Hôm nay,  

Trang Sử Việt: Ngô Đình Khả

13/01/201700:01:00(Xem: 5835)
NGÔ ĐÌNH KHẢ
(1857-1923)
     Ông Ngô Đình Khả quê làng Đại Phong, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, phụ thân là ông Giacôbê Ngô Đình Niêm. Ông Ngô Đình Khả xuất thân trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa giáo lâu đời, nên tên ông còn gọi là Micae Ngô Đình Khả. 
     Thuở nhỏ, ông được phụ thân cho đi giúp lễ với một vị linh mục người Pháp ở họ đạo Mỹ Duyệt Hạ (thuộc Lệ Thuỷ). Vị linh mục này bảo trợ cho ông Khả vào tu tại Tiểu Chủng Viện An Ninh, thuộc tỉnh Quảng Trị. Năm 1870, ông được Linh mục Caspar (tên tiếng Việt là Lộc) cho đi học chữ Pháp và Latin ở trường dòng truyền giáo Pénang (Mã Lai) cùng khoá với Nguyễn Hữu Bài.
 
     Sau khi tốt nghiệp về nước làm thông ngôn tại Toà Khâm sứ Huế cho Pierre Rheinart. Năm 1885, giữ chức An phủ sứ Quảng Bình, lo việc bình định và chiêu an lực lượng nghĩa quân, văn thân, dưới quyền đại tá người Pháp là Duvillier.          Năm 1896, ông được phong Thái thường Tự Khanh; ông đã kiến nghị thành lập trường Quốc Học, được vua Thành Thái và Toàn quyền Rousseau đồng ý và giao cho ông tổ chức trường Quốc Học, lúc ấy gọi là trường Cao đẳng Tiểu học (École Primaire Supérieure), ông làm Trưởng giáo. Đây là trường trung học Pháp Việt đầu tiên ở Trung Kỳ, dạy từ tiểu học đến bậc tú tài chuyên khoa. Hai năm sau, tức năm 1898, vua Thành Thái phong ông làm Thượng Thư Phụ đạo Đại thần. Đến năm 1902, thì được thăng hàm Hiệp tá Đại học sĩ. 
 
     Năm 1905, ông được đề cử Tổng quản cấm thành bảo vệ vua Thành Thái. Hai năm sau, thì thực dân Pháp thấy vua Thành Thái có cử chỉ chống lại Pháp, nên Khâm sứ Pháp là Ferdinand Levéque và bọn thực dân vận động quần thần đòi truất vua Thành Thái, ông kiên quyết không chịu ký tên vào tờ biểu quyết này. Vì vậy, dân gian có câu truyền tụng: “Đày vua không Khả, Đào mả không Bài”. Bài là Nguyễn Hữu Bài.      
     Sau biến cố trên, Ngô Đình Khả bị người Pháp nghi kỵ rằng ông ủng hộ vua Thành Thái, mà Pháp nghi vua Thành Thái ngầm ủng hộ Kỳ Ngoại Hầu Cường Để toan tính xuất dương, do Việt Nam Quang Phục hội của Phan Bội Châu chủ xướng. Ngoài ra, lúc ấy Khâm sứ Levéque ở Huế lại không ưa ông Ngô Đình Khả về phương diện tôn giáo (ông là đạo dòng, Levéque có chân trong Hội Tam điển có lập trường chống Dòng Tên), nên họ tạo ra nhiều cớ để giáng ông xuống 3 cấp và buộc ông về hưu non. Sau khi về hưu, ông sống tại Phú Cam (Huế) thời gian sau ông mất ở đó. 
 
     Ông Ngô Đình Khả là phụ thân của một số nhân vật quan trọng trong chính quyền miền Nam Việt Nam. Vợ ông là bà Phạm Thị Thân, ông bà có tất cả 9 người con, gồm có:
 1- Ngô Đình Khôi (1885-1945), Tổng đốc tỉnh Quảng Nam, năm 1945, bị Việt Minh bắt và giết cùng với Phạm Quỳnh.
 2- Bà Ngô Đình Thị Giao (?-1944) gọi là bà Thừa Tùng.  
 3- Ngô Đình Thục (1897-1984): Giám mục. 
 4- Ngô Đình Diệm (1901-1963): Cựu Tổng thống VNCH.
 5- Elizabeth Ngô Đình Thị Hiệp (1903-2005). Bà là thân mẫu của Giám mục Nguyễn Văn Thuận (1928-2002). 
 6- Ngô Đình Thị Hoàng (thường được gọi là Bà Cả Lễ).
 7- Ngô Đình Nhu (1910-1963): Cựu cố vấn Đệ nhất VNCH.
 8- Ngô Đình Cẩn (1912-1964): Cố vấn ở miền Trung.
 9- Ngô Đình Luyện (1914-1990): Kỹ sư và làm đại sứ của VNCH tại Anh quốc. 
 
               Cảm niệm: Ông Ngô Đình Khả
  
       Ngô Đình Khả, mộ đạo, thương đời! 
               Triều chính lo toan, giúp giống nòi!
       Quốc học miệt mài, tha thiết dựng
       Học sinh nhung nhớ, khó khăn vơi!
       Một lòng nhiệt huyết, dù hung hiểm 
       Quyết chí kiên cường, dẫu thiệt thòi
       Tích đức, đời sau chan chứa phúc!
              “Đày vua không Khả” nể nang hoài?!
 
Nguyễn Lộc Yên


Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.