu xông lên rất nồng nặc. Rủi ro cho K’Ri vừa ngồi thòng hai chân xuống để tiểu tiện, vừa lúc đó con cọp đang đứng rình mồi. Nó thấy hai chân của K’Ri thòng xuống, nó chỉ cần chụp và lôi K R i xuống. Móng của cọp rất dài và nhọn, nó bấu vào chân của K’Ri và lôi xuống thật dễ dàng.

Tôi có một kết luận khá vững chắc, nhưng tôi đặt một vấn đề. Chung quanh Ấp Tà-Lu có hàng rào bao bọc làm sao cọp vào giữa Ấp được.

Tôi từ giã gia đinh K’Ri và bảo anh Trai Làng cho tôi đi xem một vòng hàng rào bao bọc Ấp. Tôi quan sát thấy có một, hai chỗ hàng rào bị tháo gỡ những giây mây và các cây trụ bị đẫy thưa ra, đủ để cho một người hay một con cọp lách mình chun qua. Tôi chụp hình 2 chỗ này và không có ý kiến gì với anh Trai Làng.

Đêm N+4, tôi cho 2 tổ phục kích 2 chỗ hàng rào có bàn tay của con người tạo ra, với mục đích để người trong Ấp, có thể ra bên ngoài tiếp tế, hay liên lạc với đám Thượng Cộng hoặc từ chỗ bị hở đó bọn Thượng Cộng có thể về thăm gia đinh rồi gần sáng lại trở về mật khu ẩn núp.

Đêm hôm đó, nột tổ phục kích bắt được một gia đình người Thượng ra khỏi Ấp để tiếp tế cho bọn Thượng Cộng. Khi bị bắt, chúng tôi lục soát trong người chị phụ nữ này, một số thuốc sốt rét mà hầu như đơn vị nào cũng dư thừa vung vải không thương tiếc.

Tôi khai thác người đàn bà này không mấy khó khăn và được biết, đôi khi bọn Thượng Cộng cũng vào làng bằng 2 chỗ hàng rào bị hở này. Tôi cho giữ chị ta trong rừng, để người nhà và Thôn Làng cũng không biết là chị ấy đã bị chúng tôi bắt.

Đêm N+5 tôi cho tiếp tục phục kích 2 địa điểm này và cũng bắt được 1 Thượng Cộng về thăm nhà và nhận tiếp tế. Tôi khai thác sơ khởi để biết chỗ ẩn nấu của đám Thượng Cộng và được biết nơi bọn Thượng Cộng đang trú ẩn không xa Ấp Tà-Lu lắm.

Đơn vị Thượng Cộng này không có vũ khí, họ chỉ dùng cung tên để bắn sẻ và làm cho các cuộc hành quân của Quân Đội ta bị chậm lại rồi chúng rút sâu về phía ranh giới của tỉnh Bình Thuận.

Toán này được chỉ huy bởi một tên cán bộ Việt Cộng mà bọn Thượng Cộng gọi hắn bằng anh Y Ke. Tên này nói thành thạo tiếng Thượng và trang phục như người Thượng, cho nên khi gặp quân đội ta thì hắn khai là người Thượng đang đi làm rẫy và cung tên đem theo là để săn bắn thỏ, nai, thú rừng …

Hắn xổ tiếng Thượng, nên quân đội ta tưởng thật và thả hắn ra để khỏi bị hạch hỏi của Bộ Sắc Tộc do một người Sắc Tộc Thiểu Số đảm trách. Tôi cho anh em giữ hắn trong rừng, để giải giao về cho Phó Tỉnh Trưởng Nội An thụ lý.

Ngày N+6 tôi chào Ông Ấp Truởng và cho lệnh rút quân trở về lại cầu Tân Mỹ và được xe đưa về lại Tỉnh Đoàn Bảo An Ninh Thuận.

Khi trở về đến đơn vị, tôi vội vã đến trình diện Thiếu Tá Ngoạn và tường trình sơ khởi kết quả Hành Quân và kế hoạch săn bắn con cọp dữ tại Tà-Lu.

Sau đó tôi cũng được Thiếu Tá Ngoạn cho phép tôi đến trình diện Cụ Tỉnh Trưởng.

Cần nói thêm về Cụ Tỉnh Trưởng tỉnh Ninh Thuận. Tôi không nhớ rõ họ của Cụ nhưng tôi còn nhớ Cụ tên Trí, người Huế, Đốc Phủ xứ từ đời Pháp còn lại. Cụ rất hiền và rất thương dân. Sau này tôi có nhiều trường hợp được làm việc với Cụ. Tôi biết Cụ rất đạo đức. Về sau này tôi được Cụ tin dùng và kế hoạch nào của tôi đề nghị lên Tỉnh cũng đều được Cụ chấp thuận. Mỗi lần Cụ đi họp với Tổng Thống, hay với các Ông Bộ Trưởng, Cụ đều bảo tôi đi theo Cụ, vừa để bảo vệ Cụ, vừa ghi chép những gì mà Tổng Thống, hoặc các Ông Bộ Trưởng ban lệnh trong buổi họp. Nếu có dịp tôi sẽ kể chuyện chuyến đi xe lửa từ Sài Gòn về Tuy Hòa bằng xe lửa để kịp buổi họp của Tổng Thống Ngô Đinh Diệm tại Tỉnh Phú Yên. Trong buổi họp này gồm có các Ông Tỉnh Truởng và các vị Tỉnh Đoàn Truởng Tỉnh Đoàn Bảo An về kế hoạch Ấp Chiến lược.

Sau đây tôi xin kể lại chuyện săn bắn con cọp mà mỗi khi nhắc đến tôi vẫn còn rùng mình.

Tôi trình bày với Cụ là chuyện Cọp ăn thịt người Thượng là có thật, song con số người Thuợng bị ăn thịt chưa được xác nhận chắc chắn lắm vì có người bỏ thôn làng đi theo Thượng Cộng nhưng địa phương cứ tuởng là đã bị cọp ăn mà không tìm thấy xác những nạn nhân xấu số này. Hơn thế nữa, hồi đó các địa phương nào có người bỏ theo phía địch, sẽ bị phân loại thấp, như từ A sẽ bị rơi xuống hạng C.

A: An ninh.

B: Vùng kém an ninh.

C: Vùng mất an ninh.

Cụ Tỉnh Trưởng chỉ thị cho tôi phải tìm đủ mọi cách bắn cho được con cọp dữ này, đem thuộc da, nhồi bông gòn để biếu Ông Cố Vấn.

Tôi trở lại Tà-Lu với Trung Đội Thám Báo để triển khai kể hoạch bắn con cọp dữ này. Đến nơi, tôi mua hai con chó mà người thượng nuôi để ăn thịt trong vụ mùa sắp canh tác.

Tôi dùng 2 con chó này để giăng bẫy, làm mồi cho cọp đến ăn và chúng tôi sẽ bắn cọp khi nó đang vồ mồi.

Thật ra, tôi cũng thấy xót xa khi phải dùng chó để làm mồi nhử cọp, nhung tôi cũng có được niềm an ủi. Nếu tôi không mua 2 con chó này để làm mồi thì vài ngày sau nó cũng bị giết để lấy thịt cúng thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa để mùa màng đuợc thu hoạch có kết quả trong vụ canh tác sắp tới. Hơn thế nữa, nếu giết được con cọp này thì đỡ cho biết bao nhiêu sinh mạng của người Thượng về sau này.

Tôi cho Trung Đội Thám Báo đốn gỗ rừng, và đóng một cái củi rộng mỗi bề 2 thuớc. Cái củi này là điểm tựa để cho tôi và 2 thám báo viên vào nằm trong củi đó, chờ cọp đến ăn thịt chó, chúng tôi sẽ bắn nó.

Cái khó và trở ngại cho chúng tôi là chỉ bắn vào tam tinh của con cọp để nó chết ngay mà không được bắn nhiều phát sẽ làm mất giá trị của con cọp khi được nhồi bông.

Đêm đầu tiên, 2 thám báo viên và tôi vào củi nằm chờ. Chúng tôi kê ba khẩu Garant M1 trên ba cái nạn cây hình chữ Y để bắn cho thật chính xác hơn.

Truớc cái củi độ 30 mét, tôi cột chân hai con chó vào một cái cọc, để chó chỉ có thể di chuyển quanh quẩn trong đường kính 1m. Một sợi giây khác, tôi cột vào chân chó và kéo dài đến cái củi mà chúng tôi đang nằm. Tôi dặn 2 thám báo viên, chỉ được bắn chỉ thiên khi có lệnh của tôi, đừng để cọp ăn thịt chó mà mình không bắn được cọp. Việc bắn con cọp tôi sẽ phụ trách. Nếu trong trường hợp tôi thấy không bắn được cọp mà cọp sẽ ăn thịt chó, tôi sẽ ra lệnh cho 2 thám báo viên bắn nhiều phát đạn chỉ thiên để cọp hoảng sợ chạy đi mà mình không bị mất chó.

Nếu giết con cọp để tránh hậu hoạn của dân Thượng thì rất dễ dàng cho tôi, song phải bắn cho chính xác vào tam tinh của con cọp, để nó chết ngay tại chỗ là một việc làm rất khó khăn. Nếu bắn trúng vào chỗ khác, cọp chỉ bị thương bỏ chạy thì biết nó đâu mà tìm. Còn nếu bắn 3 phát Garant M1 cùng một lúc vào thân con cọp, nó sẽ chết liền, nhưng 3 phát đạn sẽ trổ ra thân con cọp, khi nhồi bong sẽ thấy 6 phát đạn trên thân con cọp, và như vậy con cọp được nhồi bông không còn có giá trị nữa.

Chúng tôi nằm suốt cả hai giờ không nghe động tịnh gì, mặc dù thỉnh thoảng chúng tôi giật giây, 2 con chó bị đau, kêu la đau đớn.

Quá nửa đêm khi tôi đang mơ màng nửa thức nửa ngủ, anh thám báo nằm bên tay phải của tôi đập mạnh vào lưng tôi, nói khe khẽ:

– Thiếu Úy! Cọp về!

Tôi nhìn về hướng 2 con chó đang bị cột. Tôi giựt giây, không nghe 2 con chó rên la gì nữa. Chó đã đánh hơi thấy cọp nên khiếp sợ, nằm cong đuôi, chờ chết.

Đột nhiên tôi thấy 2 con mắt của cọp sáng rực lên như hai ngọn đèn của người đi săn đang đội trên đầu. Bỗng nhiên cọp nhắm mắt, tôi không còn thấy được gì nữa cả.

Tôi ghì súng trên cái nạn để giữ chặt nòng súng không cho di chuyển. Thoạt nhiên 2 mắt của con cọp lại sáng lên, đỏ rực như 2 khu chén, nhưng cách chỗ cũ của lần xuất hiện trước đến 2

thước. Tôi giương súng, nín thở, ngắm vào tam tinh cọp, nhưng cọp nhắm mắt lại. Bầu trời tối đen như mực, không thấy gì nữa cả. Tôi chờ…

Mắt cọp lại sáng lên ở một địa điểm khác. Cứ thế cọp di chuyển nhiều chỗ. Tôi biết con cọp này rất tinh ranh. Nó di chuyển nhiều chỗ để tránh đuờng nhắm của nguời đi săn.

Cọp lại mở mắt nhung lần này chỉ mở một con mắt. Sau đó mắt này lại nhắm lại, mắt kia lại mở ra. Tôi không có điểm nhắm vì không nhận định rõ tam tinh của cọp nằm ở chỗ nào. Cọp quá tinh ranh, đầu cọp luôn luôn lúc lắc, di động, từ chỗ này đến chỗ khác. Lúc chồm đầu lên, lúc hạ xuống thấp không có một điểm nào nhất định để mình có thể biết được tam tinh của cọp để bắn. Nếu tôi bắn theo linh tính phỏng đoán thì có thể cọp chỉ bị thương và bỏ chạy thì quá uổng công và cọp sợ cũng có thể không về thôn làng này nữa thì hoài công và còn bị mang tiếng không bắn trúng được con cọp nữa.

Thỉnh thoảng cọp cũng mở cả hai mắt song trong một tíc tắc, nó nhắm lại và sau đó chỉ mở một con mắt, ở một vị trí khác. Tôi kiên nhẩn nằm chờ …

Những lần cọp mở mắt như vậy, khoảng cách rất xa. Tôi biết cọp di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác mà không đứng ở một chỗ nào nhất định.

Tôi giựt dây nhưng 2 con chó vẫn nằm im thin thít không có một tiếng rên la như truớc đây khi con cọp chưa xuất hiện. Tôi cũng biết rõ là 2 con chó chưa bị cọp ăn thịt vì khi tôi giựt dây hai chân của chó còn đang ở thể nằm. Nếu cọp đã ăn thịt thì 2 chân của chó sẽ không còn bám vào đất và sợi dây khi tôi kéo sẽ rất nhẹ.

Tôi vẫn kiên nhẫn nằm chờ nhưng chừng ít phút sau, cọp lại bỏ đi.

Tôi thất vọng, nhưng khoảng 30 phút sau, cọp lại đến …

Bỗng chốc trên bầu trời sao Mai đang mọc. Ánh trăng vừa ra khỏi một đám mây. Tôi nhìn thấy con cọp đang nằm, hai chân đưa về phía trưóc với tư thế chuẩn bị vồ mồi.

Tôi lấy đường nhắm. Cọp vừa mở 2 con mắt ra một luợt. Tôi bấm cò súng.

“Đoành!” Con Cọp trúng đạn và nó dùng hết sức bình sinh nhảy về phía cũi nơi đã phát ra tiếng nổ. Cọp rơi xuống trước cái cũi nhưng vẫn với tư thế chụp mồi. Tôi dùng đèn pin hướng về phía cọp để quan sát.

Hai anh Thám Sát vui mừng: – Ông Thầy đúng là tay thiện xạ. Cọp chết rồi Thiếu Úy ơi! Để tụi em ra xem! Nghen Ông Thầy?”

Tôi níu hai thám sát viên lại và không cho họ leo ra khỏi cũi.

Tôi nói:

– Cọp có thể chỉ mới bị thương đang nằm chờ chết. Anh em đừng vội ra. Nó có thể nằm chờ để vồ mình cho hả giận. Nhiều người đi săn cọp thiếu kinh nghiệm thường bị cọp vồ cùng chết chung duới bụng của cọp.

– Không sao đâu Ông Thầy. Em sẽ nổ súng khi thấy cọp còn bị thương.

– Anh không nhớ lời dặn của tôi sao? Nếu bắn cho cọp chết thì rất dễ, mình chỉ bắn nhiều phát đạn vào thân thể của nó thì nó sẽ chết ngay thôi. Chuyện đó rất dễ. Nhưng tôi được lệnh chỉ bắn vào tam tinh con cọp để mang về Tỉnh, thuộc da, nhồi bông. Hai anh rõ chưa? Cả hai cùng ‘dạ’ một luợt.

Một trong hai anh khẩn khoản nói:

– Ông Thầy ơi! Tụi em nhịn thuốc cả đêm, nên thèm quá! Ông Thầy đã bắn được cọp rồi, cho tụi em phì phèo chứ?

Tôi cũng đang thèm đây! Thuốc đâu? Lấy ra hút cho đời lên hương đi.

Một giờ sau, tôi thấy đã an toàn nhưng tôi vẫn đề phòng. Tôi cho một thám báo viên ra trước nhưng đi vòng về phía sau lưng con cọp. Anh này dùng đá quăng vào con cọp để xem phản ứng của nó ra thế nào. Trong khi đó tôi và anh Thám Sát viên kia, giưong súng yểm trợ. Bị quăng đá nhiều lần song con cọp vẫn nằm im với tư thế bất động. Chúng tôi đã làm như thế song cọp vẫn cứ nằm im tại chỗ.

Tôi hô to: “Yên trí rồi. Cọp đã chết. Anh tiến lại sau lưng cọp và vỗ vào đuôi cọp để biết chắc chắn cọp đã chết rồi hay chưa.

Mọi việc đều an toàn và con cọp thật sự đã chết. Tôi leo ra khỏi cái cũi và bảo anh nhân viên truyền tin của Trung Đội Thám báo đánh điện tín về Tỉnh Đoàn Bảo An để báo cáo cho Thiếu Tá Phó Tỉnh Trưởng Nội An và Cụ Tỉnh Trưởng biết chúng tôi đã hạ được con cọp.

Nửa giờ sau, tôi nghe tiếng Cụ Tỉnh Trưởng và Thiếu Tá Ngoạn trên máy truyền tin được trang bị cho Trung Đội Thám Báo:

– Đã hạ được con cọp rồi phải không? Tiếng Thiếu Tá Ngoạn hỏi.

– Dạ đúng.

Tiếng Cụ Tỉnh Trưởng hỏi: – Bắn trúng vào đâu?

– Dạ! Bắn vào tam tinh nó.

– Mấy phát?

– Dạ, chỉ một phát thôi.

– Giỏi lắm. Tốt lắm! Nhớ giữ cho nguyên vẹn những cái râu của nó hỉ?” Còn đủ râu mới có giá trị! Nhớ hỉ?

– Dạ, nhớ.

– Nói với Ông Ấp Truởng cho người khiên cọp về, Tỉnh sẽ trả tiền công cho họ.

– Dạ.

– Nói với Ông Ấp Truởng xuất cho gia đình có người tham gia trong vụ khiêng cọp về Tỉnh, mỗi gia đình 100 kg gạo Thái Lan. Tỉnh sẽ bồi hoàn sau.

Cụ Tinh Trưởng hỏi tôi tiếp:

– Thiếu Úy thấy cần bao nhiêu người khiêng cọp về cứ bảo với Ông Ấp Truởng cung cấp.

Tôi nói: Dạ thưa Cụ. Cho con báo cáo với Thiếu Tá Nội An.

Thiếu Tá Ngoạn lên tiếng: Báo cáo đi! Tôi nghe đây.

– Thưa Thiếu Tá, khi đi chỉ có một Trung Đội Thám Sát, chúng tôi len lỏi trong rừng rậm để di chuyển. Nhưng chuyến về vì phải khiêng theo con cọp nên phải dùng 16 nguời Thượng để thay phiên nhau. Chuyến về rất nguy hiểm sợ trên đường về sẽ bị phục kích nên xin Thiếu Tá cho 2 Đại Đội đã tham gia trong chuyến hành quân tuần trước, họ lên đây để mở đường cho Trung Đội Thám Báo và toán người Thượng khiêng cọp về Tỉnh được an toàn.

– Kế hoạch rất hay. Tôi sẽ cho 2 đại đội đó đi ngay bây giờ. Thiếu Úy chờ khi nào 2 đại đội đó tiếp giáp với Trung Đội Thám Báo thì mở đuờng mà về. Chỉ huy tổng quát là Thiếu Úy đó.

– Rõ. Xin Thiếu Tá chỉ thị cho họ liên lạc với tôi khi họ bắt đầu rời Tân Mỹ.

2 giờ sau tôi nghe 1 trong 2 đại đội này gọi:

– Cọp dữ! Cọp dữ! Gấu Đen gọi Cọp Dữ. Trả lời!

– Cọp Dữ nghe Gấu Đen 5 trên 5. Trả lời!

Có tiếng Thiếu Úy Bền gọi trong máy truyền tin:

– Thẩm quyền Gấu Đen cần gặp Mặt Trời Cọp Dữ. Nghe rõ trả lời.

Tôi đáp:

– Mặt Trời Cọp Dữ nghe Thẩm Quyền Gấu Đen 5 trên 5. Trả lời.

– Chúng tôi đang ở tọa độ PK 368 452 đáp.

– Tôi xem bản đồ quân sự thì biết 2 đại đội tăng cường đã đến Con Suối Cạn cách Tà-Lu khoảng 10 cây số. Tôi đáp:

– Tùy theo địa thế, mỗi yếu điểm để lại một tiểu đội làm chốt. Cho đơn vị tiến càng nhanh càng tốt.

– Rõ.

Tôi đáp : – Chấm dứt.

Tôi liên lạc với Ông Ấp Trưởng để xin Trai Làng khiêng con Cọp về Tỉnh. Ông vui vẻ nhận lời ngay.

Tôi đang sửa soạn thi nghe anh Âm Thoại Viên báo cáo:

– Ông thầy! Ông Thầy! Có Thiếu Tá Phó Nội An cần gặp Ông Thầy.

Tôi cầm ống nghe:

– Đại Bàng! Cọp Đữ nghe Đại Bàng 5/5.

– Máy bay trực thăng sẽ đáp tại Toạ Độ PK 345654 để bốc cọp về. Rõ.

– Dạ rõ. Tôi đáp.

– Dọn bãi đáp an toàn. Rõ.

– Nghe rõ 5 trên 5.

– Cọp Dữ cũng theo về với Trực thăng. Giao quyền chỉ huy trung đội Thám báo cho Thượng sĩ Tước. Rõ.

Tôi đáp : 5/5.

Một giờ sau, trực thăng đáp xuống giữa sân Ấp Tà-Lu. Tôi cho khiêng cọp lên trực thăng. Dặn dò Thuợng sĩ Tước vài điều quan trọng. Trực thăng cất cánh bay cao.

Khoảng 30 phút sau, trực thăng đáp ngay trong sân Tòa Hành Chánh Tỉnh. Tôi nhìn quanh thấy nhiều công chức tò mò không biết chuyện gì, sắp hàng ngang đứng nhìn. Một toán lính Bảo An túc trực sẵn, khiên cọp ra khỏi trực thăng.

Tôi được anh cảnh sát cho biết, Cụ Tỉnh Trưởng mời tôi vào gặp Cụ trong văn phòng.

Cụ rất vui vẻ nghe tôi kể chuyện săn bắn con cọp. Cụ đưa cho tôi một bì thư và nói:

– Chút ít tiền ủy lạo để anh em giải lao.

Tôi cầm bì thư và cám ơn Cụ. Sau đó tôi trao trọn số tiền mà Cụ Tỉnh đã ủy lạo cho Thượng sĩ Tước để tổ chức một buổi nhậu ngay tại Phòng An Ninh Tình Báo.

Kể từ ngày đó, tôi được Cụ Tỉnh Truởng tin dùng. Cụ đối đãi với tôi như con cái trong gia đình. Có chuyện gì về vấn đề an ninh hoặc tin tức về địch cụ cũng hỏi ý kiến tôi.

Thậm chí có lần một đoàn cải lương, từ Sài Gòn ra Phan Rang trình diễn vở tuồng Bà Chúa Ăn Mày và Mắt Em Là Bể Oán Cừu … Cụ cũng cho người gọi tôi gặp Cụ.

Cụ đưa cái đơn của đoàn Cải lương có kèm theo 2 phiếu trình “Thuận” của Ty Thông Tin và Ty Cảnh Sát.

Cụ hỏi tôi:

– Thiếu Úy thấy sao? Cho họ trình diễn được không?

– Tôi đáp: – Thưa Cụ, Thông Tin và Cảnh Sát đã đề nghị “Không Có Gì Trở Ngại” Vậy theo ý con Cụ thuận cho họ trình diễn đi.

– Cụ nói: – Tỉnh cũng muốn hỏi ý kiến của Phòng An Ninh Tình Báo nữa.

Tôi thưa: – Theo tình hình an ninh của thành phố. Con thấy không có gì trở ngại.

Cụ ký vào Phiếu Trình “Thuận.” rồi bấm chuông gọi anh Cảnh sát tùy viên.

– Gọi ông Chánh Văn Phòng vào gặp tôi.

Một phút sau, tôi thấy Ông Chánh Văn Phòng đẩy cửa bước vào.

– Ông Chánh Văn Phòng tuổi tác cũng tương đương với Cụ Tỉnh Trưởng.

Ông ngồi ngay trên ghế trước mặt tôi và nói:

– Cụ Tỉnh gọi tôi?

– Từ ni về sau, để giản dị hoá, tôi đề nghị với Ông Chánh, thay tôi ký Thuận hay không Thuận. Tôi nhiều việc quá, đừng trình những đơn theo loại này cho tôi nữa.

Ong Chánh Văn Phòng đáp: – Cụ Tỉnh Ủy Quyền tôi sẽ làm như thế.

Cụ Tỉnh Trưởng nhìn tôi rồi quay sang Ông Chánh Văn Phòng chỉ thị:

– Nhớ chuyển những đơn này cho Phòng An Ninh Tình Báo để bên ni (Cụ chỉ tôi) cũng có ý kiến với mình.

– Tôi nghe . Ông Chánh Văn Phòng đáp.

Và từ đó về sau, những đơn xin phép như Cúng Đình, Lễ Hội của Người Chàm, Cải Lương, Đại Nhạc Hội hay Ảo Thuật đều được chuyển đến Phòng An Ninh Tình Báo Tỉnh Đoàn Bảo An để tôi cho ý kiến.

Vì câu chuyện đã xảy ra quá lâu, 49 năm trôi qua, nên có một vài chi tiết như địa danh, tên các nhân vật mà tôi muốn kể ra đây, có thể tôi không còn nhớ rõ ràng nữa.

Sau đó, đời binh nghiệp, tôi đã thuyên chuyển đến nhiều đơn vị khác nhau. Cuối cùng, tôi được thuyên chuyển về Trung Tâm Yển Trợ Tiếp Vận Tiểu Khu Bình Thuận, với cấp bậc Thiếu Tá và giữ chức vụ Trưởng Khối Tài Chánh kiêm Sĩ Quan Tài Chánh.

Duy Xuyên

Tacoma

phamduyxuyen@hotmail.com

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Chúng ta đang bước vào năm bầu cử. Năm 2024 sẽ có một cuộc bầu cử có tính quyết liệt, vì các lựa chọn chắc chắn sẽ gây tranh cãi trong nội bộ cộng đồng gốc Việt, trong các gia đình người Việt, giữa các lựa chọn về cấp tiến và bảo thủ, giữa các thế hệ trẻ và già ở hải ngoại. Và chắc chắn là bầu cử tháng 11/2024 tại Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng tới cuộc chiến Trung Đông, cuộc chiến ở Ukraine, và ở cả Đài Loan. Tác động như thế nào, chúng ta khó đo lường hết tất cả các ảnh hưởng. Trong đó, một tác động lớn là từ tin giả, nói kiểu Mỹ là Fake News, tức là tin không thật.
Tôi rất thích khoa nhân chủng nhưng không có cơ may đến trường để được truyền thụ một cách bài bản về ngành học thú vị này. Hoàn cảnh sống, nói nào ngay, cũng không mấy thích hợp cho nhu cầu tự học. Suốt ngày (và suốt đời) tôi chỉ loanh quanh hàng quán nơi mà những kẻ hay lê la thường nói rất nhiều, dù sự hiểu biết của họ vốn không được bao nhiêu. Ngoài giới hạn về kiến thức, mấy ông bạn đồng ẩm còn có cái tật rất hay tranh cãi (và luôn cãi chầy cãi cối) nên mọi thông tin, từ bàn nhậu, đều không được khả xác hay khả tín gì cho lắm.
“Tham nhũng chính trị, lệch lạc tư tưởng, băng hoại đạo đức và hủ bại về lối sống. Đây là những kẻ thù rất nguy hiểm của Đảng, cần phải loại bỏ.” Tạp chí Xây Dựng Đảng (XDĐ) đã báo động như thế trong bài viết ngày 26/11/2023...
Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) nhìn nhận tình trạng “trẻ hóa” trong suy thoái “tư tưởng chính trị ” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đang gây khó khăn cho công tác “xây dựng, chỉnh đốn đảng”...
Năm 2024 là năm bầu cử, một năm gay go thử thách, và đề tài yêu ghét dù muốn hay không muốn đã trở lại trên các trang báo, trong các buổi tranh luận trong gia đình, ngoài xã hội. Chúc bàn tiệc trong năm của quý vị rôm rả những câu chuyện, những cuộc đối thoại bổ ích hai chiều, những thay đổi tốt đẹp. Và xin cảm ơn quý thân hữu, thân chủ đã hỗ trợ, gắn bó cùng hành trình với Việt Báo trong hơn 31 năm qua. Sau cùng là lời tri ân đến các độc giả Việt Báo: chính quý vị, những người đọc khó tính là thành trì giúp Việt Báo trở thành một tờ báo uy tín, chuyên nghiệp.
Năm 2023 tiến vào những ngày cuối cùng, nó sẽ đi qua và không bao giờ trở lại. Lịch sử sẽ đi qua nhưng những việc làm của con người sẽ tồn tại với sự khôn ngoan và ngu ngốc của đa số. Cụm từ ‘con-người-đa-số’ chỉ định ý muốn chung của đa số người. Và ‘con-người-thiểu-số’ đành phải tuân theo. Trò sinh hoạt dân chủ luôn luôn là con dao hai lưỡi có hiệu quả tùy thuộc sở thích của con người đa số. Sở thích? Một thứ tạo ra tốt lành hoặc khổ nạn. Đúng ra là cả hai, nhưng có một trong hai sẽ lớn hơn, đôi khi, lớn gấp bội phần. Nếu khổ nạn quá lớn thì cuộc sống chung sẽ thay đổi, có khi lâm vào mức tồi tệ. Chẳng hạn như trường hợp nước Đức dưới thời Hitler. Ý muốn của con người đa số đam mê nồng nhiệt ý muốn của Hitler. Cho ông ta cơ hội dẫn đầu một quốc gia quyền lực, tạo ra hiệu quả cuộc chiến thế giới thứ hai. Hậu quả tàn khốc đó do ai? Hitler? Đúng một phần.
“Tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong Lực lượng vũ trang nhân dân là mối lo hàng đầu của đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay. Bằng chứng này đã được Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đưa ra tại Hội nghị Đảng ủy Công an ngày 20/12/2023 tại Hà Nội, và trong nội dung các bài viết trên báo chí chính thống của nhà nước liên quan đến Quân đội...
Người ta nên áp dụng đạo đức vào tài chính trị của Henry Kissinger như thế nào? Làm thế nào để người ta quân bình những thành tựu với những hành vi sai trái của Kissinger? Tôi đã vật lộn với những vấn đề đó từ khi Kissinger là giáo sư của tôi, và sau này là đồng nghiệp tại Đại học Harvard. Vào tháng Tư năm 2012, tôi đã giúp phỏng vấn ông trước một số lượng lớn cử toạ tại Harvard và hỏi liệu ông có làm điều gì khác đi trong thời gian làm ngoại trưởng cho các Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon và Gerald Ford không. Lúc đầu, ông nói không. Suy nghĩ lại, ông nói rằng ước mình là đã hoạt động tích cực hơn ở Trung Đông. Nhưng ông không đề cập đến Campuchia, Chile, Pakistan hay Việt Nam. Một người phản đối ở phía sau hội trường hét lên: "Tội phạm chiến tranh!"
Việt Nam có còn “độc lập” với Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Hà Nội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nhà nước Tập Cận Bình là thắc mắc của người dân Việt Nam. Ông Tập có mặt ở Việt Nam từ 12 đến 13 tháng 12 năm 2023 và đạt được cam kết của Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng về “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”.
Ngày nay, Chiến lược Phòng thủ Quốc gia của Hoa Kỳ – giống như chiến lược Chiến tranh Lạnh tạo chuẩn mực cho tư duy chiến lược trong những năm từ thập kỷ ‘50 đến ’80 – bị chi phối bởi một tác nhân đe dọa chính, đó là Trung Quốc. Điều này vừa cung cấp thông tin vừa tạo điều kiện cho tất cả các mối đe dọa lớn khác có thể xảy ra: Nga, Iran và Bắc Triều Tiên. Giống như thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ hiện đang lâm vào một cuộc cạnh tranh với đối thủ duy nhất của mình, một cuộc cạnh tranh có khả năng bỏ rơi các thành tựu chính trị, kinh tế và công nghệ. Hoa Kỳ cũng đang ở trong một cuộc chạy đua vũ trang hiện đại, và trong một số trường hợp, chơi trò đuổi bắt và tranh đua để giành tình hữu nghị, gây ảnh hưởng lên các quốc gia khác trên thế giới.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.