Hôm nay,  

Về Mái Nhà Xưa

06/06/201700:00:00(Xem: 6408)

Xuyên qua cửa sổ của căn nhà số 1 của trại tỵ nạn Camp Pendleton, tôi thấy dáng người đàn ông cao to, đội mũ xụp xệ, cách đi cà thọt của giã, dù có ở xa cách mấy tôi cũng biết ngay đó là Sáu Tận. Mừng quá tôi kêu tên giã thật lớn, thằng em tôi đang nằm thiêm thiếp giấc ngủ trưa, tiếng kêu của tôi đánh thức nó dậy, tôi giục nó theo tôi chạy ra ngoài đi tìm giã, gặp nhau anh em vui mừng, giã lẩm bẩm trong tuyệt vọng tụi này mới xuống máy bay, đang tìm chỗ ngủ, ông có chỗ không, cho tụi này ở chung được không?

Được chớ, sao lại không. Thế bà xả đâu? Tôi hỏi.

Ở bên kia kìa, Sáu Tận trả lời gọn ghẻ rồi giục tụi này đi tìm vợ và hai đứa con của giã.

Vợ chồng Sáu Tận làm việc cho một hãng Mỹ, rời Saigon bằng máy bay qua Subic Bay Philippines, hai ông bà mang theo hai thằng con trai, thằng lớn 5 tuổi, thằng nhỏ thì mới sanh mấy tháng. Chúng tôi phụ mang đồ đạt của anh về phòng của chúng tôi. Tụi này xúm nhau đẩy mấy chiếc giường sắt kề nhau cho vợ con anh. Chiều lại dẫn nhau ra lấy cơm, ngồi ăn chung với nhau kể chuyện đi tỵ nạn. Bữa cơm không rượu không trà trong trại tỵ nạn thế mà thật vui.

Tôi và Sáu Tận quen nhau lâu rồi, nhà của anh ở gần nơi tôi đi làm. Thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau trò chuyện đôi phút, giờ thì tôi và giã cùng chung cảnh ngộ nên trở thành thân mật hơn.

Sau hai tuần lể trong trại tỵ nạn, tôi được tiểu bang Washington mướn, phụ trách tuyển mộ năm trăm người tỵ nạn đem lên Tiểu bang Washington định cư, tôi lập danh sách đem gia đình anh lên với tôi. Đến Washington State, chúng tôi định cư cùng một thành phố, tôi tuyển anh vào làm cán sự xã hội cho Bộ Xã Hội của Tiểu Bang Washington, đặc anh ngồi ở văn phòng Xã Hội địa phương để anh trực tiếp giúp đỡ người tỵ nạn. Anh làm việc rất tận tụy, rất hăng say khiến mọi người cảm mến.

Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ ai cũng lận đận, cái may mắn là anh em có việc làm, lương tiền lúc ban đầu không có bao nhiêu, chỉ đủ trả tiền mướn nhà, ăn ở tiết kiệm cũng sống vui vẻ. Lần hồi tới phiên mấy bà xã đi làm nên cuộc sống có phần dư giả, hằng tuần rủ nhau chở vợ con đi lên Seattle mua sấm và điểm tâm, hoặc rủ nhau đi câu cá chơi suốt cả ngày ngoài biển, cuộc sống hai gia đình trở nên thân thiết hơn.

Mùa Hè đầu tiên trên đất Mỹ khởi sắc, thành phố loan tin đêm nay sẽ bắn pháo bông mừng lễ Độc Lập, là cái lễ đầu tiên của chúng tôi trên đất Mỹ nên cũng rất háo hức. Từ trưa, vợ tôi đã nấu cho một thùng phở gà, rủ hết mấy bạn đem con cái đến nhà, ăn một chầu no nê chờ cho trời tối đi xem pháo bông. Mọi người chăm chăm vào cái truyền hình màu hiệu Sear 11 inches xem thiên hạ mừng Độc Lập bên miền Đông Đại Tây Dương, cách miền Tây Thái Bình Dương bên này đến ba tiếng đồng hồ. Bên kia trời tối thì bên này trời vẫn còn sáng trưng. Sau cái màn pháo bông Time Square bên New York, chúng tôi kéo nhau đi bộ xuống hồ Capitol, từ trên dốc nhìn xuống, thấy thiên hạ đã tụ họp đông đúc, họ mang mền chiếu ghế đẩu chầu chực từ trưa, bãi cỏ chung quanh hồ đầy người, đường xá cấm xe lưu thông, mọi người thông thả rảo bước đi tìm chỗ ngồi, bầu không khí lễ hội rất náo nhiệt khiến cho chúng tôi một đám tỵ nạn đi bộ từ nhà phải tăng tốc xuống bờ hồ tìm chỗ... đứng xem.

Thành phố Olympia tuy là Thủ Phủ của Tiểu Bang nhưng thành phố này rất nhỏ, bạn bè vài chục mạng từ nhiều nơi khắp nẻo đường bên Việt Nam nay bỗng dưng ở gần nhau, dù có xa lạ cách mấy thì nay trong hoàn cảnh tỵ nạn thì cũng thấy thân thiện trong buổi ban đầu. Hằng tuần các gia đình xúm lại nhau nấu nướng ăn uống hả hê. Đám con nít có dịp gặp nhau tha hồ vui chơi. Ở gần nhau lâu ngày nên biết nhau nhiều hơn, cuộc sống mới phức tạp hơn, rồi ảnh hưởng đến tình cảm bạn bè. Có ở gần nhau mới biết tánh tình của vợ chồng Sáu Tận. Vợ chồng anh là người hay so đo tính toán hơn thiệt, có lần anh nói với tôi rằng, cứ mỗi cuối tuần anh đem vợ con đến nhà một người bạn ăn chơi hai ngày, thì mỗi tháng giã tiết kiệm được tám ngày tiền chợ. Nghĩ lại anh nói rất đúng là vì đã lâu rồi không có cuối tuần nào anh ta ở nhà. Cuối tuần nào anh cũng đem vợ con đến nhà bạn, hết nhà này đến nhà khác ăn ở suốt hai ngày cuối tuần.

Thời gian đầu mới đến Mỹ, trong lúc mọi người đi làm đầu tắt mặt tối thì Sáu Tận là một trong ba người may mắn trúng giấy số triệu đô. Bạn bè thì mừng cho anh ta nhưng khi kinh tế phát triển, tánh tình của con người cũng đổi thay, tình cảm bạn bè vì vậy mà trở nên phức tạp hơn. Một hôm cuối tuần, Sáu Tận và vợ con đến nhà tôi như thường lệ, chơi từ sáng đến tối, sau mấy trận foot ball say mê, không biết cái gì đã xui khiến mà bà vợ Sáu Tận giận dữ tuyên bố một câu xanh rờn. Bà nói: Mấy người ở đây cà chớn quá mức, chơi không vô, họ nghe tôi trúng số người nào gặp tôi ở đâu, trong tiệm cũng như ngoài phố họ châm châm đôi mắt nhìn từ đầu đến ngón chân, xoi bói để coi tôi giấu hột xoàn chỗ nào. Từ cái đêm đó, gia đình Sáu Tận biệt tăm luôn. Không những không đến nhà tôi mà vợ chồng Sáu Tận cũng không đến với bất cứ bạn bè nào trong thành phố này nữa. Xa nhau lâu bạn bè ai cũng thắc mắc, đến nhà anh tìm thì không gặp, điện thoại anh không trả lời, thời gian cuồn cuộn trôi qua mang mọi người đi xa thật xa.

Trái đất quay nhanh, một buổi sáng trời nắng đẹp, ngồi bên cửa sổ nhìn ra ngoài thấy lớp sương mỏng ống ánh kim cương thật đẹp, tôi bước ra sân trước xem bụi Thủy Tiên vừa mới nở thật đẹp, bất chợt tôi thấy một anh thanh niên người Á Châu, hai tay cầm hai cái ống túp đi lảng vảng đầu ngõ, anh ta thấy tôi, anh vừa đi đến gần tôi miệng vừa chào, phản xạ tự nhiên tôi chào lại, anh ta bước đến gần tôi hơn và hỏi bằng tiếng Mỹ: Ông nhớ tôi không? Tôi trả lời không nhớ. Anh nói tiếp: Tôi là Tâm, con của Sáu Tận.

Tôi quá đổi ngạc nhiên, thì ra cái thằng bé Tâm ngày xưa còn mang tả trong trại tỵ nạn, mắt to kháo khỉnh, nó đến nhà tôi chạy tung tăng bây giờ cao lơn thế. Nhìn tướng mạo của nó mới biết chúng tôi đã xa nhau mấy chục năm. Thằng Tâm bây giờ đã tốt nghiệp Đại Học, đã cưới vợ, đã có nhà riêng, đang làm cho một hãng Locator trong thành phố này. Thằng anh của nó, lúc gặp trong trại tỵ nạn nó mới có năm tuổi, nay nó đã lập gia đình, đã có ba đứa con, đã vào quân ngũ lâu rồi, và hiện giờ đang tham gia chiến trường Iraq. Nghe những gì nó nói khiến tôi tê tái cả người, tưởng như tôi ở một hành tinh nào cách xa cái trái đất lâu ngày nay mới trở về, chỉ có vậy mới biết chúng tôi xa nhau đến mức nào.

Rồi thời gian cứ bay qua nhanh, một hôm Sáu Tận điện thoại thông báo cho tôi biết vợ anh mất. Anh cũng nói thêm là anh chỉ cho tôi biết vậy thôi chứ đừng đến nhà của anh. Bàng hoàng tôi hỏi thêm anh có cần giúp đỡ gì trong việc ma chay cho chị không, anh nói không cần. Anh và hai đứa con tự lo lấy được rồi. Sáu Tận cũng tỏ ý không muốn người nào đến phúng điếu. Mặc dầu vậy, vợ chồng tôi cũng mạo hiểm đến. Đám tang của vợ anh rất lạnh lùng, cái đám tang không có quan tài, không có cha làm phép mà cũng không có thầy tụng kinh, không lễ mà cũng không nhang đèn, chỉ có một bó hoa của nhà quàn kính biếu. Nhìn ba cha con của anh đẩy chiếc xe của nhà thương lên ngọn đồi hỏa táng, từ xa tôi nhìn theo lùm khói đen phụt bay lên nó báo hiệu năm mươi năm tình bạn của chúng tôi giờ chỉ còn lại cái chân không. Cảm giác nào buồn hơn trong tôi lúc này.

Nhà tôi cách nhà của Sáu Tận chỉ một cây số đường chim bay, biết anh cô đơn nên tụi này đến nhà thăm. Mấy lần đến nhà anh, thấy đám cỏ trước nhà được cắt xén gọn sạch, mấy bụi rhododendron sân trước đang trổ hoa tươi thắm, nhưng bấm chuông thì không thấy có người mở cửa, điện thoại không người trả lời, nhắn tin trong máy là biện pháp cuối cùng cũng không hiệu quả. Vì sao? Vì sao mà Sáu Tận vô cảm đến thế này?.

Bàng hoàng tôi điện thoại cho thằng Tâm, hỏi ba của nó đâu? Nó cho biết từ ngày má chết, ba buồn, ba xuống Los Angeles ở đó có nắng ấm, có bạn bè nhiều ba nói ba vui lắm. Nó cho tôi số điện thoại của ba nó và khuyến khích tôi gọi nói chuyện cho ba nó vui.

Trong cú điện thoại đầu tiên tôi gọi đến anh, anh cho biết anh đã nghỉ hưu, không còn dậy sớm đi làm. Anh kể những chuyện vui ở Quận Cam. Anh share một căn phòng ở riêng, mỗi chiều bạn bè đến thăm. Cuối tuần họ chở anh về nhà, hoặc chở đi chơi. Anh thích cái món ăn "Cơm Chỉ" và cà phê nhà nghèo. Đặc biệt là anh cho biết anh đã có người tình mới. Bà này rất nuông chiều anh. Sở thích của bà này là đi chụp hình. Anh mua cho chiếc máy hình hiệu Canon 5D, với đầy đủ ống kính và phụ tùng nhiếp ảnh hết mấy ngàn đô. Ngày cuối tuần, hai ông bà cùng tham gia những buổi chụp hình dã ngoại thật vui. Anh cũng cho biết đã có lần anh đưa bà về Việt Nam thăm người thân. Hai ông bà đi Sa-Pa săn hình và về miền sông nước Hậu giang thăm lại quê cũ. Bao nhiều cái vui dồn dập từ ngày vợ anh chết.

Những ngày kế tiếp, tôi điện thoại xuống Cali thăm. Anh kể chuyện anh gởi tiền về Việt Nam để xây lại căn nhà của ba má anh trên đường Lý Tự Trọng Saigon. Ba má đã quy tiên lâu rồi, giờ còn người anh cả và một đứa em gái, cả hai không vợ không chồng vẫn sống trong căn nhà này. Anh ước mơ được trở về sống với anh em khi nào nhà cất xong. Những gì anh nói cho tôi thấy Sáu Tận bây giờ khác hẳn cái anh Sáu Tận ngày xưa. Sáu Tận ngày nay độc thân, con cái đã khôn lớn, tiền hưu liễm anh sống dư giả, tôi chỉ mong cuộc sống mới đem đến cho anh ta cái hạnh phúc lúc tuổi già.

Những ngày này tôi thường đi đi về về giữa Mỹ, Việt Nam và các nước khác. Một hôm trước khi qua Úc, tôi ghé lại nhà của anh ở Saigon để coi căn nhà của ảnh cất lại như thế nào. Tôi gặp người anh của Sáu Tận, anh này cho xem căn nhà và nhờ tôi nói lại với Sáu Tận là nhà cất chưa xong vì thiếu tiền, kêu nó gởi thêm tiền về gắp. Ngưới anh cũng dặn dò rằng “Tôi rất mong nó về đây ở với tôi”. Sau hai tháng bên Úc, tôi trở lại Saigon và trước khi về Mỹ, tôi ghé lại nhà để coi người anh có dặn dò gì cho Sáu Tận không. Thật bất ngờ, người anh nói: Nhà thì sắp xong, nhưng anh nói kêu nó đừng về. Nghe nói nó bịnh lắm. Trong lúc người Việt Nam ở dây đi ra nước ngoài trị bịnh, nó về đây làm gì. Nó về đây là nó chết liền. “Anh kêu nó đùng về”. Bị sóc bởi câu nói, tôi chụp xong tấm hình rồi đi ngay. Cú sốc kéo dài trong đầu ốc, về đến Mỹ tôi không có can đảm để nói cho Sáu Tận những gì tôi nghe và thấy tại Saigon.


Trời đất bốn mùa thay đổi liên miên, người già thì càng già, bạn bè càng xa vắng, bạn cũ bây giờ đếm không hết mấy đầu ngón tay, mọi người trong phố này cũng đã quên lãng Sáu Tận. Một buổi chiều tĩnh mịch, tôi đang ở trong phòng lướt web, bỗng dưng nghe tiếng hét thật lớn của vợ tôi, tôi bật dậy chạy lẹ ra thấy vợ tôi ôm mặt khốc, tôi hoảng hốt ngó ra cửa thì thấy Sáu Tận đứng tần ngần ngoài cửa, anh mặc quần Jean với jacket màu đậm, anh đội cái mủ trắng lụp xụp, mặt mày tiều tụy, đôi mắt của anh ràng rụa nước mắt. Anh kêu tên tôi hai tiếng thật to, tôi vội mời anh vào nhà. Xa nhau quá lâu trong đầu của tôi vẫn còn hình dáng của một Sáu Tận to con đẹp trai của ba mươi mấy năm trước, giờ thì anh vẫn no tròn nhưng bịnh hoạn nặng nề, chứng bịnh suy thận làm cho nước da của anh trở thành màu đen đậm như người Phi Châu. Anh bước vào nhà trong, ngã mình vào chiếc sofa, chưa kịp nói lời nào thì anh ta bật khóc. Anh khóc như một đứa trẻ làm cho vợ chồng tôi bối rối. Giọng nức nở, anh kể chuyện lúc nãy vợ tôi ra mở cửa, vợ tôi nhìn anh và hỏi "ông tìm ai" bằng tiếng Mỹ. Anh đã phải nói tên anh ba lần bằng tiếng Việt vợ tôi mới nhận ra anh. Thật là khủng khiếp.

Nhớ lại trong những lần điện thoại trước anh cho biết anh ở Cali rất vui, nhưng sao hôm nay anh đột ngột về đây và buồn thảm như thế này. Anh kể tiếp: Sau khi vợ chết anh quá cô đơn, quá buồn chán, đã có lần anh uống thuốc tự tử, bị thằng con phát hiện, nó kêu xe cứu thương chở vô nhà thương rửa ruột cứu anh sống lại. Anh cũng than trách bạn bè ở Los, lúc đầu mới đến bạn bè hăng say, tới thăm đông đảo, dần dần không còn ai đến khiến anh rất cô đơn, cộng thêm cái chứng bịnh thận suy phát ra, không có người chăm sóc, anh phải vào viện dưỡng lảo, ở đó càng cô đơn nên anh muốn trở lại thành phố này, ở đây có hai thằng con, có mấy đứa cháu nội, gặp lại bạn bè cũ anh thấy vui hơn. Thế là hai thằng con bay xuống Cali, dọn hết đồ đạc của anh bỏ lên chiếc xe U-Haul chạy một mạch về đến Olympia.

Những ngày kế tiếp, Sáu Tận ngày nào cũng lái xe đến nhà tôi chơi, anh oán trách quá khứ nên giờ không còn bạn bè nào khác ngoại trừ vợ chồng tôi. Chúng tôi rất mến anh, con cháu của chúng tôi cũng rất vui với anh. Hằng ngày anh đến nhà ăn uống với mấy đứa cháu nhỏ nói tiếng Việt nửa nạc nửa mở anh rất thích. Có những ngày quá mệt mỏi, anh nằm trên sofa đến bửa ăn anh không đến ngồi bàn ăn cơm chung với chúng tôi, cháu Lauren 6 tuổi bưng đĩa cơm đến bên anh hai tay run run mời ông ăn cơm, anh đưa tay bưng đĩa cơm rồi anh vừa ăn vừa hẳm hiu bù ngùi khiến cho Lauren sợ ông bị cay ớt, nó chạy đi lấy chai nước mời ông uống nước. Trở về bàn, nó nói với vợ tôi Bà Ngoại bỏ ớt nhiều quá. Ăn xong, anh ngủ một giấc trưa phè phởn cho đến tối, ăn xong buổi tối anh lái xe về nhà ngủ. Thắm thoát Thu tàn mùa Đông đến nhanh, tuyết phủ ngập đường, cộng thêm chứng bịnh của anh phát triển mạnh, mỗi tuần anh phải đi lọc máu ba ngày, không còn lái xe được nữa nên anh phải nhờ hai thằng con.

Thằng con lớn thì cả hai vợ chồng ghét cay ghét đắng, hai ông bà bạc đãi từ lúc nó còn bé. Nó học xong Trung học, đi đăng lính Bộ Binh. Nó ra đơn vị, và lần lượt thuyên chuyển đi nhiều nơi trong đất Mỹ, nhiều lần theo đơn vị qua Đức, Triều Tiên rồi Iraq. Nó cưới cô vợ gốc Mễ. Sanh con, một đứa rồi hai đứa rồi đứa thứ ba ra đời, lương lính không đủ sống, cha mẹ không giúp đỡ, vợ chồng cãi nhau rồi ly dị. Một lần giải ngũ tìm không có việc làm, không tiền nuôi dưõng con cái nên phải tái đăng, theo đơn vị qua Iraq đến ba lần.

Ngược lại thằng con thứ hai thì hai ông bà đối xử hoàn toàn khác hẳn. Hai ông bà thương nó vô cùng tận.Tất cả tiền bạc và tài sản anh giao cho nó hết. Thằng con này có cô vợ Mỹ da trắng, anh về đây ở chung với hai vợ chồng nó. Thằng con làm real-estate agent nên thường xuyên vắng nhà. Ở chung không được bao lâu thì anh ta bắt đầu than phiền ở nhà chỉ có anh và con dâu, sống trong một căn nhà nhưng mỗi người một góc, ăn uống khác khẩu vị và không bao giờ ăn chung một bàn, cộng thêm sự khác biệt tập quán nên không nói chuyện với nhau làm cho anh ta ngộp thở. Thấy vậy nên thằng con mua một căn nhà để anh ở riêng. Ở một mình không có người nấu ăn dọn dẹp, mướn người làm thì anh ta sợ tốn tiền, tôi khuyên anh đem ba đứa cháu nội đến giúp, nhưng anh rất ngần ngại là vì anh không thân thiện với chúng nó, lâu ngày cả hai bên đều ngượng ngùng.

Mặc dầu bịnh hoạn nhưng cái ăn của anh vẫn còn rất mạnh và rất khó tính, anh chỉ muốn ăn những món mặn mà cay đắng vợ nấu thôi, thấy vậy nên chúng tôi mua cho anh bịch gạo, cái nồi cơm điện để anh tự nấu cơm. Mua thức ăn hoặc nấu sẵn đem đến và mua luôn cái lò microwave để anh hâm nóng thức ăn. Giữa lúc bịnh hoạn cô đơn, Sáu Tận nhận được điện thoại của ông anh bên Saigon cho biết căn nhà đã xây xong. Nhà mới ba tầng, có phòng riêng cho mỗi người khiến anh nôn nóng muốn về đó ở, tinh thần lên cao, anh thường mơ tưởng đến cái lúc anh lên máy bay trở về mái nhà xưa của anh. Ở đó có người anh hủ hỉ, có người em lo cơm nước sống với cảnh cũ người xưa anh rất sung sướng.

Tưởng đâu cuộc sống của anh được tạm yên, nào ngờ trở ngại thêm chồng chất, một hôm, ngủ dậy đói bụng đi tìm thức ăn, thấy tủ lạnh trống rỗng, anh kêu điện thoại cho thằng Tâm, kêu nó đến tiệm chạp phô mua cho anh bịch gạo để nấu cơm ăn, thằng con nói không được vì nó đang bận. Tức mình anh kêu nó chiều về ghé qua tiệm Teriyaki mua cho hộp cơm, thằng con nói không thể mua được vì tiệm nằm trái đường đi của nó, nó không mua, từ đó, anh ta mất tin tưởng với nó. Buộc lòng anh phải trở lại với thằng con lớn.

Thật là may mắn, cái hôm anh gọi điện thoại thì nó ở Iraq mới về nghỉ phép, nghe ba than đói, nó mau mau chạy đi mua cho anh hộp cơm. Thằng con cũng thuyết phục anh dọn qua nhà của vợ mới của nó. Cô này người Campuchea miệt Châu Đốc, biết nói ít tiếng Việt. Cô này cảm thông, cam đoan chăm sóc cho cha chồng. Một tháng nghỉ phép thằng con luôn luôn bên cạnh lo châm sóc anh rất tử tế. Mỗi tuần ba lần nó đưa anh đi lọc máu, tối về có cơm Việt Nam ăn vừa ý Sáu Tận lên hương.

Thấm thoát lai thêm một ngày lễ Độc Lập đến, mấy nhỏ rủ chúng tôi đi làng người da đỏ mua pháo bông về đốt mừng Lễ Độc Lập thứ ba mươi lăm. Trước khi đi, Vợ tôi muốn vô nhà chở Sáu Tận cùng đi chơi cho vui. Tôi điện thoại cho anh, không ngờ anh cho biết hôm nay là ngày anh đi Việt Nam để ở luôn. Chuyến bay sẽ cất cánh trong ba tiếng đồng hồ. Giờ chuẩn bị lên phi trường. Anh cũng cho biết vợ chồng thằng con đã bay về Việt Nam sắp đặt xong xuôi bên Việt Nam. Có sẵn y tá đến nhà chăm sóc cho anh. Có Bác Sĩ chăm lo lọc máu mỗi tuần ba lần. Thằng con trai và vợ nó đã về gắn máy lạnh, đã mua cái truyền hình lớn loại mới, mua Computer bắt Internet băng rộng v.v… Thằng con trai và vợ nó tháp tùng đưa anh về Việt Nam. Anh đặc hết niềm vui trong chuyến đi trở về sống dưới mái nhà xưa sống một cách huy hoàng. Sáu Tận dặn dò chúng tôi khi nào về Việt Nam ghé lại thăm anh. Thằng con trai lên máy hứa khi nào về đến Việt Nam, nó sẽ điện thoại báo cho tôi biết.

Vui cho Sáu Tận có cơ hội thực hiện ước mơ, nhưng buồn cho cái tình bạn hơn năm mươi năm, cuộc sống đã ổn định yên vui lâu rồi, bên này có con có cháu nên đi xa chốn này là một cái việc rất khó. Ba mươi lăm năm quê hương đầu đời cũng đã đổi khác rồi, bây giờ mình trở về tuy sống dưới mái nhà xưa nhưng phải sống với con người và một xã hội mới bên Việt Nam, một cuộc sống rất khác, nhứt là lúc mình bịnh hoạn, vì thế sự ra đi của Sáu Tận không tránh khỏi bùi ngùi.

Hai mươi bốn giờ sau, Saigon điện thoại qua với giọng nói rung rung, tưởng đâu lạ chuyện vui, nào ngờ, thằng con kể lại: Sau mười tám tiếng đồng hồ lơ lững trên trời, và cho đến khi chuyến bay EVA đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhứt an toàn, Sáu Tận rất khoẻ. Cánh cửa máy bay mở ra, hành khách trong máy bay đứng dậy lấy xách tay, Sáu Tận vui mừng đứng phát dậy mắt láo liên nhìn ra cửa sổ máy bay biết rằng mình đã về đến quê nhà, anh bẻ mình uốn qua uốn lại để giảm stress. Nhìn thằng con và con dâu mở một nụ cười rất vui tươi. Theo hành khách anh ra khỏi máy bay, bước chân cà thọt anh đi xếp hàng đứng trình giấy Hải Quan. Xong phần thủ tục đầu tiên anh mạnh bạo bước xuống tầng dưới đi lãnh hành lý.

Bên ngoài cổng sân bay hằng ngàn người đứng trước cửa chờ đón thân nhân, trong lòng anh nhộn nhịp, vừa đi vừa đảo mắt tìm người nhà, ông anh và đứa em gái dơ tay chào đón gặp nhau vui mừng. Một chiếc xe mười hai chỗ đổ sát lề, Sáu Tận bước lên xe nhìn mọi người tươi cười, xe lăn bánh đưa mọi người về Saigon. Trên đường đi Sáu Tận ngồi ghế trước mắt láo liên vui vẻ nhìn dòng xe đông nghẹt ngược xuôi dưới ánh nắng lửa hồng giữa trưa của Saigon, Sáu Tận cười nói liên miên.

Xe ngừng lại trước nhà, Sáu Tận vui vẻ bước xuống xe. Anh ngước mặt nhìn căn nhà lầu ba tầng mới cất xong anh tỏ vẻ hài lòng. Cánh cửa sắt được mở ra, Sáu Tận tung tăng như đứa trẻ được mẹ cho kẹo, anh hí hửng bước vô nhà khiến mọi người cảm thấy phấn khởi. Hàng xóm đến hoan nghênh và chúc mừng.

Sáu Tận sung sướng bước lên cầu thang, lên đến phòng khách trên lầu hai, đặt mình vào chiếc ghế Salon. Ông anh hối hả rót nước mời, Sáu Tận vội thọc tay vô túi quần lấy ra xấp đô-la đặt lên bàn rồi… gục đầu chết liền tại chỗ.

Nghĩ lại thật là bàng hoàng, khi người còn sống ai cũng có một ước mơ, thực hiện được ước mơ hay không cũng chỉ là một ước mơ. Trên đời có bao nhiều người giàu và bao nhiêu người nghèo, đến khi chết người nào cũng như nhau, cát bụi trở về cát bụi. Sáu Tận ngày nay đã toại nguyện. Anh đã về đến quê hương đầu đời, anh đã về được Mái Nhà Xưa, anh đã gặp lại người thân... rồi ra đi trong giây phút vui sướng nhất của đời anh. Vẫn biết rằng người có sanh và có tử, nhưng vì sao mà anh ra đi vội vàng khiến cho đời người quá phủ phàng. Giờ đây nghỉ lại mà buồn cho kiếp người.

Đường Bình

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi nghe nhiều người tỏ ý bi quan về hiện cảnh cũng như tương lai (đen tối) của Việt Nam. Dân tộc nào, số phận đó. Một đất nước có những người viết sử và làm luật (cỡ) như ông Dương Trung Quốc thì… đen là phải!
Việt Nam bước vào năm Giáp Thìn 2024 với gánh nặng tham nhũng và một đội ngũ “không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái đạo đức lối sống. Đó là cảnh báo của người đứng đầu đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc phỏng vấn đầu năm của Thông Tấn Xã Việt Nam...
Từ thế kỷ thứ ba trước Tây lịch, Triết gia Mạnh Tử (372-289 BC) của Trung Hoa đã nói rằng, “Dân là quý, thứ đến đất nước, rồi tới vua.” Điều đáng nói là Mạnh Tử là người đi theo học thuyết của Nho Gia vốn chủ trương vua là con ông Trời (Thiên tử) được sai xuống nhân gian để trị quốc an dân, vậy mà cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là tối quan trọng của người dân. Thời hiện đại, công pháp quốc tế đã nêu ba yếu tố chính hình thành một quốc gia: người dân, lãnh thổ và chính quyền. Trong đó, thật ra người dân chính là yếu tố then chốt quyết định. Lãnh thổ nếu không có dân ở, không có người quản trị thì không phải là đất nước của một dân tộc. Chính quyền từ người dân mà ra, bởi vì trước khi một người ra nắm quyền cai trị đất nước thì người đó phải là một người dân của đất nước ấy. Hơn nữa, sự thịnh suy của một quốc gia nằm trong tay người dân.
“Phản động lực” mà người Đài Loan thể hiện trong cuộc bầu cử tổng thống vừa rồi khiến tôi, sau những suy nghĩ miên man về chuyện nước non, lại quay về với bài học yêu nước của thời tiểu học với câu hỏi khó, khiến nhiều học trò gác bút: “Em hãy tìm từ phản nghĩa với ‘tôn đại’.” Trung Quốc càng hung hăng đe dọa bao nhiêu, Đài Loan càng quật cường ngạo nghễ bấy nhiêu. Mà nếu Bắc Kinh ngu ngơ hay vờ vịt không biết gì đến định luật này thì, thầy nào tớ đó, Hà Nội cũng mù tịt hay giả bộ tương tự. Họặc mù tịt như thể đã hoàn toàn miễn dịch trước luật này; hoặc đóng kịch như thể không hề sống trong không gian ba chiều bình thường mà là một môi trường nào đó thiêu thiếu, cơ hồ chỉ… hai chiều rưỡi.
Tôi sinh trưởng ở Đà Lạt (Thành Phố Ngàn Hoa) nên sự hiểu biết về hoa lá cũng không đến nỗi tồi. Thế mà mãi tới bữa rồi, nhờ xem trang Trăm Hoa, mới được biết thêm về một loài hoa nữa – hoa ban: “Mùa hoa nở là lúc các cặp đôi nô nức đến thăm Tây Bắc. Hoa ban trắng tượng trưng cho tình yêu chung thủy và sự chân thành, dù tình yêu có gặp nhiều trắc trở, khó khăn thì cũng tự tin vượt qua và sẵn sàng đi đến bến bờ hạnh phúc. Các cặp đôi yêu nhau thường thề nguyện dưới gốc cây hoa ban như một minh chứng cho tình yêu thủy chung, bền chặt.”
Nhìn vào sự xuất hiện, sinh trưởng và tồn tại của chế độ cộng sản ở Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận đã có sự tương đồng với những thông tin tóm lược vừa nói về bệnh ung thư của con người...
Tôi tình cờ nhìn thấy hình Nguyễn Thúy Hạnh đang lơn tơn đẩy một cái xe cút kít đầy ắp bưởi (trên trang RFA) trong một cuộc phỏng vấn do Tuấn Khanh thực hiện, vào hôm 19 tháng Giêng năm 2021. Bên dưới tấm ảnh này không có lời ghi chú nào về thời điểm bấm máy nên tôi đoán có lẽ đây là lúc mà cô em đang hớn hở đến thăm vườn bưởi của họ Trịnh (ở Hòa Bình) vào “thuở trời đất (chưa) nổi cơn gió bụi”!
Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với cuộc tranh chấp nội bộ trong kế hoạch tìm người kế nhiệm lãnh đạo khóa đảng XIV, nhiệm kỳ 2026-31. Những tranh chấp này được giữ kín để tránh hoang mang nội bộ. Chúng bộc phát ngay tại các Đại hội đảng địa phương và các ban đảng từ tháng 10 năm 2023...
Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 8 tại Đài Loan đã được tổ chức vào ngày 13/1 với kết quả là ông Lại Thành Đức Phó chủ tịch Đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party, DPP) thắng cử...
Chúng ta đang làm nhân chứng cho một cuộc bầu cử kỳ quặc và đa sự chưa từng xảy ra trong lịch sử đầu phiếu ở Hoa Kỳ. Có thể nói, không chỉ lịch sử, mà rộng lớn hơn, chính là "sự cố" văn hóa chưa từng thấy. Bước vào năm 2024, sự tranh đua giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ càng gay go, khốc liệt với âm mưu, độc kế, thủ đoạn, ám toán, bôi nhọ, mánh mung, để xem ai sẽ là chủ nhân của ngôi Nhà Trắng trong bốn năm tới. Tất cả những ý nghĩ, hành vi đó đều gôm vào chính sách, chiến lược và chiến thuật vận động bầu cử. Bạn đọc sẽ có dịp theo dõi các thầy bàn người Mỹ và thầy bàn người Việt (trong và ngoài nước) phong phú hóa, hư cấu hóa, ảo tưởng hóa về việc bầu cử, tạo ra câu chuyện nửa thực, nửa hư, thú vị, bất ngờ với giận dữ và thất vọng, sung sướng và buồn bã, rung đùi và cụng ly, nguyền rủa và chửi bới, vân vân. Thông thường những luận lý, âm mưu, phê phán, dự đoán đó… được mổ xẻ qua kiến thức và kinh nghiệm tây phương, nơi có hàng ngàn sách vở nghiên cứu chính trường, chính đạo,
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.