Hôm nay,  

Chú Giải Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (Chuyện 13, 14, sẽ đăng từ từ tiếp theo)

01/11/201611:14:00(Xem: 4155)

Nguyen Van Sam 

13. Cháu nói láo hại chú trả thù.

 

     Thằng kia nghèo tới nhà ông chú ruột, nói tính làm bánh cúng, mà không vạc mà hấp bánh, nên xin chú cho mượn cái vạc đồng[1] ít bữa. Chú nó tưởng thiệt, thì biểu trẻ lấy cho nó mượn.

     Nó vác về đem bán quách[2] đi, lấy tiền ăn. Chú đòi đôi ba phen, nó cứ cù lần hoài[3]. Sau túng (tr. 21) thế[4] người chú làm đơn quì[5] với quan huyện.

    Nó nghe chú nó lo đi kiện nó, thì lật đật biểu vợ đi mua một con vạc đồng[6], xách đi theo sau. Tới nhà, quan hỏi: nó cung khai xong rồi, xin đem trả trước mặt quan, kẻo sau đàng kia có nói ngược chăng. Vậy nói vạc đồng, thì nó đem con vạc đồng nó trả. Chú nó đi kiện mà nói không có rạch[7], không ra mí, cho nên mắc lý[8], phải nhận lấy mà đem về, mà trong lòng giận căm gan, lo kiếm thế báo nó cho bỏ ghét[9]. Mình vậy mà đi thua trí thằng con nít; tức mình.

     Về nhà nghĩ đi nghĩ lại, thấm ý càng xúc gan[10], mới toan lo bắt cháu mà nhận nước nó đi, cho nó chết cho hết đời nó đi cho rồi, kẻo mang nhơ xấu tiếng[11] với người ta. Vậy mới cho trẻ[12] đi kêu nó tới, bắt bỏ vào cũi[13] khóa lại, đem ra bên sông, mà nhào nó xuống[14] trấn nước nó đi cho rồi.

     Tới bực sông[15], quân khiêng củi để xuống nghỉ vai. Nó mới làm mưu[16]: Thưa với chú, tội tôi chết thì đáng rồi, mà xuống âm phủ không biết làm nghề chi đỡ mà ăn, thưa, trước tôi có mua một cuốn sách nói láo, tôi để trên cái tran[17], bị lật đật quên lấy theo. Xin chú làm phước chạy về lấy giùm cho cháu, kẻo tội nghiệp. Chú nó nghe lọt vào tai[18], lăng căng[19] chạy về lấy, để nó đó một mình.

     May đâu có thằng phung cùi lở lói đi ngang qua[20]. Thấy vậy ghé hỏi: chớ làm sao mà ngồi trong cũi vậy? Thằng ấy làm tỉnh[21] mới nói: (tr. 22) Đừng có hỏi, tao khi trước phung cùi quá hơn mầy đi nữa kia cà, mà chú tao bỏ tao vào trong cái cũi thuốc này, thì lành trơn[22] đi.

     - May phước dữ a! Tôi cất đầu lạy anh, cho tôi vào, mà nhờ một phen cho đã tật[23] với tôi.  – Ừ, mầy nghèo cực, tao cũng chẳng nỡ đi ăn tiền bạc gì mầy. Thôi, tao cũng làm phước. Vậy thì mầy lại tháo cũi ra mà chun vô. Thằng cùi vô, thì nó ra khóa cửa lại để đó. Đi xẹo[24] đi mất.

    Chú nó kiếm cuốn sách táo tác[25] không thấy đâu. Đổ quạu và đi và lằm bằm, hăm hở ra tới mé sông. Mắc giận sẵn, đi vừa tới nơi, không coi trước coi sau, đạp dộng[26] cái cũi xuống sông. Rồi bỏ đi miết[27] về nhà, rầu rĩ mất công mất linh[28] với thằng cháu khốn.

     Thằng cháu thoát khỏi đi xa kiếm phương thế gạt chúng[29] mà ăn. Bữa kia nó đi ngang cầu, ngó thấy xa xa một anh ăn mặc tử tế cỡi ngựa đi tới, thì nó lăng căng[30] sụt xuống dưới cột cầu lặn lên lặn xuống hoài. Anh kia tới đó, gò cương lại mà coi. Thấy dị[31] làm vậy, thì hỏi nó làm gì vậy. Thằng kia và khóc và nói[32] bệu bạo[33]: Tôi đi đòi nợ giùm cho chú tôi, được một chục nén, lộn lưng[34] về ngang đây, rủi thì nó sút nó rớt xuống đây: tôi lặn hết hơi lặn không được[35], cậu lặn giỏi, cậu xuống lặn, được thì cậu lấy bảy nén, để cho tôi ba mà thôi, để tôi cầm ngựa cho cậu.

     Anh kia tham, liền cổi khăn cởi áo đưa cho (tr. 23) nó cầm, nhảy xuống mà lặn. Thằng kia ních đồ vào[36], nhảy phóc lên quất ngựa chạy mất biệt. Mới chạy thẳng về nhà chú nó. Chú nó thấy nó về thì mừng mà hỏi: Ủa! Thằng kia sao mầy về đó? Lại tử tế làm vậy[37]? Thì nó nói: Tôi xuống dưới âm phủ nhờ tổ[38] được sung sướng đủ no mọi bề[39]. Ông bà lại sai tôi về trên này đi thăm chú.

     Chú nó ngờ là thật, thì nói với nó: Vậy thì mầy đem tao, đóng cũi mà nhận tao xuống sông, coi thử họa may xuống dưới, tao được sướng như vậy chăng. Thì nó làm theo ý chú nó, nó đem, nó đạp dưới sông chết ngay cán cuốc[40], sướng đâu chẳng thấy[41].

 

14. Thầy pháp râu đỏ.

 

          Lão thầy pháp kia râu hoe hoe đỏ đỏ, cưới vợ về. Vợ nó mới chê: râu gì đỏ hoe đỏ hoét xấu quá. Thì nó kiếm chước nói giải cho xuôi[42] cho rồi đi. Vậy nó nói: Húy! Mầy đừng có khinh: râu tài[43] đó. Râu này có biết sợ ai?

     Vợ nó không hiểu được ý làm sao mà làm vậy: làm thinh lừa cơ thử tài anh va[44], coi thử có thiệt hay không. (tr. 24)

    Cách ít bữa kế bịnh rước thầy đi chữa[45], mà nhà bịnh ở cuối truông[46] ném qua bên kia kìa[47].

    Chữa chuyên xong rồi, người ta đem bánh lớ[48] xôi chè chuối mít, lại một cái đầu heo tạ thầy. Thì thầy lấy khăn cột xách đem về.

     Vợ nghe chừng anh ta về tối, mới vác gậy ra, ngồi giữa truông núp trong bụi. Anh thầy ta xợt xợt[49] đi tới. Chị ta đập một cái sạt[50]. Thầy thất kinh quăng gói chạy quày trở lại, không dám đi. Người vợ ra lượm lấy cái gói xách ngay về nhà, đóng cửa lại ngủ.

     Một chặp[51], anh ta tỉnh hồn mới mò về, thì hăm hở hối mở cửa cho mau. Bước vào, cái mặt cắt không đặng một chút máu[52], gài cửa lại lấy cây chống thêm.

     Vợ thấy vậy hỏi việc gì thất thanh đi vậy[53]. Thì chú chàng[54] mới nói: Hú hồn! Tao tưởng đâu chúng nó đã cắt cổ tao đi rồi! Một đảng ăn cướp cũng được hai ba trăm nó đón nó đánh giữa truông.

     - Có ở đâu nào?

     – Ấy! Là quả làm vậy chớ!

     - Mà anh nói anh râu đỏ anh không biết sợ ai, sao mà sợ té đái[55] ra vậy?

     – Nó đông lắm mượn sợ[56], năm ba mươi chẳng nói gì, cái này đâu cũng được vài trăm, không sợ làm sao? Thôi tấn cửa lại cho chặt rồi ngủ.

     Vợ nó đi nấu nước đi pha trà cho chú nghỉ[57] uống, lại có đem ra một nải chuối nữa. Nó nhìn đi nhìn lại nải chuối hoài: Mẻ[58]! Chuối ở đâu mà (tr. 25) giống chuối họ đưa mình! Vợ nó nói: Phải ở đâu[59]? Chuối sớm mai tôi đi chợ tôi mua? Khéo nhìn bá láp[60] không! Rồi đem dĩa xôi ra. Anh ta càng lấy làm lạ: Lạ này! Xôi này của nhà bịnh đem đưa tao về đây mà.

     Đem lần các món ra, anh ta hiểu không được, hỏi gắt vợ cho biết đồ ấy ở đâu mà có vậy. Thì vợ mới nói thiệt:      Hồi chạng vạng[61] tôi núp trong bụi, tôi nhát anh, anh ném gói anh chạy, tôi xách gói về đó, chớ ai? – Có lẽ nào? Ăn cướp nó rượt người ta chạy sảng hốt[62], mà mầy nói mầy nhát à? – Thiệt, không tin, tôi đem cái đầu heo, lại cái khăn anh, mà gói cho mà coi[63].

    Thầy thấy quả[64], chưng hửng[65], mới nói: _ Phải hồi[66] tao biết là mầy, tao đập một cây chết đi còn gì?



[1] Vạc đồng (cái): thứ chảo thiệt lớn làm bằng đồng. Vạc đồng (con): Loài chin ăn đêm tiếng kêu nghe như vạc vạc từ đó có tên

[2] Bán quách: Bán liền. Từ quách đi sau một động từ làm cho động từ có tính cách thực hiện liền ngay, không chần chờ, chẳng suy nghĩ: mua quách, lấy quách con đó cho xong, bỏ quách nó đi..

[3] Cứ cù lần hoài: Cứ hẹn nay hẹn mai, cứ lần lữa. Nay nói: Cù cưa cù nhằng, cù nhầy. Chữ cù lần nay mang nghĩa khác là ngu ngốc, không được lanh lợi, hoặc là tên một giống khỉ nhỏ con.

[4] Túng thế: Không còn cách nảo khác.

[5] Đơn quì: Tôi không hiểu từ nầy, chẳng lẽ làm đơn thưa đến qua phải đội đơn mà quì chờ nghe xét?

[6] Vạc đồng: Con vạc sống, không phải con vạc làm bằng đồng. CD: Cái cò cái vạc cái nông/ Sao mầy đạp lúa nhà ông hỡi cò…

[7] Không có rạch: Không rạch ròi, chẳng rõ ràng.

[8] Mắc lý: Bị thua lý với đối phương trong sự tranh kiện….

[9] Báo cho bỏ ghét: Báo thù, báo hại cho hả giận, như cô kia tạ acid tình địch….

[10] Xúc gan: Tức mình, giận quá sức giận. HTC cắt nghĩa hơi khác chút đỉnh: Chọc giận, làm cho tức mình. Các bản in sau nầy không hiểu chữ xúc gan nên đã sửa lại là tức gan. Hết biết!

[11] Mang nhơ xấu tiếng: Bị chê bai.

[12] Trẻ: Tiếng gọi chung chỉ người giúp việc.

[13] Cũi: HTC, Đồ đóng bằng cây, tra song mà không đóng bịt (bít bùng); đồ nhốt thú vật làm bằng cây có thể mà khiêng, cũng có khi dùng mà nhốt người ta; nhốt người nặng tội mà khiêng đi.

[14] Nhào nó xuống: Liệng nó xuống, đạp nó xuống.

[15] Bực sông: Mé giáp nước của bờ sông. Chỗ cao thấp xuống gọi là bực, nay còn bực thềm, bực thang, bực tam cấp… nhưng không còn ai nói bực song.

[16] Làm mưu: Lập mưu kế.

[17] Tran: Cái khám thờ, thường đặt trên cao trong nhà. Tran thờ, Phật, thờ thần tài. Nay thường dùng nói châm ngạo kẻ sợ vợ: Nó lập tran thờ bà!

[18] Nghe lọt vào tai: Nghe phải lý lẽ, nghe vừa ý.

[19] Lăng căng: Lật đật. Cử chỉ lẹ làng.

[20] Mấy chục năm trước tôi còn thấy người cùi đi ăn xin nhan nhãn ngay ở Sàigòn. Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa hình như có chủ trương gom lại những người xấu số nầy nên không thấy nữa.

[21] Làm tỉnh: Giữ thái độ bình tỉnh không cho người khác biết mình đang gặp rắc rối hay đang mưu tính điều gì.

[22] Lành trơn: Thường phung cùi thì bị lỡ lói. Bây giờ lành trơn nghĩa là hết, da lại trơn tru…

[23] Đã tật: Tức đả tật nghĩa là trừ bịnh, đánh bạt bịnh đi. HTC trường hợp nầy cho là có nghĩa làm cho bớt, cho hết, như dã thuốc  độc, dã rượu, dã say, ông còn dẩn và giải thích câu tục ngữ: Thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng: Thuốc đắng khó uống mà bịnh lành, lời thật mất lòng mà hay sửa tính nết.

[24] Đi xẹo: Tránh đi chỗ khác. HTC, đi tránh, đi lãng. Chữ xéo ngày nay là có nguồn từ chữ xẹo.

[25] Táo tác: Kiếm tở mỡ.

[26] Đạp dộng: Đạp nhầu, đạp đại. HTC, Đạp đùa, đạp tống. Lấy chơn mà đánh cho ngã ra. Đạp dộng cữa ngõ.

[27] Đi miết: Đi thẳng một lèo, đi không ghé nơi nào, lầm lũi mà đi.

[28] Mất công mất linh: Mất công, uổng công. Công linh/công lênh: Công việc. Quốc Văn Giáo Khoa Thư: Công lênh chẳng quản bao nhiêu./ Ngày nay nước bạc ngày sau cơm vàng.

[29] Kiếm phương thế gạt chúng: Tìm cách lừa đão người ta.

[30] Lăng căng: Lật đật, lăng xăng.

[31] Thấy dị: Lấy làm lạ.

[32] Và khóc và nói: Vửa khóc vừa nói.

[33] Bệu bạo: Nói không rõ ràng trong khi khóc nên tiếng khó nghe.

[34] Lộn lưng: Cách đem tiền theo mình ngày xưa. Bỏ vô lưng quần lộn lại vài ba lần cho tiền khỏi rớt. Kẻ lộn lưng thường bị bợm bãi lật lưng lấy hết tiền. Cũng dễ bị rớt tiền vì chỉ vô ý hay bị ai giựt quần cho tiền rớt ra.

[35] Lặn hết hơi không được: Lặn không đủ hơi nên không thể xuống sâu được.

[36] Ních đồ vô: Bận đồ vô. Nay chữ ních nầy chỉ còn dùng cho nghĩa chữ ăn mà thôi

[37] Tử tế: Nói về sự ăn mặc tươm tất, có vẽ phong lưu.

[38] Nhờ tổ: Nhờ ông bà, tổ tiên.

[39] Đủ no mọi bề: Đầy đủ mọi thứ.

[40] Ngay cán cuốc: Ngay đơ, thẳng cẳng.

[41] Chuyện nầy theo tôi không nên kể lại vì tính chất vô luân của nó. Có đâu vì một chút giận hờn mà tính kế giết cháu ruột. Rồi thằng đó gạt để cho người cùi bị chết, gạt để giết chết chú nó… Bậy! Bậy! Bậy! Quá bậy!

[42] Kiếm chước nói giải cho xuôi: Tìm cách giải thích cho nghe được.

[43] Râu tài: Sợi râu thường mọc đơn lẽ hay mọc trên nốt ruồi, được giải thích là râu tài: râu của người có tài nghệ gì đó hay dễ kiếm được tiền…

[44] Anh va: Anh chàng, anh ta, hắn…

[45] Bịnh rước thầy đi chữa: Nhà có người bịnh nên rước thầy đến trị..

[46] Truông: Chỗ đi nguy hiểm trong rừng, trong núi, thường có cọp voi hay cướp đảng.

[47] Ném qua bên kia: Về phía bên kia.

[48] Bánh lớ: Bánh làm bằng bắp đâm nhỏ rang lên rồi pha với đường, vắt lại thành viên. Như một loại cốm. Miền Tây cách nay chừng gần thế kỷ còn có. Nay không thấy nữa, hiện chỉ còn ở vùng Nam Trung Việt và đã được biến cải bằng nhiều thứ bột khác nhau.

[49] Xợt xợt: HTC, Bộ đi xăm xúi; đi trờ tới, đi lỡ bước.

[50] Sạt (tiếng): Tiếng động khi đánh vào khóm lá..

[51] Một chặp: Một lúc khá lâu.

[52] Mặt cắt không đặng một chút máu: Sợ xanh mặt.

[53] Thất thanh đi vậy: Sợ quá vậy? Chữ đi nầy bây giờ không dùng nữa.

[54] Chú chàng: Như chữ anh va ở trên. Tiếng chỉ ngôi thứ ba có chút diễu cợt.

[55] Sợ té đái: Sợ quá, nước tuông ra quần.

[56] Mượn sợ: Không sợ, biệt sợ, nỏ sợ.

[57] Chú nghỉ: Như tiếng anh va, chú chàng ở trên. HTC, chú nghỉ: Tiếng kêu chơi, hiểu là nó, tên ấy, chú ấy, người ấy, anh ta. Kiều: Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung. Vậy thì nghỉ không phải là tiếng riêng của Hà Tỉnh, có điều là chữ nầy ít thấy ở miền Nam.

[58] Mẻ: Tiếng đầu câu chỉ sự ngạc nhiên như quái, lạ

[59] Phải ở đâu: Đâu phải!

[60] Bá láp: Không đúng, bậy bạ. HTC, Bá láp: Hư, cà lếu, không nên việc gì. Đi bá láp; làm bá láp. Vậy nhìn bá láp là nhìn tầm bậy thứ gì của ai, không đúng. Nói bá láp là nói lộn xộn, chẳng đâu vô đâu, vô lý.

[61] Chạng vạng: Lúc trời vừa sâm sẩm tối.

[62] Chạy sảng hốt: Chạy trong kinh hoàng. HTC, Sảng hốt: Hoảng kinh, không còn nhớ sự chi.

[63] Cho mà coi: Nay thường nói cho coi. Tiếng nói có khuynh hướng đơn giản từ từ.

[64] Quả (thấy): (Thấy) thiệt như vậy, đúng như vậy.

[65] Chưng hửng: Ngạc nhiên. HTC, Chưng hửng: Sửng sốt, lấy làm lạ, không dè.

[66] Hồi: Hồi đó, lúc đó.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Câu nói của cố thủ tướng Việt Cộng là Võ Văn Kiệt rằng ngày 30-4 có một triệu người vui và một triệu người buồn...
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.