Hôm nay,  

Con đường Mặc Lâm

01/06/201711:34:00(Xem: 7789)

Con đường Mặc Lâm
 

Trangđài Glassey-Trầnguyễn

  

Chúng ta đang sống trong thời đại khai phóng của thông tin đa chiều, của toàn cầu hoá, và của những cuộc thám hiểm đi tìm miền đất di dân mới trên Hỏa tinh. Ở một thời đại như thế, những con đường mòn trên mặt đất tưởng chừng sẽ mang lấy kiếp huyền thoại, một hình bóng xa xôi.

 

Nhưng không hẳn như vậy. Trong đời sống hằng ngày, những con đường mòn của cõi người vẫn là điểm nối của những sinh hoạt muôn thưở, dắt người ta đi về giữa muôn trùng hợp tan, sinh tử. Và con đường vẫn là biểu tượng của những hành trình bất biến trong kiếp nhân sinh, một tín hiệu cốt lõi trong sự hiện hữu của loài người.

 

Trong tuyển tập đa dạng “Bàng Bạc Gấm Hoa,” tác giả Mặc Lâm vạch ra một con đường mòn tưởng thân quen, mà lại khai phóng, tưởng gần gũi, mà thật vời vợi. Một con đường của cõi văn hoá, sáng tạo Việt Nam. Con đường mang tên Mặc Lâm. Con đường Mặc Lâm gửi đi những tín hiệu từ tiềm thức, bung những thước lụa sáng tạo, tủa đi những biểu đạt tim óc. Con đường ấy chỉ là khởi điểm, hướng độc giả đến những vùng trời văn hóa Việt Nam miên trường từ muôn thưở.
blank

 Nhà báo Mặc Lâm

Con đường Mặc Lâm khởi đi từ quá khứ, đẩy lối về tương lai. Con đường ấy bước song song cùng những hành trình sáng tạo của dân tộc và của một số người làm sáng tạo. Những hành trình ngan ngát hương da Vàng, toả về phía trước. Chính bản thân tác giả, qua công việc truyền thông, cũng đi nhiều nơi, nên cái nhìn của ông cũng phản ánh những cọ xát văn hoá ông cảm nhận trên hành trình đa tuyến của mình. Nhận thức của ông, do đó, được sắc bén, tinh tế, mẫn cảm, bao dung.

 

Đi hết con đường Mặc Lâm trong tuyển tập này, người đọc sẽ về đến một miền của Việt Nam gấm hoa - một Việt Nam mà tác giả đã yêu, đã trân trọng ôm ấp, đã tin tưởng phó trao qua từng câu từng ý trong mỗi bài viết. Và từ con đường ngút ngàn tư tưởng và nhận thức ấy, người đọc mặc nhiên đi lạc vào thiền giới, lạc vào rừng cây trầm mặc, sẽ nghe được thinh không, thấy được hình tướng của gió, và chạm tới cõi vô hình.

 

Một khi đã đồng hành với tác giả qua 40 bài viết, người đọc được cuốn trôi vào vũ trụ bao la của văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật - một vũ trụ được phác hoạ bằng thư pháp. Tác-giả-Ông-đồ đã chọn những đường nét tiêu biểu để diễn đạt những đề tài phức tạp. Ông đã vận khí để mỗi nét vẽ truyền đi sóng âm, thành những cái dùi, đánh vào trống lòng người đọc. Ông đã vận tâm đưa trí huệ vào độ đậm nhạt, để mỗi nét mực toát lên sự hoà hợp chuẩn mực trong bàn tay một ông đồ khéo tay và khó tính. Chính những nét mực mỏng cho thấy bản lĩnh và tài hoa của người vung cọ.

 
blankBìa sách 'Bàng Bạc Gấm Hoa'

Bốn chương trong tuyển tập này là sự phân chia uyển chuyển cho những hành trình sáng tạo linh động. Người đọc không bắt buộc phải theo từng chương, đi gặp “Tác giả, tác phẩm,” rồi lội ngược dòng tìm về cội nguồn “Văn hoá dân gian,” trước khi đắm mình vào biển “Sắc màu cuộc sống” và “Nét đẹp Việt Nam.” Mỗi cuốn sách đều cần một cấu trúc nhất định nào đó. Tác giả đã ‘tuân thủ' luật này. Theo tôi, các bài viết trong tuyển tập có thể được đọc theo sự sắp xếp của tác giả, và cũng có thể được đọc đan xuyên nhau. Văn hoá, sáng tạo, nghệ thuật là những phạm trù không có biên giới. “Bàng bạc.” Điều này được thể hiện rõ trong tuyển tập, không chỉ qua nội dung, mà từ cách thực hiện. Mỗi bài viết là một hành trình sáng tạo với hai lộ trình song song: con đường sáng tạo thứ nhất là từ văn hoá Việt Nam hay của một văn nghệ sĩ; và con đường sáng tạo thứ hai là của tác giả Mặc Lâm. Như những dòng tơ lụa, dệt nên “Gấm hoa.” Tất cả những con đường trong tuyển tập này đều đi về một miền: Việt Nam; cùng chảy thành một dòng: gấm hoa. Chữ ‘bàng bạc' gợi lên nhiều ý nghĩa. Bàng bạc, như ánh sáng nhẹ nhàng lan toả, một thứ ánh sáng dịu và thanh, vừa cho người ta thấy đủ cái đẹp, vừa bắt người ta nhìn kỹ hơn cái lung linh huyền ảo. Bàng bạc, như một hình ảnh xa xôi, trong thao thức, trong tâm tưởng. Như cái bàng bạc của ‘áo ai trắng quá nhìn không ra' (Hàn Mặc Tử), của ký ức, tâm thức, tiềm thức. Bàng bạc. Vì ở thế kỷ 21, kỹ thuật truyền thông đã đưa con đường Mặc Lâm đi khắp nẻo thế giới, qua chương trình Văn Học Nghệ Thuật của Đài Á Châu Tự Do trong gần 10 năm qua.  Bàng bạc. Vì con đường ấy đi từ Việt Nam ra thế giới, từ hải ngoại về lại Việt Nam.

 blankThiệp mời ra mắt sách

Gấm hoa óng ánh trời xa, bàng bạc chốn người. Những thế hệ ngoại biên sinh trưởng ở ngoài Việt Nam – những thế hệ có những quê hương dọc dài khắp thế giới, cũng như những thế hệ trẻ trong nước, sẽ cám ơn tác giả đã chỉ cho họ một trong những con đường gấm hoa đi vào văn hoá Việt Nam. Và con đường này chỉ mới là sự bắt đầu. Bởi vì, văn hoá là một sự biến đổi không ngừng, được tái thể hiện và tái định nghĩa với những hình thức diễn đạt mới, những tư duy mới, những nhận thức mới đến từ chính kinh nghiệm sống và sự kết hợp với tư tưởng đương đại.

 

Do đó, cái tựa “Bàng Bạc Gấm Hoa" là một chọn lựa thật thích hợp, vì nó giúp ta liên tưởng đến một quá trình nối dài của con đường văn hoá Việt Nam, không bị giới hạn bởi hôm qua, hôm nay, hay ngày mai, mà nối dài vô tận, được sàng lọc, tô tỉa, gọt dũa qua từng thế hệ, từng giai đoạn lịch sử, từng miền đất quê hương. ‘Gấm Hoa’ trong tuyển tập này là một mảng văn hoá Việt Nam, được dệt nên từ những nét thêu đường chỉ khác nhau, hợp thành một tổng thể linh động, uyển chuyển, gõ nhịp lên mỗi chiều kích của trái tim khối óc người đọc qua từng đề tài riêng biệt mà chảy ‘Bàng Bạc’ trong dòng tâm thức da Vàng.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Những ngày tháng  vừa qua, xã hội VN đã có bước đổi thay rất lớn, mang một tính chất bước ngoặt cho việc xây dựng xã hội
Mấy tuần lễ này, giữa cái vui tưng bừng của Lễ Giáng Sinh, của ngày đầu năm mới 2008, và cũng là những ngày rạo rực đón Tết Con Chuột
Thực tế, nếu chỉ nói hay viết về một chương trình ca vũ nhạc kịch với những giọng ca điêu luyện hay các điệu vũ quyến rũ, và ngay cả màn thoại kịch
Trong những ngày lưu  lạc tha hương, hai tiếng “Quê hương” như một nhắc nhở đêm ngày, những hình ảnh thân thương
Câu hỏi thời thượng trong mùa bầu cử tổng thống hiện nay là: Hillary Clinton (Dân chủ, New York) hay Barack Obama (Dân chủ, Illinois)"
Chúng tôi nhận được bài viết này do một nhân vật ở Hà Nội gửi. Chính ông cho biết mỉnh là một giáo sư tiến sĩ đang giảng dậy tại một Đại học ở Hà Nội
Những dịp chuyển sang một năm mới, một thế kỷ mới, một ngàn năm mới, con mắt mỗi người tự nhiên mở rộng tầm nhìn
Hoa mai là loại hoa nở đầu tiên trong mùa Xuân. Nói đến mùa Xuân người ta liên nghỉ đến hoa mai
Khoảng 80 Tăng Ni Cư Sĩ đã họp Đaị Hội Bất Thường tại Quận Cam các ngaỳ cuối tuần qua
Mạng ''Chứng nhân lịch sử'' vừa treo giải ''Lưỡi Vàng'' cho những câu nói hay nhất trong năm con Lợn - Đinh Hợi. Phải là những câu nói xuất sắc
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.