Hôm nay,  

Ai sợ ai?

03/10/201600:02:00(Xem: 6570)

Ai sợ ai?
  

Trần Trung Đạo

.
Phần đông các nhà nghiên cứu về chủ nghĩa Cộng Sản đồng ý chế độ CS tồn tại nhờ vào cơ chế toàn trị trong đó hai phương pháp được áp dụng song song gồm bạo lực làm cho con người sợ hãi và tẩy não làm cho nhận thức con người trở thành phụ thuộc.

Tuy nhiên, “bạo lực cách mạng” dù sắt máu đến đâu và “giáo dục trồng người” dù tinh vi đến đâu cũng không thể được thực hiện một cách dễ dàng, bởi lẽ con người không thể bị thuần hóa hay bị chế ngự một cách tuyệt đối. 

Khác với loài động vật, con người có khả năng nhận thức và có đời sống tâm linh. Sức phản kháng trong con người chống lại bất cứ chế độ độc tài nào là một phản ứng tự nhiên được diễn ra dưới nhiều hình thức và hoàn cảnh dù khắt khe và bất hạnh đến bao nhiêu.

Lãnh đạo CS thường gọi cuộc tranh đấu giữa “chuyên chính vô sản” và “tàn dư tư bản” là cuôc đấu tranh “ai thắng ai”. Thật ra, để gọi cho đúng phải gọi đó là cuộc đấu tranh “ai sợ ai”, bởi vì ngày nào người dân không còn sợ đảng CS, đó cũng là ngày cáo chung của chế độ độc tài CS.

Cuộc chiến “ai sợ ai” đã diễn ra ngay khi chế độ CS được thiết lập lên các quốc gia bị CS chiếm.
  

Tại Liên Xô  

Trong suốt 74 năm tại Liên Xô,  “ai sợ ai” diễn ra một cách khủng khiếp theo từng giai đoạn, từng thời điểm với số người chết dưới chế độ CS được ước tính từ 20 triệu người đến 61 triệu người.  Dù sắt máu bao nhiêu, Lenin và Stalin cũng không dập tắt được tiếng nói bất khuất của người dân tại các nước cộng hòa bị trị như trường hợp cuộc nổi dậy giành độc lập của Georgia năm 1924 hay cuộc đình công của công nhân nhà máy tơ Teikovo năm 1932 chẳng hạn. Đương nhiên, các phong trào này bị tiêu diệt không thương tiếc.

Sau thời kỳ Leonid Brezhnev và Yuri Andropov, người dân bớt sợ dần. Âm nhạc jazz và rock tây phương xâm nhập vào Liên Xô và có ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới trẻ. Trong lãnh vực văn học, các tác giả tại Liên Xô trong đó có Yurii Trifonov, nhà văn từng đoạt giải thưởng thưởng Stalin, cũng bắt đầu chuyển hướng sáng tác và đưa các quan tâm xã hội vào tác phẩm. Thập niên 1970 đánh dấu sự phục hưng của tôn giáo tai Liên Xô khi người dân bày tỏ sự quan tâm nhiều hơn vào các giá trị văn hóa và truyền thống của các dân tộc trong khối Liên Xô. Tất cả dọn đường cho cách mạng dân chủ đang cháy ngầm tại Liên Xô.

Tháng Giêng 1987,  Gorbachev  nhận thức con đường duy nhất để duy trì chế độ là phải thực hiện cấp bách các cải tổ kinh tế (Perestroika) và cởi mở văn hóa chính trị (glasnost). Tuy nhiên vào thời điểm đó, phần thắng trong cuộc chiến “ai sợ ai” đã nghiêng hẳn về phía người dân. Người dân ngày càng ít sợ đảng CS Liên Xô trong lúc lãnh đạo Liên Xô ngày càng sợ người dân.

Trận chiến “ai sợ ai” cuối cùng diễn ra vào sáng ngày 19 tháng 8, 1991 khi Boris Yelstin,  khoa học gia Mikhail Arutyunov và nhiều người khác hiên ngang trực diện với chế độ CS và cũng là khi chỉ huy trưởng đoàn tăng Sergey Yevdokimov quyết định không bắn vào dân.  Mặc dù còn hơn ba tháng Mikhail  Gorbachev mới chính thức từ chức nhưng hôm đó đã là ngày quyết định số phận của cơ chế độc tài. 
  

Tại Trung Cộng

Mao là một trong số ít đồ tể hàng đầu của nhân loại nhưng chính y đã nhận ra sự phản kháng của xã hội không thể nào ngăn chặn được và gọi đó là “Diễn biến hòa bình”. Thật ra nếu gọi cho đúng đó là chuyển hóa xã hội dân chủ. Tháng Giêng 1964, Mao thừa nhận “Chính sách xâm lược và chiến tranh của chủ nghĩa đế quốc Mỹ đe dọa một cách trầm trọng đến Liên bang Xô Viết, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Hơn nữa, nó đang mãnh liệt tìm cách đẩy mạnh chính sách “diễn biến hòa bình” tại các nước xã hội chủ nghĩa nhằm mục đích tái lập chủ nghĩa tư bản và làm tan rã phe xã hội chủ nghĩa”.

Cuộc chiến “ai sợ ai” tại Trung Công đã diễn ra khốc liệt. Theo sử gia Frank Dikötter  ước tính khoảng 45 triệu người đã chết dưới chế độ CS.

Sau trận chiến “ai sợ ai” đẫm máu tại Thiên An Môn vào tháng Sáu năm 1989, lãnh đạo Trung Cộng càng sợ dân hơn và áp dụng một chính sách trấn áp song song với hệ thống tuyên truyền tẩy não vô cùng chi tiết, tinh vi.

Sau Mao,  Đặng Tiểu Bình cũng biết “diễn biến hòa bình” là điều không tránh khỏi và chủ trương chống lại bằng cách “chủ động tự diễn biến” qua các chính sách đổi mới kinh tế.  Ngoài ra, các lãnh đạo Trung Cộng dành một ngân sách khổng lồ để đánh bóng hình ảnh “Đại Hán” thâm độc trong nhận thức của người dân Trung Quốc.
  

Tại Việt Nam

Riêng tại Việt Nam, theo tổng kết của sử gia Steven Rosefielde khoảng 200 ngàn đến 900 ngàn người Việt bị CS giết trong thời kỳ thiết lập chế độ CS tại miền Bắc năm 1954.  Tuy nhiên không phải vì thế mà cuộc chiến “ai sợ ai” tại Việt Nam dừng lại.

Điển hình nhất là cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu. Theo nhiều tài liệu, đầu tháng 11, 1956 nhân dân Huyện Quỳnh Lưu và nhiều nơi khác thuộc tỉnh Nghệ An lên đến vài chục ngàn, đã họp nhau tố giác các điểm sai lầm trong cải cách ruộng đất, đòi lại tài sản bị cưỡng đoạt và đòi quyền được di cư vào miền Nam theo tinh thần của Hiệp định Genève. Các đại hội nông dân đã bị lãnh đạo CS huy động quân chủ lực đến đàn áp và cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu bị dập tắt trong máu.

Nhà báo Bùi Tín nhận xét về biến cố Quỳnh Lưu trên RFA:“Bi kịch Quỳnh Lưu ở Nghệ An có liên quan đến một số đồng bào Công giáo. Nhiều đồng bào, sau khi có thắng lợi Điện Biên Phủ, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, thì đã tìm cách vào Nam. Lúc bấy giờ CS huy động quân đội, công an ngăn chận, không cho bà con kéo vào Nam, gây chết chóc nhiều quá sau khi xảy ra cảnh đẫm máu cải cách ruộng đất. Việc người dân chống đối chính quyền là do người ta chết nhiều quá, bị tù nhiều quá sau sự sai lầm cải cách ruộng đất. Tình trạng đàn áp chồng chất như vậy khiến nhân dân đồng loạt nổi dậy.”

Từ 1975 trên phạm vi cả nước, sức đề kháng của người dân bị trị vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thức và trong mọi lãnh vực.

Sau khi hệ thống CS Châu Âu sụp đổ đầu thập niên 1990, để tồn tại, về mặt kinh tế,  hàng loạt các biện pháp “đổi mới” đã được lãnh đạo đảng thực thi bên cạnh những “cởi trói” trong văn hóa, văn nghệ. Nhà tù luôn có thêm tù nhân mới nhưng ánh sáng văn minh thời đại cũng đã tràn vào qua những khe hở nhỏ. Nhiều tiếng nói khác đã bắt đầu được gióng lên, các mạng lưới dân chủ được nối kết, các phong trào xã hội được hình thành.

Hiện nay, lãnh đạo CSVN chỉ còn biết dựa vào tầng lớp bồi bút để bênh vực phần lý luận, dựa bộ máy quân đội, công an để trấn áp đồng bào. Thế nhưng đừng quên, đảng Cộng sản Liên Xô từng có cả một viện hàn lâm chuyên tập trung nghiên cứu lý luận Cộng Sản, Đông Đức có những binh đoàn được trang bị vũ khí hiện đại và kỹ thuật của cơ quan Bảo vệ Nhà nước trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản Hungary chắc tinh vi hơn các cơ quan an ninh Việt Nam, nhưng tất cả đều không cứu được đảng CS.

Việc Thủ tướng CS Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng xin lỗi vì đã chạy xe vào Phố Cổ Hội An cấm chạy xe mới đây là một bằng chứng. Lãnh đạo CS thành thật với dân hơn? Không phải, nhưng rõ ràng họ biết sợ sức phản kháng của người dân hơn. Vai trò quyết định trong trận chiến “ai sợ ai” ngày nay không chỉ tùy thuộc vào giới lãnh đạo CS mà thôi như 41 năm trước.

Sự kiện nhiều chục ngàn dân liên tục xuống đường của đồng bào Hà Tỉnh và nhiều nơi ở miền Trung chống công ty Formosa gây ô nhiễm đang làm đầy ly nước bất bình công phẫn của các tầng lớp nhân dân đối với chế độ.

Lãnh đạo CSVN, thay vì đàn áp đẫm máu như họ đã làm để dập tắt cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu, Nghệ An tháng 11 năm 1956, họ chọn lui vào thế thủ bằng cách im lặng và ra lệnh cho mấy trăm tờ báo, các hệ thống truyền thanh, truyền hình im lặng.

Nhưng lãnh đạo đảng im lặng được bao lâu và nếu không im lặng họ sẽ làm gì?

Chắc chắn lãnh đạo đảng không muốn tự đào huyệt chôn mình bằng một Quỳnh Lưu đẫm máu khác nhưng cũng không có nhiều chọn lựa dành cho đảng ngoài việc chờ cơn phẫn nộ của nhân dân lắng xuống và tìm cách thỏa hiệp riêng với các thành phần trong phong trào. Đây là thời điểm thách thức của lòng yêu nước và thái độ dứt khoát không phải chỉ nơi các lãnh đạo phong trào mà cả các tầng lớp nhân dân muốn đi cùng dân tộc và thời đại. Yêu nước không bao giờ quá trễ.

Không thể biết trước là đặc tính huyền bí của cách mạng dân chủ. Mohamed Bouazizi ở phố Sidi Bouzid của Tunisia không phải là người đầu tiên bị công an đánh đập và cũng không phải người duy nhất bị tịch thu chiếc xe bán rau cải nhưng anh là giọt nước đã làm tràn ly cách mạng Hoa Lài.  Giọt nước nào sẽ tràn ly cho cách mạng dân chủ tại Việt Nam không ai có thể nói trước nhưng chắc chắn giọt nước đang được rót xuống ở  một nơi nào đó trên quê hương đã quá nhiều đau khổ.

Cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu và phong trào chống Formosa tại Kỳ Anh cách nhau tròn 60 năm. Đó một chặng đường lịch sử đầy hy sinh, xương máu nhưng chỉ vì một mục đích tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. 

Hôm nay, tự do, dân chủ không còn là một ước mơ mà là một hiện thực trong tầm tay với.  Mỗi người Việt Nam, bên cạnh những khó khăn phải chịu đựng, thử thách đang phải đương đầu, sẽ cảm thấy vinh dự vì được sinh ra và lớn lên trong một thời đại mà những đóng góp, những hy sinh của mỗi người sẽ góp phần làm thay đổi một cách căn bản hướng đi đích thực của dân tộc hôm nay và mai sau.

 

Trần Trung Đạo

 

 



..

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lý do ông Thưởng, ngôi sao sáng mới 54 tuổi bị thanh trừng không được công khai. Tuy nhiên, theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, thì ông Võ Văn Thưởng “đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm...
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.