Hôm nay,  

Những Huyền Thoại Của Hiệp Định RCEP

13/09/201800:00:00(Xem: 2956)
Nguyễn Xuân Nghĩa & Nguyên Lam RFA

 
Khởi sự thảo luận từ năm 2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện tại Khu vực Đông Á và Nam Á, gọi tắt là RCEP, có thể hoàn tất trong năm nay, Bộ trưởng Công Thương Nghiệp Singapore cho biết như trên sau hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối tháng trước tại Singapore. Tuy nhiên, phía Ấn Độ lại cho rằng các nước còn phải đàm phán thêm trước khi có hy vọng thông qua vào cuối năm 2019. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này.

Nguyên Lam:
Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau hơn hai chục vòng đàm phán kể từ năm 2012, đại diện của 16 quốc gia tại khu vực Đông Á và Nam Á sắp hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực nội trong năm nay. Bước kế tiếp có thể là một hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối Tháng 10 tại New Zealand rồi thượng đỉnh của cấp lãnh đạo vào Tháng 11 này tại Singapore để thông qua văn kiện. Giới truyền thông quốc tế cho rằng trong bối cảnh đầy mâu thuẫn thương mại giữa các nước tiên tiến và sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, biến cố này mở ra hy vọng hình thành một khối tự do mậu dịch khác, có tầm vóc nhất thế giới với vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong một khu vực kinh tế rất năng động của địa cầu. Ông nghĩ sao về những nhận định này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Tôi e rằng sự thật nó không như người ta mô tả nên xin sẽ từng bước giải thích.

- Thoạt kỳ thủy đây là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN gồm 10 Quốc gia Đông Nam Á nhằm ký một hiệp định tự do thương mại với sáu nước vốn đã có hiệp ước riêng lẻ với ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, rồi Ấn Độ, Úc và New Zealand. Nếu hoàn thành thì người ta một cộng đồng gồm ba tỷ 400 triệu dân, gần phân nửa dân số địa cầu với sản lượng kinh tế bằng 30% của thế giới.

- Nhưng bên dưới các số liệu lớn lao đó là sự dị biệt của một tập thể ô hợp gồm nhiều nước còn quá nghèo như Miến, Lào, Miên và các nước tiên tiến như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand hoặc hai nước mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ, với mục tiêu khác biệt và tìm sự đồng thuận ở một số lĩnh vực thu hẹp. Chẳng hạn như Ấn Độ đòi quyền tự do mậu dịch không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ và muốn có quy định hẳn hoi về xuất xứ sản phẩm để tránh nạn Trung Quốc bán hàng của mình dưới nhãn hiệu chế tạo của xứ khác. Cũng vì vậy, Ấn Độ mới cho rằng sẽ còn phải đàm phán thêm chứ không thể xong vào cuối năm.

Nguyên Lam:
Thưa ông, thế còn vị thế của Trung Quốc trong tập thể này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Truyền thông cứ cho rằng Hoa Kỳ lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và triệt thoái khỏi Hiệp định TPP nên Trung Quốc mới trám vào khoảng trống do Mỹ để lại, sẽ trở thành vô địch về tự do mậu dịch và vạch ra luật chơi cho cả tập thể. Đấy là cách tường thuật nông cạn và sai lạc nhưng có lợi cho uy tín của Bắc Kinh. Thứ nhất, đấy là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN, không của Trung Quốc. Thứ hai, tập thể này có nhiều cường quốc kinh tế không dễ chấp nhận thế chủ động của Bắc Kinh, như Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn và Úc. Thật ra, Trung Quốc chưa đủ mạnh để muốn làm gì thì các nước kia cũng chịu.

- Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, vì duy trì nhiều khu vực bảo hộ bên trong, Trung Quốc không dễ phất cờ vô địch về tự to thương mại như Hoa Kỳ. Lý do là có thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, Hoa Kỳ có thể cho các nước có mức lương bổng thấp xuất khẩu hàng hóa rẻ vào Mỹ, Trung Quốc nghèo hơn Mỹ và vẫn cần bảo vệ một khu vực chế biến bên trong cho nên khó rộng rãi nhập khẩu hàng rẻ như vậy từ các nước cũng lấy ưu thế là lương thấp.

- Vào một kỳ khác, chúng ta sẽ nói đến yếu tố nhân công rẻ như một nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn mậu dịch ngày nay vì xứ nào cũng tìm cách hạ lương để dễ bán hàng nên làm sụt mức tổng cầu, khiến lực lượng lao động bị thiệt mà doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thì kiếm lời lớn. Đấy là hiện tượng kinh tế học gọi là “bần cùng hóa người láng giềng”. Các nước nghèo trong khối RCEP đang tìm lợi thế lương rẻ cũng sẽ lao vào mâu thuẫn đó với các nước giàu hơn ở trong nhóm. Hoa Kỳ không theo chiến lược đó mà cũng chẳng thiết tha gì với Hiệp định này.

Nguyên Lam:
Ông nói đến việc các nước nghèo cứ tìm lợi thế nhân công rẻ để dễ bán hàng có thể dẫn tới những mâu thuẫn ngày nay khiến thính giả của chúng ta suy luận về chiến lược công nghiệp hóa hiện nay của Việt Nam. Kỳ sau, Nguyên Lam xin được hỏi thêm về chuyện đó, nhưng hôm nay, xin đề nghị ông giải thích cho vì sao Hoa Kỳ không đi theo chiến lược trên mà cũng chẳng muốn gia nhập nhóm RCEP này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Về chuyện kiếm lợi thế mậu dịch nhờ lương rẻ thì tôi nghĩ đến một thành ngữ phũ phàng của Việt Nam. Đó là cho nhân công “ăn mắm mút giòi” để doanh nghiệp kiếm lời nhờ xuất nhập khẩu, đa số lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Việt Nam có chiến lược bất công và không bền đó.

- Trở về chuyện Hoa Kỳ, có một nghịch lý mà truyền thông ít giải thích. Chiến lược của nước Mỹ không là chế biến hàng rẻ để bán cho nhiều nhờ ép lương nhân công mà là phát triển khu vực dịch vụ và sản xuất các loại hàng có giá trị cao hơn. Vì vậy, trước khi nghe nói đến một ông Donald Trump làm Tổng thống thì Mỹ đã dửng dưng trong việc mua bán với Hiệp hội ASEAN. Chiến lược mậu dịch của Hoa Kỳ là xây dựng một cơ chế mua bán trong khu vực với tiêu chuẩn cao về điều kiện bảo vệ môi sinh, lao động, luật lệ thông thoáng minh bạch, nhất là phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đấy là quan niệm của Mỹ về tự do thương mại, qua những đòi hỏi quá rắc rối và chi tiết trong Hiệp định Đối tác TPP khiến Quốc hội Mỹ dội ngược nên không muốn phê chuẩn cuối năm 2015 và trong năm 2016.

- Nhìn như vậy thì Hiệp định RCEP không đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ vì có nhiều nước quá nghèo như Miên Lào, có nhiều nước không muốn cải cách kinh tế cho thêm tự do như Trung Quốc hay cả Ấn Độ. Cho nên bảo rằng Hoa Kỳ bị gạt ra khỏi sân chơi của 16 nước trong Hiệp định RCEP và nhường thế lãnh đạo cho Bắc Kinh là một lập luận sai mà cứ được nhắc lại, có khi vì ghét ông Trump.

- Tuy nhiên, cần nói thêm là Mỹ không hề chống Hiệp định RCEP và vẫn có lúc nghĩ lại về Hiệp định TPP nay đã đổi tên và chỉ còn 11 nước tham dự. Lý do nằm ngoài lãnh vực mậu dịch mà thuộc về chiến lược. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc bị ràng buộc vào những cam kết với nhiều xứ khác và phải thay đổi chứ không xử ép các nước nghèo. Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho các nước ASEAN có thị trường khác mà bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và cho các cường quốc như Nhật, Ấn, Úc, Nam Hàn có thêm ảnh hưởng.

Nguyên Lam:
Trở lại Hiệp định RCEP, phải chăng là 16 nước muốn hoàn thành văn kiện này cho nhanh để có một cơ chế hành xử chung khi thương chiến bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc theo kiểu “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Dĩ nhiên là bộ máy hành chính thư lại và các chuyên viên đều nói tới nguy cơ khủng hoảng vì chiến tranh thương mại hoặc vì số xuất siêu quá lớn với kinh tế Hoa Kỳ. Họ nói vậy để sớm hoàn tất Hiệp định RCEP. Báo chí tường thuật quan điểm của “các viên chức có thẩm quyền” này, trong ngoặc kép. Nhưng chẳng xứ nào lại vì tình trạng khẩn trương đó mà nhượng bộ.

- Thái độ trì chiết của Ấn Độ về quyền tự do di động của nhân công hay xuất xứ hàng hóa hoặc việc bảo vệ một số ngành nghề nội địa và lập trường hoàn toàn tương phản của Singapore về các vấn đề trên cho thấy điều ấy. Kế đó, dù được tiếng là “khu vực tự do thương mại vĩ đại nhất địa cầu”, Hiệp định RCEP này lại gói bên trong những mục tiêu dị biệt của các nước lớn và hàng loạt điều lệ về thủ tục chấp hành hay đặc miễn cho nên chẳng dễ gì mà hoàn thành sau hội nghị cấp bộ trưởng vào tháng tới tại Auckland của New Zealand. Cùng lắm thì các nước đi tìm đồng thuận biểu kiến ở “mẫu số chung nhỏ nhất” và sau đó họ sẽ cãi tiếp.

Nguyên Lam:
Ông có vẻ không mấy lạc quan về triển vọng thành hình của Hiệp định này, thưa ông vì sao như vậy?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Thật ra chúng ta cần tránh cảm quan mà nên lạnh lùng nhìn vào thực tế.

- Đầu tiên, người ta cứ chú ý đến sự vắng mặt của Hoa Kỳ và cái thế mạnh của Trung Quốc trong hiệp định giữa 16 nước Đông Á và Nam Á. Sự thật thì thị trường Hoa Kỳ vẫn có sức thu hút cao và xứ nào cũng theo dõi xem Chính quyền Donald Trump xác định lại luật chơi về mậu dịch để theo đó mà tính. Sau đấy, người ta cũng thấy Bắc Kinh đang gây phản ứng ngược từ các nước nghèo với chủ trương lý tài chứ không hề là tấm gương sáng về tự do mậu dich. Thứ ba, Hoa Kỳ không hề quay lưng và thả nổi Châu Á cho Bắc Kinh mặc tình thao túng. Đấy là bối cảnh bên ngoài tập thể 16 quốc gia này.

- Bên trong, nhóm 16 nước của Hiệp định lại có sẵn nhiều mâu thuẫn nội tại. Như giữa các nước nghèo nhất với các nước giàu hơn trong khối ASEAN, hoặc giữa các nước tương đối đã mở mang, như Malaysia hay Thái Lan, với các nước tiên tiến như Úc hay New Zealand. Đã vậy, Nhật vẻ hòa dịu hơn với Bắc Kinh chỉ vì đã có Ấn Độ tham gia như một rào cản Trung Quốc trong chiến lược kết hợp vành đai Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Trong vụ này, Thái Lan đang nghe ngóng xem làm sao gia nhập Hiệp định Đối tác TTP, Việt Nam thì bận xem làm sao thi hành Hiệp định này hơn là tranh cãi về RCEP. Nhìn vậy thì Hiệp định RCEP không là một nỗ lực ghê gớm của các nước để mau mắn làm ăn với Trung Quốc và để khỏi cần Hoa Kỳ. Nó mới chỉ là một bước khởi đầu mà thôi.

Nguyên Lam:
Vì ông nhắc đến yếu tố chiến lược của các nước trong những tính toán về thương mại, liệu chúng ta có nên nhắc tới sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh trong khu vực Á Châu này không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa:
- Tôi cho rằng năm năm sau khi thực hiện sáng kiến đó, Bắc Kinh đã để lộ chân tướng và gây nghi ngại cho các nước đang thát triển, điển hình là trường hợp Malaysia mà chúng ta đã đề cập một kỳ trước. Trong khi đó, ta cũng chẳng nên quên phản ứng của Hoa Kỳ khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở trong cùng khu vực này như một lực đối trọng với sáng kiến của Trung Quốc. Phương pháp của Mỹ không giống Bắc Kinh, là viện trợ hay đưa hệ thống quốc doanh vào thực hiện các dự án ít giá trị, mà là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào nơi đó đầu tư. Tức là Hoa Kỳ không hề bỏ ngỏ Á Châu và đấy cũng là một sự thật khác về Hiệp định RCEP.

Nguyên Lam:
Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc phỏng vấn tuần này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Để khẳng định đối trọng với các cường quốc phương Tây, khối BRICS đặc biệt tìm cách củng cố vị thế trong các cơ quan quốc tế và trọng lực của đồng Nhân dân tệ trong hệ thống tiền tệ. Tự thoát ra khỏi ảnh hưởng của các cường quốc phương Tây và tạo thành một lực lượng kinh tế và địa chính trị mới, đây là mong muốn được khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) bày tỏ tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 15, được tổ chức tại Johannesburg, Nam Phi, từ ngày 22-24/8/2023. Đây cũng là những gì nổi lên tại Hội nghị G77 được kết thúc vào ngày 16/9 tại Havana.
Ông sinh 1979, quê Yên Bái, là một giáo viên dạy sinh, hóa tại Lào Cai. Sau đó, ông chuyển về Hà Nội tiếp tục dạy học tại một ngôi trường cấp 2 và học thêm ngành luật. Năm 2015, ông quyết định thôi việc sau khi lá đơn yêu cầu cải cách giáo dục, đòi hỏi những lợi ích chính đáng cho học sinh của ông bị từ chối. Năm 2017, Lê Trọng Hùng bắt đầu đưa tin với tư cách là một “nhà dân báo” trên Facebook và YouTube, bình luận về các vấn đề chính trị - xã hội và tư vấn cho dân oan cách kiến nghị, khiếu kiện lên các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Ông tự bỏ tiền túi ra để mua hàng ngàn cuốn Hiến Pháp Việt Nam, tặng cho nhiều người và giảng giải cho họ về những điều quy định trong hiến pháp, pháp luật. Ông là một con người giàu lòng nhân ái, từng nhiều lần hiến máu nhân đạo để cứu người.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, một người quan tâm đến các cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là người Hoa, người Chăm, người Thượng và người Khmer...
Từ năm 1949, người thành lập đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) Hồ Chí Minh đã khoe “Đảng ta là vĩ đại, là đạo đức, là văn minh”. Về sau Đảng tự phong lên “thật là vĩ đại”. Không những thế, các thế hệ nối tiếp lại còn đồng ca “Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.” Nhưng đảng lại tự cho mình quyền lãnh đạo độc quyền; không cho tư nhân ra báo và kiểm soát các quyền tự do cơ bản của con người, kể cả quyền tự do tư tưởng và tự do tôn giáo khiến nhân dân nghi ngờ, đảng viên hoang mang...
Hôm thứ Ba, 26/9/2023, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố một văn kiện nhan đề “Một cộng đồng toàn cầu trong một tương lai chung” với nội dung có thể xem như là tầm nhìn mới của Trung Quốc về một trật tự thế giới do Trung Quốc lãnh đạo, thay thế trật tự hiện thời do Hoa Kỳ đứng đầu...
Trong một tập phim của chương trình truyền hình “Boston Legal” năm 2006, luật sư bảo thủ Denny Crane khẳng định rằng ông có quyền hiến định để mang theo một khẩu súng giấu kín: “Và Tối Cao Pháp Viện sẽ nói như vậy, ngay sau khi họ lật ngược án lệ Roe v. Wade.” Với một bộ phim được phát sóng cách đây 17 năm, đó là một trò đùa, một sự việc không thể tưởng tượng nổi vào thời điểm đó. Tuy nhiên, vào năm 2022, TCPV đã công bố cả hai thay đổi, chuyển một trò đùa không tưởng thành luật pháp của đất nước trong chớp mắt – báo hiệu sự khởi đầu của “cuộc cách mạng hiến pháp.”
Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì …
Tình hình kinh tế Việt Nam đan xen mảng xám trong nhiều lĩnh vực của hệ thống tổ chức khiến nhà đầu tư lo âu và mức tiêu dùng của dân co lại...
Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Sau khi nâng cấp ngoại giao lên “Đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10-11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.