Hôm nay,  

Xuân Muộn

26/01/201700:00:00(Xem: 4261)
Tuyền thức nhưng vẫn nằm nán trong giường lắng nghe tiếng chim.  Buổi sáng, buổi sáng nơi quê nhà, có một cái gì đó êm ả mát lòng dù cái gì đó thật khó định nghĩa và chẳng có mùi vị dạng hình.  Tuyền chỉ biết chắc một điều – phải rời khỏi mảnh đất mình đã sinh sống mới biết rõ thế nào là hai chữ quê nhà, cũng như phải mất đi một người, phải cầm một cái chết trên tay, mới mong hiểu được phần nào lẽ sống.  Anh Lâm thôi đã không còn, và sự vắng mặt của anh Lâm như đánh thức Tuyền sau giấc ngủ dài, làm sống dậy một con người khác trong Tuyền.

XUAN MUON
Cành hoa xuân...

Tuyền dậy, búi gọn lại mớ tóc và rảo một vòng quanh nhà.  Mọi thứ ngăn nắp sạch sẽ như Tuyền chưa hề vắng bóng sáu tháng qua.  Tuyền nghĩ đến con Nhàn, con Hương, nhưng có lẽ Mẫn mới là người thực sự chăm sóc căn nhà này.  Đêm qua khi tắc xi đỗ trước hàng rào gỗ thì ở nhà bên Mẫn đã bật đèn ra phụ tài xế đem va li vào.  Chuyến bay dài dẫu êm ả vẫn làm Tuyền thấy mệt bã cả người, chỉ có thể nói vài câu thăm hỏi bâng quơ rồi mau mắn thay quần áo lên giường khi Mẫn đã ý nhị rút lui.  Mẫn vẫn vậy từ ngày về lại mái nhà cũ nơi xóm này – thầm lặng và ân cần, cái ân cần không nói nhưng bao biện mọi thứ trong cuộc sống của Tuyền.  Tuyền ngạc nhiên thấy ý nghĩ về Mẫn như đã hình thành rất lâu trong đầu Tuyền và bây giờ mới xuất hiện.  

Tuyền ra bàn thờ thắp nhang cho anh Lâm.  Chiếc ghế ngựa vẫn đặt xéo một góc nơi cửa sổ, tấm chăn mỏng gấp gọn ghẽ vắt trên thành ghế như sẵn sàng đón nhận người ngồi.  Có phải chiếc ghế đang lắc nhẹ hay chỉ là ảo tưởng?  Tuyền pha một ly cà phê rồi ngồi vào chỗ của người xưa.  Tuyền đã ngồi vào ghế này biết bao lần sau khi anh Lâm mất đi, mỗi lần thấy ra một hình ảnh khác của vườn nhà quen thuộc, một màu sắc khác của bầu trời quen thuộc.  Nhưng có lẽ Tuyền không bao giờ thấy được những gì anh Lâm đã thấy, cũng như hết cuộc đời làm vợ của Tuyền cũng đã không bao giờ hiểu được anh Lâm nghĩ gì cảm gì khi ôm những người đàn bà khác trong tay, khi miệt mài ngày tháng lao hết sức mình vào một cuộc sống quay cuồng không có Tuyền.  Anh có hạnh phúc khi có được nhiều mối tình?  Anh có khổ đau khi phải xa một người tình?  Tình, có thật là tình không, bởi với Tuyền chữ tình thật lớn lao, quá lớn lao, lớn hơn cả cuộc đời mình, làm sao người ta có thể ôm hết cái lớn lao này qua cái lớn lao khác?  Nó đè mình chết.  Ý nghĩ làm Tuyền bật cười, và nhận ra mình đã khóc hết cả cuộc đời làm vợ cho đến bây giờ vẫn chưa thôi ai oán.

Mà Tuyền đã không khóc được buổi sáng ấy, khi tìm thấy anh Lâm nơi chiếc ghế này, một thân người lặng lẽ ngay ngắn mặt hướng ra cửa sổ như muốn nhìn thấy thu lấy ánh bình minh cuối cùng trên mặt đất, với tấm chăn vắt ngang bụng.  Tuyền thấy mình rỗng không như một bóng ma không đớn đau cảm xúc, và mọi sự lướt quanh như một đoạn phim câm.  Cho đến bây giờ Tuyền vẫn không biết lý do nào khiến Mẫn bước vào căn nhà này để kịp túm lấy Tuyền đang từ từ trượt xuống nền nhà.  Mẫn xốc Tuyền đến đi văng cách bàn mấy bước, rồi vội vã ra cửa.  Vài phút, rồi tiếng lao xao phá vỡ khúc phim câm, Nhàn và họa sĩ Dũng ùa vào, lại một khúc phim câm mới.  Anh em Mẫn Nhàn vốn là những đứa trẻ ít lời, bên cạnh họa sĩ Dũng nếu có nói thì cũng chỉ là những bệt màu vằn vện…  Cứ thế, buổi sáng ấy như bị chặn đứng quay mòng trong cái lao xao không tiếng cho đến trưa thì xóm làng đã tấp nập nơi nhà Tuyền như thể một ngày hội vỡ, rồi thời gian như được giải thoát, lao vút ra phía trước.

Mẫn và họa sĩ Dũng lo liệu tẩn liệm, trong khi Nhàn và Hương tìm dì Ba nhờ chỉ vẽ xếp đặt lễ tang.  Trong khói hương xám buồn, Mẫn ngồi cùng các vị sư nghiêm cẩn tụng niệm.  Những lúc họ hàng bè bạn bà con đến phúng viếng, chiếc bóng áo nâu thường lặng lẽ quẩn quanh.  Mầu áo nâu của Mẫn như nền đất cho Tuyền trụ chân, như cột phao giữ Tuyền là chiếc thuyền bé dập dềnh khỏi trôi dạt ra ngoài cõi trần gian, như con nước êm đẩy Tuyền vượt những dợn sóng gian nan.  Con Hương với cái bụng vượt mặt cũng thành bà bão mẫu của Tuyền.  Nó thản nhiên quên chuyện cấm kỵ bà bầu đến đám tang như đã thản nhiên chấp nhận làm vợ Phong qua mai mối.  Mối tình câm với Mẫn dường chỉ còn là cái cau mày cay đắng, “tình đã không nên thì nuôi mãi trong lòng có ích chi.”   Phong đã dành được vị thế lớn trong phường nên giúp Tuyền được chôn anh Lâm nơi mảnh vườn sau nhà như anh ước nguyện.  Anh đã nằm vào chỗ Tuyền dành sẵn cho Tuyền.

Tuyền ra sau vườn.  Mộ anh Lâm không đắp cao, chỉ vuông vức như một bồn hoa với mặt cỏ xanh tươi và hai vồng hoa dọc theo hai bên hông như hai hàng nến ấm.  Họa sĩ Dũng đã khéo léo làm hai ống cắm hoa đơn sơ trang nhã hai bên một tấm bia nhỏ nơi đầu mộ.  Bát hương trước mộ đầy chân nhang, Mẫn đã không quên thay Tuyền làm cái thói quen hằng ngày ấy.  Cúc Vạn Thọ nở thắm hai bên bờ cỏ, Mẫn đã tỉ mỉ gieo hai sắc vàng và cam xen lẫn với nhau, thay cho đợt hoa móng tay hồng lạt lần trước.  Ngoài hai sắc hoa, quanh vườn chỉ toàn lá xanh, những loại cây kiểng hoặc cây ăn trái đứng như những quân cờ khiêm tốn không đổi thay.  Cuối vườn, bên cạnh cây soài cao rợp có một thân cây nâu bóng mảnh mai nhưng rắn rỏi.  Tuyền dợm bước rồi lại thôi, để chợ búa xong lúc rảnh rồi sẽ ngó tới.  

Hôm nay là 30 Tết, Tuyền phải mua sắm một vài thứ cho cái mái gia đình chỉ còn trơ trọi mình Tuyền.  Tuyền thay quần áo rồi đón xe ôm ra chợ.  Góc vườn bên, một làn khói mỏng nhẹ vờn lên trong không gian.  Tuyền thấy nhói lòng.  Mẫn, Tuyền biết nghĩ sao về Mẫn.  Xe ôm lăn bánh, hình ảnh con Phụng và Mẫn như nhảy nhót theo hai lề đường giật lui.

Đám tang qua đi như đã phải qua đi, chỉ ba ngày để kết thúc một chuỗi tháng ngày dài.  Khi nắm đất cuối cùng buông xuống huyệt anh Lâm, khoảng cách xa lạ giữa Phụng và Mẫn đã nhòe, và đáng sợ hơn nữa là cái khoảng cách tuổi tác giữa Tuyền với Mẫn dường đã xóa.  Mẫn không còn là đứa trẻ 11 tuổi đá banh với lũ trẻ hàng xóm nơi khoảng sân rộng bên kia đường, và Tuyền cũng không còn là cô gái 19 ngây thơ khi về với anh Lâm.  Còn lại duy nhất là ánh mắt hoang dại của Mẫn-mười-một-tuổi trong một phần giây đã chạm đáy mắt Tuyền.

Những ngày còn lại, Phụng biến Mẫn thành một người cận vệ, một người bạn dẫn đường tin cẩn.  Mẫn thay bộ quần áo vải nâu với quần tây nâu sơ mi màu nhạt mỗi khi chở Phụng ra Sài Gòn.  Mẫn giúp Phụng mua bán, thăm bè bạn.  Mẫn đưa Phụng tìm người quen.  Mẫn dẫn Phụng đi ăn quà nơi phố chợ.  Nhưng Mẫn nhất quyết không dự những đám tiệc của Phụng.  Và, Mẫn hút thuốc cùng Phụng.  Hút thuốc, một nhịp tim của Tuyền thắt lại khi thấy vòng khói tỏa lên sau vườn.  Đứa con gái bé bỏng của anh Lâm nay đã là một kẻ trưởng thành.  Tuyền đã đứng sau khung cửa sổ nhìn xéo ra vườn, ngắm nghía cái cách con Phụng ngồi thầm lặng trầm ngâm với điếu thuốc trên tay và biết rằng cuộc đời đã dạy cho con mình rất nhiều điều chỉ có Thượng Đế mới làm được, và Tuyền mơ hồ nghĩ, những điều ấy không chắc vui nếu không nói rằng đau khổ.  Khác với Phụng, Mẫn cầm điếu thuốc trong cái thản nhiên âm thầm, như thể điếu thuốc cũng là những thời kinh Mẫn hằng tụng niệm sáng tối mỗi ngày.  Mẫn không còn cái dáng vẻ của một nhà sư lúc mới về lại với cuộc đời, nhưng dấu ấn của những ngày tháng sống cùng thầy Độ nơi chùa như chẳng hề phai lạt.  Nó chỉ ẩn mình nhường cho cuộc sống của đời thường được phô diễn múa may.  Bóng phật đài như bàn tay Như Lai nhảy hoài không ra khỏi, và có lẽ Mẫn không hề muốn ra khỏi.  Tuyền tự hỏi, một người quen với khói hương thành kính có thể nào tận hưởng những cuộn khói hồng trần?  Ranh giới giữa hai làn khói ấy vô hình, nhưng bước qua rồi là hết đường lui gót.  Mẫn có cảm nghĩ gì khi thoắt quay lại thấy mình đã không còn là người của cửa Phật?  Những phút rảnh rang sau vườn của Phụng và Mẫn hai bên hàng rào dẫu ít oi ngắn ngủi nhưng đầy vẻ tương đắc, Tuyền ngạc nhiên thú vị nghĩ, chính cái bạo dạn hồn nhiên của Phụng đưa bước đời của Mẫn thêm xa, và sự trầm tĩnh của Mẫn ghì bớt tính xông xáo háo thắng của Phụng.  Một tình anh em tréo nghoe không ngờ tới.


Xe ôm vấp một vạt đường hơi gồ lên làm Tuyền giật mình.  Đã đến chợ.  Chợ ngày 30 ồn ào vội vã, tiếng trả giá với tiếng nèo giá như nhanh hơn một nhịp của những buổi chợ thường, mọi món hàng đều được chào mời với cái đáo hạn của ngày cùng năm tận.  Có một mùi gì đó ấm áp trong không gian mà Tuyền không thể định được là mùi gì.  Là mùi hoa lẫn với bùn đất, là mùi phân gà vịt vương trong những cọng lông mỏng nhẹ bay bay, là mùi tôm khô cá khô khai khai mằn mặn, là mùi tanh tôm cá nơi góc chợ lầy lội, là mùi những thớt thịt bò thịt heo ôi ôi phơi trong nắng, là nước hoa của các bà các cô…?  Tuyền đứng tần ngần không hiểu được vì sao những cái mùi trời ơi ấy lại lọt vào mũi mình, tại sao những âm thanh hỗn loạn ấy lại lọt vào tai mình, và nhất là tại sao những thứ lãng xẹt ấy lại mang cho Tuyền cảm giác ấm áp thân quen.  Tại Tuyền đã sống trong cái hỗn loạn ấy mấy mươi năm nay?  Tại Tuyền đã đi chợ cả chục ngàn ngày?  Sao bây giờ Tuyền mới nhận ra?  Những thứ đó đâu phải là tiêu biểu cho những gì Tuyền hằng nghĩ là “quê nhà”?

Tuyền mua hai bó huệ và một bó mai, nhưng phải gửi lại hàng hoa để đi sâu hơn vào chợ mua các thứ khác cho những mâm cơm cúng ba ngày Tết.  Nghĩ đến mình phải một mình thanh toán những món sẽ nấu làm Tuyền ớn, Tuyền sẽ sớt phần lớn các món ăn cho Nhàn để cúng quảy và ăn trong ba ngày Tết với cái gia đình đã thôi quạnh quẽ.  Nhàn đã qua ở bên nhà họa sĩ Dũng, sau khi đưa được cô Đào về với hai anh em.  Chỉ một mâm cơm cúng gia tiên với vài cô bác quanh xóm chứng giám, hai người đã sống êm ả thắm thiết bên nhau như đôi tình nhân mới.  Nhàn vẫn gọi “thầy Dũng,” và họa sĩ vẫn “tôi, em.”  Cô Đào chỉ còn là một bà già khờ khạo, sống dật dờ trong mớ ký ức ngày xưa còn sót lại.  Mọi sự cứ như khói nhang Mẫn hằng ngày cắm trên bàn thờ – nhẹ nhàng quấn quyện và biến chuyển dạng hình tùy cơn gió nhẹ đưa.  Chỉ riêng khói nhang của Tuyền là lòng vòng lấn cấn, trong cái lòng trống rỗng mà lại rất ngổn ngang.

Tuyền phải gọi tắc xi về vì đã mua khá nhiều thực phẩm hoa trái.  Làm cơm cúng mời các cụ về ăn Tết xong thì đã quá trưa, Tuyền tách hai nhánh mai ra sau vườn cắm mộ anh Lâm.  Tuyền nhận ra về sau này Tuyền thường ở sau vườn hơn là ngồi cái chỗ ngồi cố cựu trong nhà – chỗ đợi chờ và chỗ ngưỡng tôn một người luôn lãng quên Tuyền.  Trời trong và sáng rạng, cái nóng bức làm Tuyền thấy buồn ngủ, Tuyền ngó tìm xem chiếc võng có bị nắng soi.  Nhìn chiếc võng không nhẹ lay theo gió Tuyền tự cười mình lẩm cẩm – võng mắc dưới hai gốc cây khá lớn không thể bị nắng chiếu. Nhưng trước khi Tuyền kịp hạ mình vào võng, thân cây nhỏ nâu biếc thấy khi sáng lấp ló nơi góc mắt, bên cạnh gốc soài.

“Trời đất!” Tuyền thầm kêu.  Cây đào, cây đào của xứ lạnh, sao Mẫn trồng được trên đất nóng hạn này?  Tuyền nhìn lên, thì ra tấm lưới xanh chăng cao khỏi hàng rào là để lược bớt nắng chói chan, phụ với bóng mát của gốc soài hầu mong giữ đất của đào được ẩm mát.  Trời bất chợt tối sầm rồi những hạt mưa rơi nhanh trước khi Tuyền kịp tìm cái gì, chỗ gì để che mưa.  Trong phút chốc tóc Tuyền ướt đầy những giọt nước mát, và tấm áo đã dán sát người.  Thì cứ xem cho xong, Tuyền lại gần sát cành đào.  Những cái nụ be bé như hạt bắp hồng rung rinh dưới giọt nước trong.  Hoa đào, năm nay Tuyền sẽ được thấy hoa đào.  Những giọt nước mưa thấm vào da, Tuyền thấy cái lạnh nhè nhẹ lan tỏa và mọi lỗ chân lông như mở ra cùng với cây, hoa, đón phút vui bất chợt gieo xuống tự trời.  Hơi đất nóng nồng lên trong cơn mưa vội, cái mùi âm ấm cay cay.

Nỗi vui tràn ngập lòng, Tuyền ngạc nhiên thấy nỗi vui ấy như một mầm cây đã mọc trong lòng mình sau bao năm bị ủ sâu dưới những u mê giằng xé của cuộc đời.  Chỉ là một cây đào, chỉ là những nụ hoa nho nhỏ xinh xinh, sao nỗi vui lớn như hạnh phúc, và sao cảm xúc ấy đến với Tuyền quá dễ quá trọn đầy?  Tuyền bật khóc.  Tuyền cảm tạ những khổ đau của chuỗi ngày qua, bởi giờ đây khi thức giấc bên một chỗ trống trên giường Tuyền đã quá quen với mọi điều mất mát.  Tất cả những gì hằng khiến Tuyền đau lòng thắt thẻo giờ chỉ là không.  Không có chỗ trũng của một tấm thân cũ gây nỗi nhớ, không một làn hơi quen làm mình phải lao đao.  Tuyền đã là một thân xác rỗng không, sống chỉ bằng hình ảnh và cuộc sống rất riêng của anh Lâm.  Mọi niềm yêu đã có chỉ là những tầng rêu dầy lên với thời gian bám đầy óc tim xương máu, để khi anh Lâm mất đi thì rêu ấy cũng rã tan cùng tro bụi.  Những đau khổ đã qua chỉ còn là ảo mộng khi Tuyền cảm được cái mát của giọt mưa này, khi Tuyền thấy được cánh hoa đào như đang se sẽ mơ hồ tách ra đón làn gió tạt.  Cuộc sống nhẹ như hơi gió, sao Tuyền mãi cắm đầu ôm lấy bão giông.  

Anh Lâm, em đã yêu anh, kiếp sau chắc vẫn cứ yêu, có lẽ còn yêu nhiều hơn trước.  Nhưng em biết em sẽ yêu anh như anh là anh và em là em, là em – biết sung sướng với nụ đào rung rinh dưới mưa.  Anh Lâm, biết có còn kiếp khác để em có thể yêu anh cách vẹn toàn với một thân phận vẹn toàn, biết em còn dịp để hiểu những đau đớn hân hoan của anh-không-có-em.  Anh Lâm…  Tuyền ngửa mặt, những giọt nước mắt như chen lấn với mưa, Tuyền thấy thân mình run và lồng ngực thắt lại dù Tuyền chỉ muốn mỉm cười khi bắt gặp nụ đào.  

Một tiếng động khẽ, rồi một bóng nâu bung qua hàng rào.  Mẫn đã đến sát bên Tuyền, ánh mắt chăm chú.  Đây là lần đầu tiên Mẫn đứng gần như vậy, và cũng là lần đầu tiên Mẫn nhìn thẳng vào mắt Tuyền.  Không còn là ánh mắt hoang dại sâu như giếng buồn, Tuyền chợt thấy ra Mẫn có hai hàng mi dầy cong và ánh mắt ấy nửa ray rứt thiết tha nửa vương chút nhân từ nhẫn nại.  Mẫn xoay vai Tuyền ôm sát mái tóc ướt vào lòng.  Mưa lất phất rơi trên tấm áo nâu.  Hơi ấm nơi bờ vai xương một lần nữa khêu cái cảm xúc lúc đối diện sự sống thô sơ của hòn đất giọt mưa.  Tuyền vụt nhớ nụ cười tinh nghịch trong veo của Phụng khi từ giã Mẫn về lại trời Tây, tới lời con nói khi đưa Tuyền lên máy bay về lại quê nhà: “…bố bây giờ mới chết, chứ mẹ thì như đã chết từ lâu.  Có còn bao nhiêu thời gian, mẹ chờ ai sống hộ mình?”  Tiếng Mẫn nghe văng vẳng xa xa, tưới cây bằng nước đá lúc khuya và buổi sớm mai nó mới sống được.  Có lẽ ngày mai đào sẽ nở.

Lưu Na
11051016

Ý kiến bạn đọc
26/01/201710:13:35
Khách
Nhân vật Tuyền- người goá phụ được tác giả khai thác hết cái nội tâm bên trong trống rỗng mà lại rất ngổn ngang. Giữa một nếp sống buồn tẻ cố giữ chặt bằng nhang khói hoài niệm và một phân vân sâu kín tràn ngập hạnh phúc, Tuyền sẽ chọn bên nào?
..."Mọi sự cứ như khói nhang Mẫn hằng ngày cắm trên bàn thờ – nhẹ nhàng quấn quyện và biến chuyển dạng hình tùy cơn gió nhẹ đưa. Chỉ riêng khói nhang của Tuyền là lòng vòng lấn cấn, trong cái lòng trống rỗng mà lại rất ngổn ngang."
Trong khi Mẫn- người hàng xóm trẻ hơnTuyền đến chín tuổi được tác giả tiết kiệm ngôn từ, chỉ tả những hành động âm thầm nhưng vững chãi. Cái cách của người xuất gia, điềm đạm và tinh tế và nhất là tình cảm dành cho Tuyền bao năm tháng không hề lạt đi mà lại luôn đem đến những mới lạ, ngỡ ngàng như hé mở của nụ đào hồng, tươi mới...
Thủ tiết thờ chồng. Những gì chúng ta thấy rất bình thường ở người phụ nữ Việt. Một quan niệm Nho Giáo có còn cần thiết không? Tôi thích hình ảnh diễn tả khói nhang của nhà văn Lưu Na. Hình ảnh ấy là một hiện thực sống động như cái vòng lẩn quẩn không thoát được của một cuộc đời lẻ loi, cam chịu và tẻ nhạt. Người ta vẫn cần bước tới phía trước dù khổ đau vẫn đeo bám- sao không sống cho thật VỚI mình và CHO mình?
Và như chợt thức giấc, Tuyền nhớ lại lời của Phụng, đứa con gái Nàng:
..."“…Bố bây giờ mới chết, chứ mẹ thì như đã chết từ lâu. Có còn bao nhiêu thời gian, mẹ chờ ai sống hộ mình?”

Bạn sẽ phải hỏi thật lòng mình một ngày nào đó: -Tôi chờ ai sống hộ tôi?.........
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.