Hôm nay,  

Trở Lại Oregon

11/07/201800:00:00(Xem: 3985)
Ngự Thuyết

                                                          
Gởi NTH, LVT

Lại có dịp thăm Oregon. Đúng ra, thăm Portland, thủ phủ của Oregon, một số thị xã lân cận, và mấy thắng cảnh nổi tiếng của tiểu bang êm đềm và hiền hoà này. Hay đúng hơn nữa, có hai người bạn ở đó, Nguyễn Trung Hối và Lưu Văn Thăng, thì hãy thăm người trước, rồi thăm chốn cũ sau. Oregon! Oregon! Nước Mỹ mênh mông. Trở lại một tiểu bang rất xa nơi mình sinh sống, mà mình đã từng đến, cũng thấy dậy lên trong lòng ít nhiều nôn nao, háo hức. Như sắp gặp lại người bạn thuở thiếu thời. Như sắp được nghe lại tiếng rao “Phở, Phở” trong đêm khuya.

Thế là đã gần 20 năm mới trở lại nơi này. Oregon có già đi hay vẫn thế, khó biết quá, nhưng người hai người bạn của tôi, cũng như tôi, đã “sa sút” nhiều lắm. Nguyễn Trung Hối từng chủ trương Tập San Chủ Đề trước 1975 tại Sài Gòn, qua Mỹ tỵ nạn vẫn nỗ lực cho tái tục Chủ Đề được trên mười mấy số, nay đã tỏ ra mệt mỏi, không còn muốn theo đuổi giấc mơ vá trời, lấp biển bằng văn chương, chữ nghĩa. Lưu Văn Thăng, tốt nghiệp trường đào tạo Sỹ Quan Không Quân tại Salon, Pháp, chàng thanh niên hào hoa ấy hẳn đã từng “tung cánh” bay đến nhiều chân trời xa lạ, nay bằng lòng làm một ông già cùng vợ ngày qua tháng lại chăm sóc khu vườn nhà xanh mướt trồng nhiều loại hoa quả của quê xưa. Các thứ rau xanh, rau thơm, bầu, bí, mồng tơi, nhiếp cá, húng quế, húng lủi, ớt ... Tôi hỏi đùa, Tươi tốt như thế kia chắc bán được giá lắm đó. Trả lời, Sức mấy, cho mà người ta còn bắt phải mang đến tận nhà.

Ăn uống nhiều và ngon. Ăn không hết, lúc giã từ mang theo. Có cả cái bánh ngọt tráng miệng với hàng chữ nổi bằng kem: Welcome to Oregon. Ai cũng đề nghị cắt cho một lát thật mỏng. Già, sợ đường. Thành ra mọi người chia nhau không hết một phần tư chiếc bánh.

Trò chuyện như không bao giờ dứt. Hối hồi tưởng thời trẻ. Nhắc nhở một số kỷ niệm với những bạn làm thơ, viết văn, viết báo, ở Sài Gòn, ở Mỹ. Nhắc lại cuộc viếng thăm bạn bè tại Canada và buổi dạ hội của Hội Đồng Hương Vĩnh Châu, một bang hội của người Việt gốc Hoa. Vĩnh Châu là một xã thuộc tỉnh Bạc Liêu. Thăng thì kỷ niệm thời Trung Học ở Huế, nào đạp xe đạp dạo quanh Hoàng Thành, thăm các lăng tẩm, chùa chiền, núi đồi, những ngôi chợ miền quê, nào rủ nhau mạo hiểm bơi quanh Cồn Hến trên sông Hương, nào bãi Thuận An cát trắng tinh và mịn như nhung, bơi ra xa ngoài khơi lặng người trong làn nước xanh biếc, mát rượi, rồi bơi trở lại bãi, chạy đuổi theo đám còng còng, những “Dã Tràng xe cát Biển Đông/Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”. Tuổi niên thiếu trong sáng, vô tư, hồn nhiên.

 Và cả ba người bạn nay tóc đã bạc đểu đồng ý rằng Huế sướng thiệt. Muốn lên non, xuống biển, chỉ một cái búng tay là “dông” đi ngay.

Nhân nhắc đến biển, nghĩ đến các biến cố tại Biển Đông, và mới đây vụ ba đặc khu mà chính quyền trong nước định ký kết với Trung Quốc. Hay đã ký kết rồi? Và chỉ thị chuyển qua Quốc Hội bù nhìn thông qua? Cũng nhân đấy, Thăng kể lại một câu chuyện cũ về đứa con gái của mình. Đứa con vừa được học bổng của Tổng Thống Hoa Kỳ, thì sau đó chẳng bao lâu nhận được thư của một tổ chức người Mỹ gốc Hoa hỏi thăm: Cô họ Lưu chắc hẳn có gốc Tàu. Thăng trả lời thay con: Chúng tôi hoàn toàn Việt Nam. Mặc dù vậy, tổ chức ấy vẫn gởi giấy mời dự tiệc kèm theo 100 đô la gọi là tiền khen thưởng.

Quả thật người Tàu rất quý mến và nâng đỡ đồng hương của họ. Hoặc đối với những ai không phải là đồng hương mà có tài và có một mối quan hệ nào đó dù mơ hồ, mong manh, họ cũng không ngần ngại kết thân. Cho nên tại đất Mỹ này, cũng như tại nhiều nước khác trên khắp thế giới, người Tàu luôn luôn tương trợ nhau và phát triển nhanh chóng. Đấy là điều đáng khen. Và nó thuộc vào lãnh vực tư trong tương quan giữa cá nhân với cá nhân, hay hội đoàn này đối với hội đoàn khác.

Nhưng trên phương diện quốc gia, quốc tế, vấn đề không đơn giản. Chẳng hạn một nước nhỏ phải hết sức cảnh giác khi được một nước lớn tìm cách kết thân, mua chuộc, nhất là khi nước lớn ấy là Trung Quốc, một nước khổng lồ mang đầy tham vọng bành trướng, và xâm lược. Nước ta không may nằm cạnh cường quốc hung hăng đó, cho nên tổ tiên ta đã phải đổ biết bao nhiêu xương máu mới dành lại độc lập sau hơn 1000 năm nô lệ.

Tuy nhiên câu nói “Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu” dễ gây ngộ nhận. Đúng ra, cái ách nô lệ ấy vẫn nhiều lần bị đập tan. Từ năm 111 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch khi Ngô Quyền phá quân Nam Hán mở ra thời kỳ độc lập lâu dài, tổ tiên ta đã nhiều lần nổi lên đánh dẹp quân xâm lăng, khơi dậy và duy trì tinh thần yêu nước sâu xa và bất khuất, đốt lên một ngọn lửa thiêng cháy mãi mãi trong lòng dân tộc. Nếu không có những cuộc nổi dậy ấy, có lẽ nước ta đã vĩnh viễn bị Tàu đồng hóa. Những trang sử vẻ vang vẫn còn đó để hậu thế soi vào.

Năm 40 Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, hạ được 65 thành trì. Hai Bà làm vua được 3 năm thì mất vào tay danh tướng Tàu Mã Viện. Mã Viện sau đó dựng lên một cái trụ bằng đồng trên đất nước của ta, và ghi lên trên đó bằng một giọng lưỡi vô cùng láo xược, man rợ: Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt (Trụ đồng gãy đổ, Giao Chỉ diệt vong).

Tiếp đến Bà Triệu khởi binh chống quân Ngô (Thời Tam Quốc, Ngụy-Thục-Ngô) vào năm 248. Cầm cự được 5, 6 tháng, thế cùng lực tận, Bà tự vận lúc mới 23 tuổi.

Năm 544, Lý Bôn đánh quân nhà Lương, xưng là Nam Việt Đế tức Lý Nam Đế. Sau mấy lần thất trận, Lý Nam Đế trao binh quyền cho Triệu Quang Phục. Triệu Quang Phục tiếp nối cuộc chống xâm lăng, lấy danh hiệu là Triệu Việt Vương năm 548. Về sau Lý Phật Tử tranh quyền của Triệu Việt Vương, xưng đế hiệu là Hậu Lý Nam Đế, làm vua được 9 năm thì lại bị mất vào tay nhà nhà Tùy.

Vào thời Đường Huyền Tôn bên Tàu, Mai Thúc Loan gốc người Thiên Lộc thuộc Hà Tĩnh bây giờ khởi binh đánh Tàu vào năm 722, xây thành đắp lũy, xưng là hoàng đế tục gọi là Mai Hắc Đế. Thế yếu, chống không nổi, bỏ thành chạy, sau một thời gian thì mất.

Đến thời Ngũ Đại bên Tàu (907-959) họ Khúc với Khúc Thừa Dụ (906-907), con là Khúc Hạo (907-917), cháu là Khúc Thừa Mỹ (917-923), gốc ở Hải Dương bây giờ, kế tiếp nhau dấy nghiệp, khôi phục nền tự chủ. Năm 923 Khúc Thừa Mỹ thua trận bị bắt. Năm 931 một tướng của Khúc Hạo ngày trước là Dương Diên Nghệ nổi lên đánh Tàu, tự xưng là Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị nha tướng là Kiều Công Tiện giết chết, cướp lấy quyền hành. Chẳng bao lâu, một tướng của Dương Diên Nghệ là Ngô Quyền, người làng Đường Lâm nay thuộc tỉnh Sơn Tây, cử binh đánh Kiều Công Tiện để báo thù cho chúa. Kiều Công Tiện cầu cứu quân Nam Hán. Ngô Quyền đại phá quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng, bắt sống Thái Tử Hoằng Tháo, lập nên nhà Ngô, mở ra một thời đại tự chủ kéo dài đến hơn 8 thế kỷ cho đến khi quân Pháp xâm chiếm nước ta.

Những thời kỳ vừa nêu trên được các nhà viết sử gọi là thời Bắc thuộc.

Trong thời đại nước ta được tự chủ, tuy nhiên, Tàu vẫn nhiều lần xua quân sang xâm lăng, và bị đánh cho tan tành, ngoại trừ thời gian từ năm 1414 đến năm 1427 quân nhà Minh sau khi diệt nhà Hồ và nhà Hậu Trần, lập nền đô hộ trên đất nước ta vỏn vẹn 13 năm.

Sử còn ghi chép những chiến công lừng lẫy trong thời đại tự chủ.

Ngô Quyền diệt quân Nam Hán năm 938 như đã nói.

Lê Đại Hành đánh bại quân nhà Tống năm 981.

Lý Thường Kiệt, Tôn Đản dẹp tan quân nhà Tống năm 1075, 1076.

Trần Hưng Đạo trên 30 năm ba lần đẩy lui quân Nguyên Mông - đoàn quân từng dày xéo và chinh phục các vùng Bắc Âu, Nga, Cận Đông, Tàu - vào các năm 1257, 1284 - 85, 1287 – 88.

Lê Lợi 10 năm chống quân Minh từ năm 1418 đến năm 1427 khôi phục lại giang sơn.

Và gần đây nhất, vua Quang Trung đại phá quân Thanh đầu mùa xuân năm 1789.

Nhắc lại những trang sử đó, ta không khỏi bồi hồi xúc động. Lòng biết ơn và kính yêu tổ tiên dâng lên dào dạt. Đồng thời, dù vô tình đến mấy đi nữa, ta cũng nhận ra ngay một thông điệp vô cùng quan trọng mà tổ tiên đã để lại. Đó là phải hết sức cảnh giác trước những toan tính, dòm ngó, xâm lăng của kẻ thù phương Bắc.          

Nay quả thực Tàu lại thôn tính Việt Nam. Bằng nhiều cách. Bằng vũ lực, đã lấn chiếm một phần lãnh thổ, và biển, đảo. Bằng cách xâm thực như tằm ăn dâu. Bằng dăng ra những cái bẫy nợ, và biến bẫy nợ thành đất đai. Bằng uy hiếp những kẻ cầm quyền Việt Nam khiếp nhược. Bằng thiết lập những đặc khu kinh tế – do khéo mua chuộc, hối lộ, mưu mô, kế sách, hầu hết các vụ thầu đặc khu kinh tế đều rơi vào tay người Tàu. Nhiều chuyên gia về kinh tế khuyến cáo rằng cơ cấu đặc khu kinh tế không còn thích hợp với thực trạng của Việt Nam trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay nữa. Vậy mà người Tàu vẫn nhất quyết lập những đặc khu ấy, và nhà cầm quyền trong nước ngoan ngoãn tuân theo. Tại sao? Tại vì ta thì đã bị bán đứng, họ thì có nhu cầu bức thiết của họ. Từ những đặc khu, họ có thể tiến hành việc di dân đến mọi nơi trên đất nước ta dễ dàng hơn nhiều, nhằm giải quyết nạn nhân mãn của họ, một nước đông dân nhất thế giới, trên 1 tỷ 400 triệu người, và cũng nhằm mở một hành lang thông qua Biển Đông để tung hoành trên các Đại Dương. Và như một hệ luận, họ sẽ có thừa khả năng đồng hóa và xóa bỏ tên nước ta trên bản đồ thế giới.

Giang sơn của ta đang bị xâu xé rách nát nhiều nơi. Thế mà tại sao chánh quyền trong nước còn đưa ra thêm dự thảo luật về 3 đặc khu kinh tế kéo dài 99 năm, những khu vực mang tầm chiến lược nghiêm trọng bao trùm giải đất chữ S từ Bắc qua Trung xuống Nam?

Trên mạng News – Asia & Pacific Edition của Trung Quốc có tin như sau:

12 bln USD needed to build special economic zone in northern Vietnam. 2016 Dec. 9 (Xin hua)

(Tạm dịch: Cần 12 tỷ đô la Mỹ để xây dựng đặc khu kinh tế tại bắc Việt Nam. Tháng 12, 2016 – Xin hua). Xin lưu ý thông tin này xuất hiện từ tháng 12 năm 2016.

Sau khi trình bày những chi tiết như sân bay, đường sá, sòng bài v.v... đang được xây dựng tại Đặc Khu Vân Đồn - riêng sân bay và đường sá có thể đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 - bài báo viết tiếp:

The Vietnamese government has just agreed in principal that three special economic zones will be built nationwide, including Van Don in northern Quang Ninh province, Van Phong in central Khanh Hoa province, and Phu Quoc in southern Kien Giang province. Editor Lu Hui.

(Tạm dịch: Chính Quyền Việt Nam vừa thỏa thuận trên nguyên tắc rằng ba đặc khu kinh tế sẽ được thiết lập trên toàn quốc gồm có Vân Đồn thuộc tỉnh Quảng Ninh miền bắc, Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa miền trung, và Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang miền nam. Chủ biên Lu Hui).

Một số điều khoản trong luật đặc khu còn cho phép người nước ngoài (ở đây, trước sau gì cũng sẽ là người Tàu) mua bán, chuyển nhượng tài sản trong đặc khu, lập tòa án riêng để  xét xử công dân của họ v.v... Như vậy, trên danh nghĩa là đặc khu, nhưng trên thực tế là tô giới, nhượng địa.

Tại sao chính quyền Việt Nam bất cẩn đến thế, vô cảm đến thế, lạnh lùng đến thế? Tại sao đảng và nhà nước dám tự xem là chủ nhân ông của đất nước tổ tiên để lại, tự tiện cắt đất cho thuê không cần ý kiến người dân, đối xử với 90 triệu dân như đàn cừu non? Những hành động đó đi ngược lại quyền lợi của tổ quốc. Vô hình trung, họ trở thành kẻ phản quốc.

Không những thế, Quốc Hội còn được chỉ thị biểu quyết thông qua dự luật vào ngày 15/6/2018, tức là 1 ngày sau ngày khai mạc giải Túc Cầu Thế Giới tại nước Nga, một biến cố thể thao trọng đại mà cả thế giới đều nóng lòng chờ đợi, mà người dân Việt Nam, vốn ghiền môn đá banh, sẽ say sưa quên cả ăn cả ngủ theo dõi trên truyền thanh, truyền hình, báo chí. Trùng hợp chăng, hay là do những toan tính xảo trá nhằm đánh lạc hướng mối quan tâm của dân chúng. Có vậy dự luật mới được thông qua êm thắm, nhanh chóng?

Trước nguy cơ mất nước, dân chúng khắp nơi đã nổi lên phản đối. Hàng mấy chục ngàn người từ bắc chí nam vùng dậy biểu tình rầm rộ, một việc chưa từng xẩy ra tại Việt Nam dưới chế độ độc tài toàn trị. Nhà nước buộc lòng phải nhượng bộ. Nhưng họ lại tuyên bố hoãn lại việc thông qua dự luật cho kỳ họp kế tiếp của Quốc Hội vào tháng 10 cùng năm. Như một sách lược hoãn binh. Như một đường lối họ vẫn noi theo từ trước đến nay: lùi một bước để tiến lên hai bước, ba bước.

Vì thế những cuộc biểu tình lại tiếp tục diễn ra. Lần này, bị đàn áp thật dã man, khủng khiếp. Cảnh sát cơ động thẳng tay bắt bớ, giam giữ, đánh đập người dân, vũ khí trang bị tận răng. Xe bọc thép kéo ra đầy đường, diệu võ dương oai.  

 Sẽ có đổ máu? Như tại những nước Đông Âu khi Liên Xô sắp tan rã. Như tại Thiên An Môn bên Tàu năm 1989. Nhưng ta cũng có thể nuôi hy vọng rằng trong hàng ngũ Cộng Sản Việt Nam, trong các lực lượng Quân Đội, Công An, chắc chắn vẫn có nhiều người thức tỉnh, yêu nước, thấy rõ nguy cơ nước mất, nhà tan, đứng về phía người dân, tức là đứng về phía cha mẹ, vợ chồng, anh em, bạn bè của họ, chống lại cái xấu, cái ác, chống lại những nhóm lợi ích, tham ô, tàn bạo, đang tâm dâng tổ quốc cho ngoại bang. Liệu những nguyện vọng chính đáng của người dân sẽ được thỏa mãn? Chế độ hiện tại sẽ được thay thế?

Chưa ai có thể tiên đoán tình hình nước nhà sẽ biến chuyển như thế nào. Có một điều chắc chắn là dân ta, với đa số thầm lặng, không phải là đàn cừu non như nhà cầm quyền lầm tưởng. Khi tổ quốc lâm nguy, toàn dân sẽ lắng nghe tiếng gọi của hồn thiêng sông núi, noi theo những tấm gương cao cả của tổ tiên, đứng lên đánh đuổi thù trong, giặc ngoài, cứu nước, giữ nước.


*

 Trở lại thăm Oregon, hay dù có đi đến nơi nào khác đi nữa, vào thời điểm này, chắc chắn tôi và những người đồng hành của tôi không thể nào gạt bỏ những lo âu khi nghĩ đến hiện tình đất nước. Nỗi lo âu và phiền muộn nhiều lúc đè nặng trong lòng mỗi người.  

Tôi muốn một chuyến đi gọn gàng, nhẹ nhàng, kéo dài trong vòng 3 hay 4 ngày. Lần thăm trước chỉ để lại trong trí nhớ của tôi một vài hình ảnh quá mờ nhạt. Con sông khá lớn, sông Columbia, trôi qua thủ phủ Portland. Những chiếc cầu đồ sộ. Thông xanh biếc mọc khắp nơi, loại thông thân thẳng đứng, cành ngắn chỉa ra quanh thân cây từ gốc lên đến ngọn làm thành một hình chóp thon, khác hẳn thông Đà Lạt và các loại thông mọc rải rác từ Miền Trung, lên Cao Nguyên, ra Miền Bắc. Và những dãy phố khá chật hẹp nếu so với phố phường ở New York, Los Angeles, Chicago.

Lần này phải khác lần trước nhé, nhưng chắc chắn không thể thăm viếng được mọi thắng cảnh cần thăm dù Oregon không phải là một tiểu bang lớn. Mỗi tiểu bang của Mỹ đều có nhiều đặc trưng của nó, và mang tầm vóc của một quốc gia về nhiều phương diện.

Người da trắng chiếm đại đa số. Thỉnh thoảng gặp người da đen. Người Mỹ La tinh ít hơn. Da vàng càng ít. Và rất hiếm khi thấy người Việt Nam.

Xe cộ lưu thông tương đối thông thoáng, thong thả. Không có những cảnh tượng tranh nhau chỗ đậu xe, qua mặt gấp rút, chạy quá tốc độ. Trên các xa lộ cao tốc (free way), vì xe lưu thông không nhiều, không có những dòng car pool.

Dân chúng thì rất lịch sự và hiếu khách. Những khuôn mặt thanh thản, vui tươi, tràn đầy sức sống. Làm tôi nhớ. Đồng bào của tôi tại quê nhà, trăn trở, đăm chiêu, đau khổ, hận thù. Mất nước đến nơi rồi chăng? Ở đây, mỗi lần chúng tôi hỏi han điều gì, được trả lời một cách vui vẻ, vồn vã, tới nơi tới chốn. Có khi chưa kịp nhờ, người ta đã đoán trước ý mình, lên tiếng: “Anh cần tôi chụp một tấm hình cho cả nhà? Vâng, hãy đưa tôi cái máy ảnh.” Vừa vào một thư viện bảo tàng, gặp ngay nụ cười duyên dáng của một cô quản thủ cùng với câu nói dịu dàng: “Tôi đoán chú bé kháu khỉnh này là cháu chứ không phải con của ông.”

Một lần trú mưa dưới mái che của một quán nhỏ bán thức ăn nhanh, tôi gọi một ly cà phê nóng và một bánh ngọt. Cô chủ quán còn rất trẻ, khoảng 17, 18, không trả lời, đưa ngón tay trỏ chỉ vào lồng kính đựng bánh, ý nói thích cái nào thì chọn lấy, rồi lầm lì đi pha cà phê. Tôi nghĩ bụng cho tới bây giờ mình mới gặp một người “kỳ thị”. Nghĩ thế, nhưng tôi cũng cố kéo dài thời gian đứng đó, dù đã tạnh mưa, chờ xem cô chủ có thái độ như thế nào đối với một khách hàng người da trắng, chẳng hạn. Thì một thanh niên da trắng bước vào. Cũng gọi ngay một ly cà phê, và cô chủ cũng lầm lỳ quay mặt đi pha cà phê, không nói một lời. À ra thế, tính cô này ít nói. Thế thôi.

Oregon nhiều mưa. Mấy hôm chúng tôi đến đây đều có mưa. Hôm đầu tiên mưa nhỏ, nắng nhỏ thay nhau, hay chen nhau cùng một lúc. Có lẽ vì vậy, chỉ nội trong một ngày chúng tôi được thấy một chuyện lạ chưa từng thấy: đến bảy, tám lần từ những chân núi cây xanh trùm đến ngọn, cầu vồng vươn lên bầu trời trắng xoá chen lẫn những tia nắng yếu ớt. Có lẽ vì chúng tôi cho xe chạy trên nhiều tuyến đường ngang, dọc, xéo, nên gặp được nhiều cầu vồng chăng? Tôi có cảm tưởng như chỉ có một cầu vồng mà thôi. Nó hiện lên trước mắt, rồi nó chạy trốn, rồi nó hiện lên lại. Đùa giỡn nhau chút chơi đó mà trước khi cơn nắng, cơn mưa chấm dứt lúc chiều xuống. Không lạnh lắm. Không lạnh như “Mưa chi mưa mãi” mùa Đông Huế. Tuy thế mấy đỉnh núi xa xa còn phủ tuyết dù bây giờ đã vào gần giữa tháng sáu.

Chúng tôi chọn đi thăm Cannon Beach trước tiên. Bãi này rất nổi tiếng nằm ngay góc Tây Bắc của tiểu bang Oregon. Con đường xa lộ dài trên 100 dặm từ trung tâm thành phố Portland đến Cannon Beach. Hai bên đường được bao bọc bởi những hàng thông rậm rạp và vài loại cây khác xanh biếc. Ướt át dưới những cơn mưa phùn. Mưa hạt nhỏ như sương mù. Xe chạy qua nhiều đoạn đường hai bên xanh biếc một màu đã đành, phía trên đầu cũng xanh. Những ngọn cây xanh nhiều nơi giao nhau che kín làm thành cái vòm thiên nhiên dài hun hút.

Đến nơi, từ con đường cao chênh vênh phải đi xuống mấy đợt tam cấp khá dài mới đặt chân được lên bãi cát. Cuối mỗi đợt tam cấp, có chiếc ghế đá cho du khách ngồi nghỉ chân. Bãi biển rộng mênh mông. Bề ngang trên một cây số, bề dọc, chạy theo bờ biển, dài đến nhiều cây số. Cát mịn màu trắng xám. Trên một bãi nước cạn gần mép biển, nhiều tảng đá trái bám đầy rêu màu xanh rất lạ, rẩt nhạt, cũng là một nơi thu hút du khách đến xem và chụp hình. Người hàng ngàn, xe hơi hàng trăm, nhiều  nhóm, nằm la liệt trên bãi. Thì ra cũng có con đường dành cho xe hơi chạy xuống bãi mà chúng tôi không biết.

Ngoài khơi, vươn mình từ đáy nước lên trời như một con thuỷ quái trong thần thoại là một tảng đá khổng lồ trông như ngôi nhà chọc trời. Tảng Haystack Rock. Hòn Chồng vùng Đồng Đế, Nha Trang trông hiền lành hơn nhiều. Nhắc đến Nha Trang, lại nhớ cảnh những khu phố ven biển tràn ngập người Tàu, bảng hiệu bằng tiếng Tàu, xe nhà, xe bus của người Tàu chạy đầy đường.

Chim trời, chim biển vờn vờn chung quanh đỉnh, sóng biển vỗ dạt dào bên dưới. Cơn mưa chốc chốc bay từ nơi này đến nơi khác mà khách du lịch vẫn không ngán, cứ nằm, ngồi, chịu trận. Người nào có áo mưa, có dù thì mang ra xài, làm đổi màu bãi biển, biến cái bãi mênh mông đó thành những đốm rải rác nhiều màu sắc vàng, đỏ, xanh, tím, rằng ri ...

Chúng tôi trở về Portland lúc xế chiều. Portland nằm kế giao điểm của  xa lộ 5 và xa lộ 34. Đứng cao nhìn phía trái thấy Thái bình Dương. Nhiều xe bán thức ăn trên những hè phố rộng. Có đủ các món Nhật, Tàu, Thái Lan, Trung Đông, vân vân, lôi kéo nhiều hàng thực khách nối đuôi nhau chờ gọi món ăn tùy thích. Chúng tôi phải chờ gần nửa tiếng mới đến phiên mình. Hết ghế ngồi, chúng tôi mang các thứ lên xe ăn. Giá phải chăng, thức ăn lạ và ngon.

Ngày hôm sau đi thăm vườn Hoa Hồng Oregon nổi tiếng trên thế giới. Rất tiếc trời mưa, vườn ướt, hoa rụng. Tuy nhiên chúng tôi cũng đội mưa tìm được những đóa hồng hàm tiếu chưa bị bầm dập.  Nước mưa đọng trên những cánh hoa khép kín đẹp não nùng. Không đừng được, tôi cúi xuống gần mong tìm thấy mùi thơm. Nó thoang thoảng quá. Lẽ ra cả cái vườn hồng này phải thơm lừng. Có lẽ trời nắng hoa khoe sắc, tỏa hương; trời mưa hoa ủ dột, giấu kín trong lòng hương thơm cao quý. Dù sao mặc lòng, tôi cũng lấy cell phone chụp mấy tấm hình. Và đành giã từ vườn hồng sớm hơn dự định.

Mưa thì thăm nơi có mái nhà vậy. Thăm OHSU Hospital (Oregon Health & Sciences University Hospital). Bệnh viện này kế cận với Trường Đại Học, tọa lạc trên ngọn đồi Marquam (Marquam Hill). Đó  là ngọn đồi rất lớn nhìn xuống đồng bằng trải rộng dưới kia với phố xá, đường sá chi chít. Xe hơi muốn lên đỉnh đồi phải chạy vòng quanh mấy đợt. Nhưng nhân viên của bệnh viện đại đa số sử dụng xe đạp, gởi xe đạp tại các bãi đậu dưới chân đồi, rồi đáp cái cầu treo chạy từ chân đồi lên đỉnh đồi, lơ lửng trên không (Sky bridge), tha hồ ngắm quang cảnh dưới kia, hay phóng tầm mắt nhìn núi sông bát ngát. Du khách cũng đi chơi bằng cách ấy. Du khách phải mua vé cáp treo, nhân viên có thẻ riêng. Để phục vụ du khách, trong bệnh viện có gian hàng bán thức ăn, thức uống, hoa, quả, trái cây, đồ lưu niệm. Bệnh viện nhờ thế đồng thời trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng. Một trung tâm y tế của VA (Veterans Affairs: Sinh Hoạt Cựu Chiến Binh) được thiết lập ngay trong bệnh viện này. Từ bệnh viện đến VA là một hành lang dài nằm chơi vơi trên không. Vừa vào bệnh viện thấy ngay hàng chữ: The journey of a thousand miles begins with one step. Laotzu (Tạm dịch: Cuộc hành trình một ngàn dặm bắt đầu bằng một bước. Lão Tử).

Tiếp theo, chúng tôi đến xem Cột Trụ Astoria Column cao gần 40 mét đứng ngay trên đỉnh một ngọn đồi khá cao, đồi Coxcomb. Gọi là cột trụ nhưng đó là cái tháp hình trụ thân tròn, chân tháp và đỉnh tháp hình tròn bằng nhau. Trong lòng tháp có những bậc thang để du khách có thể leo lên tận đỉnh nhìn quanh bốn phương. Nhìn sông Columbia chạy tuốt lên phía đông bắc rồi chảy ra đại dương, nhìn sông Villamette uốn lượn, nhìn chiếc cầu dài, nhìn thiên nhiên núi rừng trùng điệp.

Ngày thứ ba, từ khách sạn Shilo Inn gần phi trường Portland, chúng tôi đến thăm thác Multnomah. Chiếc xe của chúng tôi nuốt chửng con đường nhựa đen. Bên trái là sông Columbia trắng xóa, dòng nước chảy ra biển ngược với hướng chúng tôi đi, tàu thuyền lác đác. Bên phải rừng, núi, xanh um. Dọc theo chân núi có đường xe lửa song song với con đường nhựa đen của chúng tôi. Chạy thêm một đoạn, chúng tôi gặp một đoàn tàu hỏa di chuyển khá nhanh khi ẩn khi hiện trong những đám cây xanh. Núi rừng xanh quá, cây xanh mọc kín từ chân núi đến đỉnh núi.  Đoạn đường này còn đẹp hơn đường đi xuống Bãi Cannon. Không có đỉnh núi trọc. Không có những sườn núi phô bày những mảng đất hay đá hay cỏ. Toàn cây là cây. Ở vài đoạn đường, cây xanh tràn ra che lấp hết bầu trời, xe của chúng tôi như chui qua một vùng ngọc bích trong suốt. Hồi còn trẻ tôi có coi cuốn phim Green Mansions (Audrey Hepburn, Anthony Perkins). Phim không hay, chỉ có màu xanh lá cây bao la trong phim đã để lại ấn tượng trong tôi. Nhưng quả nó không thể nào so sánh với màu ngọc bích mà tôi gặp trên con đường này. Tôi nhớ những cây me Sài Gòn trên đường Lê Thánh Tôn, Nguyễn Du ... chạy dài đến gần Nhà Thờ Đức Bà sau cơn mưa rào đầu mùa. Lá me nho nhỏ trong xanh rung rung, ríu rít trong gió hòa điệu với đàn chim vừa bay về cất tiếng hót. Đấy là chuyện ngày xưa. Nay, những đoàn người biểu tình đi ngang qua khu Nhà Thờ này mấy hôm trước đây, sôi sục như sắp nổ tung, đông nghìn nghịt, biểu ngữ ngang dọc, đi bộ, đi xe gắn máy, đầy đường, tràn lên hai lề đường.  

Thật ra, Oregon xanh tươi khắp nơi, nhờ mưa nhiều, nhờ không khí trong lành, không có ô nhiễm.

Khi chúng tôi đến thác nước Multnomah, cơn mưa bắt đầu nặng hột. Mặc, đậu xe lại trên bãi rộng lớn, rồi đi đến gần thác coi cho rõ. Cũng có khá nhiều du khách như chúng tôi đổ dồn tới làm chật cả những lối đi. Thác nước tuôn xuống thẳng đứng trên vách đá của  một ngọn núi khá cao. Tiếng thác đổ nghe rì rầm không bao giờ dứt. Vài ba tiệm bán cà phê, đồ giải  khác, thức ăn nhanh, nằm quây quần dưới chân thác. Thác Bạc, một thác nước tại Sa Pa, Việt Nam, trông na ná như thác Multnomah. Nhưng nó hoang vu hơn, du khách vắng teo. Tại chân thác, cũng có “khu ẩm thực”: một cô gái người Mèo ngồi dưới một cái dù to bảng bán cơm lam, trứng gà nướng, và lỏng chỏng vài ba chai nước ngọt trên chiếc bàn gỗ tạp. Cơm lam là thứ cơm nấu trong ống bương, ống tre rừng. Đấy là hình ảnh cách đây trên mười mấy năm. Còn bây giờ? Tôi không biết Sa Pa có bị kẹt vào cái gọi là đặc khu hay không.

 Cuối cùng, những đoạn đường men theo sông Columbia. Sông Columbia thuộc tiểu bang Oregon chạy song song với đường biên giới tiếp giáp với tiểu bang Washington. Chúng tôi lái xe bên này sông trên xa lộ 84, rồi qua bên kia sông chạy trên xa lộ 14 của tiểu bang Washington. Nếu tiếp tục chạy dài dài về hướng tây, rồi tây bắc sẽ đến Vancouver của Canada. Cũng lạ, chỉ cách một dòng sông, thông ở phía tiểu bang Washington thưa thớt hơn hẳn.

Trên nhiều bãi sông mọc lên những xưởng gỗ. Gỗ còn nguyên vỏ cây, lóc vỏ cây, hay xẻ ra thành những tấm ván mỏng, hay đã đóng thành gói. Sản xuất gỗ là một trong những công nghiệp trọng yếu của Oregon. Trên nhiều khúc sông, bè gỗ, xà lang chở gỗ, lặng lờ trôi dưới bầu trời bàng bạc mây. Gỗ được phân phối đi nhiều nơi trên nước Mỹ, trên thế giới.

Nhìn cảnh tượng đó, tôi không thể không liên tưởng đến những dòng sông Việt Nam. Mùa đông tháng giá, mùa nước lũ, người dân khốn khổ liều mạng chèo những lá thuyền con ọp ẹp ra giữa dòng sông nước chảy siết cố vớt những đám gỗ mục, cành khô, từ nguồn trôi về. Không phải là để dọn dẹp quang đãng cho con sông, mà là để vồ lấy chút “của cải trời cho” mang về bó lại thành bó, đem ra chợ bán, kiếm thêm chút tiền nuôi vợ, nuôi con. Mùa khô, lục bình trôi miên man. Một câu thơ trong bài Tràng Giang của Huy Cận nghe văng vẳng như từ một quá khứ xa xôi, Bèo giạt về đâu hàng nối hàng. Về đâu?

Quê hương tôi sẽ về đâu? Người dân thấp cổ bé miệng sẽ trôi giạt về đâu? Hiện tình đất nước sẽ chuyển biến như thế nào? Nước còn hay sắp mất? Những cuộc biểu tình rầm rộ chống luật đặc khu, an ninh mạng đã và đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Và quan trọng nhất vẫn là biểu tình tại trong nước. Nó sẽ mang lại kết quả khả quan như mong đợi, hay sắp bị nghiền nát trước bạo quyền?     

Không nghĩ đến quê nhà thì thôi, mỗi khi nghĩ đến, lòng nặng trĩu. Đang vui với cảnh lạ, đường xa, bỗng dưng cảm thấy “bửng lửng bơ lơ”. Nếu vì một lý do nào đó nước Việt Nam không còn, nỗi đau đớn sẽ khốc liệt đến dường nào đối với 90 triệu người Việt Nam trong nước, hàng triệu người Việt Nam lưu vong, trong đó có tôi, dù khi bỏ nước ra đi, tôi không muốn trở về. Một câu nói của chí sỹ Phan Bội Châu hẳn còn ghi sâu trong lòng người Việt Nam ta: Không có nỗi đau nào lớn lao bằng nỗi đau mất nước. Không muốn về tôi lại cứ về. Vì nhớ. Nhưng đồng thời tôi cũng không thể gạt bỏ cái cảm giác lạc lõng trên quê hương cũ.

Một khi chế độ bạo tàn ấy bị thay thế, những đàn chim xa xứ sẽ hân hoan hồi hương.     

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.