Hôm nay,  

Bàn Tay Nhạc Sĩ Y Vân Trong Ca Khúc Tôi Đưa Em Sang Sông

10/08/201800:10:00(Xem: 8911)

BÀN TAY NHẠC SĨ Y VÂN TRONG CA KHÚC TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG     
                                                                      

Trần Chí Phúc
 



blank

 

Vào khoảng năm 1962, tại Sài Gòn, một ca khúc mang tên Tôi Đưa Em Sang Sông xuất hiện trong bầu trời ca nhạc, được nhiều ca sĩ trình diễn trên đài phát thanh, thu âm vào đĩa nhạc và hát trên các sân khấu.

Bài hát được in thành bản nhạc rời có chép nốt nhạc và lời ca do nhà xuất bản Diên Hồng phát hành, giá bán 7 đồng thời đó, ghi tên tác giả là hai người gồm Y Vũ và Nhật Ngân.
 

Bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông của Y Vũ- Nhật Ngân mau chóng được đón nhận nồng nhiệt từ Sài Gòn cho đến các tỉnh thành của Miền Nam Việt Nam.

Trong đời một người con trai đã từng yêu và đa số trải qua nỗi buồn thất tình nhìn người mình yêu làm đám cưới với người khác. Chữ “ Sang Sông” được hiểu là người con gái đi lấy chồng, bên kia sông là bến đậu mới tức là nhà chồng. Và cái tựa bài hát là Tôi Đưa Em Sang Sông trở nên ăn khách.
 

Lời ca như sau: TÔI ĐƯA EM SANG SÔNG

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm, để thấm chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em. Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa, chẳng lẽ chung một lối về, mà nỡ quay mặt bước đi.

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim. Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen, đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn.

Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh, đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ, đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ.

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền, giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo lấm gót chân. Gót chân ngày xa xưa, sợ lấm trong bùn khi mưa, nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.”

Xét về lời ca thì khá thi vị, có ý tưởng lạ, trong thời điểm đó là năm 1962...

 Xét về phần nhạc thì nét nhạc của bản Tôi Đưa Em Sang Sông dễ nghe, quyến rũ, phần hợp âm có chút biến đổi. Thời đó những chàng trai ôm cây đàn ghi ta vừa đàn vừa hát nghêu ngao thật thú vị trong những buổi họp mặt văn nghệ.

Nhạc sĩ Tây Ban Cầm cổ điển Đỗ Đình Phương có độc tấu bản Tôi Đưa Em Sang Sông với phần hợp soạn cùng nhạc sĩ Hồ Đăng Tín, làm tăng thêm giá trị nghệ thuật âm nhạc của ca khúc này.

Từ lúc xuất hiện năm 1962 cho đến tháng 4 năm 1975 thì bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông với đồng tác giả là Y Vũ và Nhật Ngân chẳng có vấn đề gì về tác quyền.

Tuy nhiên hồi tôi còn trẻ ở Tuy Hòa, tôi nhớ là mình đã nghe các bậc đàn anh văn nghệ bàn tán thắc mắc về đồng tác giả Y Vũ – Nhật Ngân của bài hát này vì cả hai người không phải là bạn thân với nhau để mà cùng sáng tác chung.

Và hôm nay thì xảy ra chuyện tranh cãi gây cấn rằng ai là tác giả thật sự của bài hát Tôi Đưa Sang Sông giữa hai nhạc sĩ Nhật Ngân và Y Vũ, lan truyền khắp nơi.
 

Về Phía Nhật Ngân :

Vào khoảng đầu thập niên 90, tại quán cà phê Le Baron nằm trên đường Brookhurst của Quận Cam Nam Cali, tôi ngồi nghe nhạc sĩ Nhật Ngân kể như sau. Nhật Ngân có người yêu đi lấy chồng và lúc đó ông là một thanh niên tuổi khoảng đôi mươi có viết một ca khúc về nỗi buồn này. Khi ông từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, ông nhờ nhạc sĩ Y Vân- lúc đó có uy tín trong giới ca nhạc- phổ biến bài hát này. Tôi nhớ Nhật Ngân kể nguyên văn : Y Vân bèn ghi tên người em của mình là Y Vũ vào đồng tác giả- Y Vũ và Nhật Ngân.

Mấy năm sau, Nhật Ngân có phổ biến câu chuyện tương tự như vậy trên một số phương tiện truyền thông ở hải ngoại và đã trả lời phỏng vấn trong một cuốn băng chủ đề nhạc Nhật Ngân của trung tâmThúy Nga.

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời tại Quận Cam California vào năm 2012, hưởng thọ 70 tuổi.
 

Về Phía Y Vũ :

Năm 2017, nhạc sĩ Y Vũ có lên truyền hình ở trong nước trả lời phỏng vấn và nói rằng Y Vũ là tác giả duy nhất của bài Tôi Đưa Em Sang Sông. Ông nói rằng khi đưa bài hát này cho anh ruột của ông là nhạc sĩ Y Vân nhờ phổ biến thì Y Vân bảo là ghi tên thêm Nhật Ngân vào vì Nhật Ngân là học trò của Y Vân. Nhạc sĩ Y Vũ còn đưa ra bản nhạc chép tay cũ kỹ có nốt nhạc và lời ca và tên tác giả là Y Vũ để làm bằng cớ.

Quí độc giả vào Internet, gõ chữ Tôi Đưa Em Sang Sông hoặc Ai Là Tác Giả Bài Hát Tôi Đưa Em Sang Sông thì sẽ thấy nhiều bài báo về hai ý kiến nghịch nhau của Nhật Ngân và Y Vũ.

Trước năm 2017 cả chục năm, nhạc sĩ Trịnh Hưng ( Lối Về Xóm Nhỏ ) có viết một bài báo đăng trong một đặc san với nội dung rằng nhạc sĩ Y Vũ kể cho ông nghe là Y Vũ chính là tác giả duy nhất của bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông. Tôi đã đọc bài báo đó. Điều này giải thích rằng Y Vũ đã có lên tiếng phản bác Nhật Ngân qua bài viết của Trịnh Hưng, lúc Nhật Ngân còn sống. Nhạc sĩ Trịnh Hưng qua đời năm 2008 tại Pháp.

Bàn Tay Y Vân :

Qua 2 câu chuyện kể của Nhật Ngân và Y Vũ cho thấy rằng vai trò của nhạc sĩ Y Vân là quan trọng. Ông là người đặt tên bài hát, đặt tên tác giả bài hát, phổ biến bài hát. Thời đó năm 1962, bài hát muốn xuất bản phải xin giấy phép của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa. Cho nên tên tác giả là Y Vũ và Nhật Ngân đã gắn liền với ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông, trên mặt giấy tờ pháp lý. 

Vai trò của nhạc sĩ Y Vân quan trọng như vậy, nhưng ông không công khai nói về sự thật ai là tác giả Tôi Đưa Em Sang Sông. Ông mất vào năm 1992.

Nét Nhạc Y Vân:

Trong một lần tôi điện thoại với một nhạc sĩ nổi tiếng, cùng thời và là bạn của nhạc sĩ Y Vân, tạm gọi là nhạc sĩ A. Người đó nói rằng có một buổi nọ, nhạc sĩ Y Vân tới thăm và đàn hát cho nghe ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông. Nhạc sĩ Y Vân giải thích rằng “ tối hôm qua moa đưa em về qua bến đò Thủ Thiêm, có cảm hứng viết nên ca khúc Tôi Đưa Em  Sang Sông”.

Từ lúc nghe được câu chuyện này từ nhạc sĩ A, tôi suy nghĩ rằng nhạc sĩ Y Vân sáng tác rất nhiều bài hay, xét về tuổi tác và tài năng cùng uy tín thì ông hơn hẳn hai người kia. Ông không cần phải nói dối với bạn là nhạc sĩ A, lấy bài hát của kẻ khác làm của mình. Ông phải tâm đắc với tác phẩm Tôi Đưa Em Sang Sông, vì có sự đóng góp sáng tác của ông, cho nên Y Vân mới hát để khoe với bạn là nhạc sĩ A.
 

Và tôi đã tìm ra được cái đặc biệt của nét nhạc cùng hòa âm của Y Vân trong bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông. Tôi xin diễn giải như sau:

Bài hát tông La Thứ ( Am ), có câu : Mà Nỡ Quay Mặt Bước ĐI. Chữ Đi là nốt Re Thăng ( D#), và hợp âm chỗ này là B7.

Cũng giống vậy, nhạc sĩ Y Vân trong bài hát Ngăn Cách cũng tông La Thứ ( Am ) ở câu : “ Em lên xe hoa rồi biết rằng sầu để một NGƯỜI” . Chữ Người, ông dùng nốt Re Thăng ( D# ) và hợp âm là B7.
 

Trong bản Những Bước Chân Âm Thầm, Y Vân phổ thơ của thi sĩ Kim Tuấn, cũng tông La Thứ ( Am ) có câu : “ Anh yêu tình nở muộn, chiều tím màu mến thương, mắt biếc sầu lắng đọng, đèn thắp MỜ bóng đêm. Chữ Mờ, ông dùng nốt Re Thăng ( D# ), hợp âm chỗ này là B7.

Lối chuyển cung từ hợp âm B7 rồi sang E7 rồi trở về chủ âm Am rất tân kỳ trong thời điểm 1962 và cũng là nét đặc biệt của nét nhạc Y Vân.

Xét về nét nhạc của Nhật Ngân thì ông có nhiều bài hát làm chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Xét những bài hát chỉ một mình Nhật Ngân sáng tác thì cái “hơi nhạc”- “nhạc phong” của bài Tôi Đưa Em Sang Sông có vẻ khác.

Kết Luận:

1-   Nếu câu chuyện kể của nhạc sĩ A là giả thì không có bài viết này.

2-   Nếu câu chuyện kể của nhạc sĩ A là thật thì người viết xin đưa ra kết luận như sau:

-         Nhạc sĩ Y Vân có đóng góp rất nhiều về lời về nhạc trong bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông, để từ đó ông mới đem ra khoe với bạn là nhạc sĩ A.

-         Bài hát gốc lúc ban đầu là của Nhật Ngân, nhưng Y Vân đã có chỉnh sửa, có thêm vào khá nhiều về nhạc; không chỉ một lời ca như Nhật Ngân đã tuyên bố. Và Y Vân có phần của mình rất nhiều trong bài hát này. Không lẽ với uy tín của một nhạc sĩ tên tuổi thời đó, ông lại đồng tác giả với một người vô danh hay sao? Cho nên Y Vân nhường phần của mình cho em ruột là nhạc sĩ Y Vũ, và ghi tên Y Vũ- Nhật Ngân là đồng tác giả Tôi Đưa Em Sang Sông.

-         Có thể Y Vân dựa vào một vài ý tưởng của Y Vũ để đưa vào bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông. Do đó Y Vân có lý do để ghi tên Y Vũ vào đồng tác giả bài hát.

-         Nhạc sĩ Y Vũ nói rằng bài này của ông và Y Vân đưa tên Nhật Ngân vào với lý do Nhật Ngân là học trò của Y Vân. Lý do này không có tính thuyết phục cao.

-         Bản quyền bài hát Tôi Đưa Em Sang Sông thuộc về Y Vũ- Nhật Ngân từ năm 1962. Nếu có sự thay đổi thì phải có phiên tòa xử lại với sự tham dự của Y Vân, Y Vũ, Nhật Ngân. Nay Y Vân và Nhật Ngân đã qua đời thì không tòa án nào có thể xử được. Tại sao từ năm 1962 đến năm 1975 không có ai thắc mắc về bản quyền bài này?

-         Nhạc sĩ Nhật Ngân đã lên tiếng công khai phủ nhận tác quyền của nhạc sĩ Y Vũ trên các cơ quan truyền thông hải ngoại. Do đó nhạc sĩ Y Vũ buộc lòng phải lên tiếng phản bác Nhật Ngân ở đài truyền hình trong nước Việt Nam để bảo vệ danh dự của ông.

-         Từ một bài hát có tên đứng chung, vui vẻ cho cả hai nhạc sĩ trong nhiều năm, tự dưng trở thành chuyện tranh cãi gây cấn và đặt vấn đề đạo đức, nói dối nói thật, làm cho bầu không khí văn nghệ mất vui.

Lời Cuối Cho Bài Viết :

Người nhạc sĩ A không cho phép tôi nêu tên ông ra vì không muốn dính vào chuyện thị phi tranh cãi. Ngay cả khi nhạc sĩ Y Vân còn sống đã không công khai chuyện này.

 Trong vườn hoa ca nhạc có những trường hợp nhạc sĩ này kẹt tiền bán bản quyền cho nhạc sĩ khác, đến khi bài hát nổi tiếng thì tiếc nuối và tiết lộ ra ngoài, vi phạm hợp đồng giữa hai người.

Có nhạc sĩ này góp ý vào bài hát của nhạc sĩ khác cho hay hơn; có trường hợp được ghi tên đồng tác giả, có trường hợp không được, cũng tạo nên một số câu chuyện thị phi tranh cãi.

Cứ tin là Y Vân đã nói năm 1962 “tối hôm qua moa đưa em về qua bến đò Thủ Thiêm” thì tin tức hiện nay năm 2018,  cho biết Thủ Thiêm đang trở thành một vùng đất phát triển quan trọng của thành phố Sài Gòn, giá đất đắt như vàng và nhiều người dân đã mất nhà mất đất vì cán bộ tham nhũng lợi dụng kẻ hở của luật đất đai thuộc sở hữu toàn dân mà phù phép chuyện qui hoạch để rồi bán đất cho kẻ đầu tư và bỏ tiền vào túi riêng.

Trong bài hát có câu : Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần..” làm nhớ tới bàn tay của nhạc sĩ Y Vân trong ca khúc Tôi Đưa Em Sang Sông.

Hi vọng bài viết này góp thêm một sự kiện mới cho cuộc tranh cãi không có kết luận chính xác 100% vì hai người trong cuộc đã ra đi.                                                        

Mỹ Quốc, Hè 2018

          ( Nguyệt San Mỹ Việt Magazine Dallas FortWorth Số Ra Mắt) 

 



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhà báo Xuân Ba kể lại: “Đêm chuyển về sáng một ngày tháng tư năm một ngàn chín trăm tám tư, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu?! Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi? Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình kéo một hơi rồi ho sặc sụa... Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần... Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc bốn giờ ba mươi sáng. Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914...
Đố ai chứng minh được ”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta” như đảng Cộng sản Việt Nam tuyên truyền? Càng mơ hồ hơn khi nghe nói: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”
Hạ Viện Hoa Kỳ vào ngày 3 tháng 10 năm 2023 đã làm một việc mà chưa từng làm bao giờ trước đây trong lịch sử của nước này: Truất phế chức Chủ Tịch Hạ Viện. Kevin McCarthy, đảng viên Cộng Hòa tại California, đã mất chức trong cuộc bỏ phiếu với tỉ lệ 216/210. Để nhìn sâu hơn vào vấn đề này, The Conversation U.S. có cuộc trò chuyện với giáo sư chính trị học Charles R. Hunt tại Đại Học Boise State University.
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hũu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những phép loại suy luận quen thuộc trong lịch sử nhưng gây hiểu lầm.
Nếu vụ tấn công ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ đã thay đổi tình hình ở Trung Đông và toàn thế giới, thì "ngày 7 tháng 10" cũng có thể ảnh hưởng đến những gì sẽ xảy ra tiếp theo, bởi tuy hoàn toàn không có một chút liên hệ trực tiếp nào với cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng trên thực tế, sự quan tâm đang xoay qua cuộc chiến Hamas-Israel lại có thể là một lợi thế cho Nga. Việc Hamas có thể tấn công bất ngờ vào Israel không chỉ là một thất bại đối với tình báo Israel, mà ngay cả Mỹ cũng đã hoàn toàn bị ru ngủ. Chỉ một tuần trước, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan tuyên bố rằng "khu vực Trung Đông ngày nay yên bình hơn so với nhiều thập kỷ trước".
Tượng Đài Mẹ Việt Nam Anh Hùng lớn nhất Đông Nam Á thì chắc chắn là một “kỳ quan” của thế giới rồi. Không được xem (qua) quả là điều đáng tiếc. Tuy nhiên, theo báo chí thì dù mới khánh thành nó đã bị bong gạch hết trơn rồi. Thôi thì đi chỗ khác chơi cho nó lành. Tôi quyết định sẽ đi thăm Địa Đạo Củ Chi. Trước khi tới nơi tưởng cũng nên ghé Wikipedia coi qua chút đỉnh:
Theo Hội Thư Viện Hoa Kỳ (American Library Association), nỗ lực cấm sách ở các trường công lập và thư viện công cộng trong năm 2022 đã đạt mức cao nhất mọi thời đại, và có rất ít dấu hiệu sẽ giảm bớt vào năm 2023. Phong trào cấm sách trong thời gian qua có vẻ như là một chiến dịch phối hợp diễn ra ở cả cấp tiểu bang và địa phương; những cuốn sách bị nhắm mục tiêu thường là những cuốn có nội dung đề cập đến chủng tộc, giới tính hoặc cả hai. Thậm chí một số nỗ lực còn dẫn đến việc ban hành luật đe dọa tống tù các thủ thư.
Ít nhất cũng còn hơn 2 năm nữa mới đến ngày bầu nhiệm kỳ XIV của đảng Cộng sản Việt Nam, 2026-2031, nhưng tiêu chuẩn để được chọn đã bộc lộ tư duy giáo điều, bảo thủ và chậm tiến của đảng CSVN...
Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 2 người Chăm: Ông Thông Thanh Khánh (Khanh Pham), nhà nghiên cứu văn hóa Chăm. Sinh trưởng tại Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc tỉnh Bình Thuận, hiện đang sống và làm việc tại Sài Gòn và Cambodia. Và Ông Lưu Quang Sáng (Amuchandra Luu), sinh tại Phan Rang, hiện sống và làm việc tại California, Thạc sĩ toán và có gần 20 năm giảng dạy ở trường đại học cộng đồng tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Tổng Thư Ký hội Bảo Tồn Văn Hóa Truyền Thống Champa USA, qua 7 nhiệm kỳ chủ tịch...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.